The Icon List: Người mẫu Nhật Trường & Việt Dũng – Phá vỡ quy chuẩn để thành công
Feature

The Icon List: Người mẫu Nhật Trường & Việt Dũng – Phá vỡ quy chuẩn để thành công

Phá vỡ những quy chuẩn về một nam người mẫu thông thường mà đại chúng vẫn thường mặc định: đẹp trai, bóng bẩy, cao to và đặc biệt là 6 múi; Nhật Trường (@Vegadoom) và Việt Dũng (@Dzzzung) vẫn gặt hái được những thành công nổi bật trong nghề. Không chỉ chinh phục những bộ hình thời trang cao cấp, cả hai đều dễ dàng xử lý cả hình ảnh thương mại, điều đó khiến họ xứng đáng đứng trong danh sách ICON của Men’s Folio Vietnam số này.

Men’s Folio Vietnam gặp gỡ cả Nhật Trường và Việt Dũng trong một ngày đầu tuần bận rộn, khi Sài Gòn đã dần trở lại nhịp sống “bình thường mới”, và theo như lời hai người mẫu, bình thường mới cũng tạo nên bận rộn mới, nhưng tất cả vẫn sẵn sàng ngồi lại để cùng nhau bóc tách hành trình mà mình đã qua. Thực ra với họ, Icon là một mỹ từ hơi to lớn, họ làm nghề một cách trong sáng với niềm yêu thích và mục tiêu cá nhân, nhưng chính vì thế mà Men’s Folio Vietnam lại càng cảm thấy, không thể thiếu Nhật Trường hay Việt Dũng trong The List lần này.

Với giới mộ điệu tại Việt Nam, hai gương mặt này vẫn thường được nhận định là “đi đâu cũng thấy”, thậm chí là song hành cùng nhau, thế nhưng từ xuất phát điểm cho tới cách họ bước đi trong thế giới người mẫu của mình lại rất khác biệt.

“Vì sao hai bạn lại chọn nghề người mẫu?”Câu hỏi rất mô phạm trong mọi cuộc phỏng vấn, nhưng luôn có ích để mở đầu cảm xúc cho nhân vật.

Với Việt Dũng, nghề đến một cách “duyên số” bởi ngay từ khi còn là sinh viên, anh đã được một đơn vị mời ký hợp đồng người mẫu độc quyền. Anh chính thức lao động với nghề một cách chuyên nghiệp từ năm 2015. Nghe có vẻ suôn sẻ, nhưng chính anh chia sẻ rằng, lúc đó mình còn non quá, chưa có nhiều lời mời chụp đâu. Bước ngoặt đến từ khi Dũng để tóc dài, tách ra freelance và diễn ở Tuần lễ thời trang quốc tế đầu tiên ở Hà Nội. Kể từ đó mới được các thương hiệu biết đến nhiều hơn.

Ngay trong cuộc chia sẻ, khi Dũng đang nói thì Nhật Trường đang lật các trang nhật ký ghi lại dấu mốc của mình, như cách hai anh gọi là “tua lại lịch sử”. Nếu mà để nói về “duyên số” thì yếu tố này của Nhật Trường cao hơn nhiều. Anh kể rằng, có một lần đang ngồi cà phê ở đường Lý Tự Trọng, NTK Trương Thanh Long đã tới hỏi tên tuổi và mời anh chụp cho bộ sưu tập mới, mà lại còn là…“ngày mai luôn luôn em”. “Lúc đấy mình chưa biết gì model đi chụp nhiều, lúc đó không biết anh ấy là ai đâu, chỉ biết là rất vui thôi”. Sau đó, Nhật Trường càng chụp nhiều cho shop thời trang của những người bạn, anh càng cảm thấy thôi thúc với nghề. Và sau đó, anh mới chính thức từ Vũng Tàu lên Sài Gòn, khi đó là 2016.

“Điều gì đã khiến hai anh ghi dấu ấn giữa một ngành “âm tính”, đất diễn dành cho người mẫu nam luôn ít hơn nữ, nhưng vẫn sống được với nghề? Đã bao giờ hai anh thử lý giải chưa?” – Người viết thực lòng tò mò về điều này.

Cả hai cùng đồng thanh: Tất nhiên rồi. Thường xuyên là khác.

Ngẫm nghĩ một lúc, Việt Dũng trả lời rằng, ban đầu anh rất mơ hồ, cứ làm vậy thôi chứ chưa nghĩ mình gắn bó với nghề lâu. Thế nhưng điều thú vị nhất có lẽ là khi đi sâu vào chuyên môn này, tiếp xúc với những người giỏi ở đa lĩnh vực, mình có cảm hứng từ tầm nhìn của họ và kiến thức thời trang, hiểu về thế giới sáng tạo, nhiếp ảnh, diễn xuất…Từ đó mình cải thiện kỹ năng về người mẫu của mình. Với Dũng, anh tin rằng khi mình là người mẫu giỏi, mọi người sẽ tìm đến mình. Hình ảnh tốt, kiến thức tốt, thì sẽ được sử dụng lâu dài. Đó là yếu tố để anh ghi dấu vào trường sức với nghề.

