“Top Gun: Maverick” và những câu chuyện hậu trường gây choáng
Lifestyle

“Top Gun: Maverick” và những câu chuyện hậu trường gây choáng

Sau nhiều lần hoãn chiếu, bộ phim để đời của nam tài tử Tom Cruise – “Top Gun: Maverick” (Phi công siêu đẳng) đã chính thức được công chiếu trên các phòng vé Bắc Mỹ từ ngày 27/5/2022. Sau gần 40 năm kể từ lần đầu tiên thương hiệu Top Gun xuất hiện và đưa Tom Cruise trở thành sao, phần mới “Maverick” không chỉ đưa câu chuyện năm xưa lên một tầm cao mới, mà bên cạnh đó cũng hé lộ nhiều bí mật hậu trường gây choáng.

“Top Gun: Maverick” là tác phẩm có doanh thu phòng vé trong tuần đầu tiên cao nhất so với bất kỳ bộ phim nào của Tom Cruise từ trước đến nay, khoảng 160.5 triệu đô la Mỹ và 124 triệu đô la trên các phòng vé quốc tế khác (không bao gồm Nga và Trung Quốc). Doanh thu 284.5 triệu đô này vượt xa những dự đoán lạc quan nhất của các nhà phê bình phim Hollywood với con số 180 triệu đô. Phim xoay quanh nhiệm vụ giải cứu thế giới của Pete “Maverick” Mitchell và tất nhiên là không thể thiếu những pha hành động không thể thật hơn đến từ Tom Cruise. Các cảnh không chiến, những màn rượt đuổi khốc liệt hơn bản năm 1986 rất nhiều.

Với tất cả những chất liệu từ nội dung đến dàn diễn viên và DNA sẵn có của thương hiệu lâu đời, nói không ngoa thì “Top Gun: Maverick” hoàn toàn có thể trở thành cơn bão phòng vé trong năm nay. Tom Cruise trở lại buồng láy phi công sau hàng chục năm và vẫn khiến hàng triệu người xem vỡ òa, vừa nhớ lại chàng thanh niên điển trai ngày nào vừa xúc động khi được chứng kiến hành trình trưởng thành của cậu ấy. Một số “fan” cứng của thương hiệu này còn nhận xét rằng đây là bộ phim hay nhất của nam tài tử. Quả thực, nếu “Top Gun” năm 1986 đã tạo nên một bước đệm vững chắc cho Tom Cruise thì “Maverick” năm 2022 đã biến cái tên Tom Cruise trở nên bất tử cùng với loạt phim.

Đã 36 năm kể từ khi bộ phim đầu tiên công chiếu

“Top Gun” ra rạp lần đầu vào năm 1986 và Tom Cruise ở độ tuổi ngoài 20 khi đảm nhận vai diễn Maverick. Giờ đây, nam diễn viên đã bước sang tuổi 59 tuổi, và anh đóng vai trò rất quan trọng trong việc dẫn các tân binh để không tạo ra khoảng cách quá lớn giữa phần phim đầu tiên và phần tiếp theo. “Top Gun” cũng là một trong những loạt phim có khoảng cách giữa các phim dài nhất, đứng thứ hai sau “Bambi”, phim mất 64 năm để có phần tiếp theo. Đã 36 năm kể từ khi bản gốc “Top Gun” được phát hành. Điều đó có nghĩa là “Top Gun: Maverick” đã thành công thu hút thành công một nhóm khán giả trẻ tuổi không có cùng mối liên hệ tình cảm với Maverick như cha mẹ hoặc ông bà của họ.

