“The Brutalist”: Tòa kiến trúc nghệ thuật “thâu tóm” tượng vàng Oscar 2025 

  • by Huyền My Trương
  • March 5, 2025

Dù không “ẵm” được chiếc tượng vàng ở hạng mục “Best Picture”, nhưng “The Brutalist” vẫn xứng đáng là tác phẩm điện ảnh xuất sắc. Bộ phim là một bức tranh nghệ thuật đầy ám ảnh về sự tàn khốc của chiến tranh và những vết sẹo mà nó để lại, đồng thời khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi: “Cái giá của nghệ thuật là bao nhiêu?”.

Hồi sinh phong cách nghệ thuật

“The Brutalist” cho thấy tham vọng của đạo diễn kiêm biên kịch Brady Corbet. Bởi, đây không chỉ là dự án dài hơi về thời lượng (3 tiếng 35 phút), mà còn sâu sắc về cấu trúc nội dung (2 chương), tạo nên một dự án điện ảnh đầy tính nghệ thuật và suy tư. Corbet đã miêu tả “The Brutalist” là “bộ phim tôn vinh chiến thắng của những người có tầm nhìn táo bạo và thành đạt nhất: tổ tiên của chúng ta”. Phim kể về hành trình 30 năm cuộc đời của kiến trúc sư người Do Thái gốc Hungary –  László Toth (Adrien Brody). Sống sót sau nạn diệt chủng Holocaust, László chạy trốn khỏi châu Âu và bắt đầu “giấc mơ Mỹ” để xây dựng sự nghiệp của mình.

Để mang đến những thước phim chân thật và tái hiện trọn vẹn tinh thần của những năm 1950, đạo diễn Brady Corbet đã có một quyết định táo bạo: quay “The Brutalist” bằng phim VistaVision, một định dạng phim đã gần như bị lãng quên trong suốt 60 năm. Với chất lượng vượt trội, công nghệ này giúp tái hiện chân thực không gian kiến trúc và bối cảnh của thời kỳ đó. Tuy nhiên, việc sử dụng VistaVision cũng đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất tăng gấp đôi so với phim 35mm thông thường. Bất chấp những khó khăn về tài chính, vị đạo diễn sinh năm 1988 vẫn quyết tâm quay “The Brutalist” bằng VistaVision, thể hiện sự táo bạo và hiếm thấy trong điện ảnh đương đại.

Bên cạnh việc hồi sinh định dạng phim VistaVision, Brady Corbet còn táo bạo khôi phục “khoảng nghỉ giải lao ciné”. Đây là một nét văn hóa điện ảnh đã biến mất từ những năm 1960. Việc đưa khoảng nghỉ giữa buổi chiếu phim trở lại không chỉ tăng cường trải nghiệm văn hóa mà còn tạo cảm giác như đang thưởng thức một vở kịch hoặc opera, mang đến một không gian nghệ thuật trang trọng và khác biệt. Nói cách khác, khoảng nghỉ giữa phim là để khán giả suy ngẫm về những khó khăn và thử thách mà László đã trải qua ở chương đầu, trước khi bước sang chương 2 đầy biến động.

Đặc biệt, trong khoảng thời gian này, đạo diễn Brady Corbet cũng khéo léo cài cắm vào một bức ảnh cưới của László, quy tụ cả gia đình anh. Bức ảnh này không chỉ như một khoảnh khắc hạnh phúc đã qua, mà còn là một sự “đếm ngược” đầy ẩn ý. Những nhân vật như người vợ Erzsebet (Felicity Jones) hay cô cháu gái Zsofia (Raffey Cassidy), vốn chỉ được nhắc đến mà chưa xuất hiện ở nửa đầu bộ phim, được giới thiệu một cách tinh tế thông qua bức ảnh. Việc đưa bức ảnh cưới của László và vợ vào đúng thời điểm này là một lựa chọn thông minh. Nó giúp người xem làm quen với nhân vật sắp xuất hiện, đồng thời tạo ra một cảm giác mong chờ về sự đoàn tụ sẽ diễn ra sau đó. Bằng cách này, Corbet đã kết nối cảm xúc của khán giả với các nhân vật và tạo ra một sự hồi hộp, khiến họ đếm ngược từng giây để chờ đợi khoảnh khắc đoàn tụ ấy.

