Tình yêu bình đẳng: Nói thì dễ, làm khó như lên trời!
LifestyleMF TV

Tình yêu bình đẳng: Nói thì dễ, làm khó như lên trời!

Kính Lube đã từng có những bài viết chia sẻ về phân định bình đẳng trong mối quan hệ, từ chuyện ai sẽ là người trả tiền trong buổi hẹn hò đầu tiên, cho đến chuyện ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi “tai nạn” xảy ra. Vậy hai khách mời diễn viên Ngọc Trai cùng CEO ứng dụng hẹn hò Fika Denise Sandquist có quan điểm thế nào với chủ đề này? Tất cả sẽ được giải đáp trong tập 3 Kính Lube Talkshow.

Hoặc đón xem toàn bộ tập 3 về tình yêu bình đẳng tại Facebook và Spotify!

9 người 10 ý

Chưa vội bàn đến một mối quan hệ, hãy chỉ nói về cách nam giới và nữ giới tiếp cận mối quan hệ ở giai đoạn đầu tiên. Host Nam Thi đưa ra một câu hỏi rất thú vị, rằng nam giới có nên là người tán tỉnh trước? Câu hỏi đơn giản, và có lẽ cũng nhiều người có chung quan điểm với Ngọc Trai khi anh cho rằng nam giới tất nhiên nên là người mở lời trước. “ Theo ý kiến cá nhân của tôi, bản tính của nam giới là chinh phục, nên nam giới nên mở lời trước cũng là điều dễ hiểu.” Bản tính ham chinh phục của nam giới không phải bây giờ người ta mới biết, ngay từ thời Hy Lạp cổ đại triết gia Aristotle cũng tin vào điều tương tự, rằng nam giới là những kẻ chiếm lĩnh, còn nữ giới chỉ nên là kẻ phục tùng. Tất nhiên ở thế kỷ 21, quan niệm này đã trở nên quá lạc quẻ, nhưng cảm giác chinh phục và được chinh phục vẫn hiện diện trong những mối quan hệ đời thực.

Nữ CEO Denise tuy nhiện không hoàn toàn đồng tình với điều này. Với một người sinh ra và lớn lên ở Thuỵ Điển như cô, kinh nghiệm túc cận vấn đề bình đẳng từ bước tán tỉnh hẹn hò cũng rất khác so với Ngọc Trai. “Những người bạn nữ của tôi đôi khi gặp những anh chàng rất đẹp trai nhưng lại… hơi lười, không chủ động lắm. Vì thế bạn tôi phải chủ động, vì nếu không thì sẽ chẳng có gì xảy ra.” Nhưng Denise cũng thừa nhận rằng mình vẫn muốn là người được tán tỉnh hơn, dù nếu phải chủ động thì cũng chẳng sao. “Phụ nữ không phải là người chủ động nhất, nhưng Denise ủng hộ những cô gái chủ động. Quan trọng là tìm thấy điều gì đó hợp với bản thân mình và cả hai bên đều cảm thấy thoải mái.” Tuỳ vào hoàn cảnh để bất cứ cá nhân nào cũng có thể tìm thấy cho mình cách nắm bắt phù hợp, vì tán tỉnh hay hò hẹn không đơn thuần chỉ là để đạt mục đích, bản thân nó đã là quá trình tiềm ẩn cả những rủi ro và niềm vui.

Câu hỏi thứ hai nhắc về một chủ đề Kính Lube đã từng đề cập, “Nam giới có nên là người trả tiền cho buổi hẹn hò đầu tiên?” Đây có lẽ là câu hỏi thú vị nhất với rất nhiều người. Cả hai khách mời đều đồng tình rằng nam giới nên là người trả tiền, để anh ta có thể trở thành một quý ông. Denise từng có kinh nghiệm mỗi buổi hẹn hò đều chia đều cho cả hai, nhưng rồi cô nhận ra cũng không cần thiết phải sòng phẳng như vậy ở buổi hẹn hò đầu tiên, nếu như anh chàng kia đã mở lời muốn trả tiền. Với hai khách mời là vậy, nhưng nếu hỏi xung quanh bạn, nhiều anh chàng sẽ nói rằng họ sẵn sàng trả tiền cho buổi hẹn hò đầu tiên miễn là cô gái kia cũng ngỏ ý muốn trả tiền ít nhất là phần của mình. Bởi không nói gì là mặc định rằng đối phương nên là người trả tiền, rằng thời gian của họ quý báu hơn của đối phương, và như vậy bữa ăn cũng chẳng khác gì một mức tình phí trao trả cho thời gian họ bỏ ra. Ai trả tiền cho buổi hẹn hò đầu tiên chưa bao giờ là điều đơn giản, nó thể hiện rất nhiều về cách một người nhìn nhận chính mình và nhìn nhận mối quan hệ.

