Tiến trình nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XX: Một thế kỷ rực rỡ!
LifestyleArts & CultureFeature

Tiến trình nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XX: Một thế kỷ rực rỡ!

Nhắc đến thế kỷ XX, ta nhắc đến sự thay đổi gần như toàn diện cấu trúc xã hội Việt Nam từ mô hình làng sang đô thị hiện đại kiểu phương Tây. Từ đó dẫn tới sự mở màn của hàng loạt các cột mốc nghệ thuật ở đa lĩnh vực.

Cuộc thay đổi cấu trúc không gian, từ mô hình làng sang đúng chất đô thị châu Âu hiện đại tại các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, Sài Gòn…đã nảy sinh ra một lớp thị dân kiểu mới. Họ là những người đứng giữa cuộc giao thoa văn hoá cổ điển phương Đông và văn hoá hiện đại phương Tây, mang trong mình tinh thần Việt nhưng tri thức và cảm quan Pháp có phần trội hơn trong cách nghĩ, lối sống. Ở đây, ta có một cuộc biến chuyển, từ không gian địa lý, tới không gian văn hoá, rồi đến không gian thẩm mỹ như cơn gió tràn về, len khắp ngõ phố thực hiện công cuộc chuyển mùa. Khi thẩm mỹ xã hội thay đổi, nhu cầu thoả mãn thẩm mỹ đó cần phương thức để người nghệ sĩ có thể bày tỏ, còn công chúng có hiện vật thưởng thức. Ở thời kỳ này, bộ ba lĩnh vực tiền phong Văn Học – Mỹ Thuật – Âm Nhạc đều có những bước ngoặt to lớn, định hình cho nền nghệ thuật Việt Nam tới ngày hôm nay.

Trong số tháng 3/2022 của Men’s Folio Vietnam, chúng tôi lựa chọn chủ đề mang tên “Future Nostalgia” – “Hoài niệm cho tương lai”, người viết muốn cùng độc giả nhìn về một thời giao thoa rất kỳ lạ, mà có lẽ lịch sử lựa chọn Việt Nam là mảnh đất thực hiện cuộc hỗn dung đặc biệt này. Trong khuôn khổ giới hạn của bài viết, tác giả không có tham vọng lật lại toàn bộ bối cảnh một cách học thuật, mà muốn tái hiện một tiến trình để người đọc có thể thấy được sự chuyển động thẩm mỹ của một thời đại nghệ thuật vàng son.

Trước 1932: Sự chuyển đổi của không gian

Không phải đợi cho tới khi người Pháp xuất hiện thì Việt Nam mới có đô thị. Đô thị xứng là đô thị đầu tiên của nước ta là Thăng Long – Hà Nội. Tuy nhiên, chất “đô” – tính hành chính luôn luôn lấn át chất “thị” – tính thương mại, dù cho đất Kẻ Chợ với 36 phố hàng vẫn luôn là biểu tượng giao thương sầm uất bậc nhất cả nước. Ấy là chưa kể, cấu trúc làng xã ở Thăng Long vẫn còn được giữ nguyên cho tới khi người Pháp đánh vào thành Hà Nội. Khu 36 phố trước đây, ở mỗi con phố, đều có cổng làng và đình thờ tổ nghề riêng biệt (còn tồn tại đến hôm nay). Qua đó, ta có thể thấy văn hoá nông thôn vẫn rất đặc trưng ngay tại vùng đất kinh kỳ của quốc gia.

