Teddy Boy: Một thời cổ điển, một thời náo loạn của tuổi trẻ Anh
Editor's PickStyle

Teddy Boy: Một thời cổ điển, một thời náo loạn của tuổi trẻ Anh

Tuổi trẻ bồng bột, hiếu thắng và lắm tật xấu. Thế nhưng, cũng chính ở những lứa tuổi thanh thiếu niên này, xã hội luôn được tiếp nhận những phong cách thời trang mới mẻ một cách liên tục qua nhiều thời đại. Điển hình cho câu nói này, chính là tiểu văn hóa teddy boy, đại diện cho những cậu trai ngỗ ngược đam mê nhạc rock ‘n’ roll, từng “làm mưa làm gió” xã hội Anh một thời vào thập niên 1950.

Những cậu trai ngỗ ngược

Nguồn gốc của thời trang Teddy Boy bắt đầu từ những năm cuối thập niên 1940, khi những nhà may cao cấp Savile Row tại Anh cố gắng khôi phục thời trang thời kỳ vua Edward VII (1901-1910). Sau Thế chiến Thứ hai, chính phủ chủ nghĩa xã hội thời bấy giờ đã ra chủ trương “thắt lưng buộc bụng” và cố gắng bỏ đi những món thời trang cũ vốn tốn kém vải. Chủ trương này vấp phải phản ứng gay gắt từ giới thượng lưu Anh, dẫn đến phong trào khôi phục thời trang thời kỳ Edward ở trên và dần về sau, sự xuất hiện của phong cách thời trang Teddy Boy.

Nếu phong trào khôi phục thời trang Edward tập trung phần lớn ở tầng lớp trung đến thượng lưu, hoặc ở các Cảnh vệ (hay còn gọi là Guardee), thời trang Teddy Boy nổi dậy như một sự đổi mới của thế hệ trẻ thiếu niên Anh, sau khi phong cách thời trang Edward lan rộng sang tầng lớp lao động vào những năm 1950. Các Teddy Boys (hay còn gọi là Teds) cổ điển có đặc điểm nhận dạng rất rõ rệt: áo khoác nhung bó eo, sơ mi thêu đính, cà vạt bolo kết hợp cùng quần ôm bó sát, giày da đồ sộ và đặc biệt, những kiểu đầu quiff độc đáo.

Tuy nhiên, Teddy Boy không chỉ dừng lại về mặt  thời trang, mà còn đại diện cho cộng đồng tiểu văn hóa thanh thiếu niên đầu tiên của Anh. Những cậu trai đam mê nhạc rock ‘n’ roll này là tiền đề cho sự phát triển của nhiều tiểu văn hóa đi sau tại Anh như mods, rockers và punks…

Nhưng hơn cả, cái tên Teddy Boy gắn liền với một giai đoạn nhiều biến cố bạo động của xã hội Anh đương thời. Các Teddy Boys thường thành lập băng nhóm theo từng địa điểm sống, và với tính cách hiếu thắng hiếu chiến của những cậu thiếu niên, các băng nhóm này thường ẩu đả với nhau.

Điển hình là các cuộc “choảng” nhau thường xuyên giữa băng Elephant và Deptford, Deptford và Rotherhithe hay Bermondsey. Không chỉ đánh tay không, những cậu trai “trẻ trâu” này thậm chí còn dùng cả xích xe đạp, dao gấp đầu (bị cấm vào năm 1957), dao cạo và nắm đấm gấu.

Sự kiện bạo động đầu tiên gắn liền với các Teddy Boys là vụ việc gây mất trật tự tại rạp chiếu phim Astoria trên đường Old Kent, năm 1955. Thời bấy giờ, bộ phim Blackboard Jungle được công chiếu tại Anh, và bài hát Around The Clock của Bill Haley và His Comets trở thành “cơn sốt” đối với các thanh thiếu niên tại đây, đa số là các Teddy Boys. Sau khi bộ phim kết thúc, đám đông đi xem phim, vì quá yêu thích bài hát, đã tràn ra đường ngân nga bài hát, đồng thời nhảy múa, khiến tình trạng giao thông bị ùn tắc.

Sự việc gặp phải phản đối dữ dội từ đại chúng, và nhiều trang báo lá cải như The MirrorThe Sketch đã gán cho sự việc này là bạo loạn rock ‘n’ roll. Tuy nhiên, đến năm 1956, sau khi bộ phim ăn khách đình đám Rock Around The Clock ra mắt, khái niệm nhảy múa cùng nhạc trong rạp phim trở thành một hoạt động phổ biến.

