The BizLab Coffee Table Book Issue: Founder District M Trần Mạnh Toàn – Khi được là chính mình
Arts & CultureLocal - Don't MissBusinessLifestyle

The BizLab Coffee Table Book Issue: Founder District M Trần Mạnh Toàn – Khi được là chính mình

Vừa cổ điển vừa chất lừ là cảm giác tôi có khi bước chân vào District M, thương hiệu cung cấp các thiết bị âm thanh và đồ lifestyle tại Sài Gòn. Anh Trần Mạnh Toàn, founder của District M, đón tôi bằng một ly cà phê thơm nức và câu chuyện về những dải âm giữa anh và tôi đã bắt đầu một cách tự nhiên.

Anh có thể giải thích ý nghĩa của cái tên District M được không?

Tên thương hiệu của tôi là sự kết hợp của 2 từ “District” và “M”. “District” nghĩa là “Quận”, một từ mang đến cảm giác náo nhiệt, tập trung. Chữ “M” có ý nghĩa là “Điểm trung tâm”, nó là chữ cái thứ 13, nằm ở giữa trong bảng chữ cái tiếng Anh. Và chữ “M” cũng đại diện cho những điều tôi yêu thích: Music – Tôi yêu âm nhạc, Moving – Tôi enjoy với những chuyến đi, Mid-Century – Ngôn ngữ thiết kế tạo cảm hứng cho tôi, Moment – Tôi mong muốn tạo ra nhiều khoảnh khắc kết nối, và More – Nhiều điều thú vị mà District M sẽ đem đến cho mọi người.

Tôi muốn tất cả những trải nghiệm, kinh nghiệm mình có trong hơn mười năm qua được hiện diện trong “Quận M” này.

Một điều thú vị mà ít người nhận ra đó là logo của District M có chứa con số 13 được thể hiện dưới dạng ký tự La Mã, một con số có ý nghĩa rất nhiều với tôi. Chung quy, tôi muốn xây dựng một không gian đậm cá tính và đề cao cảm xúc. Chúng tôi luôn cố gắng giữ tinh thần đó để tạo nên sự khác biệt và tính độc bản của District M.

Trước khi bắt đầu với District M, anh đã làm những công việc gì? Tại sao bước đi đầu tiên của anh lại bắt đầu với những dải âm?

Trước đó, tôi cùng vài người bạn mở một công ty chuyên về thiết kế, in ấn cho các doanh nghiệp và đã hoạt động được 11 năm. Chúng tôi khá thành công và tạo được tiếng vang trong cộng đồng thiết kế với dòng sản phẩm liên quan đến giấy tái chế và các nguyên vật liệu xanh. Đó là một bước đệm tốt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tôi phải thu hẹp mô hình kinh doanh, đồng thời tìm kiếm giải pháp mới. Lúc đó, tôi cũng có nhiều thời gian hơn cho các sở thích cá nhân.

Tình cờ tôi có một chiếc loa Marshall mà tôi rất thích, vì nó vừa đẹp theo kiểu cổ điển mà vừa nghe nhạc hay, nhất là thể loại rock mà tôi mê. Càng tìm hiểu về Marshall, tôi càng yêu thích tinh thần tự do, phóng khoáng của thương hiệu này và thấy rất hợp với cá tính của mình. Hơn nữa, thời điểm đó cái tên Marshall cũng chưa phải quá phổ biến ở Việt Nam nên tôi nghĩ hay là mình thử kinh doanh thứ mà mình thích, đúng với bản thân mình. Thì thật may, thị trường có những phản hồi khá tốt với loa Marshall, mặc dù đang trong thời điểm dịch. 

Cuối năm 2019, tôi quyết định mở một không gian nhỏ chuyên bán đồ Marshall, đồng thời trưng bày hết các món đồ mà tôi sưu tầm trước giờ như máy chụp hình film, máy đánh chữ, mô hình xe…Và không ngờ, Marshall và những món đồ ấy lại chính là những thứ giúp tôi kết nối dễ dàng hơn với khách hàng. Mỗi một vị khách tới, chúng tôi lại có nhiều câu chuyện để nói, nói chuyện hợp gu rồi thành bạn lúc nào không hay. Cứ vậy, đến nay, District M không chỉ đem đến những sản phẩm chất lượng, mà còn đang làm tốt vai trò gắn kết những người có cùng niềm đam mê với nhau (cười).

