The New Playmakers – Founder Vintage Culture Saigon Nam Khuất: Trụ vững bằng mọi giá

  • by Huyền My Trương
  • May 28, 2025

Không vì tiền bạc, cũng chẳng bởi kỳ vọng từ gia đình, hành trình khởi nghiệp của Nam Khuất với Vintage Culture Saigon được dẫn dắt thuần tuý bởi một tình yêu sâu sắc với điều mình làm – thứ tình cảm lặng lẽ, khiêm nhường nhưng đủ mạnh mẽ để dìu anh qua mọi gian nan.

“Mixology with a Soundtrack” là cách mà Vintage Culture Saigon tự giới thiệu về mình. Nhưng nếu kể lại hành trình từ những ngày đầu tiên cho đến hiện tại, anh sẽ chọn kể câu chuyện thế nào? Điều gì khiến nơi đây trở thành nơi chốn hơn cả một quán bar?

Ý tưởng về Vintage Culture được nhen nhóm khi tôi còn sống và làm việc trong ngành F&B tại Bangkok (Thái Lan). Khoảng năm 2017, một người bạn dẫn tôi đến một quán bar đĩa than – nơi mọi thứ được thăng hoa trong âm thanh rực rỡ của những bản nhạc cổ. Họ chơi chủ yếu nhạc từ thập niên 1980-1990, đúng dòng nhạc đã nuôi dưỡng tôi trong suốt những năm tháng lớn lên ở Mỹ. Tôi mê mẩn mô hình bar ấy sau lần đầu trải nghiệm. Từ khoảnh khắc đó, tôi đã ấp ủ một giấc mơ là sẽ mở một quán bar đĩa than của riêng mình khi về lại Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tôi cũng xác định Vintage Culture Saigon sẽ là một dự án thuần tuý khởi nguồn từ đam mê, nên không đặt nặng chuyện lời lỗ. Cũng vì vậy mà tôi gần như không có cảm giác sợ hãi hay do dự trong quá trình thực hiện. 

Vintage Culture Saigon là thành quả của những trải nghiệm và kỹ năng nào của anh từ trước đến nay?

Vintage Culture là thành quả của những năm tháng làm việc trong ngành F&B ở Bangkok. Dù chỉ có hai năm kinh nghiệm nhưng để đến được thời điểm hiện tại, tôi đã rèn luyện cho mình hai kỹ năng rất quan trọng – cởi mở học hỏi để thích ứng với môi trường mới và luôn có một tư duy nhìn xa trông rộng trong một ngành rất cạnh tranh như F&B. 

Vậy tựu trung, cốt lõi của Vintage Culture Saigon hướng đến điều gì? 

Cốt lõi của một mô hình bar đĩa than thực chất là trải nghiệm âm nhạc chứ không phải là thuần trải nghiệm về đồ uống. Vì thế, khi xây dựng Vintage Culture, trải nghiệm âm nhạc là sản phẩm được tôi xây dựng đầu tiên sau đó mới đến bước kết hợp với thức uống để tạo ra một trải nghiệm trọn vẹn cho khách hàng. 

Hẳn là việc ta làm sẽ phải thỏa mãn mình trước hết, nhưng làm thế nào để từ sự hài lòng riêng ấy, anh có thể chuyển hóa thành trải nghiệm đủ sức chinh phục những vị khách tìm đến chốn này?

Sự hiện diện của Vintage Culture bắt đầu từ đam mê cá nhân của tôi với mong muốn tạo nên một không gian mà tôi cảm thấy đúng với niềm mong mỏi của mình. Tôi hiểu đây là một mô hình khá “niche” ở Việt Nam và chấp nhận rủi ro là thị trường có thể chưa sẵn sàng. Nhưng tôi vẫn tin rằng, tất cả những gì mình cần để Vintage Culture Saigon tìm thấy sự đồng điều với khách hàng là thời gian và sự kiên trì.

Không đặt nặng lời lãi, xuất phát điểm từ đam mê, vậy có điều gì gây khó cho anh? 

Chắc là giai đoạn một năm đầu khi chúng tôi phải trải qua nhiều thử thách về mọi mặt từ tuyển dụng và đào tạo nhân sự, thay đổi chiến lược marketing, bất đồng giữa các cổ đông cho tới kinh tế suy thoái dẫn tới thay đổi về sức mua của khách hàng. 

Bên cạnh Vintage Culture Saigon, trước đây anh còn là nhà sáng lập của Kin Đee – Thai Gastropub. Anh phân bổ sự hiện diện của mình thế nào trong việc vận hành và quản lý cả hai mô hình kinh doanh? Theo anh điều quan trọng nhất cần lưu ý trong vai trò lãnh đạo là gì, để cả hai mô hình cùng “thắng”?

Dù tôi đóng mô hình Kin Đee – Thai Gastropub từ trước năm ngoái, nhưng trong năm đầu tiên vận hành Vintage Culture, tôi vẫn đồng thời đảm nhận vai trò điều hành cả hai. Điều quan trọng nhất trong vai trò lãnh đạo, theo tôi, chính là xây dựng được một đội ngũ giỏi chuyên môn, tâm huyết với nghề, thấu hiểu tầm nhìn của mình và có thể gắn bó lâu dài, để cùng nhau hướng đến mục tiêu chung và tạo ra những giá trị bền vững.

