The Substance – Ta sẽ làm gì khi tuổi trẻ dần tàn phai?
LifestyleMusic & Film

The Substance – Ta sẽ làm gì khi tuổi trẻ dần tàn phai?

“The Substance” của đạo diễn Coralie Fargeat là tác phẩm thuộc thể loại body horror – kinh dị hình thể, nhưng không đơn thuần tạo ra sự sợ hãi qua các hình ảnh ghê rợn. Thay vào đó, bộ phim khai thác một cách sâu sắc nỗi ám ảnh cực đoan của xã hội đối với vẻ đẹp trẻ trung và sự hoàn hảo, đồng thời lột tả sự mỉa mai khi phụ nữ bất chấp tất cả để lao vào các phương pháp tìm kiếm sự vĩnh hằng của tuổi trẻ. 

Khi phụ nữ bị áp đặt bởi những giá trị vẻ đẹp phi thực tế 

Elisabeth Sparkle (Demi Moore thủ vai), một ngôi sao Hollywood đã qua thời hoàng kim, bị sa thải vào ngày sinh nhật thứ 50, và tìm đến “The Substance” – một huyết thanh kỳ diệu giúp phục hồi tuổi trẻ. Sau khi sử dụng, cô tạo ra một bản sao trẻ trung tên là Sue. Tuy nhiên, sự tồn tại của cả hai không thể tách rời và họ phải nuôi sống nhau theo một quy tắc bất dịch “ cả hai là một”. Càng tiếp tục, sự xâm chiếm của Sue đối với Elisabeth càng trở nên nghiêm trọng và dẫn đến cái kết đáng sợ.

“The Substance” không đơn thuần là một câu chuyện về nỗi ám ảnh nhan sắc, mà còn là lời chỉ trích mạnh mẽ đối với xã hội hiện đại và những chuẩn mực sắc đẹp cực đoan mà phụ nữ buộc phải tuân theo. Lấy bối cảnh Hollywood rực rỡ nhưng cũng đầy khốc liệt khi có thể giúp bạn vụt sáng thành sao nhưng cũng dễ dàng lãng quên khi bạn trở nên lỗi thời.

Sự phóng đại này đã được thể hiện qua hình ảnh  Elisabeth, với sự bối rối và bất an, đứng trần trụi trước gương, soi xét từng bộ phận cơ thể như thể đang nhìn thấy một người hoàn toàn xa lạ. Cô phân tích những dấu hiệu của sự lão hóa, cảm nhận sự xói mòn của vẻ đẹp vốn dĩ đã từng được ngưỡng mộ, và dường như không thể chấp nhận được sự thay đổi này.

Trái ngược lại, Sue, phiên bản trẻ trung của cô, là hình mẫu hoàn hảo không tì vết, với làn da căng mịn và cơ thể không một nếp nhăn. Hình ảnh của Sue cũng được thể hiện qua những góc máy cận mô tả trọn vẹn tường đường cong quyến rũ nhất của người phụ nữ, đối lập hoàn toàn với một Elisabeth đã dần bị bào mòn.

Sự cực đoan còn được Fargeat ẩn ý qua nhân vật Harvey – một nhà sản xuất mà dưới góc máy của Benjamin Kracun được tái hiện một cách đầy thô bỉ và kinh tởm qua những phân cảnh ăn uống, trò chuyện, thể hiện một cách xuất sắc sự tàn nhẫn của ngành công nghiệp giải trí với phụ nữ, biến nhân vật này thành một điển hình tiêu biểu cho sự hà khắc của xã hội với phái đẹp.

Chất xúc tác cho tất cả bi kịch trong phim là dung dịch huyền bí “the substance”. Dịch chất bí ẩn là sự hình tượng hoá việc phụ nữ bất chấp bản thân để làm đẹp theo male gaze (định kiến nam giới). Nó trở thành công cụ để hiện thực hóa mong muốn đó, dẫn đến một hành trình đầy máu me, rùng rợn không kém phần bi kịch và mỉa mai. 

Màn tung hứng đầy cảm xúc của dàn nhân vật chính

Demi Moore đã có một màn trình diễn xuất sắc trong vai Elisabeth, truyền tải sự giằng xé nội tâm giữa sự tức giận, tuyệt vọng và khát khao được tôn trọng. Qua ánh mắt và biểu cảm của Demi Moore, người xem như cảm nhận được nỗi đau của một người phụ nữ từng được tung hô nhưng nay trở thành quá khứ. Có lẽ đây bộ phim này được đo ni đóng giày cho Demi Moore khi xuyên suốt 40 năm sự nghiệp, cô là người hiểu rõ nhất sự khốc liệt và tàn bạo của ngành giải trí. 