Từ âm thanh, đĩa than, tranh tới những món đồ sưu tầm, dường như đều đang nói lên rằng anh là một tâm hồn yêu nghệ thuật và âm nhạc?

Đúng vậy! Tôi nghĩ nếu mình chỉ có tư duy kinh doanh, thì không đủ cảm xúc và động lực để làm mọi thứ một cách sâu sắc và lan tỏa câu chuyện của mình. Hiện nay, không thiếu các địa điểm kinh doanh đồ giống như tôi, nhưng đa phần chỉ dừng lại ở mức độ thương mại, nên khó truyền cảm hứng, lưu lại ấn tượng và cảm xúc cho khách hàng.

Tôi thích nghệ thuật, thích những giá trị mang tính cộng đồng và luôn muốn tìm cách kết nối mọi thứ với nhau và kết nối với khách hàng.

Thỉnh thoảng, sẽ có vài vị khách mua tất cả những sản phẩm được chụp trong cùng một bức ảnh. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình đang đi đúng hướng và những thứ mình làm dường như đang tạo ra một lối chơi hay ho. 

Với những dòng sản phẩm và định hướng kinh doanh hiện tại, tệp khách hàng của District M có phải cũng giới hạn không, khi có lẽ chỉ hướng đến những người cùng tần số và có gu, hoặc sẽ được lòng giới văn nghệ sĩ nhiều hơn?

Tôi luôn tin rằng mình cứ làm những gì thật nhất và thật chất, rồi mọi người sẽ đến với mình. Điều tôi không muốn nhất là để khách hàng và các đối tác hoài nghi về tiêu chuẩn của mình. Những thứ mà tôi hướng tới là sản phẩm chất lượng, dịch vụ tốt và gắn bó lâu dài. Dù có nhiều lời mời hợp tác và có vô vàn sản phẩm trong cùng một phân khúc nhưng tôi chọn lọc rất kỹ, mỗi ngành hàng chỉ 2-3 thương hiệu. Tôi không muốn các sản phẩm của mình mâu thuẫn với nhau, hay cái chất của mình bị loãng. Ngoài ra, tôi còn phải luôn sáng tạo và hướng đến là người tạo xu hướng, điển hình như dịch vụ “cá nhân hoá” loa được khách hàng rất yêu thích, để giúp các bạn thể hiện cá tính hoặc ghi dấu kỷ niệm với đồ vật của mình. 

Từ 2019 đến nay, District M đã có 2 cửa hàng ở Sài Gòn, một cửa hàng ở Hà Nội. Anh đánh giá thế nào về lộ trình phát triển này, và đây có là tham vọng từ đầu?

Mọi thứ đến khá tình cờ. Ban đầu, tôi chỉ muốn mở một cửa hàng nhỏ ở Sài Gòn và dự định đến năm thứ 5 thì sẽ tìm một nơi đủ lớn để trưng bày đầy đủ sản phẩm, chăm chút cho từng góc tạo không gian mà ai bước chân vào cũng thích. Tuy nhiên, sau đó, nhiều bạn ở ngoài Hà Nội cũng rất quan tâm đến sản phẩm của District M nên tôi mở thêm một cửa hàng ngoài đó để dễ dàng hơn cho việc trải nghiệm. Và với sự hỗ trợ của những anh em bạn bè, District M cũng đã có 1 cửa hàng flagship ở Quận 1, hoàn thành kế hoạch của mình vào năm thứ 4. Cả ba cửa hàng đều được tôi thiết kế theo phong cách vừa hiện đại vừa vintage với ánh đèn vàng đặc trưng. 

Trong quá trình nhân rộng mô hình kinh doanh, khó khăn lớn nhất của District M là gì?

Tôi thấy quy mô kinh doanh của mình hiện tại không quá lớn nên mọi thứ vẫn nằm trong tầm kiểm soát, riêng mảng con người sẽ cần phải lưu tâm nhiều. Bởi District M khá khác biệt và tôi không muốn nơi đây chỉ thuần việc mua bán mà còn có câu chuyện, cảm xúc,… nên các bạn nhân viên bên cạnh kiến thức và sự am hiểu nhất định về sản phẩm, còn phải có đam mê, sự chân thành, sự trân trọng khách hàng. 

