Nếu khởi nghiệp thời nay “dễ thở” hơn nhờ sự phát triển của công nghệ, thì cách đây hơn chục năm, nó là một việc liều lĩnh. Nhưng vì không-có-gì-để-mất, anh Đỗ Tuấn Hải đã hiện thực hóa 14 ý tưởng kinh doanh. Kết quả của hiện tại là trở thành CEO của một hệ sinh thái chuyên về influencer marketing.
KHÔNG THỂ DỪNG LẠI
Trước tiên, tôi tò mò muốn biết trong trí tưởng tượng, mơ ước hồi bé của anh Tuấn Hải đã bao giờ có hình ảnh của một CEO thành đạt như bây giờ không?
Hồi bé, tôi không hay nghĩ về việc lớn lên mình sẽ làm gì. May mắn là bố mẹ tôi cũng không bắt buộc tôi phải trở thành ai, họ cho tôi quyền lựa chọn được làm những điều phù hợp với nguyện vọng của bản thân nên hình dung về cuộc sống của tôi khi ấy, chỉ đơn giản là được làm những điều mình thích. Sau khi đi làm được 1-2 năm thì tôi mong muốn có thể tự tạo ra một môi trường mà ở đó mình được tự do đặt ra quy tắc, cách thức để bản thân phát huy được hết thế mạnh. Ngoài ra, tôi cũng muốn đó là nơi mà những người đồng hành với mình sẽ tìm thấy niềm vui, cảm thấy được tôn trọng và có nhiều cơ hội phát triển. Tôi khởi nghiệp cũng là vì thế!
Trở lại năm 2008, điều gì khi ấy đã thôi thúc và giúp anh tự tin khởi nghiệp ở độ tuổi 18 – 19?
Từ năm nhất, tôi đã làm rất nhiều việc, đứng ra tổ chức hoạt động cho hội sinh viên, thu âm, dẫn chương trình, lễ cưới,… cộng với “máu” kinh doanh sẵn có từ việc phụ gia đình buôn bán, tôi có được nhiều góc nhìn nên quyết định khởi nghiệp, khi mới là sinh viên năm 2.
Kì thực, sự tự tin mà tôi có khi đó chỉ là suy nghĩ chẳng có gì để mất và sự liều lĩnh.
Tôi đã khởi đầu mọi thứ từ con số 0, thành công mở ra những mô hình kinh doanh dù sau đó phải khép lại. Tôi và những người cộng sự của mình tất nhiên thấy rất buồn nhưng nghĩ lại, dù bắt đầu từ hai bàn tay trắng nhưng tôi được làm thứ mình thích. Sau những tổn thất, tôi lại có thêm kinh nghiệm, mối quan hệ và rất nhiều thứ khác nữa. Do đó, tôi tin mọi thứ mình bắt tay vào làm, dù thành hay bại, đều là một hành trình thú vị và nhiều lợi hơn hại.
Một số mô hình kinh doanh của anh đã dừng hoạt động vì lý do chủ quan lẫn khách quan. Nhưng sau đó, anh tiếp tục dấn thân vào một lĩnh vực mới thay vì đi một con đường nhất định, tại sao thế?
Khi khởi nghiệp, tôi bắt đầu với những thứ mình thích và có nhiều cảm hứng nhất. Suy nghĩ khi ấy của tôi là chỉ cần mình thích thì sẽ làm tốt. Tuy nhiên, đến một thời điểm, tôi nhận ra chỉ có niềm yêu thích thì không thể đảm bảo cho việc kinh doanh phát triển bền vững và dài lâu được.
Ngoài đam mê thì phải đánh giá được mức độ phù hợp của bản thân và cần quan sát thị trường.
Mặt khác, tôi hiểu bản thân mình thích những thứ mới mẻ nên không gò bó mình theo một lĩnh vực nhất định. Và bằng sự quan sát, tôi nhận thấy có thể tạo ra một hệ sinh thái, nơi mình làm được rất nhiều thứ nhưng vẫn có cùng điểm chạm, đó là influencer marketing. Từ đó, The A List và những mô hình khác quanh nó bắt đầu thành hình. The A List cũng chính là niềm tự hào của tôi vì đây mô hình kinh doanh lâu nhất tôi từng làm.
Tôi hiểu hành trình 15 năm qua khiến anh Tuấn Hải rất trân trọng và hài lòng. Nhưng chưa từng có một khoảnh khắc khó khăn nào làm anh nhen nhóm ý định muốn dừng lại một mô hình kinh doanh?
