The Icon List: Kiến trúc sư Khoa Vũ và công tác “sáng tạo không gian”
Feature

The Icon List: Kiến trúc sư Khoa Vũ và công tác “sáng tạo không gian”

Là một kiến trúc sư trẻ tuổi, nhưng Khoa Vũ đã chinh phục hai giải thưởng được xem là quan trọng và vinh dự nhất mà tất cả sinh viên tại Harvard đều khát khao đó là giải thưởng Araldo A. Cossutta cho thiết kế xuất sắc (2017) và giải thưởng thiết kế tài năng Faculty Design Award (2019). Với sự ghi dấu đáng nể trên đất Mỹ, KTS Khoa Vũ trở thành gương mặt truyền cảm hứng cho nhiều người ước mơ theo đuổi công tác “sáng tạo không gian”.

Câu đầu tiên Men’s Folio Vietnam muốn hỏi anh rằng, theo anh Khoa, khi nhắc đến Kiến Trúc, đâu sẽ là giá trị “ICON” mà anh muốn nói với công chúng về lĩnh vực của mình? Và dự án nào anh Khoa cảm thấy là “ICON” của mình?

Đối với Khoa, mỗi dự án là một khám phá mới; tùy theo nhiều yếu tố nơi chốn, địa hình, văn hóa, con người mà thiết kế sẽ mang những đặc điểm khác nhau. Điều mà kiến trúc sư làm là thổi hồn vào công trình để tôn vinh nơi chốn mà công trình này thuộc về, nhưng cùng lúc đó đưa vào công trình âm hưởng và hơi thở mới góp phần nâng tầm hay cải thiện chất lượng sống và trải nghiệm của con người ở nơi chốn đó. Do vậy, giá trị ICON mà Thi đặc câu hỏi, đối với Khoa không phụ thuộc vào hình thức, ngôn ngữ kiến trúc theo chủ nghĩa cá nhân của kiến trúc sư vì nó sẽ thay đổi tùy theo dự án.

Khoa nghĩ điểm xuyên suốt và mục tiêu căn bản của mình trong tất cả các dự án là dùng không gian kiến trúc để khơi gợi thực tại, giúp bạn nhận thức sự tồn tại của chính con người trong không gian. Trong công việc sáng tạo kiến trúc, Khoa tiềm kiếm sự đa dạng trong đồng nhất trong việc tạo lập không gian. Việc này nghe rất cơ bản và giản đơn nhưng thực tế là không dễ dàng trong xã hội mà internet và thế giới ảo ngày càng chiếm lấp suy nghĩ thời gian của con người. Khoa tin kiến trúc có sức mạnh để đưa con người sống về thế giới thực tại. Điều căn bản nhất mà Thích Nhất Hạnh cũng đã nói.

Vào năm 2019, Khoa đã xuất bản một tập sách tựa đề Grayscale. Grayscale có thể được coi là chủ đề nền tảng mà Khoa sử dụng để xác định cách tiếp cận của mình trong lĩnh vực kiến trúc. Grayscale tập trung vào nguyên lý thiết lập và tổ chức không gian. Nói một cách trừu tượng hóa, Grayscale tượng trưng cho sự đa dạng trong đồng nhất, chú trọng trong sự chuyển tiếp, giao thoa và cộng hưởng không gian. Tiêu điểm không phải là cực điểm – màu đen hay trắng mà là sự giao thao/khoảng “không gian xám” chuyển tiếp từ trắng sang đen. Theo cách này, Khoa quan tâm nhiều hơn đến khía cạnh về phenomenology trong kiến trúc (tạm dịch là hiện tượng học của kiến trúc) để phương pháp hóa cách xây dựng không gian có sức mạnh tạo nên sự rung động cảm xúc của con người.

Nhiều nghiên cứu nghệ thuật học chỉ ra rằng, mức độ trừu tượng của Kiến Trúc cao như Âm Nhạc vậy, dù Âm Nhạc thì vô hình còn Kiến Trúc hữu hình. Trong công tác sáng tạo, anh Khoa là người thiên về Cụ Thể hay đề cao Trừu Tượng? Và anh có thể dẫn giải cụ thể thông qua công tác của anh để người đọc có thể hiểu không?