Nếu vậy thì việc tuyển chọn nhân viên sẽ không dễ… 

Thật ra cũng không quá khó. Tiêu chuẩn tối thiểu là các bạn phải có ít nhất một đam mê với một sản phẩm mà District M đang kinh doanh. Mỗi người với mỗi đam mê sẽ là những mảnh ghép thú vị. Tôi cũng định hướng xây dựng trang fanpage không đơn thuần chỉ có đăng bán sản phẩm, mà còn có những khía cạnh khác của đời sống, xoay quanh chữ M của mình. 

Bên cạnh đó, District M thường làm những dự án cộng đồng, sự kiện âm nhạc nên cũng cần các bạn nhân viên đa năng, yêu âm nhạc một chút, yêu nghệ thuật một chút (cười). Tôi dùng tất cả trải nghiệm và tâm huyết của mình để xây dựng District M, và tôi cũng muốn chia sẻ lại các kinh nghiệm và kiến thức cho các cộng sự của mình. May mắn từ trước đến nay, nhân viên ở District M đều là những người đồng hành đi đường dài với nhau. 

Điều kiện cần để bắt đầu một mô hình kinh doanh đôi khi chỉ là tổ hợp của ý tưởng, những người bạn đồng hành cùng chí hướng và vốn đầu tư. Nhưng để đi lâu dài và bền vững chắc chắn còn cần nhiều hơn thế, vậy với anh, đó là gì?

Với tôi đó là hiểu rõ giá trị cốt lõi của mình, có mục tiêu và kiên định với mục tiêu đó, phải biết 5 – 10 năm nữa mình sẽ như thế nào để không đi chệch hướng. Muốn làm được điều đó, chắc chắn tôi cần có những người đồng hành có cùng tầm nhìn để đi với nhau được xa và không “đứt gánh giữa đường”.

Thật ra, trong suốt thời gian vận hành, tôi có rất nhiều cơ hội để kiếm nhiều tiền hơn nhưng sau cùng, tôi vẫn chấp nhận đánh đổi nó để kiên trì với định hướng và những giá trị, tiêu chuẩn mình theo đuổi. Đường đi càng khó thì mình càng cần phải kiên định. 

Dường như 5 năm vừa qua, mọi thứ đều nằm trong suy tính của anh, thế còn 5 năm tiếp theo?

Với mô hình nhỏ và có phong cách đặc biệt như District M, tôi nghĩ không nhiều người chọn làm. Tôi tin District M luôn đặc biệt, dù ra đời muộn nhưng đã và đang được nhiều người biết đến và yêu mến. Tôi hy vọng 5 năm nữa, District M là cái tên được nhắc đến đầu tiên với những ai yêu cái đẹp, yêu âm nhạc, yêu nghệ thuật, muốn sở hữu các món đồ chất và độc đáo. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng ngày càng đa dạng dòng sản phẩm của mình như thời trang, phụ kiện, đồ nội thất,… với màu sắc đã được định hình. Những người hợp gu với District M sẽ có thể mua được mọi thứ họ cần tại đây. Đồng thời nâng cấp chất lượng dịch vụ để đem lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. 

Kinh doanh từ “chất liệu” là niềm đam mê, anh nghĩ các bạn trẻ cần phải lưu ý điều gì? 

Ngay từ đầu, bản thân tôi luôn cân bằng đam mê với kinh doanh, để mỗi ngày không cảm thấy “phải” đi làm. Nếu mọi điều ta làm chỉ thuần kinh doanh thì sẽ có nhiều áp lực, nhưng kinh doanh thứ đúng với sở thích, với bản chất con người mình thì vẫn… không ít áp lực (cười), nhưng đồng thời cũng là động lực cho mình niềm vui và hứng thú “được” làm việc mỗi ngày. Vì vậy, với các bạn trẻ đã tìm được đam mê và muốn kinh doanh cùng đam mê ấy, tôi mong ở bạn 2 điều: một là kiên định với những gì mình làm, hai là không ngừng sáng tạo để khác biệt. Theo đuổi đam mê chưa chắc kiếm ra tiền, nhưng luôn sáng tạo và kiên trì với giá trị mình theo đuổi thì sẽ sống được trong thời đại cạnh tranh này.  

Cảm ơn những chia sẻ của anh.

Phỏng vấn và biên tập: Huyền My, Thương Phạm
 

Related Article