Năm 2024 được đánh giá là năm “đơm hoa kết trái” của dòng phim kinh dị, khi phần lớn các dự án nhận được đông đảo sự chú ý từ phía công chúng và truyền thông. Không cần bỏ ra quá nhiều nguồn vốn, nhưng đa số các tác phẩm đều thu về lợi nhuận khổng lồ nhờ vào đề tài mới mẻ và phong cách làm phim ấn tượng. Một số tác phẩm được đánh giá bằng mỹ từ “kiệt tác mới của dòng phim kinh dị hiện đại”. Nổi bật phải kể đến là “The Substance” của đạo diễn Coralie Fargeat. Ra mắt vào đầu tháng 11, “The Substance” đã nhanh chóng thu về 4.3 tỷ đồng tại thị trường Việt Nam, chỉ sau 6 ngày phát hành chính thức. Trên thị trường Mỹ, phim cũng nhận gặt hái thành công đáng kể khi doanh thu phòng vé vượt mốc 15 triệu USD, trong 4 ngày công chiếu.
Bên cạnh “The Substance”, “Nosferatu” do Robert Eggers cầm trịch cũng nhận được nhiều lời tán dương. Với kinh phí sản xuất được cho là khoảng 50 triệu USD, phim vẫn có thể duy trì và tạo ra doanh thu đáng ngưỡng mộ. Thu về gần 176 triệu USD, dự án đã vượt qua các đối thủ đáng gờm ở cùng thời điểm như “Smile 2” (138 triệu USD) và “Longlegs” (126 triệu USD), đồng thời thành công soán ngôi “Brokeback Mountain”, trở thành bộ phim có doanh thu cao thứ hai từ trước đến nay của hãng Focus Features. Giới chuyên môn đánh giá, bộ phim không phải là bom tấn phòng vé, nhưng được đón nhận nồng nhiệt và trở thành tác phẩm định hình thể loại phim ma cà rồng. Trong tương lai, phim sẽ được nhắc đến như một kiệt tác kinh dị gothic của thời đại.
Tưởng chừng dòng phim kinh dị đã bão hòa với vô số tác phẩm xuất sắc, khiến khán giả khó lòng tìm thấy trải nghiệm mới mẻ. Thế nhưng, giữa biển khơi ấy, “The Monkey” xuất hiện và mang đến một làn gió mới đầy ám ảnh. Không chỉ đơn thuần là những pha “jumpscare” thót tim, bộ phim còn kết hợp độc đáo giữa yếu tố kinh dị và hài đen, tạo nên trải nghiệm mới lạ cho khán giả.
Dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn Osgood Perkins, cùng với sự tham gia của dàn diễn viên tài năng như Theo James và Tatiana Maslany, bộ phim xoay quanh câu chuyện về hai anh em song sinh Hal và Bill (Theo James), vô tình phát hiện ra một con khỉ đồ chơi trong các di vật của người cha quá cố. Điều kinh hoàng là mỗi khi con khỉ đánh trống, một cái chết bí ẩn và tàn khốc lại xảy ra.
Nhiều năm trôi qua, Hal và Bill vẫn không thể thoát khỏi bóng ma quá khứ. Bởi, cả hai lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm, chịu nhiều tổn thương từ người cha, và giờ đây, họ lại bị kéo vào vòng xoáy chết chóc liên quan đến con khỉ đồ chơi năm xưa. Khi những thảm kịch ngày càng leo thang, Hal và Bill buộc phải đối mặt với quá khứ đau thương, đồng thời tìm cách phá giải lời nguyền quái ác của con khỉ trước lúc mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát.
Kịch bản được Osgood Perkins lấy cảm hứng từ tác phẩm cùng tên của “ông hoàng truyện kinh dị” Stephen King. Vị đạo diễn người Mỹ đã thực hiện một cuộc “tái thiết” cốt truyện gốc bằng cách gia tăng chiều sâu tâm lý cho các nhân vật và mở rộng đường dây câu chuyện. Cụ thể, trong nguyên tác King sử dụng hình ảnh con khỉ đồ chơi nhằm khơi gợi nỗi ám ảnh và sự bất an tiềm ẩn trong tâm trí con người. Với phong cách kể chuyện đặc trưng, Stephen King đã khéo léo lồng ghép yếu tố siêu nhiên cùng diễn biến tâm lý nhân vật, tạo nên một bầu không khí đầy căng thẳng và ám ảnh.