Iceman đã trở lại

Diễn viên duy nhất ngoài Tom Cruise thể hiện lại vai diễn của họ trong “Top Gun” là Val Kilmer trong vai Iceman – đối thủ, kẻ thù không đội trời chung của nam diễn viên trong bản 1986. Trong phần phim này, Iceman đã yêu cầu Maverick lãnh đạo đội ngũ phi công đầy hứa hẹn mới của Hải quân. Sự xuất hiện của Val Kilmer được biết cũng là một trong những sự mong đợi của Tom Cruise. “Top Gun: Maverick” được quay sau khi Kilmer khỏi bệnh ung thư vòm họng. Giọng nói của ông đã được tái tạo cho phần tiếp theo bằng cách sử dụng các bản ghi âm giọng nói hiện có của nam diễn viên.

Những cảnh quay buồng lái của Tom Cruise và dàn diễn viên đều là thực

Trong bộ phim gốc, các diễn viên được quay trong buồng lái của F-14 Tomcat, nhưng chỉ Tom Cruise có cảnh quay có thể sử dụng được vì các diễn viên khác phải vật lộn với bối cảnh đó. Nhưng lần này, nhờ được đào tạo trong nhiều tháng, các diễn viên giờ đã có thể quay phim trong buồng lái của những chiếc máy bay phản lực F-18 đang bay. Một chiếc F-18 có giá hơn 75 triệu USD. Việc sử dụng các máy bay phản lực F-18, mà một số người gọi là các ngôi sao thực sự của bộ phim, khiến các nhà sản xuất tiêu tốn 11.000 đô la mỗi giờ. Bên cạnh đó, Tom Cruise cũng lái một số máy bay của riêng mình, bao gồm một chiếc P-51 Mustang thời Thế chiến thứ hai và một chiếc HondaJet.

Thuyết phục Tom Cruise trở lại “Top Gun” không hề dễ dàng

Tom Cruise luôn là lựa chọn hàng đầu và thậm chí là duy nhất của nhà sản xuất để đóng vai Maverick, nhưng thuyết phục anh trở lại không hề dễ dàng. Nhưng khi Tom Cruise được dẫn đi tham quan và thực hiện đủ loại pha nguy hiểm trên một chiếc F-14 tại Cơ sở Hàng không Hải quân ở California, anh mới thật sự có cảm giác rằng mình nhất định phải tham gia bộ phim. Tất cả các cảnh quay cùng máy bay của Tom Cruise đều là cảnh quay thật, không hề có sự can thiệp của CGI hay được quay trên phông xanh. Đây cũng là một thông điệp ngầm của các nhà sản xuất “Top Gun” rằng một phi công như thế nào mới đủ tiêu chuẩn bước vào buồng lái của “Top Gun”.

Dàn diễn viên nếm trải trải nghiệm huấn luyện khắc nghiệt

Không chỉ là ngôi sao của “Top Gun: Maverick”, Tom Cruise còn là một nhà sản xuất có cam kết mãnh liệt với chủ nghĩa hiện thực bằng cách đảm bảo dàn diễn viên đều được trải nghiệm khóa huấn luyện Hải quân thực tế. Trước khi lên máy bay phản lực, mọi người đều phải vượt qua khóa huấn luyện Sinh tồn khắc nghiệt của Hàng không Hải quân ở San Diego và phải nằm lòng tất cả các bài học nếu muốn lao ra đại dương.

Phim được quay trên một tàu sân bay thực tế của Hải quân

Đây là điều không quá bất ngờ vì Hải quân Hoa Kỳ khẳng định bộ phim gốc đã truyền cảm hứng tuyệt vời cho các thế hệ phi công và là công cụ tuyển dụng tuyệt vời nhất từ trước đến nay. Tất nhiên, khi đang quay phim ở giữa đại dương, thì không dễ dàng để đưa các diễn viên trở lại đất liền mỗi đêm và họ buộc phải nghỉ ngơi trên tàu. Các diễn viên cho biết đây là một trải nghiệm đáng nhớ, họ gần như không thể ngủ mỗi đêm vì thường xuyên nghe thấy tiếng nổ của nhiên liệu phản lực và máy móc va chạm vào boong. Mọi thứ trên tàu đều đang rung chuyển.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article