Câu hỏi của Nam Thi rất thú vị! Khoa nghĩ mình luôn tìm kiếm sự cân bằng giữa cụ thể và trừu tượng trong sáng tạo kiến trúc vì kiến trúc là sự giao thoa giữa khoa học (tư duy logic) và nghệ thuật (tư duy trừu tượng). Kiến trúc đúng là mang tính chất hữu hình tương tự như điêu khắc và hội họa. Tuy nhiên, nó còn mang tính vô hình vì như đã chia sẻ, ngôn ngữ chính của kiến trúc là không gian. Lão Tử đã từng nói rằng:
“Chúng ta nhào nặn đất sét để tạo một cái nồi, nhưng chính sự trống rỗng bên trong mới khiến cái nồi trở
nên có ích”. Kiến trúc cũng vậy, việc tạo ra hình thức không phải là điều sau cùng mà chỉ là phương tiện
để tạo ra “môi trường” – tức không gian, sự trống rỗng. Bạn cần tư duy logic để đáp ứng yêu cầu công năng, kết cấu của công trình nhưng cũng cần tư duy trừ tượng để đưa vào chất thơ, tạo nên giá trị cảm xúc cho thiết kế.

Kiến trúc cũng như âm nhạc, nếu làm đúng cũng có thể tạo nên sự rung động trong cảm xúc con người. Con người trải nghiệm không gian không chỉ bằng thị giác và còn nhiều giác quan khác nhau. Việc sử dụng sự cộng hưởng của âm thanh, ánh sáng, chất cảm vật liệu đóng vai trò quan trọng trong thiết kế của Khoa. Khoa thường bắt đầu một thiết kế thông qua việc nắm bắt và phân tích thông tin, đề bài cơ bản của dự án. Điều này cần tính cụ thể và tư duy logic để thiết lập nên khung sườn cho việc đánh giá thiết kế của mình sau này. Sau đó là quá trình lên ý tưởng – giai đoạn quan trọng nhất trong cả dự án. Những ý tưởng sáng tạo mới lạ thường bắt đầu bằng những suy nghĩ rất trừu tượng đi kèm với nhiều thí nghiệm trên giấy và mô hình, thậm chí là những khám phá mới dựa trên những thí nghiệm lỗi trong quá trình tìm tòi ý tưởng.

Zaha Hadid, một trong những kiến trúc sư vĩ đại của thập kỷ 20 đã nói “There is no end to experimentations.” Mỗi dự án đối với Khoa là một sự bắt đầu, tìm tòi thử nghiệm mới. Khoa thường phác thảo rất nhiều trong giai đoạn tìm ý để chuyền tải thật nhanh ý tưởng của mình vào giấy, thậm chí cứ để dòng suy nghĩ tuôn theo ngòi bút mà không cần phải cân nhắc một cách lý trí. Sau đó sẽ quay lại và phân thích đánh giá những phương án một cách chi tiết. Những công cụ digital trên máy tính sẽ giúp quá trình lên ý tưởng một cách chi tiết hơn, nhưng thường được áp dụng sau, sau khi ý tưởng cơ bản đã được định hình. Khoa không bắt đầu thiết kế của mình ngay trên máy tính.

KTS Khoa Vũ học tập và làm việc trong bầu không khí thẩm mỹ và tư duy phương Tây, còn nếu không phải phương Tây thì là Nhật Bản. Nhưng anh là người Việt Nam và có tới 20 năm sống tại quê nhà. Vậy bản chất Việt Nam tác động thể nào trong thực hành sáng tạo của anh?

Tác động lên rất nhiều! Khoa có 18 năm sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Văn hóa, nơi chốn, và con người Việt là một phần trong tư tưởng sống và tư duy thiết kế của Khoa, đặc biệt nhất là Đà Lạt – nơi mà Khoa sinh ra và trải qua thời thanh thiếu nên ở mảnh đất đặc biệt này. Khoa nghĩ việc sinh ra và lớn lên ở đây đóng vai trò cốt lõi trong việc đam mê kiến trúc của bản thân, đặc biệt là việc chú trọng đến sáng tạo không gian.

Liên quan đến điều này, một trong những dự án ý nghĩa nhất đối với Khoa là Luận văn Thạc sĩ tại Đại học
Harvard dưới tựa đề “Grayscale, Architecture of Fog”. Dự án tỏa rộng trên nhiều quy mô, đáp ứng tiêu chí “all in one”. Đó là một trung tâm văn hóa và nghiên cứu nông nghiệp mới ở Đà Lạt, như một lời giải đáp về những vấn đề cơ sở hạ tầng và môi trường mà thành phố đang phải đối mặt. Tại sao lại là “Fog” (sương mù)? Đối với Khoa, sương mù là cây cầu không gian giữa quy mô cơ thể và quy mô môi trường.“Grayscale” kết nối hai thái cực này. Khoa nghiên cứu tạo ra không gian kiến trúc tương tự như con người đang đi trong sương mù, rất tự do nhưng rất riêng biệt! Kiến trúc sương mù ở đây mang ý nghĩa mô phỏng, không gian bên trong và bên ngoài được thiết kế theo tầng tầng lớp lớp, cho phép nhiều con người khám phá và sử dụng không gian một cách linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo tính riêng biệt. Và như thế, vật chất – ánh sáng – không khí kết hợp với nhau để cất lên một giai điệu mới về không gian kiến trúc, nhưng mang tinh thần của thiên nhiên Đà Lạt.

