The Icon List: Nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao – Đưa tâm hồn vào không gian
Feature

The Icon List: Nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao – Đưa tâm hồn vào không gian

Tự nhận mình là người mơ mộng, nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao là người lúc nào cũng đầy những ý tưởng, vượt khỏi mọi giới hạn và mọi trường phái.

Thường những thời điểm phải đưa ra quyết định quan trọng, hay lựa chọn một hướng đi riêng, là khi Andy Cao chẳng làm gì. Lần đầu tiên là năm 2001 khi anh được giải thưởng Khôi Nguyên Rome do Viện Hàn lâm Mỹ ở Rome (Ý) trao tặng cho tác phẩm Glass Garden. “Thứ xa xỉ nhất với tôi là một năm thoải mái suy nghĩ, trải nghiệm.” Đó là lúc Andy Cao chuyển từ thiết kế cảnh quan sang nghệ thuật cảnh quan. Rồi năm 2011, giải thưởng Loeb Fellowship của Harvard Graduate School of Design đưa Andy Cao đến Harvard để “dự thính” ở mọi nơi có thể, từ vị giáo sư này đến những sinh viên nọ, việc duy nhất anh làm là nghe họ nói. “Tôi nhận ra người giỏi họ chẳng theo trường phái nào cả. Họ có con đường riêng của mình. Thế là tôi cố quên hết tất cả, chữ thầy trả thầy hết.”

Chân dung bậc thầy thiết kế cảnh quan Andy Cao

Vậy là Andy Cao đã tìm được điểm tự do của mình, thế giới của những tưởng tượng “viễn vông” cũng có mà tầng lớp ý nghĩa cũng có, thế giới của sự ngẫu nhiên, của những gì bản thể, cảm xúc nhất của con người. Tôi thắc mắc vậy rốt cuộc thiết kế cảnh quan khác với nghệ thuật cảnh quan ra sao? “Hãy tưởng tượng bạn đang bước vào khu vườn. Nếu nó là khu vườn của nhà thiết kế cảnh quan, nó sẽ nhấn mạnh vào chức năng, kết cấu, thiết kế và sự hài hòa. Khu vườn của tôi thì khác, nó là một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, được tạo nên bởi những yếu tố vật lý như cây cỏ, hay vật liệu. Và quan trọng, tôi phải tự làm ra nó, từ cách đặt từng viên đá cho đến từng chi tiết ý tưởng.” Hóa ra “đưa tâm hồn của mình vào” như Andy Cao miêu tả là phải như vậy. Và đó lại là một tâm hồn nghệ sĩ có nhịp điệu của riêng mình, vườn của người ta có thể làm trong ba tháng, vườn của Andy Cao có thể kéo dài đến ba năm. Quy trình của anh thì cũng giống người họa sĩ vẽ một bức tranh, chỉ có họ mới biết khi nào bức tranh hoàn thành.

Sau hàng loạt những thành công, những tác phẩm đưa cái tên Andy Cao lên vị trí trang trọng của nghệ thuật cảnh quan thế giới như Cloud Terrace (Washington DC, 2012), Garden of the Giant – Swarovski Kristallwelten (Wattens, Áo, 2015); Desert Sea (Pháp, 2001)…, Andy Cao lựa chọn Việt Nam trong vài năm trở lại đây lại cho những khám phá và sáng tạo của mình, dù phải thú nhận chưa có ai định nghĩa được nghệ thuật cảnh quan ở Việt Nam là gì. “Muốn biết thì phải làm đi, làm mãi rồi nó cũng thành hình, để một ngày khi người ta nhìn vào một tác phẩm sẽ nhận ra đây là cảnh quan ở Việt Nam.” Làm thế nào thì làm, cũng không thể khăng khăng gò bó Andy Cao trong những chuẩn mực khắt khe được.

Tham vọng làm cái gì đó mà anh không thể làm ở nơi nào khác hình như đã phần nào thành hiện thực với Mây Pha Lê, triển lãm nghệ thuật công cộng đầu tiên của CAO PERROT ở Việt Nam (dự án anh làm cùng cộng sự của mình Xavier Perrot) ở Đồi Mâm Xôi (Mù Cang Chải). Thành công của Mây Pha Lê thế nào với cộng đồng nói chung và cộng đồng nghệ thuật nói riêng, có lẽ chẳng ai cần phải nghi ngờ. Nhưng thú vị là Andy Cao khi nhớ về Mây Pha Lê, lại là kỉ niệm làm việc và gắn bó với đồng bào dân tộc Hmông. Khi đã vượt qua thử thách và kết nối, thì Mây Pha Lê “cũng là tác phẩm của họ, do họ góp phần làm ra, đó là tính cộng đồng của nghệ thuật.”

Tác phẩm Mây Pha Lê của nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao

Sau Mây Pha Lê thì sao? Dự án cá nhân nghệ sĩ Andy Cao đang ấp ủ sẽ là 100 câu chuyện, 100 khu vườn. Anh gọi một cái tên chung là Vườn Âu Cơ, rồi anh say sưa nói về ý tưởng lớn của mình, cũng cùng một sự sống động của trí tưởng tượng không ngơi nghỉ và một sự chi tiết đáng ngạc nhiên với những vùng đất rải khắp Việt Nam nơi anh muốn đặt vườn của mình, và rồi nó phải ở những cái làng, phải ở nơi hẻo lánh nhất của làng, đặc điểm đất đai khí hậu vùng đất đó thế nào, anh sẽ thiết kế một khu vườn hài hòa như vậy. Và nhất định là mỗi khu vườn phải kể được một câu chuyện. “Con người có không biết bao nhiêu kiểu cảm xúc, hỉ, nộ, ái, ố thôi là chưa đủ. Tôi muốn khi họ bước chân vào khu vườn của mình, họ có thể cảm nhận ngay được nó là buồn, hay vui, hay khao khát, hay lãng đãng… và họ sẽ nhận ra ngay đây là khu vườn do Andy Cao thiết kế.”

Bài: Vân Anh

Bài viết thuộc ấn phẩm Men’s Folio Vietnam #8 – The Icon Issue. Đặt ấn phẩm tại ĐÂY:

 

 

Related Article