Tôi nghĩ nếu đã làm kinh doanh thì mọi người đều có chung quan điểm rằng mình không thể dừng lại mà chỉ có thể bước tiếp, quan trọng là nhanh hay chậm. Thị trường thay đổi rất nhanh, khách hàng trở nên khó tính hơn nên tôi cũng phải chạy theo guồng quay đó để tốt lên mỗi ngày. Thật lòng, đôi lúc tôi cũng suy nghĩ đến chuyện tìm một cách nào đó để mình không phải làm quá nhiều việc hoặc không cần làm “đầu tàu” nữa.
Nhưng quyết định của tôi giờ đây không còn mang tính cá nhân mà là của hàng trăm con người ngoài kia đang trên cùng “chuyến tàu” với mình. Vì vậy, tôi biết mình cần mạnh mẽ và kiên định hơn với những gì mình làm.
“Kiên trì” là tính từ bật ra trong đầu tôi khi nhìn vào hành trình của anh Tuấn Hải, nhưng kiên trì bao lâu là vừa vặn để dừng lại, và kiên trì bao lâu được gọi là cố chấp, thiếu khôn ngoan?
Tôi nghĩ để đánh giá là vừa đủ hay cố chấp thì cần biết được mình đang hành động vì điều gì. Sau rất nhiều trải nghiệm, tôi nhận ra không có một kết quả nào là đúng, sai hay khiến mình hoàn toàn hài lòng, thứ chúng ta cần quan tâm nên là hành trình. Nếu đã cố hết sức rồi nhưng kết quả không như ý, thì mình chấp nhận rằng năng lực có hạn và cần cố gắng học hỏi hơn.
Tuy nhiên, cố chấp hay làm điều gì đó nằm ngoài khả năng của mình cũng là một cách để mở rộng giới hạn của bản thân.
Khi tôi và những cộng sự tổ chức lễ hội âm nhạc “HAY Fest” năm đầu tiên, chúng tôi nhận ra mình đã vượt rất xa giới hạn bản thân, khi có thể giải quyết một loạt vấn đề như thời gian gấp gáp, thời tiết xấu, số lượng quá đông, ảnh hưởng dịch bệnh, kiểm duyệt khắt khe,… Cuối cùng, hai mùa qua đi, chắc chắn vẫn còn thiếu sót nhưng mọi nỗ lực đều được ghi nhận. Đặc biệt, đối với những người lãnh đạo thì hầu như mọi cố chấp đều có lý do nhưng sẽ không thể giải thích tại thời điểm đó được mà thành quả sẽ trả lời.
“Hãy tập trung toàn bộ tâm trí vào công việc. Tia mặt trời không thể cháy nếu không tập trung vào một điểm”, câu nói này có đúng để nói về hành trình của anh Tuấn Hải không?
Câu nói này làm hiện lên hai chữ “hiện diện” trong đầu tôi và đó cũng là điều mà tôi vẫn luôn chia sẻ với những cộng sự của mình. Khi tập trung bất cứ điều gì thì kết quả cũng sẽ tốt nhưng phải thừa nhận là cuộc sống không chỉ có một thứ cần quan tâm. Ngoài công việc chiếm phần lớn thời gian thì chúng ta còn có gia đình, bạn bè, sức khỏe,… Để đảm bảo không phải đánh đổi bất cứ điều gì thì ta cần sự tập trung, “hiện diện” trong một việc với khoảng thời gian nhất định. Tôi nghĩ một khi rèn luyện được điều đó, mỗi giây phút trôi qua đều có giá trị.
Vậy đối với hệ sinh thái mà anh đã và đang dẫn dắt, việc “hiện diện” chỉ trong một nhánh là điều không dễ…
Trong mỗi giai đoạn, tôi sẽ cần tập trung 60% cho một nhánh và 40% cho những thứ còn lại. Tôi nghĩ bản thân luôn biết thời gian này nên tập trung cái gì, sắp xếp sao cho hợp lý và chủ động lên kế hoạch dự kiến về những gì sẽ diễn ra, bao gồm trường hợp xấu nhất và biết phân bổ công việc cho mọi người,… Nhờ vậy, tôi có thể kiểm soát được mọi thứ và vận hành cả bộ máy hiệu quả.
