Thiên nhiên Đà Lạt qua góc nhìn của 3 họa sĩ trẻ tại triển lãm “Những Trường Thị Giác”
LifestyleArts & Culture

Thiên nhiên Đà Lạt qua góc nhìn của 3 họa sĩ trẻ tại triển lãm “Những Trường Thị Giác”

Vào ngày 9/12 vừa qua, Lân Tinh Foundation đồng hành cùng Annam Gallery và Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa tổ chức khai mạc triển lãm nhóm mang tên “Những Trường Thị Giác | Chương I: Sinh Cảnh” trưng bày 35 tác phẩm của 3 nghệ sĩ Phan Thị Thanh Nhã, Phạm Xeen và Hà My. 

“Những Trường Thị Giác | Chương I: Sinh Cảnh” là kết quả 3 tháng làm việc của nhóm sau hoạt động Art Trail (trại sáng tác) vào tháng 9 vừa qua tại Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa để tìm cảm hứng và lên phác thảo ý tưởng. Đây không chỉ là một triển lãm nghệ thuật, mà còn là một hành trình khám phá vẻ đẹp tinh tế, sức sống rực rỡ của thiên nhiên Đà Lạt. 

“Sinh Cảnh” là chương đầu tiên trong chuỗi triển lãm “Những Trường Thị Giác” được khởi xướng bởi Lân Tinh Foundation. Trường thị giác là toàn bộ khu vực có thể nhìn thấy khi mắt tập trung vào một điểm cố định duy nhất. Mỗi cá nhân sở hữu một trường thị giác và một quang phổ riêng, những gì từng người nhìn thấy là đặc trưng, và độc bản, kể cả khi họ đang quan sát cùng một vật thể. Chính đặc điểm này tạo nên sự đa dạng trong những tạo tác của mỗi nghệ sĩ. 

Phạm Xeen là một họa sĩ tốt nghiệp chuyên ngành Lụa tại ĐH Mỹ thuật TP.HCM nhưng lại dũng cảm bắt đầu lại với chất liệu sơn dầu. Trong các tác phẩm của anh tại triển lãm, mọi thứ như được lọc qua một lớp sương mù, toàn bộ khung cảnh hiện ra từ từ, như trước khi ống kính máy ảnh được điều chỉnh về tiêu cự chuẩn, cảm giác về sự nhòe lúc này hiện diện rõ hơn bao giờ hết. Những vệt loang trên toan của Phạm Xeen là một không gian không xác định, mơ màng với những các ký ức phân mảnh. Những sinh hoạt, sinh cảnh lấp ló dưới những cơn mưa, vệt nắng. Xeen sử dụng những kỹ thuật trên lụa để vẽ với sơn dầu, tạo nên hiệu ứng mờ nhòe đặc trưng cho thực hành của anh. 

Hà My là một trong số ít những họa sĩ trẻ theo đuổi thể loại Trung Quốc họa, không ngần ngại tìm tòi những bút pháp của Đông Phương để sau này có thể gây dựng nên những tác phẩm điêu luyện nhưng vẫn truyền tải những câu chuyện cá nhân mang tính địa phương. Qua những bức tranh trong triển lãm lần này của Hà My, người xem có thể cảm nhận được vẻ đẹp khi màn sương tan dần, các sinh vật trở mình và hiện lên rõ nét. Dàn cây rạng đông lấp lánh dưới ánh nắng sớm, bông súng bẽn lẽn san sát bên mặt hồ, khóm chuỗi ngọc óng ánh như tên gọi của chúng… Những mảng sáng và các đốm trắng tượng trưng cho những giọt sương sớm đã được Hà My lột tả vô cùng uyển chuyển, thanh thoát. 

Nghệ sĩ trẻ thứ ba của triển lãm là Phan Thị Thanh Nhã, một nhà thực vật học kiêm họa sĩ. Cô là một trong số ít những người trong khu vực châu Á theo đuổi cả hai lĩnh vực về khoa học và nghệ thuật của thực vật. Qua lăng kính của Thanh Nhã, người xem như đi vào những lớp bóc, tách và từng giai đoạn phát triển của mỗi loài cây. Nữ họa sĩ có một sự tỉ mẩn tới nghiêm khắc, khó có một loài cây nào lướt qua lại không lọt vào tầm quan sát của cô. Việc quan sát là một sự dẫn nhập, đưa từng cá thể lại gần với các sinh vật hơn, thị giác, dần già tới xúc giác, thính giác, khứu giác và vị giác, kết hợp lại thành một bữa tiệc đa giác quan.

Việc quan sát không chỉ dừng lại ở góc nhìn, mà còn là sự phân tích chi tiết từng nhành cây, ngọn cỏ, là sự tìm hiểu sâu hơn bề mặt qua từng trang sách qua quá trình định danh loài. Chỉ những ai có niềm đam mê, yêu mến thiên nhiên, cây cỏ mới chọn cách thể hiện vô cùng chi tiết này. Hơn 10 tác phẩm Thực vật họa của Thanh Nhã tạo nên một bản đồ nghiên cứu cho quần thể xanh tại Ana Mandara, vốn đã tồn tại gần một thế kỷ.