“Fog” cũng là hình ảnh biểu tượng mang tính tâm linh của Đà Lạt, mà chúng ta hay gọi nó là “thành phố sương mù”. Sự lan tràn mô hình nông nghiệp nhà kính khiến sương mù ngày càng biến mất. Biến đổi khí hậu do sự phát triển ồ ạt của nhà kính tại nông thôn là hiện tượng mà người ta có thể quan sát trên toàn cầu. Thành phố được bao quanh bởi những hồ nước; sương mù đến từ thung lũng và mặt khác, từ sự ngưng tụ trên mặt hồ. Ngoài ý tưởng chuyển tải sương mù thành phương thức tổ chức không gian theo tầng lớp, Khoa muốn liên hệ hiện tượng tự nhiên này với kiến trúc bằng cách tạo ra một trải nghiệm mới – xây dựng không gian để lưu giữ sương mù. Khoa thiết kế dự án này dựa trên kết trúc có sẵn của nhà ga Đà Lạt. Làm sao thổi linh hồn mới vào kiến trúc cũ là trăn trở lớn nhất. Sau nhiều trăn trở, Khoa tiềm ra câu trả lời rất giản đơn – ý tưởng thiết kế của Khoa là tạo nên một cái nền mới cho ga Đà Lạt – “architecture as background”, đi song hành và tôn vinh cái cũ.

Thiết kế được triển khai trở thành một mặt hồ nổi nhân tạo (đường kính 106 mét), nơi mà người đến từ đường ray sẽ thấy nhà ga đổ bóng, nhưng là gợi lại hình ảnh Đà Lạt mà chúng ta thường thấy khi Thủy Tạ đổ bóng xuống hồ Xuân Hương. Mặt hồ nhân tạo này không chỉ tạo yếu tố nghệ thuật mà còn là nơi tích trữ nước cho nghiên cứu nông nghiệp. Và cũng chính bề mặt nhân tạo này tương tác với khí hậu Đà Lạt để tạo ra sương mù, như một lời nhắc nhở, bằng trải nghiệm, là chúng ta đang dần đánh mất sương mù, linh hồn của Đà Lạt.

Trong những lần chia sẻ với truyền thông trước đây, anh Khoa Vũ nhấn mạnh nhiều về năng lực tạo ra sự rung động cảm xúc của không gian. Vậy, như một người nhạc trưởng, anh thường kết hợp những yếu tố kỹ thuật nào (tổ chức không gian, ứng dụng chất liệu, bày trí ánh sáng…) và tổng hoà nó ra sao để ý tưởng của mình đạt hiệu quả cao nhất khi đi vào thực tế?

Le Corbusier, cha đẻ của kiến trúc hiện đại, từng nói: “Mục đích của xây dựng là kết nối mọi thứ lại với nhau, mục đích của kiến trúc là tạo ra sự rung động trong cảm xúc con người.” Nếu những người nhạc sĩ sử dụng âm thanh như ngôn ngữ, thì kiến trúc sư sử dụng không gian. Đối với Khoa, kiến trúc đích thực giống như một bản nhạc hay. Nó có thể hòa thanh từ nhiều âm sắc riêng rẻ, nhưng cuối cùng cũng mang đến cho người thưởng thức ký ức về tổng thể hài hòa.

Trong mỗi dự án, Khoa cố gắng tạo ra một khung sườn để thiết kế trải nghiệm không gian. Cụ thể, trong sách Grayscale Khoa có đề cập đến những chủ đề căn bản cho khung sườn này bao gồm: Order, Sublime, Sequentiality, Borderless, Architecture of Air và Space Organism. Đó là khung sườn cơ bản trong khái niệm kiến trúc của Khoa để giúp bản thân khám phá thiết kế trong nhiều bối cảnh khác nhau.

