Nếu để liên tưởng về tình yêu, thì có lẽ nó chẳng khác gì cách người ta nhìn lên trời và tưởng tượng một vũ trụ mênh mông nhiều bí ẩn. Tập 2 Kính Lube Series mang đến những khách mời đặc biệt người mẫu chuyển giới Tường Danh và người mẫu phi giới tính Thanh Tín để cùng khám phá những khía cạnh thú vị về tình yêu đa dạng.
Tình yêu đa dạng, đủ kiểu
Đã xa lắm rồi thời chỉ có tình yêu dị tính như một thước đo hay tiêu chuẩn khi nói về tình yêu, với sự đa dạng giới tính và khuynh hướng tình dục. Câu hỏi đặt ra là những lằn ranh định nghĩa ấy có nên được xoá mờ, và nếu vậy, chúng ta nên dựa vào gì đây để nói về sự đa dạng và muôn hình vạn trạng của tình yêu trong đời sống đương đại? Với host Nam Thi cùng hai khách mời thú vị là người mẫu chuyển giới Tường Danh và người mẫu phi giới tính Thanh Tín, đó cũng là một câu hỏi để ngỏ.
Hỏi 10 người, thì chắc chắn sẽ có vài ba người nói với bạn họ không chắc xu hướng tình dục của mình là gì, và cũng chẳng lạ lùng nếu có ai đó chỉ “come out” khi đã có một vài mối tình khác giới. Đây là một sự lúng túng của không chỉ một, mà rất nhiều người, bởi khuynh hướng tình dục cũng là một phần bản thể có người biết chắc chắn và có người cần thời gian để khám phá chính mình. Quá trình ấy, với Thanh Tín, là một quá trình vừa đủ “Trước đây, tôi thường quen con trai và cũng quen cả con gái nữa, nhưng sau này, khi đã định hình được phong cách và cuộc sống của mình, tôi nghĩ tôi thích con trai nhiều hơn.” Thanh Tín thừa nhận trước đó, anh chàng đã cảm thấy mình là gay, vì có tình cảm thiên về những anh chàng khác nhiều hơn, nhưng đến khi anh chàng nhận ra mình vẫn thích một bạn gái nào đó, câu chuyện trở nên phức tạp hơn hẳn.
Và sự phức tạp này không phải chỉ dành riêng cho Thanh Tín, anh chàng Ollie trong TV show nổi tiếng “Made in Chelsea” thậm chí đã bật khóc với sự lúng túng của chính mình khi nhận ra anh chàng hoá ra thích đàn ông hơn phụ nữ (dù trước đó anh chàng còn hẹn hò một cô gái rất xinh đẹp trong khoảng thời gian dài). Có điều, Thanh Tín đã tìm ra cho mình hướng giải quyết khi chọn cách không đóng khung mình vào một xu hướng tình dục, “mọi người có thể coi tôi là bisexual!” Với Tường Danh, đây cũng không phải là câu chuyện xa lạ. “Khi mới bắt đầu biến đổi giới tính, tôi đã trải qua rất nhiều những cung bậc khác nhau, nhưng nó thiên về cách nhìn nhiều hơn. Tôi nhận ra mình chỉ có một cơ thể, nhưng trong đó có hai bản thể, một là những gì xã hội nhìn nhận và tác động đến mình, hai là những gì chính mình nhìn nhận về bản thân.” Tường Danh thừa nhận mình đồng cảm nhiều hơn với người phụ nữ khi trở thành một trong số họ, vì cô trở thành một phần trong xã hội đó, cách nhìn đó, cách suy nghĩ đó… Bản thể với Tường Danh là điều gì đó có thể thay đổi, và tình yêu cũng vì thế thay đổi theo cách không ai có thể lường trước được.
“Một tình yêu phù hợp”
Thanh Tín mang đến một ngôn ngữ diễn tả rất đắt về tình yêu: một tình yêu phù hợp. “Trong quá trình tìm kiếm tình yêu, và khi bước ra khởi giới hạn về ngoại hình, tôi nhận ra mình muốn tìm kiếm một tình yêu đặc biệt phù hợp với mình hơn. Tôi bắt đầu đắn đo đến những yếu tố bên ngoài: để tóc dài và trở thành người mẫu unisex. Cho đến giờ tôi mới có thể cảm thấy chắc chắn rằng những người thích mình họ chẳng bận tâm vẻ ngoài của tôi nên là như thế nào, tóc dài hay tóc ngắn. Họ thực sự thích tôi vì tính cách và lối sống của tôi nhiều hơn.” Đó chẳng phải là chân lý muôn thuở với bất cứ kiểu tình yêu nào hay sao? Rằng một khi đã yêu rồi, chẳng có thứ gì quan trọng, và vẻ ngoài chỉ là một yếu tố hạn hữu, nhưng sự phù hợp về tính cách và lối sống mới có thể mang đến một mối quan hệ bền lâu hơn.