Cách đặt để đầy dụng ý đã nhận được vô vàn lời tán dương. Peter Bradshaw của tờ The Guardian đã trao cho phim đánh giá 5 sao, mô tả đây là “một tác phẩm sử thi tuyệt vời và cuốn hút”. Ông nhận xét rằng phim kết hợp yếu tố từ các tác phẩm của Ayn Rand, Bernard Malamud và Saul Bellow trong việc miêu tả hành trình của người nhập cư tại Mỹ, đồng thời khen ngợi quay phim Lol Crawley và thiết kế sản xuất của Judy Becker. Cũng nhờ đó, bộ phim thành công mang về chiếc tượng vàng danh giá ở hạng mục “Quay phim”. 

“The Brutalist” – Tòa kiến trúc “thô mộc” đầy đau đớn 

Thuật ngữ “Brutalist” bắt nguồn từ “Béton Brut” (dịch sát nghĩa: “bê tông thô”) trong tiếng Pháp và được kiến trúc sư Le Corbusier sử dụng đầu tiên. Tuy nhiên, phải đến hậu Thế chiến thứ II, phong cách này mới được người Anh phát triển, với đặc trưng là các tòa nhà hình học lớn, sử dụng bê tông lộ thiên, cửa sổ nhỏ và thiết kế thô ráp, mang dáng vẻ pháo đài.

Một điểm thú vị của “The Brutalist” là ẩn chứa một sự chơi chữ tinh tế, nhưng lại thường xuyên gây ra hiểu lầm. “Brutalist” không xuất phát từ “brutal” (tàn bạo), mà thực chất là chỉ người theo chủ nghĩa thô mộc (Brutalism) – một phong trào kiến trúc hiện đại. Nhân vật László Toth chính là hiện thân của phong cách nghệ thuật này.

Trước khi đến với Brutalism – chủ nghĩa thô mộc, László đã xây dựng danh tiếng của mình ở châu Âu thông qua phong cách Bauhaus. Cả hai trường phái này đều thuộc chủ nghĩa hiện đại, nhưng có những khác biệt cơ bản. Bauhaus nhấn mạnh vào sự đơn giản và tính công năng, đặt con người làm trung tâm. Ví dụ, cửa sổ lớn là đặc trưng của kiến trúc Bauhaus, tối ưu hóa thông gió tự nhiên. Tuy nhiên, Thế chiến II đã thay đổi bối cảnh kiến trúc. Sự phát triển của điều hòa không khí, nhu cầu bảo vệ trước bom đạn và những hạn chế về vật liệu đã dẫn đến sự chuyển giao sang Brutalism vào cuối những năm 1930 và 1940. Với những công trình thô ráp và mạnh mẽ, Brutalism trở thành biểu tượng cho sự kiên cường và khả năng thích ứng trong thời kỳ khó khăn.

Chính thời kỳ này, trường phái nghệ thuật của László đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ những bàn tay vô hình của Đức Quốc xã. Họ định nghĩa chủ nghĩa hiện đại là “phi Đức, phản Đức”. Cụ thể, mái bằng gắn liền với phương Đông của người Do Thái. Còn mái nhọn được coi là văn hóa truyền thống của người Đức. Điều này khiến bầu không khí giao thoa chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa xã hội bắt đầu hình thành. Đức Quốc xã bắt đầu tấn công nền chủ nghĩa hiện đại và Bauhaus. Cột mốc này đã đánh dấu sự thay đổi trong phong cách kiến trúc của László.

Vì thế, thời khắc Harrison Van Buren (Guy Pearce) ngỏ ý László trở lại viết tiếp giấc mơ của mình trên dự án trung tâm cộng đồng, anh đã quyết tâm hoàn thành bản thiết kế này. Bởi lẽ, nó mang đậm tinh thần Bauhaus, đồng thời László từng là một nạn nhân của Đức Quốc xã, nên anh xem việc hoàn thành dự án này như một hành động phản kháng mạnh mẽ, một sự chiến thắng của nghệ thuật trước sự tàn bạo.