Nam Thi đã đề cập đến điều tiết yếu và quan trọng nhất đó là tổ chức không gian. Tổ chức không gian ngoài việc chú trọng đến việc vận hành tốt của những không gian chức năng, nó còn là sự sáng tạo của kiến trúc sư để tạo nên bản giao hưởng cảm xúc. Nó tương tự như bạn viết một kịch bản cho một bộ phim, sẽ có phần mở đầu, cao trào, yếu tố tương phản, tính bất ngờ, và điểm kết thúc. Đối với Khoa, một công trình
kiến trúc đích thực sẽ làm được điều đó nhưng điều khác với phim và âm nhạc là người sử dụng công trình là người chủ động. Họ có thể trải nghiệm công trình theo lựa chọn của mình. Do đó, thiết kế phải mang tính chặt chẽ nhưng cũng cần có tính mở.

Trong quá trình thiết kế của mình, việc “chơi” với hình khối, ánh sáng, và vật liệu để tạo sự rung động đi song hành với việc tổ chức không gian. Khoa đặc biệt chú trọng đến không gian chuyển tiếp, khi bạn đi chuyển từ không gian A sang không gian B. Không gian chuyển tiếp là nơi tạo được bất ngờ, lúc con người nhận biết được thay đổi của cơ thể trong không gian. Ánh sáng và tỉ lệ không gian đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng không gian chuyển tiếp này.

Ngoài ra như Khoa đã đề cập trong câu hỏi đầu tiên, yếu tố đa dạng trong đồng nhất là điều quan trọng. Trong thiết kế của mình, Khoa chú trọng việc thiết kế có tính hệ thống – mỗi thành phần kiến trúc (như cột, dầm, sàn, tường) có mỗi quan hệ chặc chẽ mới nhau như một cấu trúc sinh học. Ví dụ trong tác phẩm The White Forest – không gian biểu diễn ngoài trời, Khoa áp dụng logic gấp hình học origami theo dạng modun cho cả hệ thống mái (giếng sáng), và hệ thống kết cấu (cột và dầm), cũng như hệ thống ngăn chia không gian (tường). Logic hình học này tạo được tính bền vững trong kết cấu khi nhiều modun kết hợp lại với nhau, nhưng cũng tạo nên cấu trúc lấy sáng để giúp hệ thống mái có khả năng điều chỉnh hướng và mật độ ánh sáng vào trong công trình. Theo cách này, hình khối, kết cấu, ánh sáng dung hợp thành một.

Trong giai đoạn Kiến trúc có xu hướng phê phán vật chất và đề cao tính bền vững như hiện nay, sự phát triển của công nghệ hiện đại đã có những góp sức thế nào để xu hướng đó càng trở nên mạnh mẽ, thưa anh?

Trong thập nên này chúng ta thấy rõ ràng việc mất cân bằng của trái đất, cụ thể là dịch bệnh, global warming, thiên tai. Một khi trái đất mất cân bằng, nó sẽ cố gắng tìm lại quỹ đạo của nó. Con người chúng ta có trách nhiệm để đưa trái đất về lại quỹ đạo cân bằng, bằng cách quan tâm đến việc thiết kế và sống thân thiện với môi trường thiên nhiên.

Mọi thứ đều có hai mặt, sự phát triển của công nghệ hiện đại sẽ có tác dụng tích cực nên sự phát triển bền vững của trái đất nếu con người xem đó là mục tiêu. Công nghệ hiện đại sẽ giúp con người dự đoán và tìm ra phương pháp mới để giảm thiểu tác động tiêu cực của con người lên thiên nhiên và môi trường. Ví dụ như sự phát triển của Testla gần đây vào việc tập trung vào renewable energy (năng lượng tái sử dụng) cho xe chạy bằng điện để hạn chế sử dụng dầu khí và ô nhiễm môi trường, kết hợp với tấm lấy năng lượng mặt trời trong nhà ở. Ngoài ra, AI (artificial intelligence/trí tuệ nhân tạo) sẽ thay đổi cuộc sống con người trong thập nên mới trong nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm cả thiết kế và sinh học.

Trong ngành kiến trúc, vật liệu và năng lượng là những chủ đề chính khi thảo luận về tính bền vững. Tuy
nhiên, Khoa nghĩ tính bền vững trong kiến trúc cũng cần đo lường qua giá trị nhân văn, giá trị văn hóa của
con người. Một thiết kế bền vững, ngoài việc nó tồn tại lâu bền vì hài hòa với thiên nhiên và môi trường, nó cần giữ một giá trị văn hóa nhất định của xã hội loài người. Đó là lý do tại sao nghệ thuật và văn hóa tồn tại. Một công trình kiến trúc đích thực có thể trở thành dấu ấn cho một nền văn minh, sự đánh dấu của giá trị sáng tạo của con người trên trái đất này. Chúng ta đã xây dựng nhiều tòa nhà nhưng chỉ một số ít trong số đó ở lại và được giữ gìn và trùng tu trong nhiều thập kỷ. Do đó, tính bền vững không chỉ xác định theo đơn vị đo lường. Một thiết kế bền vững sẽ tồn tại lâu dài trong tâm hồn và trí nhớ của con người.