Khi chuyển thể “The Monkey” lên màn ảnh rộng, Perkins mong muốn tăng tính trải nghiệm điện ảnh, ông đã kết hợp yếu tố kinh dị với hài đen. Ông thay thế hình ảnh con khỉ vỗ chũm chọe bằng con khỉ đánh trống, tạo nên sự khác biệt và tránh những liên tưởng đến các tác phẩm khác. Perkins chia sẻ rằng ông muốn bộ phim có sự hài hước để phản ánh sự vô nghĩa và ngẫu nhiên của cái chết, đồng thời tạo ra những phản ứng bất ngờ từ khán giả. Sự kết hợp giữa kinh dị và hài hước trong phim gợi nhớ đến phong cách của các đạo diễn thập niên 80 và 90, những người đã pha trộn giữa sự hài hước và bạo lực cực độ để thách thức các chuẩn mực kinh dị hiện đại.
Đặc biệt hơn, Perkins đã đưa những trải nghiệm cá nhân vào cốt truyện, nhằm tăng chiều sâu cảm xúc cho bộ phim. Sinh ra trong một gia đình có nhiều biến động, với người cha là ngôi sao của “Psycho” – Anthony Perkins và người mẹ mất trong thảm kịch 11/9, ông đã chuyển hóa những nỗi đau thành nghệ thuật. Cách tiếp cận này đã giúp ông làm nên một tác phẩm kinh dị vừa rùng rợn, vừa mang đậm dấu ấn cá nhân. Điều đó được thể hiện rõ nét ở những thước phim đậm tính mỹ thuật. Từng khung hình u tối kết hợp gam màu lạnh góp phần tạo hiệu ứng thị giác mạnh mẽ, đồng thời khắc họa một cách chân thực nỗi bất an bủa vây các nhân vật, làm tăng cảm giác căng thẳng với người xem.
Sự kết hợp đầy hứa hẹn giữa hai tên tuổi lớn của dòng phim kinh dị – Stephen King và James Wan, đã tạo nên áp lực không nhỏ cho “The Monkey”, nhất là về mặt diễn xuất. Bộ phim đòi hỏi một dàn diễn viên tài năng, có khả năng lột tả trọn vẹn những góc khuất tâm lý phức tạp và nỗi ám ảnh siêu nhiên. Và họ đã chứng minh được năng lực vượt trội của mình, đáp ứng được những kỳ vọng đặt ra.
Theo James đã được đội ngũ làm phim “chọn mặt gửi vàng” cho vai diễn thử thách ở dự án này . Nam tài tử được biết đến với vẻ ngoài điển trai và khả năng diễn xuất đa dạng. Trước “The Monkey”, nam diễn viên sinh năm 1984 nổi tiếng với các vai diễn trong “Divergent”, “The White Lotus”, “The Time Traveler’s Wife”, “The Gentlemen”.
Góp mặt ở dự án lần này, James đã chứng tỏ khả năng diễn xuất đa dạng khi hóa thân thành hai anh em sinh đôi Hal và Bill Sherburn. Hai nhân vật này có tính cách hoàn toàn trái ngược: Hal trầm tính, nhạy cảm; còn Bill mạnh mẽ, quyết đoán. Những tổn thương từ quá khứ và nỗi sợ hãi ở hiện tại của họ được ngôi sao “The White Lotus” thể hiện một cách tinh tế. Sự khác biệt trong tính cách của họ càng được thể hiện rõ nét về cuối phim, đẩy mâu thuẫn lên cao trào và tạo nên kịch tính cho câu chuyện.
Khả năng diễn xuất của Theo James đã nhận được nhiều lời khen ngợi. Tờ Financial Times đánh giá cao màn trình diễn của James, cho rằng anh là một trong những điểm sáng của phim. Anh đã thể hiện xuất sắc hai nhân vật với hai sắc thái hoàn toàn trái ngược, đặc biệt là vai Bill mạnh mẽ và quyết đoán. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, ở những phân đoạn thể hiện Hal yếu đuối, nhút nhát, diễn xuất của anh có phần chưa ổn định, đôi lúc còn khiên cưỡng. The Guardian nhận xét rằng “diễn xuất của Theo James cảm thấy vụng về trong thế giới không hòa hợp này”. Tuy vẫn có những ý kiến trái chiều về diễn xuất của James trong “The Monkey”, nhưng không thể phủ nhận nam tài tử đã nỗ lực hết mình để mang đến một màn trình diễn ấn tượng, góp phần tạo nên sức hút cho bộ phim.
