The New Playmakers – Lê Cao Trí: Có hay không một giấc mơ tan vỡ?

  • by Huyền My Trương
  • May 20, 2025

Liệu giấc mơ có thật sự tan vỡ? Liệu có những nỗi sợ đủ sức mạnh khiến ta dừng lại? Khi tiến tới bờ mé giới hạn, ta nên đưa ra lựa chọn gì? Và phải chăng mọi câu hỏi hay những trăn trở của ta, lời giải đáp đều có mặt ngay cạnh bên?

Anh từng bật mí với tôi rằng anh và đội ngũ đang trong quá trình phát triển một sản phẩm công nghệ mới. Nhân đây, anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về sản phẩm này, và những dự định của anh về nó không?

Hiện giờ tôi đang cùng cộng sự xây dựng một sản phẩm về AI. Trong năm nay, tôi nghĩ mảng ứng dụng cho AI tạo sinh là một vùng đất tuyệt vời cho các đội ngũ hướng đến đổi mới sáng tạo, không chỉ vì tính đột phá sẵn có của các công nghệ nền tảng, mà còn vì nó sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống mỗi người và xã hội nói chung. Sự có mặt của những ứng dụng AI tạo sinh tốt sẽ làm mọi thứ nhanh hơn chút, chính xác hơn chút và an tâm hơn chút. Về sản phẩm AI của mình, tôi hướng tới người dùng phổ thông, với những tính năng cao cấp hơn để giải quyết các vấn đề và nhu cầu cho các nhà sáng tạo nội dung, cũng như các doanh nghiệp thân thiện với đổi mới sáng tạo. 

Là một doanh nhân có nhiều kinh nghiệm lẫn trải nghiệm khởi nghiệp các mô hình công nghệ, Hiểu nôm na thì anh luôn ở một bối cảnh phải không ngừng chuyển động, vậy giá trị của những lần “tạm dừng”, bước ra khỏi vòng xoay quen thuộc, đã cho anh thấy những thực tại thế nào?

Tôi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống lao động ở tần suất cao. Ông nội từng nói với ba tôi rằng: “Mấy chục năm trời, ba chưa từng thấy mặt trời ở nhà”, nghĩa là ông sẽ đi làm khi mặt trời chưa lên và trở về khi mặt trời đã lặn.

Ông là một người làm nông rất giỏi. Nhưng mấu chốt cho việc tạo dựng (và cả tái dựng) được cơ ngơi sau những năm bom đạn của chiến tranh, đó là ông không bao giờ thực sự ra khỏi cái “vòng xoáy chuyển động” đó. Nhưng có lẽ cuộc sống ở đồng quê thanh bình, ít công nghệ, cũng phần nào giúp ông có những giây phút tĩnh lặng nhất định.

Còn tôi làm công nghệ và yêu thích kinh doanh, nhất là ở thời nay, càng khó có khả năng ra khỏi cái vòng xoáy đó. Nhưng tôi có cách để cân bằng: Tạm phân tách khỏi bản ngã hằng ngày của mình và cho phép bản thân được sử dụng một hình ảnh khác, đưa mình vào một bối cảnh khác và sống cùng nó trong chốc lát. Ví dụ về một trong những lần như vậy, đó là khi tôi bước vào hành trình làm nội dung podcast cùng cái tên “The Tri Way”, xét về mặt nào đó là một hình ảnh khác hẳn của tôi.

Thế giới của The Tri Way chiêm nghiệm hơn hẳn, ở đó mọi thứ khá “tùy”: Không có gì thực sự đúng hay sai. Mỗi lần về với “anh ta”, tôi đạt được sự thông suốt cao hơn, và tôi thấy được mọi thứ ở chiều sâu lớn hơn. Đó cũng là cơ hội để mình “tạm dừng” và xem xét mọi thứ thấu đáo hơn.

Cũng từ đây tôi muốn biết cách anh sống trọn vẹn ở hiện tại, ngay lúc này, bây giờ và ở đây, như thế nào? Làm sao để ta giữ mình được tĩnh tại và lặng yên để cảm nhận cuộc sống này?

Đó là hãy tập xem mọi thứ với giá trị của nó trong tương quan của tổng thể cuộc sống. Tôi nhận ra mọi thứ – vui, buồn, thăng hoa, trầm lắng – đều không có nhiều giá trị như mình nghĩ, nếu nó được xem xét trên nấc thang của một hành trình dài.

Điều làm chúng ta mất đi giác quan về thực tại thường nằm ở cảm xúc hiện có, và ở những sự kiện vây bám chúng ta ở các khoảnh khắc của nhận thức. Nếu “xem nhẹ” nó hơn, chúng ta sẽ có nhiều không gian và thời gian cho sự tĩnh lặng hơn. Tôi vẫn thường làm vậy.

Ngoài ra, việc tập thể thao và thiền định cũng là những hoạt động rất nên làm. Tôi vẫn duy trì tập luyện ở tần suất từ vừa phải đến cao, tùy vào tình trạng cơ thể. Một điều không thể bàn cãi là thân thể và tâm trí luôn song hành, và rèn luyện thể chất sẽ hướng đến sự dung hòa này. Tôi vẫn hay đùa rằng, muốn squat hay deadlift nặng thì bạn không thể không sống trong thực tại.

