Thùy Trang: “Không phải chuyên gia nào cũng trở thành biên tập thời trang”
StyleInterview

Thùy Trang: “Không phải chuyên gia nào cũng trở thành biên tập thời trang”

Cùng trò chuyện với chị Thuỳ Trang, biên tập viên kỳ cựu của tạp chí ELLE Vietnam, để lắng nghe những chia sẻ của chị và đi sâu vào lĩnh vực đặc biệt này.

Xin chào chị Thuỳ Trang! Lời đầu tiên xin cảm ơn chị đã nhận lời phỏng vấn với Men’s Folio Vietnam. Điều gì đã đưa chị đến với thế giới thời trang, đặc biệt là vai trò biên tập viên tạp chí?

Hình như là tôi tự đưa mình vào thế giới thời trang, vào công việc của biên tập viên tạp chí. Bởi vì tôi đã sớm thích và chọn đó là mục tiêu của mình. Tôi tìm thấy sự vui sướng khi thấy các cuốn tạp chí mẹ mang về nhà. Tôi học báo chí và tự tìm đến các kiến thức thời trang rồi nộp CV vào những nơi có thể bắt đầu học việc.

Đâu là điểm khác biệt giữa công việc biên tập viên trong lĩnh vực thời trang so với biên tập ở các lĩnh vực khác?

Ngoài việc có nhiều quần áo, giày túi hơn thì không biết có điểm gì khác không nhỉ? Sự tiếp xúc tích cực trong thời gian dài với tất cả các ngóc ngách trong ngành công nghiệp này khiến nhiều người trở thành “chuyên gia thời trang”. Nhưng tất nhiên không phải chuyên gia nào cũng trở thành biên tập. Biên tập thời trang chắc chắn cần thêm niềm yêu thích với chữ nghĩa và sự linh hoạt trong đống chữ thoạt nhìn có vẻ đầy phù phiếm ấy.

Từ thời điểm bắt đầu vào nghề cho tới hiện tại, vai trò của một Fashion Editor đã thay đổi như thế nào thưa chị?

Tôi thấy vai trò của Fashion Editor dường như đã bị rung chuyển bởi cuộc cách mạng của các mạng xã hội. Đặc biệt là sau Covid-19, khi nội dung trên báo chí bị chi phối mạnh mẽ hơn nữa từ các mạng xã hội trẻ. Chắc đã có lúc số đông ít quan tâm đến các nội dung chuyên sâu, các mô típ nội dung kinh điển bị sao lãng. Biên tập được yêu cầu viết thật ngắn, lược thật nhiều, cắt thật mạnh… Ngôn ngữ theo kiểu “social media” xâm lấn khiến người biên tập như tôi lúc thích thú lúc lại bối rối. Nhưng còn tuỳ thuộc vào mỗi biên tập nữa, mạng xã hội cũng là một nơi cư trú đầy thú vị để thể hiện vai trò của một biên tập viên thời trang theo hướng cá nhân hoá.

Người ta vẫn thường nhìn vào công việc fashion editor đầy ngưỡng mộ khi được dự các sự kiện thời trang lớn, được NTK, người mẫu, celeb trân trọng. Chị có muốn chia sẻ điều gì để những người đi sau khỏi “vỡ mộng” không? Và theo chị đâu là yếu tố quan trọng của một người khi làm nghề này?

Ở ELLE có nhiều bạn thực tập sinh vỡ mộng rồi vì nghĩ rằng ở đó chỉ mặc lồng lộn, đánh son, chụp hình, uống trà, ăn bánh cả ngày… Nhưng vỡ mộng cũng tốt mà. Hãy cứ vỡ nhiều bạn nhé. Điều đó sẽ có ích nếu sau khi vỡ mộng mà bạn vẫn muốn tiếp tục công việc này. Đối với tôi không có yếu tố gì đặc biệt ngoài sự nhạy cảm để khi viết thì tính thời trang nổi bật trên báo, còn khi gặp ở ngoài thì thỉnh thoảng có người hỏi cái áo cái quần này mua ở đâu.

Viết lách lâu năm trong lĩnh vực này, có bao giờ chị Trang cảm thấy “nói mãi rồi chả còn gì mà nói nữa” hay không? Và đâu là cách để chị vượt qua những lúc bí ý tưởng?

Đó là trạng thái thường xuyên đấy. Những lúc bí bách quá tôi sẽ đứng dậy tìm ai đó nói chuyện. Tôi sẽ cà khịa ai đó dễ tính chút. Ngoài ra, tôi có thói quen khi làm việc sẽ nghe nhạc nền của các show thời trang. Những bản nhạc đó cho tôi cảm giác đang ở buổi trình diễn, vờ như mình đang ngồi cạnh runway, có thể tưởng tượng về quần áo và nảy sinh một vài từ gợi mở cho bài viết.

Tôi luôn chìm đắm trong các bản nhạc của nhà CHANEL. CHANEL Fall/Winter 2011 là buổi trình diễn có nhạc nền và sàn diễn truyền cảm hứng rất lớn cho tôi trong khoảng thời gian dài. Gần đây tôi cũng hay nghe nhạc của Valentino và Celine.

Ai là nhân vật hình mẫu trong nghề của chị Trang? Và chị học hỏi từ nhân vật đó ra sao?

Theo tôi thấy công việc của biên tập viên thời trang ở Việt Nam chủ yếu được học hỏi từ quốc tế nên các fashion editor lừng danh của ELLE, VOGUE… là hình mẫu đẹp. Và chúng ta hay mặc định phải như thế này, thế kia, giống bên kia. Nhưng tôi không có hình mẫu lớn nào cả và càng về sau càng nhận ra rằng mình được truyền cảm hứng từ nhiều người, đặc biệt là các chị đi trước ở ELLE Vietnam.

Có thể xao xuyến khi thấy hình ảnh của các fashion editor quốc tế ngập tràn mạng xã hội, nhưng với thực tế ngành thời trang Việt Nam có nhiều khác biệt, học được người thật việc thật thì thấy rất quý. Tôi thích cách chị Nicky Khánh Ngọc – Beauty Editor kết nối mọi vấn đề với nhau và vẫn tìm thấy sự tự tin trong hoàn cảnh không lý tưởng. Chị Hương Tôn – Features Editor là “người chị chill”, một người sống thật, du ngoạn thật, trải nghiệm thật và viết thật. Còn cả cái cách làm việc không bị chi phối tiêu cực bởi mạng xã hội của chị Liên Chi – Managing Editor nữa. Sẽ có rất nhiều lúc ta cần sự cân bằng đó.

Ảnh: NVCC
 

Related Article