Bên cạnh Theo James, dàn nhân vật phụ cũng góp phần quan trọng vào thành công của bộ phim. Sao nhí Christian Convery đã thể hiện xuất sắc hình ảnh Hal và Bill thời thơ ấu. Diễn xuất tự nhiên và chân thực của Convery giúp khán giả hiểu rõ hơn về quá khứ và mối quan hệ phức tạp giữa hai anh em, tạo nền tảng cho những diễn biến sau này.
Tatiana Maslany để lại thiện cảm cho người xem khi đảm nhiệm vai người mẹ. Cô đã khắc họa chân dung một người phụ nữ mạnh mẽ, kiên cường nhưng cũng đầy giằng xé giữa tình yêu dành cho con và nỗi sợ hãi trước những sự kiện kinh hoàng. Màn chuyển biến tâm lý của cô giúp tăng thêm chiều sâu cho câu chuyện và tạo sự đồng cảm từ phía khán giả. Dù xuất hiện không nhiều, Elijah Wood gây ấn tượng mạnh với vai diễn đầy bí ẩn. Sự hiện diện của anh đã thành công trong việc gieo rắc nỗi nghi ngờ và lo lắng vào tâm trí khán giả, khiến họ luôn phải đặt câu hỏi về động cơ của nhân vật.
Không dừng ở một bộ phim kinh dị đơn thuần, “The Monkey” còn là ẩn chứa thông điệp sâu sắc về nỗi sợ hãi và quá khứ. Phim khai thác sâu sắc cách mà những sự kiện đau thương trong quá khứ có thể ám ảnh và chi phối cuộc sống hiện tại của con người. Những vết sẹo này không biến mất theo thời gian, mà có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào, ám ảnh và chi phối cuộc sống hiện tại. Con khỉ đồ chơi “vô tri vô giác” trong phim chính là biểu tượng cho quá khứ ám ảnh đó, luôn rình rập và đe dọa, nhắc nhở các nhân vật về những sai lầm và tội lỗi mà họ muốn chôn vùi.
Cùng với đó, thông qua câu chuyện của gia đình Hal, phim cũng đặt ra câu hỏi về cách con người đối diện với nỗi sợ hãi. Liệu chúng ta có thể trốn chạy khỏi quá khứ hay phải đối mặt với nó để tìm kiếm sự giải thoát? Từ đây, “The Monkey” đã cho thấy rằng việc trốn chạy khỏi quá khứ không phải là giải pháp, chỉ có việc đối diện trực tiếp mới có thể mang lại sự giải thoát, chữa lành những vết thương lòng và tìm lại sự bình yên.
Ngoài ra, bộ phim còn đề cập đến những khía cạnh tâm lý phức tạp của con người, như sự ám ảnh, mất mát và hối hận. Những cảm xúc này được thể hiện một cách chân thực và mạnh mẽ, khiến người xem không khỏi suy ngẫm về những góc khuất trong tâm hồn con người.
MEN’S FOLIO, tạp chí quốc tế về thời trang và phong cách sống dành cho Quý Ông sành điệu, có bề dày hơn 25 năm kể từ ngày thành lập đầu tiên vào năm 1997 tại Singapore. Men’s Folio mang sứ mệnh quảng bá tài năng châu Á, cũng như xu hướng thời trang nổi bật nhất qua các mùa. Hiện ấn phẩm đã có mặt tại đa quốc gia, hoạt động mạnh mẽ ở các nước Đông Nam Á, và chính thức có mặt tại Việt Nam vào tháng 11/2020. Ấn phẩm Men’s Folio Vietnam hội tụ những bài viết tinh hoa, hình ảnh bắt mắt, giới thiệu những nhân vật danh tiếng của ngành công nghiệp thời trang và giải trí Việt Nam. Cùng cái nhìn tổng quan về xu hướng, thời trang và phong cách sống nổi bật nhất dành cho phái mạnh theo từng mùa/năm.
Copyright © 2024 Luxuo Media Vietnam. All Rights Reserved. Website Developed by Tony Toàn