The Icon List: Nghệ sĩ Hà Lê – Đa dạng trong sự thống nhất
Feature

The Icon List: Nghệ sĩ Hà Lê – Đa dạng trong sự thống nhất

Khi trò chuyện cùng anh Hà Lê, anh cho rằng mình chưa thể gọi là ICON. Nhưng với Men’s Folio, khi nhìn nhận một hành trình tổng thể của người nghệ sĩ ở đa lĩnh vực, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự lựa chọn của mình khi gọi tên anh trong danh sách này.

Anh là nghệ sĩ thực hành ở đa lĩnh vực, từ rap, nhảy, MC, ca hát và giờ còn là một “mentor” nữa. Điều đặc biệt là ở lĩnh vực nào anh cũng có dấu ấn trong lòng công chúng. Liệu anh Hà Lê có công thức gì không? Điều gì anh nghĩ là mấu chốt để có được sự ghi nhận của khán giả như ngày hôm nay?

Hà Lê cảm thấy mình may mắn, có điều kiện được thực hành ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, dù ban đầu đam mê của mình là thuần tuý liên quan tới văn hoá Hip-Hop và sự khao khát được trình diễn năng lực của mình ở trên sân khấu. Bản thân mình cũng bất ngờ khi hành trình nghệ thuật đi đến ngày hôm nay, mình cũng đã trải qua chặng đường làm đủ các “nghề”, các vai trò ở trên sân khấu.

Điều quan trọng là, ở vai trò nào Hà Lê cũng cố gắng để hiểu giá trị cốt lõi của vai trò đấy. Và đặc biệt tinh thần học hỏi, tinh thần không giấu dốt, liên tục chia sẻ, liên tục trau dồi kiến thức cho mình. Chỉ khi ta trang bị kiến thức thật tốt, dù bước chân vào một lĩnh vực khác với chuyên môn ban đầu, ta vẫn có thể chuẩn bị tốt nhất cho nó.

Đặc biệt ở vai trò mentor, góc độ Hà Lê chưa có nhiều kinh nghiệm. Chủ yếu là mình chân thành, thấu hiểu, quan tâm, quan sát để tìm cách để hiểu người thí sinh, người bạn, người đồng đội của mình xem người họ cần gì; hiểu mình có thể làm được gì cho họ để họ phát huy hết khả năng.

Sự đa nhiệm của anh Hà Lê dường như phá bỏ câu nói quen thuộc: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Vậy nếu dành một lời khuyên cho những nghệ sĩ trẻ mới bắt đầu, thì anh có khuyên các bạn hãy cứ làm mọi thứ không? Hay anh sẽ dành một lời khuyên ra sao?

Hà Lê cũng đã được nghe và trải nghiệm rất nhiều câu nói này. Có một giai đoạn mình vô cùng băn khoăn khi bước sang một lĩnh vực mới, vì nó xa rời chuyên môn ban đầu của mình; rồi mình làm việc, sinh hoạt trong môi trường mới, câu hỏi đấy mình dằn vặt lắm

Nhưng thực ra mà nói, Hà Lê vẫn rất thống nhất, chỉ là trong 17 năm hoạt động nghệ thuật, được chạm vào nhiều thể loại khác nhau. Nhưng nó vẫn nằm trong nghệ, thuật, vẫn cho cơ hội được phục vụ nghệ thuật, có cơ hội trên sân khấu, được sáng tạo và mang lại giá trị cho khán giả.

Lời khuyên mà Hà Lê muốn chia sẽ đó là đừng ngại trải nghiệm, nếu cơ hội đến trên con đường nghệ thuật của bạn, đừng ngại! Không phải là bạn đang chọn làm một nghề khác đâu, đơn giản là bạn có thêm trải nghiệm, sự cọ xát và vốn sống. Đừng bó hẹp chuyên môn, mở rộng mình ra để tìm hiểu, vì nó sẽ giúp giàu thêm kiến thức, và từ đó bạn sẽ tạo ra dấu ấn riêng. Nhưng nếu như một người nghệ sĩ trẻ không thực sự rõ ràng con đường mình đi, ắt sẽ bị lan man, lạc lối và điều này bạn cần tỉnh táo.

Một câu hỏi có lẽ hơi cũ một chút, nhưng Men’s Folio vẫn muốn được hỏi lại cho ấn phẩm của mình, rằng tại sao anh lại chọn nhạc Trịnh để “đương đại hoá”? Đâu là nơi gặp gỡ của tâm hồn Hà Lê và tâm hồn Trịnh?