Anh dẫn dắt đội ngũ như thế nào?

Tôi thường quản lý từ xa và hạn chế can thiệp quá sâu vào cách vận hành của nhân viên. Hệ thống vận hành của tôi được tổ chức theo cấp bậc rõ ràng, với các mục tiêu cụ thể cho từng vị trí. Tuy nhiên, với những vị trí quản lý chủ chốt như bếp trưởng, bếp phó hay trưởng quầy bar, tôi tuyển chọn rất kỹ lưỡng và dành nhiều thời gian để hướng dẫn. Tôi muốn họ thấu hiểu rõ những yêu cầu, tiêu chuẩn mà tôi đặt ra, từ đó cùng tôi xây dựng văn hoá chung và hướng tới sự gắn bó lâu dài, cùng nhau đạt được những mục tiêu lớn hơn.

Để điều hành một quán bar tốt thì những chỉ số và dữ liệu nào trên thị trường mà nhà sáng lập nên cập nhật thường xuyên?

Thị trường quán bar ở Thành phố Hồ Chí Minh gần như không có sẵn những chỉ số hay dữ liệu công khai, nên người sáng lập phải tự thu thập và cập nhật thông tin. Với tôi, những chỉ số quan trọng cần theo dõi thường liên quan đến đối thủ và khách hàng như sự thay đổi trong thói quen chi tiêu, những địa điểm mà nhóm khách hàng tiềm năng thường lui tới, các sản phẩm đang được ưa chuộng trên mạng xã hội mà tệp khách của mình quan tâm, hay sự xuất hiện của các mô hình mới, biến động về giá cả và thay đổi sản phẩm từ các đối thủ trực tiếp.

Vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó. Vấp ngã ở đâu, đứng lên ở đó. Anh có thể chia sẻ về những đứng lên từ vấp ngã của mình không? 

Khi từ Bangkok trở về Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2019 để mở mô hình F&B đầu tiên, quán Kin Đee – Thai Gastropub, tôi đã đối mặt với muôn vàn khó khăn trong giai đoạn khởi đầu: Từ quản lý đội thiết kế, nhà thầu xây dựng, làm việc với chính quyền, đến marketing, tuyển dụng và đào tạo nhân sự. Gần như mọi việc tôi đều tự tay làm. Thế rồi, chỉ một tháng sau ngày khai trương, COVID-19 ập đến. Suốt hơn một năm đại dịch, tôi phải xoay đủ cách để nhà hàng có thể tồn tại giữa giai đoạn vô cùng khắc nghiệt.

Ngay khi dịch vừa qua, một khó khăn khác lại xảy ra: Chủ nhà bán nhà, Kin Đee phải đóng cửa, và tôi gần như mất trắng. Đã có lúc tôi nghĩ rằng mình không có duyên với ngành F&B, rằng có lẽ nên rẽ sang một con đường khác. Nhưng rồi, sau nhiều lần nghĩ suy cân nhắc, tôi chọn tiếp tục hành trình và quyết định trụ lại với F&B đến hôm nay. 

Đến nay, anh thấy thành tựu lớn nhất của mình là gì? Vì sao?

Thành tựu lớn nhất của tôi cho đến nay, có lẽ chính là việc mình vẫn đang gắn bó với ngành F&B – vẫn giữ được đam mê, và thậm chí còn có thêm nhiều ý tưởng mới. Như đã chia sẻ, sau khi phải đóng cửa Kin Đee vì dịch, tôi từng nghĩ đến việc quay lại với ngành kỹ sư xây dựng và từ bỏ F&B. Nhưng rồi, tôi đã chọn tin vào bản thân và quyết tâm tiếp tục theo đuổi con đường mà mình thực sự yêu thích.

Một công việc hạnh phúc là công việc như thế nào? 

Đó là một công việc mình sẵn sàng cống hiến và gắn bó, không vì tiền bạc hay kỳ vọng từ gia đình, mà đơn giản vì mình thực sự yêu nó.

Cảm ơn những chia sẻ của anh.

Words: Huyền My Trương
Production: Trân Nguyễn
Photographer: MOCO Studio

 

MEN’S FOLIO VIETNAM #28 – THE NEW PLAYMAKERS ISSUE

The New Playmakers Issue lan toả câu chuyện của 29 nhân vật tiêu biểu tỏa sáng trong đa lĩnh vực. Họ là những người đàn ông bản lĩnh, những doanh nhân, nhà lãnh đạo… đã vượt qua muôn vàn thăng trầm để tìm thấy chính mình. Hơn thế, họ lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng và không ngừng nỗ lực để đưa thương hiệu Việt hội nhập thế giới, bằng những ý tưởng khởi nghiệp táo bạo và tầm nhìn của mình.

Với những kinh nghiệm và bài học sẵn có, chúng ta sẽ cùng nhau bước vào một kỷ nguyên mới, hoạch định nên một tương lai nhiều mong đợi.

 

library