Cho tới năm 1902, Hà Nội chính thức trở thành thủ đô Liên bang Đông Dương, người Pháp cấu trúc lại toàn bộ không gian Hà Nội sang kiểu đô thị hiện đại phương Tây, quyết tâm biến Hà Nội trở thành một “tiểu Paris Đông Dương”: Phá bỏ mô hình làng xã, đắp đất xây đường, quy hoạch khu nông nghiệp (về phía Tây, Nam) và khu công nghiệp, thương mại (phía Đông). Hàng loạt các công trình kiến trúc như khu hành chính, trường học, bệnh viện, nhà máy, rạp phim, khách sạn…xuất hiện ồ ạt mang đến diện mạo hoàn toàn mới cho đô thị Hà Nội. Khi không gian địa lý thay đổi, không gian văn hoá cũng thay đổi, để từ đó, không gian thẩm mỹ với lối cảm Đông – Tây kết hợp tạo nên một thời kỳ Âu hoá rất đặc biệt. Ngay lập tức ở thời điểm đó, một tầng lớp thị dân mới ra đời mang đến một làn gió về tri thức và sáng tạo nghệ thuật, khẳng định vị thế trung tâm văn hoá quốc gia.

Còn ở Sài Gòn, vùng đất “trẻ” này dường như được lịch sử lựa chọn trở thành nơi năng động nhất Việt Nam. Ngay từ thời chúa Nguyễn, chính sách kinh tế xã hội “thoáng” cùng sự khuyến khích khai khẩn, chiếm hữu ruộng đất mà Sài Gòn – Gia Định nhanh chóng trở thành thành thị lớn mạnh.

Cho đến thời Pháp thuộc, trước khi Pháp đặt quyền bảo hộ lên toàn cõi Việt Nam thì ba tỉnh miền Đông Nam Bộ (trong đó có Sài Gòn) là khu vực Pháp chiếm đóng đầu tiên năm 1859. Vì thế là cuộc quy hoạch cấu trúc xã hội tại nơi đây diễn ra đầu tiên và vô cùng nhanh chóng với vị trí địa lý nằm sát biển, thuận lợi cho giao thương, giao lưu tiếp biến văn hoá…Dưới thời Pháp, Sài Gòn là đô thị thương cảng nổi tiếng Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Bên cạnh đó, sự thay đổi dễ dàng của Sài Gòn còn nằm ở tính đa dạng văn hoá, bởi nơi đây vốn là vùng đất đa sắc tộc (Việt, Hoa, Khmer, Chăm…), bản thân mô hình làng xã kiểu truyền thống người Việt không ăn sâu như Bắc bộ, thành ra tốc độ đô thị hoá phương Tây diễn ra gọn gàng hơn bao giờ hết. Ngay cả khi Pháp lựa chọn Hà Nội là thủ đô Liên bang Đông Dương thì Sài Gòn vẫn luôn là đô thị kinh tế bậc nhất vùng Viễn Đông. Với sự đi đầu về thương mại kinh tế, không lý nào Sài Gòn không là vùng đất tiên phong đa lĩnh vực, đặc biệt là văn hoá nghệ thuật.

Thời kỳ 1932 – 1945: Những cột mốc được đóng xuống

Đây được coi là thời kỳ huy hoàng bậc nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam, khi ở tất các lĩnh vực cao nhất đều bước sang một thời đại mới, mà dù đã gần 100 năm trôi qua nhưng ảnh hưởng và quang huy của nó vẫn còn rực rỡ tới tận hôm nay.

Ở lĩnh vực Văn học, đây là lúc chủ nghĩa lãng mạn Pháp được các trí thức tây học Việt Nam tiếp thu tới độ vừa đủ chín để bắt đầu cho ra đời những tác phẩm đầu tiên. Nếu như trước đây, trong sáng tác thường nói đến cái tâm tư chung của cộng đồng, thì lúc này, cái tôi/cái cá nhân trở nên nổi trội hơn bao giờ hết. Thơ Mới là một minh chứng rõ rệt với quan điểm: “ta là một, là riêng, là thứ nhất” (Xuân Diệu). Bắt đầu từ bài thơ Tình Già của Phan Khôi đã “dám” đề cập đến một chủ đề nhạy cảm ở thời kỳ đó, thì nối tiếp liền sau đó là hàng loạt tinh hoa ra đời như Thế Lữ, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên…Từ lúc khởi sinh đến lúc lụi tàn, thời đại Thơ Mới chỉ đi 13 năm, nhưng được đánh giá gần như trọn vẹn 100 năm lãng mạn Pháp!