Và điều này cũng sẽ dẫn đến câu hỏi cuối cùng của host Nam Thi: “Người phụ nữ không nên hôn hay quan hệ trong buổi hẹn hò đầu tiên.” Tính đánh giá của câu hỏi này liệu chỉ xuất phát từ văn hoá truyền thống và cổ hủ, hay đây là câu chuyện chung ở rất nhiều những quốc gia khác? “Tôi nghĩ rằng không quan trọng nếu đó là đàn ông hay phụ nữ một khi hay họ muốn, vì đó là tự do cá nhân.” Sự đánh giá của một văn hoá là yếu tố được nhiều người cân nhắc, nhưng không nên là yếu tố chính gây cản trở những mối quan hệ, một khi người trong cuộc biết mình muốn gì và muốn làm gì.

Có hay không một tình yêu bình đẳng?

Từ chuyện người đàn ông chỉ nên hẹn hò khi đã có tiền để “chu cấp” hay nam giới không nên khóc hay tỏ ra yếu đuối… tất cả những định kiến về giới tính được host Nam Thi nhắc đến đều không phải là chuyện mới. Ở đâu cũng có những định kiến, nhưng định kiến về vai trò giới dường như là thứ luật bất thành văn đầy tinh vi. Ngọc Trai cho rằng đàn ông cần khóc, nhưng đừng nên khóc trước mặt người phụ nữ của mình, miễn người phụ nữ đó hiểu được, và điều này thậm chí có thể giúp gắn kết mối quan hệ để trở nên bền chặt hơn. Nhưng Ngọc Trai vẫn tin rằng đàn ông rất sợ bị thương hại. Sự nguy hiểm của định kiến nằm ở việc nó khiến cho cả đàn ông và phụ nữ đều tin vào những quy chuẩn mặc định về bản tính giới, phụ nữ phải hành xử thế này và đàn ông phải hành xử thế nọ, nếu không họ chẳng phải một hình mẫu chân chính, một “the one” đích thực.

Những phong trào nữ quyền đúng đắn khẳng định sự bình đẳng chỉ đến khi không có một định kiến giới nào tồn tại, ai cũng có thể thể hiện cảm xúc, giãi bày tâm trạng. Đàn ông cũng có thể là phe nhạy cảm hơn và phụ nữ hoàn toàn có thể đóng vai trò cứng rắn mạnh mẽ hơn trong mối quan hệ. Denise đồng tình với điều này. Với một cô gái tự nhận mình “không quá nhạy cảm”, Denise nhận ra mình càng ngày càng thích những người nhạy cảm hơn mình để mối quan hệ được cân bằng, vì nếu không “hai người sẽ giống robot”. Đàn ông khi có thể khóc cũng là lúc họ rũ bỏ định kiến áp đặt vào chính mình.

Nhưng cái gì nhiều quá cũng không tốt. Thể hiện cảm xúc liên tục cũng không tốt, mà phụ nữ lúc nào cũng chỉ chăm chăm đến ngoại hình vì một người khác cũng không phải một chân lý. “Tôi không nghĩ phụ nữ hay đàn ông phải thế này hay thế nọ,” Denise chia sẻ. Về cơ bản, “phải” gắn họ với những quy luật, không làm theo thì bạn trái luật, và bạn sẽ bị trừng phạt. Nhưng trên thực tế chẳng có thứ luật lệ nào như vậy, bạn cũng sẽ chẳng bị trừng phạt và nếu bạn không muốn làm điều gì đó chỉ vì bản thân không cảm thấy thoải mái, sẽ chẳng nên có ai lên án hay đánh giá bạn dù đó có là người bạn đang hẹn hò đi chăng nữa.

Vậy, có một tình yêu bình đẳng tồn tại trên đời hay không? Với một số người, đó là cảm giác bình quyền trong một mối quan hệ khi cả hai thoả hiệp với những gì đối phưong có và không có, mặt yếu và mặt mạnh. Chìa khoá cho tất cả suy cho cùng cũng nằm ở phương cách con người giao tiếp từ trước đến nay: trò chuyện, đối thoại, cởi mở và chân thành. Ở bất cứ tình huống nào, trước, trong và cả sau mối quan hệ, giao tiếp vẫn luôn là công cụ tốt nhất có thể để bất cứ ai tìm thấy đồng điệu và sự cân bằng trong tương quan với đối phương.

Bài: Vân Anh
Ảnh: Phát Nguyễn
 

Related Article