Nhưng bắt tay vào thực hiện thiết kế công trình, László dần rơi vào vòng xoáy của những mâu thuẫn nội tại. Dù bề ngoài, László có vẻ như đang kết hợp hài hòa giữa hai trường phái Bauhaus và Brutalism trong thiết kế của mình, thực tế, anh đang ngày càng chìm sâu vào sự giằng xé giữa hai hệ tư tưởng này. Sự hóa điên và mâu thuẫn nội tại của László phản ánh sự xung đột giữa khát vọng sáng tạo thuần túy và những ám ảnh quá khứ, giữa sự tinh tế của Bauhaus và sự lôi cuốn của Brutalism. Sự giằng xé này như đòn giáng mạnh mẽ vào niềm tin của László vào nghệ thuật. Nó đặt ra câu hỏi đáng suy nghĩ: “Brutalism sẽ đi về đâu?”.

Nói nguyên cớ vì sao chọn “Brutalism” là nguồn cảm hứng cho bộ phim, Brady Corbet bày tỏ rằng anh đã tìm thấy sự đồng điệu trong ý nghĩa nhân văn của công tác trùng tu sau chiến tranh, cũng như mối liên hệ mật thiết giữa nó và kiến trúc thời bấy giờ, khi đọc cuốn sách “Architecture in Uniform” của Jean-Louis Cohen. Nghệ thuật trùng tu sau chiến tranh, giống như Bauhaus và Brutalism, đều mang trong mình tinh thần chữa lành những vết thương. Cả hai phong trào đều là những nỗ lực tái thiết, xây dựng lại những điều đã bị tàn phá. Những suy tư này đã thôi thúc Corbet tạo ra “The Brutalist”. Thông qua đó, anh muốn đặt ra câu hỏi về giá trị của nghệ thuật, về sự đánh đổi và về những vết thương mà chiến tranh để lại.

Hành trình hay đích đến quan trọng? 

Ở trường đoạn kết, bộ phim đưa người xem đến những năm 1980 – giai đoạn trung tâm cộng đồng đã hoàn thành. Tại đây, người cháu gái của László Toth có một bài phát biểu đầy ẩn ý, khơi gợi nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Cô nói rằng:“No matter what the others try and sell you, it is the destination, not the journey” (tạm dịch:“Dù người khác có cố gắng thuyết phục bạn điều gì, thì đích đến mới là điều quan trọng, chứ không phải hành trình”). Nếu quy chiếu câu nói này vào cuộc đời của László, ta sẽ thấy một sự mâu thuẫn sâu sắc.

Ngay từ đầu, người xem có thể thấy bản thiết kế trung tâm cộng đồng bao gồm Nhà hát, Thư viện, Hoạt động thể dục và Nhà nguyện cho gia đình Van Buren giàu có, lại mang dáng dấp của một trại tập trung. Cách thiết kế và xây dựng này chính là cách László đối diện và xử lý những chấn thương tâm lý của mình. Ông đã tự hành hạ bản thân và gia đình trong suốt sự nghiệp. Sau cùng, ông nhận ra rằng kết quả cuối cùng không phải là tất cả, mà hành trình mới là điều đáng trân trọng. Những công trình của ông trở nên vĩ đại chính bởi chúng khắc họa hành trình đầy đau đớn và giằng xé của ông.

Còn bài phát biểu của người cháu gái khiến người xem liên tưởng đến Harrison Van Buren ở đầu phim. Cả hai đều chỉ quan tâm đến kết quả, đến việc sở hữu tác phẩm nghệ thuật, mà bỏ qua những đau khổ và hy sinh mà người nghệ sĩ phải trải qua. Họ cho rằng nỗi đau có thể mua được, và chỉ tập trung vào đích đến mà không quan tâm đến hành trình.

Dẫu cuộc đời đầy bi kịch, László vẫn hoàn thành được tâm nguyện của mình. Tuy nhiên, qua bài phát biểu của người cháu gái, người xem nhận ra rằng cô không hề thấu hiểu được giá trị con người và hành trình của ông. Cô chỉ thấy được kết quả, cái đích cuối cùng, mà không hề trân trọng những gì László đã trải qua. Điều này càng tạo nên một sự tương phản sâu sắc, khiến người xem vừa cảm phục số phận của László, vừa xót xa cho sự vô cảm của những người xung quanh ông.

Bài: Khánh Duyên
Ảnh: Tổng hợp

library