Sự kiện đỉnh điểm khiến Teddy Boy dính phải nhiều vết nhơ nhất trong lịch sử chính là vụ “bạo loạn chủng tộc” Notting Hill năm 1958. Giai đoạn thập niên 1950 – 1960, nước Anh chứng kiến sự xuất hiện của đa dạng dân nhập cư đến từ nhiều quốc gia khác nhau thuộc Khối thịnh vượng chung, đặc biệt đến từ vùng biển Ca-ri-bê. Xu hướng nhập cư gặp nhiều phản ứng trái chiều của người Anh Quốc, nhưng dần dần những người dân nhập cư cũng chiếm một tỉ trọng đáng kể trong nguồn lực lao động của xứ sở sương mù. Tuy nhiên, bước ngoặt của sự chia rẽ trở nên nghiêm trọng hơn, khi Enoch Powell nắm giữ vị trí Bộ trưởng Bộ Y Tế, vốn tuyển dụng rất nhiều dân nhập cư từ Tây Ấn.

Enoch Powell là một người giữ tư tương phản đối dân nhập cư kịch liệt, và điều này khiến các thành phần bài trừ người nhập cư, dẫn đầu là tổ chức White Defence League, tại Anh manh động. Giai đoạn từ 29/8 – 5/1958, hàng loạt các vụ bạo loạn tại Notting Hill đã diễn ra: nhiều nhóm thanh niên, đa phần là da trắng, liên tục tấn công có vũ khí các hộ gia đình người Tây Ấn hàng đêm.

Trên các báo đài Anh, cái tên Teddy Boys liên tục bị bêu rếu là “thủ phạm” cho vụ bạo loạn này, vì đây là cộng đồng tiểu văn hóa tiêu biểu cho tầng lớp lao động lúc bấy giờ. Bước sang thập niên 1960, tiểu văn hóa Teddy Boy cũng dần suy yếu, nhường chỗ cho hai tiểu văn hóa nối tiếp là mods và rockers.

Một lần làm Teddy Boy, thử không?

Gắn liền với sự lan tỏa mạnh mẽ của rock ‘n’ roll vào thập niên 1950, phong cách teddy boy thịnh hành một thời vừa là nhiệt huyết, vừa là vấn đề nhức nhối một thời của giới trẻ xốc nổi xứ sở sương mù. Thế nhưng, dù sự liên kết này có đúng hay sai, một điều không thể phủ nhận chính là sự đặc sắc trong cách ăn mặc của các Teddy Boys. Vậy làm sao để có thể diện ra chất phong cách thời trang này?

Cụ thể, thay cho những chiếc áo khoác âu phục ôm eo với chi tiết ve dài và hẹp, áo bó eo (waistcoat) sang trọng, cổ áo cutaway (bè rộng sang hai bên), quần âu phom ôm (nhưng không bó gối), cà vạt thắt kiểu truyền thống (Windsor) và giày tây cơ bản của thời trang Edward, các Teddy Boy lại định hình một kiểu cách mới: áo khoác vạt dài với cổ áo trang trí vải nhung, túi áo có nắp, cà vạt bolo ảnh hưởng từ phong cách thời trang cao bồi Mỹ, áo bó eo mang họa tiết dày đặc và in nổi, quần ôm bó sát gối để lộ vớ, và những đôi giày tây đế dày brothel creepers đặc trưng.

Saint Laurent
CDG Homme
Kingsman
CDG Homme
Thom Browne
Tiger of Sweden
ALYX Studio
AMI Paris
ETRO
Giorgio Armani

Và đặc biệt hơn cả, chính là mái tóc quăn được uốn thành những lọn lớn ở phía trước, đường rẽ ngôi thì chạy dài đến phía sau đầu, tóc được chải ngược sang hai bên. Kiểu rẽ ngôi đặc trưng này được gọi là duck’s arse, hay có thể hiểu là đuôi vịt.

Ngày nay, phong cách teddy boy gắn liền với những sắc màu rock ‘n’ roll đã không còn thịnh hành như trước, với sự đổi mới ngày một nhanh chóng của thời trang. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể bắt gặp dáng dấp của một cậu trai teddy boy ‘đời mới’ qua chàng ca sĩ Alex Turner của nhóm nhạc rock The Artic Monkeys.

Với xu hướng tinh giản họa tiết hiện tại, áo bó eo nhiều họa tiết như thời trang teddy boy gốc có lẽ sẽ hơi lỗi thời, nên những lựa chọn đơn sắc thì sẽ phù hợp hơn. Ngoài ra, bạn phải đảm bảo tìm được một chiếc cà vạt bolo hoặc bản nhỏ, đi cùng đôi giày để dày thì mới ra đúng được ‘chất’ nhé.

Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article