Ngay trong thời điểm này, nếu như ở miền Bắc, nhóm Tự Lực Văn Đoàn trở thành những cây bút lãng mạn tài danh bậc nhất với những tác phẩm nói lên quyền đòi tự do yêu, tự do sống của những cá nhân chống lại quan niệm phong kiến. Thì tại miền Nam, báo chí và văn xuôi bằng chữ quốc ngữ ra đời và phát triển lớn mạnh với các học giả như Trương Vĩnh Ký, Hồ Biểu Chánh…tạo nên một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển và phổ cập chữ viết tới xã hội Việt Nam.

Năm 1925, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) được thành lập tại Hà Nội. Tranh dân gian của Việt Nam không thiếu, nhưng hội hoạ đích thực thì chưa có, và nay nền mỹ thuật hiện đại chính thức khai sinh. Những sinh viên theo học ngày đó đều trở thành trụ cột, mà ta có thể tạm kể tên bộ 3 lừng danh: Trí – Lân – Vân – Cẩn, Nghiêm – Liên – Sáng – Phái, Phổ – Thứ – Lựu – Đàm. Mặc dù được đào tạo theo đúng chương trình giảng dạy châu Âu, nghệ sĩ Việt Nam vẫn đưa được phong cách cá nhân và cảm hứng châu Á vào sản phẩm, sử dụng khá nhiều chất liệu mà không bị bó hẹp trong một chất liệu duy nhất. Cũng ở thời kỳ này, tranh sơn mài ra đời, đưa lối sơn son thếp vàng của Á Đông thoát ly trang trí, lên tầm hội hoạ, mà ngay cả Nhật Bản, Trung Quốc cũng không làm được vào thời điểm ấy. Đến hôm nay, tranh Đông Dương (cách gọi của các sáng tác thời kỳ này) vẫn được săn đón trên các sàn đấu giá quốc tế.

Có một chi tiết là mọi người thường không biết, rằng ngoài trường Mỹ thuật Đông Dương, chúng ta có Nhạc viện Viễn Đông tại Hà Nội. Tuy tồn tại không lâu, nhưng cũng là nền tảng ra đời của nền Tân nhạc Việt Nam. Nếu như trước đây, sân khấu dân gian của ta luôn thuộc loại hình diễn xướng, tức là kết hợp vừa hát, vừa nhạc, vừa diễn trò, thì lúc này đây, ta đã có những người nhạc sĩ và ca sĩ thực thụ. Năm 1938 được coi là cột mốc đầu tiên của tân nhạc với phần biểu diễn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên tại Thủ đô. Kể từ đó, hàng loạt các tác phẩm âm nhạc theo lối phương tây ra đời, để rồi ta có ba trụ cột tạo nên nền tảng diện mạo của âm nhạc Việt Nam: Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn. Các sáng tác trong thời kỳ đầu của âm nhạc hiện đại Việt Nam cũng khá đồng điệu với văn chương và hội hoạ ở yếu tố lãng mạn, những xúc động cá nhân cùng sự trăn trở với thời cuộc.

 

Thời kỳ 1945 – 1954: Từ “tôi” lại về với “ta”

Ở thời kỳ trước, một tinh thần chung của cái tôi cá nhân và chất lãng mạn bao phủ khắp chủ đề cũng như mỹ cảm của các loại hình nghệ thuật, thì đến thời kỳ này, mọi thứ đã khác. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, cụ Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra đất nước Việt Nam hiện thời vào ngày 2/9/1945, nối tiếp đó là lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vang lên đã đưa xã hội bước vào bối cảnh khác biệt. Người nghệ sĩ lúc này tạm gác cái tôi cá nhân lại để trở về với cái ta, hoà nhập vào tình hình chung của đất nước và hướng chủ đề sáng tác về khích lệ kháng chiến.