Còn với Nhật Trường, anh dấn thân vào nghề này bởi một niềm tin, giọng điệu khi nói đến đây vang một vẻ chắc chắn: “mình tin lắm, không bao giờ lung lay”. Lúc mới lên Sài Gòn, câu hỏi thường trực của anh là liệu có làm người mẫu được không? Anh bỏ ngang một công việc kinh doanh tại nhà, để lao đầu theo một sức hút mà ngày đó anh không giải thích được đó là gì. Đấy là còn chưa kể hồi đầu mình quá rụt rè, thấy người mẫu nam ai cũng đẹp trai, mình thì không; không ai sơn móng tay, không ai cạo sạch lông mày, nhiều người tránh né mình nữa vì mình lạ, nhiều khi cũng buồn.

Nhật Trường vẫn nhớ lần đầu tiên được Giám đốc Sáng tạo Alex Fox chụp trong một bộ hình thời trang trên tạp chí L’Officiel Vietnam, anh vui, cả gia đình anh đều vui. Với anh đến giờ đó vẫn là bộ hình “iconic”, điều đó tiếp thêm nhiều động lực để anh nỗ lực với nghề.

Thực ra với cả Nhật Trường và Việt Dũng, thời điểm bắt đầu vào nghề là muộn tuổi so với người mẫu. Nhưng để có ngày được ghi nhận như hôm nay, ngoài nỗ lực và tin vào chính mình, còn có sự hoà hợp của những cái tôi cực đoan.

“Tại sao lại là sự hoà hợp của những cái tôi cực đoan?” Người viết đầy thắc mắc.

Lần đầu tiên hai người bạn gặp nhau, một người thì quá dị biệt (Nhật Trường), còn một người tóc dài, trông “khùng khùng” nhưng lại thiên về thương mại (Việt Dũng).

Dũng chia sẻ rằng, khi mới bắt đầu, anh thuộc hàng lạ lạ xấu xấu, không đẹp trai so với kiểu người mẫu ở Hà Nội nên anh hướng đến high-fashion. Khi làm nghề được khoảng 2 năm, anh nhận ra tiềm năng lớn của mảng thương mại, nó không chỉ đem lại tiền bạc mà mở ra cho anh nhiều cơ hội làm nghề và học hỏi nhiều đa dạng hơn như diễn xuất, thấu hiểu thị trường, khách hàng…Khi chuyển hướng như vậy, anh đã có sự bỏ bê nhất định với high-fashion.

Còn Nhật Trường, ngày đó cái tôi của Trường cực mạnh, phải nói là anh “anti” thương mại. Mỗi người lại có sự cực đoan riêng của mình.

Nhưng vì chơi thân với nhau, cả hai đều cảm nhận từ từ những giá trị tích cực của nhau, tiếp nhận và chuyển biến. Với Nhật Trường, anh học được cái cách làm sao biến hoá phong cách dị biệt của mình trở nên gần gũi hơn, dễ cảm hơn với công chúng. Còn ở phía Việt Dũng, anh lấy lại được cảm hứng với high-fashion trở lại. Chính sự hoà hợp của những cái tôi cực đoan nhưng không bảo thủ đã đem lại khả năng có thể chinh phục cả hai địa hạt thời trang như ngày hôm nay.

“Vậy cực đoạn có vẻ cũng là điều tốt phải không?”

“Ấn tượng ban đầu cực kỳ quan trọng. Nên cực đoan một chút để người ta nhớ đến mình. Nhưng đừng quá bảo thủ, hãy làm mới mình liên tục, học hỏi liên tục và trải nghiệm liên tục. Nếu thị trường không cần đến mình thì thực ra những gì mình làm không mang lại giá trị và khó để trường sức với nghề” – Việt Dũng chia sẻ.

Nhật Trường tiếp lời: “Cuộc đời mình có thể rất tự do theo cách sống riêng, nhưng mình không ngừng ‘nảy số’ trong đầu để đặt ra những cột mốc làm mới chính mình. Cực đoan là sự xây dựng tính cá nhân, sau đó mình hoà hợp cùng nhiều cá nhân khác. Hãy để ý tới những điều mà mọi người không để ý. Tìm tòi và sáng tạo. Khai phá những góc độ mới lạ.”

Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện này, chúng tôi nói với nhau rằng ngành người mẫu ngày càng trở nên đa dạng hơn, ngày xưa người mẫu có một khung nhất định, như một từ giấy trắng cho người ta vẽ lên. Còn ngày nay người mẫu nên là một tờ giấy đã vẽ sẵn và người ta vẽ thêm thôi. Vì hơn bao giờ hết, đây là thời điểm tuyệt đẹp cho sự đa dạng.

Vậy “các anh có phải lớp người tiên phong không?” – “Không đâu, do thị trường và do sự thay đổi của xã hội thôi. Trước đây nhiều người thú vị lắm, nhưng có thể họ đã không hợp thời. Còn mình may mắn xuất hiện đúng thời điểm, điều đó đã giúp mình toả sáng”.

Bài: Nam Thi
Photographer: Sapochee
Stylist: Dien70s
M.U.A: Tùng Châu

 

 

Related Article