Trước khi kết thúc bài phỏng vấn, anh Khoa có thể dành một lời chia sẻ với những người trẻ đang bước đầu đi vào con đường Kiến Trúc này, để họ cảm thấy vững vàng tiếp bước?

Khoa muốn chia sẽ suy nghĩ và kinh nghiệm của mình một cách bao quát hơn, không chỉ là các bạn trẻ đang bắt đầu vào con đường kiến trúc. Steve Jobs trong một buổi phát biểu ở lễ tốt nghiệp trường đại học Standford có nói “”Your time is limited, so don’t waste it living someone else’s life. Don’t be trapped by dogma – which is living with the results of other people’s thinking. Don’t let the noise of others’ opinions drown out your own inner voice.” Tạm dịch: khoảng thời gian sống của bạn là có hạn. Đừng bị mắc kẹt bởi những giáo điều mà sống theo suy nghĩ của người khác. Đừng để tiếng ồn ào về ý kiến của người khác át đi tiếng nói bên trong của chính bạn.”

Với nhịp sống hiện tại, thế hệ trẻ chúng ta thường dễ bị cuốn vào vòng xoay của nhịp sống hàng ngày. Bạn nên giành thời gian cho bản thân mình. Điều này hết sức quan trọng. Giành thời gian đối thoại với bản thân và thật sự lắng nghe bản thân mình muốn gì. Chúng ta thường dùng những bận bịu hàng ngày để né tránh những câu hỏi hết sức giản đơn như ước mơ của bản thân là gì. Đừng lãng tránh mà hãy đối diện nó. Bạn nên giành thời gian để trả lời nó một cách thành thật nhất, không cho bất cứ ai, mà là cho bản thân mình. Chỉ có như vậy bạn mới sống và trải nghiệm cuộc sống một cách xứng đáng nhất. Đóng góp phần tốt nhất của bạn cho thế giới này; thứ mà bạn đam mê và cháy hết mình vì nó. Phần còn lại, hãy để những người khác có đam mê trong lĩnh vực đó đảm nhận. Bạn không nhất thiết phải giỏi mọi thứ.

Tìm ra lãnh vực mà bạn sự thật sự đam mê và có thể giành rất nhiều thời gian cho nó. Đừng sợ vì nếu sự lựa chọn của bạn có vẻ không thực tế, hay không đúng với những gì gia đình và người xung quan mong chờ nơi bạn. Một khi bạn thật sự có niềm tin vào lý tưởng của bạn, bạn sẽ tìm ra được con đường để chinh phục nó cho mọi người. “Figure out the what and the how will come.

Một khi bạn đã xác định được “the What” – ước mơ của bản thân/điều mà bạn đam mê, hãy bắt tay vào hành động. Đừng chần chừ và ngại vấp ngã. Điều sai lầm nhất là không hành động. Lên kế hoạch cho bản thân trong 5, 10 năm tới. Giành thời gian để hiểu một cách thấu đáo kiến thức căn bản trong lĩnh vực bạn đam mê. Học và thực hành cho đến khi nó trở thành mạch máu của bạn. Không bao giờ “skip step”/lượt bỏ bước, đi từ căn bản đến nâng cao. Chỉ có xây dựng nền móng vững chắc cho kiến thức cơ bản mới giúp bạn đi đường dài và tiến xa trong công việc sáng tạo.

Luôn mở lòng để tiếp nhận những điều mới. Bạn phải là chuyên gia trong lĩnh vực của bạn. Riêng về ngành sáng tạo, trau dồi thư viện trong tâm thức là điều rất quan trong. Giành thời gian đọc sách, học cách quan sát xung quanh, đặt câu hỏi cho những chủ đề, nơi chốn thu hút bạn để rút ra nguyên lý/bài học cho bản thân. Dùng ghi chép hoặc phát thảo trên sketchbook để giúp bạn lưu lại trải nghiệm và suy nghĩ của mình.

Và cuối cùng, giành thời gian cho gia đình!

Cảm ơn KTS Khoa Vũ về cuộc đối thoại hết sức thú vị này
Bài: Nam Thi
 

Related Article