Margaret Qualley trong vai Sue cũng để lại dấu ấn với hình ảnh một cô gái trẻ quyến rũ, quyền lực – biểu tượng của vẻ đẹp hoàn mỹ nhưng đồng thời cũng là nguồn gốc của sự tự hủy diệt. Màn trình diễn của Qualley trong vai Sue cũng để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả khác hẳn với những nhân vật trước kia. 

Sự tung hứng đầy ăn ý giữa Demi Moore và Margaret Qualley càng đẩy mâu thuẫn này lên cao trào. Xuyên suốt bộ phim dường như cả hai là một cá thể cách biệt thể nhưng họ luôn quên rằng cả hai là một.

Chạy theo cái đẹp cực đoan và dần đánh mất bản thân 

Coralie Fargeat không chỉ xoáy sâu vào những định kiến về ngoại hình mà còn phê phán xã hội hiện đại, nơi phụ nữ bị áp đặt những tiêu chuẩn sắc đẹp không thể đạt được mà còn lên án những trào lưu làm đẹp bất chấp nguy hiểm. 

Điều này được thể hiện qua tổ chức cung cấp the subtance – tất cả những gì nhân vật chính và Elisabeth biết về tổ chức này chỉ qua một giọng nói bí ẩn cùng những đoạn quảng cáo đầy hấp dẫn. Thế nhưng cô vẫn bất chấp hậu quả lấy lại ánh hào quang đã mất, và cái lỗ đen khổng lồ trong tâm hồn cô không cho phép cô dừng lại để nghĩ về những gì tốt nhất cho bản thân. Cô không nhận ra rằng phiên bản trẻ trung, “hoàn hảo” của mình là một kẻ vô tâm và ích kỷ. 

Elisabeth càng tự ti, càng căm ghét bản thân thì sự khao khát của Sue ngày càng trở nên mãnh liệt, phiên bản trẻ tuổi này bắt đầu yêu cầu nhiều hơn và không ngừng đẩy mạnh sự khao khát của đến mức ăn mòn lòng tự trọng mong manh của chính mình. 

Mối quan hệ giữa Elisabeth và Sue là hình ảnh phản ánh sự mâu thuẫn trong xã hội khi người phụ nữ bị đặt vào tình thế phải lựa chọn giữa việc giữ gìn vẻ đẹp bề ngoài và đấu tranh với sự tự chấp nhận chính mình. Elisabeth, với tuổi tác và sự mệt mỏi từ cuộc sống, không thể tiếp tục sống trong một thế giới mà tuổi trẻ là điều duy nhất được ngưỡng mộ. Trong khi đó, Sue – mặc dù trẻ trung và đẹp đẽ – lại là một phiên bản không có cảm xúc, một hình ảnh vô hồn của sự hoàn hảo, càng làm nổi bật sự bất lực của Elisabeth trong việc chấp nhận chính mình.

Trong bối cảnh xã hội tôn sùng vẻ đẹp trẻ trung, bộ phim lột trần cách những chuẩn mực phi thực tế ấy đang bóp nghẹt giá trị tự thân của mỗi người, khiến họ cảm thấy bị tổn thương và mất dần đi ý nghĩa sống. Sự hấp dẫn và tuổi trẻ giờ đây trở thành cuộc đua khốc liệt, không chừa một ai – cả người trẻ lẫn người già đều bị cuốn vào vòng xoáy của kỳ vọng và sự đố kỵ.

“The Substance” không đơn thuần là một bộ phim kinh dị, mà còn là câu chuyện buồn về cách phụ nữ, dưới áp lực vô lý của xã hội, sẵn sàng đánh đổi mọi thứ, kể cả bản thân mình, để chạy theo tiêu chuẩn sắc đẹp mơ hồ. Qua “The Substance”, Fargeat mang đến một tác phẩm đầy tính nhân văn, vạch trần sự bất công và phi lý của xã hội khi định nghĩa giá trị con người qua ngoại hình.

Ảnh: Tổng hợp
Bài: Phương Nguyễn – Phúc Logic
 

Related Article