“Coming out” (công khai xu hướng tính dục, bản dạng giới) là một thử thách đối với hầu hết người thuộc cộng đồng LGBTQ+. Nhưng hơn cả việc phải “come out” như thế nào, thì câu hỏi tại sao phải “come out” còn quan trọng hơn cả. Những câu chuyện cá nhân được chia sẻ đầy cảm hứng và xúc động tại TED Talk sau đây sẽ giúp bạn có cho riêng mình câu trả lời.
“The danger of hiding who you are”
(Tạm dịch: Sự nguy hiểm khi che giấu con người thật của bạn)
Morgana Bailey đã che giấu con người thật của mình trong suốt 16 năm. Khoảnh khắc cô phát hiện có điều gì đó khác lạ dần hình thành bên trong con người mình, đó cũng là lúc cô bắt đầu muốn lẩn tránh. Nhưng càng trốn tránh, bạn sẽ càng khó bước ra ánh sáng. Và cô đã chọn diễn đàn TED Talk để tiết lộ về điều cô đã cất giấu trong suốt 16 năm rằng: “Tôi là đồng tính nữ”. Cô ấy đã thốt ra những từ có vẻ không phải là vấn đề lớn đối với một số người, nhưng nó đã khiến cô ấy chật vật trong suốt một thời gian dài. Tại sao phải giấu? Morgana sợ mọi người sẽ nhìn nhận và đánh giá cô dựa trên xu hướng tính dục. Cô muốn mình là chính mình, cô không muốn bị “dán nhãn”. Đây chắc chắn là nỗi sợ của rất nhiều người thuộc cộng đồng LGBTQ+. Ngày hôm nay, cô ấy phản ánh về ý nghĩa của việc sợ hãi sự đánh giá của người khác và điều đó khiến chúng ta tự đánh giá mình như thế nào. Tại sao phải lên tiếng? Bởi vì cô ấy nhận ra rằng sự im lặng của cô ấy có những hậu quả cá nhân, nghề nghiệp và xã hội. Morgana tin rằng khi ta có thể nói với thế giới mình là ai, thì ta mới có thể vượt qua nỗi sợ và sự bất an bên trong mình, đồng thời thay đổi thế giới bên ngoài.
“Why I must come out?”
(Tạm dịch: Tại sao tôi phải công khai?)
Thế giới khoác lên cho bạn một lớp áo nhưng chỉ có bạn mới biết bên trong mình như thế nào, và câu hỏi đang thiêu đốt trái tim bạn mỗi ngày đó là làm sao để trở thành con người mà bản thân mong muốn. Đó là câu chuyện tìm thấy mình của người mẫu chuyển giới Geena Rocero. Khi nhìn thấy bức ảnh mình trong trang phục bikini, Geena cảm thấy hài lòng với mình của hiện tại. Giới tính được xem là bất di bất dịch, là thứ để diễn giải và định nghĩa một cá thể nhưng hiện giờ chúng ta biết nó thực sự phức tạp và bí ẩn hơn rất nhiều. “Mỗi ngày tôi đều thấy biết ơn vì mình là một người phụ nữ. Tôi may mắn có cha, mẹ và một gia đình chấp nhận con người tôi. Nhưng không phải ai ngoài kia cũng giống tôi.” – Geena bộc bạch. Hành trình “come out” vốn đã cần rất nhiều dũng khí thì quá trình để hoàn thiện mình như những gì bạn muốn thậm chí còn thử thách hơn. Những với Geena Rocero hay những người chuyển giới khác, khi được sống là chính mình thì mọi thứ đều xứng đáng.
“We’re all hiding something. Let’s find the courage to open up”
(Tạm dịch: Ai cũng có điều mình muốn giấu kín. Hãy dũng cảm để bày tỏ chúng)
Trong buổi trò chuyện nhiều cảm xúc này, Ash Beckham đưa ra một cách tiếp cận mới mẻ về sự đồng cảm và cởi mở. Nó bắt đầu bằng việc hiểu rằng tất cả mọi người, tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời, đều sẽ trải qua khó khăn. Và Ash không quên nhấn mạnh rằng khó khăn của mỗi người không giống nhau. Ta không nên đem khó khăn mình để so sánh với khó khăn của người khác, để thấy bản thân mình tốt hơn hay tệ hơn. Ash Beckham đưa ra một cách ví von rất hay khi nói cách duy nhất để thoát ra bóng tối của sợ hãi đang vây khốn, là mở cửa và bước ra khỏi tủ quần áo của bạn. “Dù bức tường bên ngoài phòng như thế nào, chiếc tủ chưa bao giờ là nơi để bạn sống cả.” – Ash Beckham khẳng định trong tiếng vỗ tay của khán giả. Để bắt đầu cuộc trò chuyện về con người thật của chúng ta, tất cả điều ta cần là dũng khí. Nhưng làm sao để có được sức mạnh này? Ash Beckham đưa ra lời khuyên khi ai đó hỏi về giới tính của bạn: hãy trực tiếp và thẳng thắn nói về bản dạng giới của mình và tuyệt đối đừng xin lỗi vì bạn chỉ đang nói sự thật mà thôi.
“Fifty shades of gay”
(Tạm dịch: 50 sắc thái của đồng tính)
Khi còn là một diễn viên nhí, iO Tillett Wright đã xoay đôi giày của mình ngược lại trong nhà vệ sinh để mọi người nghĩ rằng mình là một cậu bé. Khi lớn hơn một chút nữa, Wright bắt đầu bước vào những mối quan hệ tình cảm với cả nam và nữ. Wright không cố định nghĩa mình là ai, mà chỉ muốn trưởng thành và thay đổi theo một cách tự nhiên nhất. iO Tillett Wright đã chụp ảnh 2.000 người nghĩ mình ở đâu đó trong cộng đồng LGBTQ và hỏi nhiều người trong số họ rằng họ có thể đưa ra tỷ lệ phần trăm cho mức độ đồng tính hay dị tính của họ không? Kết quả khá bất ngờ khi hầu hết mọi người đều cho thấy mình đang tồn tại trong vùng xám của tình dục, bởi không có con số 100% cho cả hai lựa chọn. Điều này cho thấy một vấn đề của sự phân biệt đối xử: đó là ranh giới nào để phân biệt và đối xử giữa người với người? Thông qua dự án của mình, Wright mạnh dạn gọi những người nằm ở vùng xám tình dục là “Grey”, thay vì “Gay”. Và quan trọng hơn cả, chúng ta dù có khác nhau ở đặc điểm nào, có tự gán mình thuộc về cộng đồng nào, thì vẫn là con người như nhau. Đây mới điều cốt lõi nhất. Hy vọng những chiếc hộp phân hóa loài như giới tính, sắc tộc, quê quán… sẽ dần trở nên vô dụng và biến mất.