Tổng thống Donald Trump và bức tranh ngành công nghiệp xe điện tương lai
BusinessCar

Tổng thống Donald Trump và bức tranh ngành công nghiệp xe điện tương lai

Trước và trong suốt chiến dịch tranh cử, Tổng thống Donald Trump không ngừng bày tỏ sự hoài nghi về sự phát triển của ngành công nghiệp xe điện và các chính thúc đẩy. Ông từng cam kết sẽ loại bỏ những quy định hỗ trợ xe điện ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, bởi cho rằng sự phát triển quá nhanh của xe điện có thể gây hại cho ngành ô tô truyền thống tại Mỹ, trong khi mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc và Mexico.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng Trump sẽ không loại bỏ hoàn toàn xe điện mà chỉ điều chỉnh lại các chính sách để cân đối giữa xu thế điện khí hóa toàn cầu cũng như bảo toàn được lợi ích cho ngành ô tô “sân nhà”. Cụ thể rằng, mặc dù Tổng thống Donald Trump tỏ ra không mấy ủng hộ xe điện, nhưng ông lại duy trì một mối quan hệ hợp tác chiến lược với tỷ phú Elon Musk – CEO của hãng xe điện hàng đầu thế giới Tesla. Chính mối quan hệ này là điểm mấu chốt để các chuyên gia, trong đó có David Rubenstein (đồng sáng lập Carlyle Group Inc. – công ty đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ hoạt động trong lĩnh vực vốn tư nhân, quản lý tài sản và dịch vụ tài chính), nhận định về khả năng hướng đến một chính sách linh hoạt hơn trong đường lối lãnh đạo của chính quyền Tổng thống Donald Trump – không hoàn toàn phủ nhận xe điện mà vẫn tìm cách hợp tác với những “ông lớn” trong ngành như Tesla. Chính vì vậy, dưới thời của Trump, ngành xe điện tại Mỹ không chỉ đối mặt với thử thách mà còn có thể trải qua những thay đổi mang tính chiến lược.

Ảnh: Doug Mills/The New York Times

Bên cạnh đó, Tổng thống Donald Trump sẽ gặp phải không ít khó khăn nếu muốn thực hiện ngay lập tức các biện pháp hủy bỏ, do các quy định liên quan đến khí hậu đã được ghi nhận trong luật liên bang. Ví dụ, việc bãi bỏ các tín dụng thuế cho xe điện sẽ cần sự hỗ trợ của Quốc hội, một quá trình không hề đơn giản. Mặt khác, việc thay đổi chính sách trong cơ sở hạ tầng và các ưu đãi tài chính cho xe điện có thể ảnh hưởng sâu rộng đến ngành công nghiệp ô tô. Một trong những thay đổi đáng mà ông Donald Trump có thể thực hiện là việc cắt giảm các khoản ngân sách chưa sử dụng từ Đạo luật Giảm Lạm Phát (IRA), bao gồm các ưu đãi dành  ngành sản xuất xe điện. Các khoản tín dụng thuế giúp người tiêu dùng tiết kiệm tới 7.500 USD khi mua xe điện này có thể bị loại bỏ, khiến xe điện trở nên kém khả thi đối với một bộ phận người tiêu dùng, làm giảm đà tăng trưởng của thị trường này.

Ngoài các thay đổi về ưu đãi tài chính, hạ tầng sạc thuộc chương trình Mạng Lưới Sạc Xe Điện Quốc Gia (NEVI) cũng có thể bị ảnh hưởng dưới thời Chính quyền Trump.  Nhưng như đã nói, Tesla là một trong những bên hưởng lợi không nhỏ từ quỹ NEVI nên thay vì hủy bỏ thì chuyến giải quyết sẽ là hạn chế. Việc này sẽ làm chậm lại quá trình chuyển đổi sang xe điện, nhất là khi các nhà sản xuất ô tô đang đặt cược vào sự phát triển của hạ tầng sạc để thúc đẩy doanh số.

Ảnh: Hugo Herrera / The Verge

Chưa dừng lại ở đó, Tổng thống Donald Trump có thể thay đổi các tiêu chuẩn khí thải được đưa ra dưới thời chính quyền Biden, cụ thể như kéo dài thời gian chuyển đổi điện khí hóa. Điều này sẽ làm giảm áp lực đối với các nhà sản xuất ô tô truyền thống, với các dây chuyền sản xuất động cơ đốt trong, trong việc phát triển và chuyển đổi sang các phương tiện ít phát thải hơn.