Điều gì thu hút một CEO công nghệ đến với thế giới podcast? 

Thực ra điều này không mới ở những thị trường mà podcast đã phát triển được 15-20 năm, như ở Mỹ và các nước phương Tây. Tôi hay tự gọi nhóm này bằng từ EPS (Entrepreneur,  Philosopher/Psychologist/Professor, Scientist). Nhóm này thường bao gồm hai hoặc ba trong số ba mô tả trên, ví dụ như các podcasters nổi tiếng toàn cầu: Lex Fridman, Andrew Huberman, Sam Harris, Steven Bartlett, Jordan Peterson, Naval Ravikant,… 

Thị trường podcast ở Việt Nam còn khá non trẻ, và tôi dường như là một trong những người đầu tiên làm podcast ở đây. Theo quan sát của riêng mình, tôi thấy số lượng podcaster hiện nay ở Việt Nam cũng còn rất ít, do đó khả năng có một CEO hoặc nhà sáng lập nào đó làm podcast riêng cũng hiếm. Cỡ mẫu ít quá.

Điều thu hút tôi ở podcast là thể thức tự do của nó. Bạn không phải chỉnh sửa quá nhiều và là nơi mà tính chân thực được đẩy lên trên nhất. Nét đẹp khác của nó là sự đơn giản, không cần có đội ngũ hỗ trợ khi bắt đầu, chỉ cần bạn và microphone thôi. Nó cũng là không gian tuyệt vời để nói những gì bạn thấy quan trọng, vì nó là dạng nội dung dài nên bạn có đủ thời gian.

Còn nhớ mấy tập đầu, tôi còn làm rớt microphone rồi nhặt lên nói tiếp mà không cắt đoạn đó ra khỏi podcast. Nó cũng là không gian tuyệt vời để nói những gì bạn thấy quan trọng với mình, vì nó là dạng nội dung dài nên bạn có đủ thời gian.

Người ta chỉ biết anh là một doanh nhân start-up cho ra nhiều sản phẩm hữu ích, cũng như người ta hay biết và ngưỡng mộ những câu chuyện thành công theo đuổi giấc mơ. Còn những lần giấc mơ tan vỡ thì sao? Anh nghĩ sao về điều này?

Trong thế giới của các start-up công nghệ, độ tuổi của tôi còn chưa đến trung bình của độ tuổi chín muồi, nên là tôi còn cần thêm nhiều năm và nhiều nỗ lực lắm.

Còn về những mơ ước thì tôi nghĩ nó là điểm tựa cho những mơ mộng thực tế của mình. Gọi là “điểm tựa” vì không có nó, các nhà sáng lập không lấy đà được; còn “mơ mộng thực tế” là cách tôi thường nói vui về các hoài bão, vì nó luôn mang hình hài quá lý tưởng nên là mơ mộng, nhưng bản chất nó cũng thực tế vì nó đến từ trực giác và luận điểm của mình.

Vậy thì, có bao giờ giấc mơ của một ai đó thực sự tan vỡ không? Tôi nghĩ là không, nó chỉ chuyển từ hình thức này sang hình thức khác, và hình hài của nó đôi khi cần giảm đi những lý tưởng để có thể thoát kén và bùng phát.

Cuộc sống còn dài nếu mình nhìn xa, một giấc mơ gọi là tan vỡ trong 10 năm đầu có thể đến ở năm thứ 30 trở đi. Giống như cựu tổng thống Mỹ Joe Biden, ông muốn trở thành tổng thống khi bắt đầu sự nghiệp chính trị ở những năm tuổi 30, nhưng đến 77 tuổi ông mới là tổng thống. 47 năm đủ để một người trẻ trở thành người trung niên nhưng khả năng xảy ra là có.

Còn về những lần hụt hẫng về niềm tin thì tôi có cũng kha khá, chỉ là mình chọn không nói ra thôi. Điều quan trọng mà tôi nhận ra là… ai cũng trải qua điều này ở nhiều mức độ khác nhau, nên đừng tập trung và đẩy cảm xúc của mình lên cao thái quá. Việc nhanh chóng xác định nguồn gốc của vấn đề và tiếp tục giữ đà di chuyển thực sự quan trọng. Nó là mấu chốt khiến tôi dường như không dừng lại trong việc hoàn thiện những gì mình cần làm và tiếp tục tiến lên.

Có hay không kỳ vọng chắc vẫn ổn, ít ra là ổn hơn gửi gắm sai kỳ vọng. Anh từng gặp trường hợp này chưa? 

Tôi nghĩ kỳ vọng là tự nhiên và là bản năng của mỗi người. Mấu chốt vẫn là liệu những gì mình mong muốn xảy ra có hợp lý và đúng thời điểm không, nếu nó được thấy với sự thấu suốt thì mình sẽ tinh chỉnh khá chính xác mức độ kỳ vọng. Để thấy điều này thì tôi gặp vấn đề về canh chỉnh kỳ vọng nhiều lần rồi. Cũng nhờ vậy mà tôi quen hơn trong việc đưa kỳ vọng vào mục tiêu, nên việc này cần trải nghiệm thử-sai một chút, đó là chìa khóa. 