Tuy nhiên, cần phải nói rõ một chút, trước 1932 và sau 1945 cùng là cái ta, nhưng cái ta của xã hội cũ là hoàn toàn xoá mờ đi vai trò cá nhân, còn cái ta của thời kháng chiến là cái tôi nằm trong tập thể, hướng về tập thể và đồng lòng hướng về một mục tiêu chung. Ở giai đoạn Văn học Nghệ thuật kháng chiến này, văn xuôi, thơ ca, âm nhạc và hội hoạ nở rộ các tác phẩm xây dựng hình tượng anh hùng, mang đậm tính sử thi hào hùng nhằm tạo động lực vững vàng cho người chiến sĩ nơi tiền tuyến.

Khái quát thời kỳ này, xin được trích một câu rất nổi tiếng của cụ Hồ Chí Minh:

“Nay ở trong thơ phải có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong”

Thời kỳ 1954 – 1975: Dị sàng, dị mộng nhưng đồng lòng

Năm 1954 là một cột mốc vừa vui, vừa buồn của lịch sử Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội đã chấm dứt thời kỳ thuộc địa Pháp, nhưng hai miền Nam – Bắc chia cắt từ đây. Để nói về Văn học Nghệ thuật thời kỳ 1954 – 1975, người viết muốn dùng cách nói như tiêu đề: Dị sàng, dị mộng nhưng đồng lòng.

Dị sàng, dị mộng là bởi khi Nam – Bắc ở hai chế độ khác nhau, sự phát triển và định hướng nghệ thuật cũng rất khác. Lúc này đây, miền Bắc vừa tập trung xây dựng nhà nước, ổn định xã hội, vừa chuẩn bị quân sự để thống nhất đất nước, thế nên Văn học Nghệ thuật ở miền Bắc thời kỳ này hầu hết là các chủ đề cổ động lao động, tăng gia sản xuất và kháng chiến chống Mỹ – hướng về miền Nam. Tuy nhiên, năm 1956 đánh dấu sự xuất hiện của phong trào Nhân văn Giai phẩm với những cây bút tiên phong như Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng. Xin không bàn về những vấn đề chính trị, mà chỉ ghi nhận sự đóng góp của Nhân văn Giai phẩm cho nền nghệ thuật một cách trong sáng, thì họ đều là những người đã thực sự cách tân nền nghệ thuật một cách mạnh mẽ ở mọi mặt, mang đến một diện mạo quốc tế, khác lạ và phát triển. Thật đáng tiếc, cho đến ngày hôm nay, những giá trị đó vẫn chưa được giáo dục một cách rộng rãi.

Còn lại miền Nam, dưới chế độ Cộng Hoà, bầu không khí văn nghệ dễ dàng tiếp cận với thế giới nên vô cùng cởi mở. Các tác gia tại miền Nam hấp thu nhanh chóng tinh thế thế giới không chỉ trong sáng tác mà còn cả các lĩnh vực khoa học xã hội như Triết học, Văn hoá học, Nghệ thuật học…Do nằm ở dưới chế độ Sài Gòn cũ, nên Văn học Nghệ thuật miền Nam Việt Nam 54 – 75 đến nay cũng chưa được tiếp cận sâu rộng với công chúng đương đại. Nhưng trong quá trình nghiên cứu, người viết muốn chia sẻ rằng, đây là một trong số rất ít thời kỳ, nền nghệ thuật Việt Nam gần như sánh cùng nhịp so với thế giới.

Vậy còn đồng lòng? Nhờ sự cởi mở của miền Nam, các tác phẩm của Nhân văn Giai phẩm ở ngoài Bắc được lưu trữ. Thêm vào đó, giới văn nghệ sĩ tại miền Nam khi đó quá nửa là người Bắc di cư, thế nên nỗi nhớ Hà Nội, niềm mong mỏi đất nước thống nhất là một khao khát chung của hai miền.