Giám tuyển Ace Lê, Giám đốc sáng lập của Lân Tinh Foundation – cho biết: “3 họa sĩ Phan Thị Thanh Nhã, Phạm Xeen và Hà My, đều là 3 họa sĩ trẻ có tiềm năng được đào tạo bài bản về kỹ thuật. Tôi luôn muốn hỗ trợ cho các tài năng sở hữu kỹ thuật và ý niệm song hành với nhau trong nghệ thuật như các bạn. Nếu một nghệ sĩ củng cố với một nền tảng kỹ thuật vững chắc, thì khi họ đặt những suy tư cá nhân vào trong tác phẩm của mình, đó sẽ là một tác phẩm có sức nặng và ảnh hưởng sâu sắc hơn so với một tác phẩm chỉ có mặt ý niệm”

BTC cho biết, 35 tác phẩm sẽ được trưng bày tại triển lãm, kéo dài từ 9/12/2023 đến hết ngày 21/2/2024 để những người yêu nghệ thuật có thể đến thưởng lãm. Qua việc tập trung vào cách xử lý, thể hiện những cự ly xa gần nhằm khai thác chủ đề cảnh quan, quần thể sinh vật Đà Lạt, niềm đam mê và những tự sự của từng họa sĩ được phóng chiếu, được thấu cảm bởi mỗi khán giả đến xem triển lãm. Chắc chắn mỗi người sẽ cảm nhận được những “sinh cảnh” theo những “trường thị giác” của riêng mình. 

Ở vai trò của BTC, hoa hậu Ngọc Hân rất vui bởi sự kiện nhận được sự quan tâm lớn của nhiều người trong giới mỹ thuật và cả những khán giả trẻ yêu hội họa. Tại buổi khai mạc, các vị quan khách không chỉ được bước vào chuyến phiêu lưu về thảm thực vật của Đà Lạt qua góc nhìn nghệ thuật, mà còn được nghệ sĩ trẻ Phan Thị Thanh Nhã đóng vai trò như tour guide, dẫn quan khách trực tiếp đi khám phá về các loài thực vật của Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa, nơi diễn ra triển lãm. Cô tận tình giới thiệu về các loài rêu, địa y; đồng thời giải thích về các đặc tính khoa học, công dụng trong cuộc sống cũng như với con người.

“Có những loài thực vật quen thuộc mỗi ngày với tôi nhưng qua ngòi bút của các nghệ sĩ trẻ, chúng trở nên thật thơ mộng và mang tính nghệ thuật cao. Tôi như được mở mang thêm nhiều kiến thức bổ ích về thực vật nhờ các nghệ sĩ trẻ thông qua dự án lần này”, Ngọc Hân cho biết.

Nhờ những phản hồi tích cực của quan khách tại triển lãm, Ngọc Hân và các cộng sự ấp ủ về kế hoạch sẽ tổ chức Art Trail mang tầm vóc quốc tế vào năm sau tại Đà Lạt với sự tham gia của các họa sĩ thực vật học của khu vực và thế giới. Hoạt động nhằm góp phần quảng bá về vẻ đẹp thiên nhiên của thành phố cao nguyên, qua đó thúc đẩy du lịch cho Đà Lạt nói riêng và Việt Nam nói chung.

Trong số những khách mời tại sự kiện khai mạc hôm 9/12, có một vị khách vô cùng đặc biệt với Ngọc Hân – đó là ông xã Phú Đạt. Gần hai năm theo làm việc ở lĩnh vực tổ chức các triển lãm mỹ thuật tại Đà Lạt, đây là lần đầu tiên ông xã đồng hành ủng hộ nàng hậu. “Bình thường chồng tôi rất bận rộn với công việc nên chỉ được nghe vợ kể về những dự án đang thực hiện. Dịp cuối tuần này anh bớt bận hơn, lại trùng với kỷ niệm 1 năm ngày cưới nên đã thu xếp để vào Đà Lạt cùng tôi. Anh cũng là người có đam mê lớn với hội họa và khi trực tiếp đi thưởng lãm tranh về thảm thực vật Đà Lạt do vợ tổ chức, anh rất thích thú”, Ngọc Hân chia sẻ.

Ngoài thời gian tất bật lo điều hành, tổ chức sự kiện, người đẹp cũng tranh thủ cùng ông xã thưởng thức thêm nhiều món ăn ngon của thành phố ngàn hoa.

Khoảng hai năm trở lại đây, Đà Lạt trở thành vùng đất mà Ngọc Hân dành nhiều tình yêu thông qua các dự án thời trang, phát triển hội họa và nghệ thuật cộng đồng. Càng gắn bó cô càng hiểu sâu về nét đẹp bình dị của thành phố, không chỉ ở thiên nhiên mà cả lối sống và thói quen sinh hoạt của người dân. Ở Đà Lạt, cô tìm thấy nhiều cảm hứng về sáng tạo cho công việc làm thời trang và nghệ thuật. 

“Những Trường Thị Giác | Chương I: Sinh Cảnh” mở cửa từ 9/12/2023 đến hết 21/2/2024 tại phòng tranh Le Lycée, Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa (số 2 Lê Lai, phường 5, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng).

Ảnh: Bảo Nguyễn 

 

 

Related Article