Có lẽ Hà Lê không chọn Trịnh mà nhạc Trịnh chọn Hà Lê. Khi mình đi tìm kiếm phong cách, dấu ấn riêng cho mình, chính những giai điệu ấy là những thứ đầu tiên mình tìm thấy, nó là thứ đầu tiên khiến mình muốn đổi mới, sáng tạo, muốn làm gì đó khác cho nó, để những người ở thời đại này vẫn có thể nghe, vẫn có thể thả mình vào ca từ và giai điệu tuyệt đẹp ấy. Có lẽ là bằng một nhân duyên nào đó.

Giao điểm là khi mình đi càng sâu vào thế giới Trịnh Công Sơn, càng hiểu hơn về con người bác, và hiểu hơn về con người mình trong âm nhạc của bác. Mình cũng là người khao khát bình yên, mình cũng là một người có nhiều trải nghiệm sống chúng đều là bài học để mình trân quý cuộc sống, yêu đời hơn và muốn sống tốt hơn. Đó vừa là giao điểm, vừa là duyên để mình được dẫn dắt, được hướng dẫn để làm tốt, bởi sự đồng điệu với tác giả. Cảm ơn cái duyên đấy giúp Hà Lê càng có niềm tin hơn với những gì mình chọn và theo đuổi.

Vì đây là số báo kỷ niệm 1 năm, Men’s Folio muốn nói nhiều hơn về ICON. Rõ ràng cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một ICON, và từ âm nhạc của cụ Trịnh đã đẩy Hà Lê thành một ICON của thể nghiệm đương đại. Anh nghĩ sao về việc “đứng trên vai người khổng lồ” trong sáng tạo nghệ thuật? Và điều gì cần chú ý để không “ngã đau” từ vai “người khổng lồ” đó?

Mình chưa dám nhận chức danh này, vì đóng góp của mình chưa đủ nhiều đâu, nếu gọi Trịnh Công Sơn là ICON thì phải gọi Khánh Ly là ICON của dòng nhạc Trịnh mới đúng. Mình chỉ đơn giản nghĩ là mình có may mắn khi có vai trò như 1 người kết nối giữa quá khứ, hiện tại, tương lai thôi.

Đứng trên vai người khổng lồ là việc khó đấy. Đứng trên vai người khổng lồ có nghĩa là ta đã có nền tảng chắc chắn, đó là thuận lợi nhưng đó cũng là một thử thách. Nếu ta không vững nền tảng chuyên môn ta có thì ta sẽ ngã rất đau. Nôm na là mình cần tìm một điểm bám phù hợp với sức lực của mình, để mình trụ vững, trụ chắc và trụ lâu trên vai người khổng lồ được. Để làm được điều đó hẳn cần sự tinh tế, thông minh, trí tuệ và chân thành.

Theo anh, có là sai không khi một người nghệ sĩ mang suy nghĩ rằng, mình phải trở thành ICON trong lĩnh vực của mình? Hay cần giữ sự trong sáng và vô tư thì hơn?

Đều có cái đúng và có cái chưa đúng. Nhìn rộng ra đó là cách để người nghệ sĩ định hướng cho sự nghiệp của mình, họ có thể nhìn thấy những đồng nghiệp thành công khác để học hỏi theo.

Những chưa đúng ở chỗ, ICON là phải để người khác nói về mình chứ mình không nên tự đặt. Cái chữ ICON đâu đó có thể bó hẹp những trải nghiệm và những điều mà mình có cơ hội cảm nhận trong nghệ thuật. Để trở thành ICON là cả một quá trình rất dài với nhiều cống hiến, với nhiều thành công. Con đường đó thật gian nan. Và đến một ngày sẽ có người nhận ra thôi. Nếu bạn đặt ra mình phải trở thành ICON nhưng không rõ mình làm gì để đạt được điều đó thì định danh ấy có thể làm bạn loanh quanh và cuối cùng bạn chẳng là gì hết.

Hãy bắt đầu với sự vô tư và trong sáng!

Ngoài Trịnh Công Sơn, liệu còn âm nhạc của ai mà Hà Lê muốn “đương đại hoá” nữa không? Nếu có thì đó là ai? Và nếu không thì tại sao?

Chắc là không. Sau đây Hà Lê sẽ làm nhạc của mình. Mình sẽ tiếp tục khám phá thêm năng lực để mình không bị đóng đinh, mình muốn trải nghiệm nhiều hơn, đột phá nhiều hơn, liều lĩnh nhiều hơn để làm mới mình.

Bên cạnh đó là giúp sức cho các bạn trẻ đương đại hoá dòng nhạc mà họ theo đuổi như dân ca, dân gian đương đại hay thể loại đặc trưng khác của việt nam đến gần hơn với đại chúng.

Nam Thi

Bài viết thuộc ấn phẩm Men’s Folio Vietnam #8 – The Icon Issue. Đặt ấn phẩm tại ĐÂY:

 

 

Related Article