Trong đoàn leo lên đỉnh núi tuyết, có người quay lại nhìn xuống, trở nên bất động vì sợ hại; cũng có người nhìn rồi và vẫn tiếp tục leo cao hơn. Khi tiến tới bờ mé giới hạn, nỗi sợ làm ta chịu trận. Mỗi lần đứng sát bờ mé giới hạn của mình, anh nghĩ gì và chọn làm gì?

Những năm đầu tuổi 20, có hai câu nói làm tôi tiến tới những quyết định mạo hiểm hơn trong cuộc sống. Triết gia Friedrich Nietzsche dùng cụm “live dangerously” (sống với những sự nguy hiểm nào đó), vì theo ông thì những gì ở bờ mé của sự chịu đựng, thường mang cùng nó những thành quả vượt trội.

Câu khác là của Betty Bender: “Những điều đáng giá nhất mà tôi từng làm, đều bắt đầu bằng việc làm tôi sợ chết khiếp.” Lần đầu tiên tôi lên độ cao 5km trên không trung, trong một chiếc phi cơ cỡ nhỏ để chuẩn bị nhảy dù xuống, bên dưới là cả một thành phố Perth trông bé tí. Lúc cửa phi cơ mở ra, gió lạnh ùa vào ào ào, khi đó tôi nhận ra đây là một dạng nỗi sợ mình cần có, đáng sợ nhưng lại thu hút một cách khó tả. Tôi nhảy xuống cùng một chuyên gia đi kèm, và đó nhanh chóng trở thành hai phút rơi tự do đẹp nhất cuộc đời tôi, hai phút ở giữa nghìn mây. 

Việc đối diện và chịu đựng những nỗi sợ mà mình biết nó không thể giết chết mình là một dạng năng lực cần có (với điều kiện là rủi ro mình đã đánh giá đầy đủ), đằng sau đó luôn là những thành quả tuyệt vời. Tất nhiên, mình cũng cần phân định rõ mình đang ở bờ mé của việc “đẩy trần” hay “sụp hố”. Cả hai đều thử thách mình ở biên độ dữ đội, nhưng chỉ một cái nên xảy ra. Điều này là điều ta cần quán xuyến, xem xét bằng kinh nghiệm và trí tuệ của sự trưởng thành.

Giữa một thế giới bất định, nơi mà những toà thành kiên cố có thể sụp đổ mọi lúc, anh nghĩ chúng ta cần trang bị những gì để đối mặt và bước tiếp?

Tôi luôn có góc nhìn khác về chữ “trang bị”. Nếu nó là động từ và mình cần phải liên tục chuẩn bị thì không hẳn là sự tối ưu – vì mình cần phải biết mình chuẩn bị cho điều gì, trong khi thực tế là mình không bao giờ biết điều gì sẽ xảy ra. Thay vào đó, tôi nghĩ là chúng ta có thể gọi là “trạng thái sẵn sàng”. Nghĩa là mình bám vào những quy tắc cố định trong việc tổng hòa thân-tâm-trí. Luôn luôn mở rộng trí óc của mình, luôn luôn chăm sóc thân thể, luôn luôn giải bày với tâm trạng của mình.

Trạng thái sẵn sàng sẽ giúp chúng ta nhận những “cuộc gọi” từ đời sống tốt hơn, và là một phương pháp kháng thương tuyệt vời.

Những bài học nào anh nhận ra ở tuổi này?

Đó là việc lớn lên mỗi ngày không hề dừng lại khi bạn qua 30 tuổi. Bruce Lee từng nói chúng ta nên sợ ai đó “tập đá một cú 10 nghìn lần”, vì đó là sự lặp lại có tích luỹ và cải tiến. “Sống” cũng là một hành động như “đá”. Lớn lên là “sống” nhiều hơn, tất nhiên là không tới 10 nghìn lần, nhưng đủ để mình lượm nhặt và tích lũy thứ trí tuệ mà không thể cứ đi học là có.

Cảm ơn những chia sẻ của anh.

MEN’S FOLIO VIETNAM #28 – THE NEW PLAYMAKERS ISSUE

The New Playmakers Issue lan toả câu chuyện của 29 nhân vật tiêu biểu tỏa sáng trong đa lĩnh vực. Họ là những người đàn ông bản lĩnh, những doanh nhân, nhà lãnh đạo… đã vượt qua muôn vàn thăng trầm để tìm thấy chính mình. Hơn thế, họ lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng và không ngừng nỗ lực để đưa thương hiệu Việt hội nhập thế giới, bằng những ý tưởng khởi nghiệp táo bạo và tầm nhìn của mình.

Với những kinh nghiệm và bài học sẵn có, chúng ta sẽ cùng nhau bước vào một kỷ nguyên mới, hoạch định nên một tương lai nhiều mong đợi.

library