“Tình yêu phù hợp” với Tường Danh gặp phải rất nhiều rào cản từ định kiến xã hội, và thứ cô lo lắng không phải định kiến nữa mà là đối phưong của mình, liệu người đó có khả năng đối mặt và vượt qua những định kiến như vậy không? Tường Danh mang đến một câu hỏi xưa nhưng chẳng bao giờ lỗi thời, và đúng là có rất nhiều cặp đôi nhiều khi chia tay không phải vì hết yêu, mà vì những rào cản vô hình nhưng sắc nhọn từ định kiến. Và định kiến thì ai cũng biết, cứng hơn cả bê tông cốt thép, để thay đổi nó thì cũng chẳng khác gì vá núi rời sông. Với những mối tình ngoài dị tính, định kiến là một trong những yếu tố tác động rất lớn đến mối quan hệ và cách hai người tương tác trong mối quan hệ đó. Để có được tình yêu phù hợp, Tường Danh chọn cách “cho đối phương thời gian để họ có thể tìm hiểu cuộc sống, quan điểm sống và xã hội của mình.”
Suy cho cùng, “ai cũng cần phải tiếp xúc nhiều với một quan niệm mới và xa lạ, để biến nó trở thành điều gì đó quen thuộc gần gũi hơn,” Thanh Tín kết luận. Đó cũng là cách để định kiến dần bị xoá bỏ, dù sớm hay muộn.
Những câu hỏi chẳng nên trả lời
Bởi có hỏi nữa, hỏi mãi, thì cũng chẳng có một lời giải đáp mượt mà trơn tru, và có khi trả lời xong câu 1, sẽ lại có câu số 2,3,4… xuất hiện từ một lời giải đáp đầu tiên. “Ví dụ có cặp đôi này, một người nam chuyển giới thành người nữ và quen một bạn nữ khác chuyển giới thành một người nam, đó có phải tình yêu dị tính không? Hay một ví dụ khác là một bạn nữa chuyển giới thành nam nhưng lại có mối quan hệ với một bạn nam, thì bạn đó có phải gay không?” Những trường hợp này có lẽ cũng là thắc mắc của rất nhiều người. Theo Tường Danh, có hai yếu tố cần đặt ra. Một là họ nên xác định mình là ai, và thứ hai là biết mình muốn gì. Như vậy, chẳng cần những định nghĩa cụ thể để gọi tên mối quan hệ hay định nghĩa về chính mình một khi bản thân đã biết mình là ai trong mối quan hệ và mình muốn gì từ tình yêu. Tường Danh mang đến một góc nhìn không chỉ văn minh mà còn rất cởi mở về tình yêu trong cộng đồng LGBTQ không chỉ ở Việt Nam mà còn ở tất cả mọi nơi trên thế giới.
Hiểu và không hiểu, điều này cũng tuỳ thuộc vào những đối tượng cụ thể trong một cuộc trò chuyện về sự đa dạng của bản dạng giới thiểu số. “Một số người sẽ hiểu mình và một số người thì không, mình đã giải thích với một người đã không hiểu mình và không cởi mở đủ thì dù có nói gì họ cũng không hiểu. Nên thường tôi sẽ dành thời gian và tìm cộng đồng giống mình.” Thanh Tín chia sẻ. Và thậm chí, kể cả khi chính người trong cuộc cũng đang lúng túng muốn tìm ra những câu trả lời cho riêng mình, thứ duy nhất họ có thể dành cho mình là thời gian. Thời gian để hiểu hơn về chính mình. Thời gian để tìm cộng đồng của mình. “Họ sẽ hiểu là ở ngoài kia, có rất nhiều người giống họ, nên họ không cần phải biết luôn. Họ cũng chỉ là người bình thường như bất cứ ai,” Tường Danh chia sẻ thêm.
Lại là một điểm thú vị khác, dù có là tình yêu gì, ở đâu, với ai, thì nhiều người vẫn quên mất một sự thật rằng có một thứ tình yêu khác. Gần gũi nhất nhưng hay bị tảng lờ nhất. Quan trọng nhất nhưng lại dễ bị đánh giá thấp nhất: Tình yêu với chính mình. Và cách một người yêu thương bản thân cũng là cách họ sẽ yêu thương bất cứ ai, trong bất cứ mối quan hệ nào: trân trọng, chấp nhận, rộng mở, chia sẻ.