Đặc biệt, một kịch bản mà nhiều người tin rằng sẽ xảy ra chính là Tổng thống Donald Trump sẽ điều chỉnh tăng mức thuế quan, dẫn đến việc gia tăng chi phí của xe ô tô nhập khẩu, từ đó tạo lợi thế cho các nhà sản xuất trong nước như Ford và General Motors. Tuy nhiên, các công ty ô tô nước ngoài như BMW, Mercedes-Benz và các công ty xe từ Trung Quốc sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn, điều này có thể tạo ra sự chuyển dịch lớn trong thị trường ô tô tại Mỹ.

Những chính sách về xe điện của Tổng thống Donald Trump cũng sẽ có lợi cho các công ty đang không thực sự chuyển hướng thuần điện như Toyota. Hãng xe Nhật Bản sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn bởi họ không quá tập trung vào việc chuyển dịch theo hướng điện khí hóa, thay vào đó là ưu tiên chuyển dịch chậm rãi và mục tiêu trước mắt là các dòng xe hybrid. Ngược lại, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực xe điện như Rivian và Lucid Group có thể gặp khó khăn nếu các khoản trợ cấp và ưu đãi tài chính bị cắt giảm. Những công ty này đang phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chính phủ để duy trì hoạt động, và việc giảm bớt các ưu đãi sẽ tác động tiêu cực đến khả năng thu hút người tiêu dùng và giữ vững tính khả thi tài chính. Họ sẽ phải tìm cách thích nghi hoặc sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì sức cạnh tranh với các ông lớn trong ngành ô tô.

Ảnh: Madeline Monroe/Getty Images/Adobe Stock

Một trường hợp đặc biệt là Tesla, đồng minh lớn của Trump, sẽ tiếp tục duy trì vị thế mạnh mẽ trong ngành xe điện. Với quy mô và khả năng mở rộng hiệu quả từ vị thế của người tiên phong và tiềm lực mạnh mẽ, Tesla sẽ vẫn có thể phát triển mặc cho sự suy giảm của các ưu đãi. Có thể Tesla sẽ tiếp tục mở rộng và làm chủ thị trường xe điện qua những sản phẩm phổ thông giá rẻ trong những năm tới.

Mặc dù những thay đổi chính sách dưới thời Trump sẽ tạo ra những cơ hội và thách thức mới cho ngành công nghiệp ô tô, các nhà lãnh đạo trong ngành tin rằng các khoản đầu tư dài hạn vào xe điện sẽ không bị đảo ngược hoàn toàn. David Christ – Phó Chủ tịch Toyota Bắc Mỹ – chia sẻ rằng ông không thấy quá lo lắng vì mỗi nhiệm kỳ Tổng thống chỉ kéo dài trong 4 năm nên dù có sự chuyển dịch trong chính sách thì toàn cục chiến lược lâu dài của ngành ô tô vẫn sẽ không thay đổi nhiều. Các nhà sản xuất ô tô sẽ tiếp tục điều chỉnh và thích ứng với những biến động chính trị, duy trì sự phát triển bền vững của ngành. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của Đảng Cộng hòa đối với các sáng kiến tạo việc làm trong ngành xe điện tại các bang do đảng này lãnh đạo cho thấy rằng, những cơ hội hợp tác với ngành ô tô sẽ tiếp tục tồn tại, mở ra triển vọng phát triển mới cho ngành xe điện Mỹ dưới nhiệm kỳ 2.0 của Tổng thống Donald Trump.

Ảnh: FT montage/AFP/Costfoto/NurPhoto via Getty Images

Vậy, kịch bản nào sẽ diễn ra cho ngành công nghiệp xe điện của nước Mỹ nói riêng và ảnh hưởng toàn cầu nói chung, liệu có đúng như những gì các chuyên gia phân tích và những con người trong ngành dự đoán. Mọi chuyện sẽ dần sáng tỏ từ sau 20/01/2025 – ngày nhậm chức đầu tiên của Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ – Donald Trump.

Bài: Trí Đức
Tham khảo: CNBC, Wired, The Verge
 

Related Article