Thời kỳ 1975 – 1986: Còn bao gian khó

Sau 21 năm chia cắt, ngày 30/4/1975, Việt Nam chính thức thống nhất. Phải nói rằng, ngay sau niềm vui đoàn tụ đó, ta bước vào một thời kỳ vô cùng khó khăn của buổi hậu chiến với nền kinh tế kiệt quệ, nhà nước non trẻ, tình hình xã hội phức tạp…Văn học Nghệ thuật thời kỳ này tựu chung là đói, thiếu thốn. Trong giai đoạn bao cấp này, nghệ thuật cũng hết sức bao cấp. Nhà thơ Anh Ngọc nhận định: “Chúng ta ra khỏi chiến tranh nhưng chiến tranh chưa ra khỏi chúng ta. Bao cấp có nghĩa là phân phối theo kiểu trại lính, trước hết là về kinh tế, đời sống vật chất, rồi đến đời sống tinh thần cũng vậy. Với văn học nghệ thuật thì, dùng từ của nhà văn Vũ Hạnh, nhà thơ Lưu Quang Vũ là ‘bao cấp về tư tưởng’, văn học mang chức năng ‘minh họa’ cho những tư tưởng chủ trương có sẵn chứ không do nhu cầu thực của chính cuộc sống”.

Giai đoạn này người sáng tác đa phần phải viết theo định hướng. Người nào viết về những điều riêng tư, thầm kín thường bị soi xét. Trong 10 năm từ 1976 tới 1986, việc kiểm duyệt văn hóa, văn nghệ khá khắt khe. Nhà sử học Dương Trung Quốc từng chia sẻ: “Văn Cao có ca khúc về mùa xuân thanh bình nhưng cũng gặp khó khăn vì theo tư duy thời chiến, những tư tưởng nghỉ ngơi, yên bình hay yêu đương là không phù hợp”. Không chỉ Văn Cao, rất nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn về tình yêu, phản chiến, về suy tư đời sống cũng bị cấm.

Tuy nhiên, ở thời kỳ này, ta bắt gặp một lần nữa chủ nghĩa hiện thực xã hội, nhưng đỉnh cao có lẽ nằm ở kịch nói, điển hình là kịch Lưu Quang Vũ. Cho tới tận bây giờ, những vở kịch của Lưu Quang Vũ vẫn còn nguyên giá trị thời sự với đời sống.

Thời kỳ 1986 đến 2000: Mở cửa!

Năm 1986, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố Đổi Mới. Xoá bỏ bao cấp, đổi mới toàn diện mọi khía cạnh của đời sống xã hội, và tất nhiên, nghệ thuật cũng nhờ thế mà “mở cửa”. Văn học Nghệ thuật được trả lại đúng vị trí của nó, đó là đi vào những cái riêng tư sâu kín nhất của con người bình thường, có ở mọi nơi và mọi lúc. Ngay tại thời điểm này, những nhân vật đặc biệt đã nhờ gió thổi mà cất cánh bay lên, điển hình nhất chính là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với rất nhiều tác phẩm mang được viết bằng một thứ văn phong đặc biệt. Tính nhân bản hoá và hiện đại hoá ở các tác phẩm nghệ thuật được bộc lộ một cách rõ nét.

Thêm một điểm đặc biệt nữa, là khi ta thoát khỏi bao cấp, nền kinh tế rộng mở đón các luồng gió quốc tế vào trong nước, lúc này đây giới nghệ thuật cũng thoả sức tiếp nhận tư tưởng và lối sáng tác của thế giới, từ đó tạo nên một diện mạo đương đại cho Việt Nam. Và diện mạo gần gũi với thế giới nhưng không kém phần tinh hoa dân tộc vẫn còn được nối dài cho tới tận hôm nay.

Bài: Nam Thi
Ảnh: Tổng hợp

 

 

Related Article