HÀNH TRÌNH KHÔNG ĐƠN ĐỘC
Thời điểm The A List được thành lập, KOL/Influencer vẫn còn là khái niệm mới nhưng bây giờ thì không còn xa lạ. Điều này tạo ra thách thức nào cho anh Tuấn Hải và The A List?
Đúng là vài năm trước đây, KOL/Influencer còn là khái niệm mới mẻ nhưng bây giờ, chiến dịch thương hiệu nào cũng xuất hiện những người có sức ảnh hưởng, và rất nhiều công ty cung cấp dịch vụ này. Khi thị trường quá sôi động thì sự cạnh tranh cũng nhiều hơn. The A List có lợi thế là thời gian hoạt động đủ sâu đủ rộng để tự tin mình là chuyên gia trong lĩnh vực này. Nhưng bên cạnh đó, nhiều thứ mà chúng tôi vẫn phải đối diện như áp lực từ các đối thủ, những yêu cầu cao từ các nhãn hàng, các bạn KOL/Influencer, sự lên ngôi của nhiều hình thức mới,… Tôi nghĩ đó là những chuyển biến tất yếu của thị trường mà mình cần thích nghi, vận động để đi lên.
Thời nay, người ta nói nhiều về thương hiệu cá nhân, đây cũng được xem là điều cực kỳ quan trọng đối với một KOL/Influencer. Tôi muốn biết anh Tuấn Hải định nghĩa như thế nào về thương hiệu cá nhân? Theo anh, giới trẻ ngày nay đang có những lầm tưởng gì về vấn đề này?
Đối với tôi, thương hiệu cá nhân là tất cả những gì người khác hình dung, nhớ đến và nói về mình. Nó được tạo nên bởi hai thứ: tài sản hữu hình như công ty, xe cộ, nhà cửa,… và tài sản vô hình như kinh nghiệm, kĩ năng, tài năng,… Tài sản hữu hình là những thứ ở ngoài thân nên không tồn tại lâu dài, vì vậy, đem lại giá trị cho người khác và tạo lợi thế cạnh tranh cho mình là tài sản vô hình – những thứ chỉ bản thân tôi luyện và tích lũy được.
Ngày nay, không ít các bạn trẻ quan niệm rằng xây dựng thương hiệu phải gắn liền với vẻ bề ngoài như nhà to, xe đẹp, văn phòng làm việc xịn,… Nhưng tôi nghĩ đó chỉ là một phần thôi, còn lại thì cần một hành trình dài và đi sâu vào nội tại hơn. Hiện nay, thông tin trên mạng xã hội mỗi ngày một nhiều và đa dạng, nên để có thể được nhớ đến với những giá trị thiết thực, các bạn phải có ý thức học hỏi.
Một điều quan trọng mà người lãnh đạo cần học là gì?
Với kinh nghiệm 6 năm điều hành công ty, tôi cảm thấy lãnh đạo không phải là người giỏi mọi thứ, nhưng phải biết cách dùng người. Nghĩa là tôi biết chính xác mỗi người trong công ty có thế mạnh gì, đã thay đổi ra sao và đặt họ đúng vị trí thì tổ chức của mình mới có sức mạnh. Bây giờ, dù trí tuệ nhân tạo hay công nghệ phát triển mạnh mẽ nhưng con người sẽ không bao giờ bị thay thế. Sự đồng hành và phát triển giữa con người với nhau là một hành trình thú vị đối với tôi.
Một điều khác mà tôi thấy cũng là chìa khóa quan trọng, đó chính là có trách nhiệm với bản thân, với những người xung quanh, với mọi quyết định,…
Nhờ có trách nhiệm, mọi suy nghĩ và hành động của của chúng ta sẽ kỹ càng và thận trọng hơn.
Anh có dự định phát triển một hệ sinh thái khác trong tương lai không?
Với tất cả những gì đang làm, tôi đều tự hỏi nó có liên quan và hỗ trợ hệ sinh thái mà mình đã gầy dựng không, nên trước mắt, mục tiêu của tôi là mở rộng dự án của mình với nhiều nhánh mới thay vì dấn thân sang lĩnh vực khác. Tháng 8 vừa qua, chúng tôi vừa ra mắt Gate Gate Gallery, một nơi giới thiệu những bộ sưu tập, triển lãm của các nghệ sĩ đương đại Việt Nam và quốc tế. Tôi mong muốn những nghệ sĩ tài năng tại Việt Nam có thể tiến những bước xa hơn ra thế giới và ngược lại.