Toàn cảnh “Đất rừng phương Nam” những ngày qua
Music & FilmLifestyle

Toàn cảnh “Đất rừng phương Nam” những ngày qua

“Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi là một trong những tiểu thuyết kinh điển trong nền văn học Việt Nam. Do đó, khi bản điện ảnh chuyển thể từ sách được công chiếu, nhất là trong thời điểm truyền thông bùng nổ, ắt sẽ nhận về nhiều sự quan tâm và phản ứng từ công chúng. 

“Bản hòa ca” được đầu tư chỉn chu

“Đất rừng phương Nam” – bản điện ảnh của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đang trở thành đề tài được bàn tán với nhiều ý kiến trái chiều. Không quá bất ngờ khi bộ phim thu về hơn 20 tỷ khi chưa đầy một ngày chiếu sớm bởi sự đầu tư chỉn chu về tất cả mọi mặt.

Đầu tiên phải nói đến bối cảnh dựng phim được chăm chút vô cùng kỹ lưỡng. Làng mạc, xóm làng, hàng quán, khu chợ,… đều khiến người xem phải trầm trồ vì mức độ đầu tư. Không những vậy, nhiều văn hóa lâu đời ở Nam Bộ như cải lương, bắt rắn, chăn trâu, bắt cá thòi lòi,… cũng được lồng ghép tinh tế. Một bức tranh đặc tả về cảnh vật thiên nhiên và con người miền Tây hiện lên rất rõ nét và mãn nhãn. Vì vậy, có thể nói đây là một trong những bộ phim Việt được đầu tư bối cảnh nhất trong năm nay. 

Cách lựa chọn diễn viên cũng là một điểm cộng cho “Đất rừng phương Nam”. Từ những ngôi sao nhí như Hạo Khang, Bảo Ngọc, Kỳ Phong đến dàn diễn viên là “bảo chứng” của màn ảnh Việt như Trấn Thành, Hứa Vỹ Văn, Hồng Ánh,… đều thể hiện rất tròn vai nên gần như không tồn tại bất cứ lỗ hổng nào về diễn xuất trong “Đất rừng phương Nam”. Bên cạnh đó, phần âm nhạc cũng là yếu tố được đánh giá cao vì đã thành công đẩy cao tinh thần bi tráng của một bộ phim lấy bối cảnh lịch sử.

Tuy nhiên, lời khen luôn đi đôi với chê bai và “Đất rừng phương Nam” cũng không phải là ngoại lệ. Không ít người đang hoài nghi với chất lượng của bộ phim đang thống trị phòng vé này, vì nhiều lý do. 

Bị chỉ trích làm “sai lệch lịch sử”

Trong một bài viết chia sẻ về bộ phim nhận được 3.800 lượt chia sẻ, Tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân cho rằng sự hư cấu trong phim làm “sai lệch lịch sử”. 

“Toàn bộ phim chỉ mang dấu ấn đậm nét của Thiên Địa Hội. Bé An cũng thắp hương bái vào Thiên Địa Hội, học võ theo Thiên Địa Hội, sống theo Thiên Địa Hội. Các đại cảnh toàn là hành động của Thiên Địa Hội. Các nhân vật như anh Tiều (Tiến Luật đóng), Võ Tòng (Mai Tài Phến) và một loạt các nhân vật khác đều là của Thiên Địa Hội, từ giọng nói đến trang phục. Dĩ nhiên là thời kỳ này ở Nam Bộ thì sự cộng cư và hỗn dung văn hóa giữa Việt – Hoa – Khmer là rất rõ” – nguyên văn lời đánh giá của Tiến sĩ Hà Thanh Vân, cũng là quan điểm của nhiều người sau khi xem phim. 

Hội đồng thẩm định, phân loại phim và một số cơ quan, đơn vị chức năng đã tiến hành thẩm định lại bộ phim “Đất rừng phương Nam”. Theo đó, nhà sản xuất sẽ bỏ tên và lời thoại liên quan đến “Thiên Địa hội”, “Nghĩa Hòa đoàn” và thay bằng tên gọi khác không liên quan đến hội nhóm của nước ngoài, cụ thể là “Nam hòa đoàn” và “Chính nghĩa hội”. 

Chưa kể đến, phần trang phục của các nhân vật cũng bị đánh giá là không phù hợp với truyền thống của con người Nam Bộ. 

Nghi hoặc về tạo hình vai diễn

Nhân vật bác Ba Phi do Trấn Thành thủ vai cũng là một chi tiết dấy lên sự tranh cãi. Ở bản truyền hình “Đất phương Nam” năm 1997, nhân vật này do nghệ sĩ Mạc Can thể hiện đã để lại ấn tượng quá sâu sắc cho công chúng. Do đó, đây là một thách thức lớn đối với diễn viên được giao vai bác Ba Phi trong những phiên bản sau đó. Việc Trấn Thành được đặt lên bàn cân so sánh là điều khó tránh khỏi. 

Trên nguyên tác, bác Ba Phi là người đàn ông trung niên ở độ tuổi ngoài 50, trong khi đó nam diễn viên sinh năm 1987 chưa đầy 40 tuổi. Cách biệt tuổi tác không chỉ khiến tạo hình nhân vật bác Ba Phi của Trấn Thành khó thuyết phục mà còn nghi ngại về kinh nghiệm sống, phong thái mà diễn viên truyền tải qua nhân vật. 

Bối cảnh thiếu chân thực

Nhiều người xem cho rằng màu sắc “Đất rừng phương Nam” thiếu tự nhiên vì tông vàng bị chỉnh hơi quá đà để tạo cảm giác xưa cũ. Một khán giả thẳng thắn bày tỏ: “Ngày xưa mà có cây cầu đẹp đẽ, lại còn có cả gác canh ở trên. Hai bên sông tuy là nhà lá nhưng tươm tất, khang trang, lại có cả lầu cao như những nhà hàng trong khu du lịch sinh thái thời bây giờ”.

Tựu trung, chúng ta không thể phủ nhận sự đầu tư nghiêm túc và chỉn chu từ ekip “Đất rừng phương Nam”. Một bộ phận lớn khán giả vẫn dành lời khen cho bộ phim vì những cảm xúc hào hùng và bi tráng họ cảm được thông qua những thước phim tái hiện lịch sử hào hùng một thời. Phía nhà làm phim cũng rất nghiêm túc tiếp nhận những đóng góp và có phương án sửa đổi phù hợp, do đó, phiên bản “Đất rừng phương Nam” sau khi điều chỉnh có thể vẫn là một tác phẩm đáng để thưởng thức dịp cuối năm. 

Nguồn: Tổng hợp 
 

Related Article