Home Modern Collectible Style Tay chơi Sartorial và những điều nam giới cần biết
Sartorial là một từ tiếng Anh được định nghĩa là thuộc về ngành may mặc, những món đồ may đo chủ yếu dành cho nam giới với kiểu trang phục cổ điển như suit, quần tây, sơ mi. Từ ngữ này có nguồn gốc từ tiếng Latin – “Sartor” có nghĩa là thợ may. Từ này nổi lên khoảng hơn 10 năm trở lại trên thế giới và thị trường Việt Nam khoảng 7-8 năm, được sử dụng nhiều bởi các nhà may, đơn vị cung cấp Âu phục cũng như thành viên của các hội nhóm, cộng đồng những người yêu thích phong cách này. Họ thường được gọi là “dân chơi sartorial”, hay “sartorialist”.
“Sartorialist” lại không có trong từ điển. Từ này được sử dụng lần đầu bởi Scott Schuman – nhiếp ảnh gia, người sáng lập “The Sartorialist” tại thesartorialist.com. Trang mạng này cập nhật những hình ảnh do Scott thực hiện với chủ thể là những người mà anh cho rằng có phong cách sartorial đẹp. Phát triển một cách nhanh chóng, “sartorialist” hiện nay đã được sử dụng rộng rãi để chỉ những người yêu thích, đam mê và thực hành phong cách sartorial. Sau này, những bức ảnh Scott chụp cũng mở rộng đến nhiều phong cách khác.
Trong hơn 1 thập kỷ qua, phong cách sartorial trỗi dậy mạnh mẽ trên toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Đó có thể là nhờ những bộ phim như “Kingsman”, “007”, “John Wick”, series “Peaky Blinders”…; nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các KOLs với hình ảnh trên mạng xã hội; và cũng có thể là vì những xu hướng thời trang cứ đến rồi đi nhanh như chớp khiến người ta bội thực và những giá trị có tính trường tồn hơn có cơ hội tỏa sáng. Các nhà may xuất hiện khắp nơi, những hội nhóm liên tục được thành lập để cùng nhau chia sẻ về câu chuyện liên quan đến sartorial.
Đàn ông nói với nhau về các loại cấu trúc full canvas hay half canvas, độ nặng của từng thước vải, kích thước của ve áo, độ dài của chiếc quần như thế nào… Nếu là những năm 2010, nói về những khái niệm này có thể bị đánh giá quá điệu đà hay thiếu thực tế. Tuy nhiên, bây giờ họ có thể dùng những chủ đề này để bắt chuyện với nhau, để mở rộng các mối quan hệ. Sartorial nói riêng và thời trang nam giới nói chung – đàn ông hiện đại đang quan tâm đến những bộ trang phục hơn bao giờ hết. Thế nhưng, một sự thật không thể chối cãi rằng câu chuyện sartorial trong hơn 10 năm qua, ít nhất là ở Việt Nam, căn bản vẫn là một trào lưu.
Chúng ta vẫn được nghe rằng ăn mặc cổ điển trường tồn, không lỗi thời, nhưng nằm trong dòng chảy “vũ bão” của thế giới thời trang, nó cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Phần đông vẫn tìm đến như một thứ hợp thời, để trông bảnh bao, sang trọng và để có thể sản xuất hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội. Những giá trị văn hóa, lịch sử và tính thực tiễn của phong cách này thường bị bỏ qua. Tất nhiên, cũng không ít những người thật sự tìm hiểu, trau dồi kiến thức, đam mê và thực hành sartorial theo hướng có chiều sâu, nhưng họ vẫn chỉ chiếm thiểu số trong cộng đồng rộng lớn.
Trong cái chất riêng của một cá nhân, ngoài phong cách họ chọn, còn có một thứ vẫn chưa được coi trọng đúng mức chính là phong thái. Điều này không có ý nâng cao quan điểm rằng ăn mặc thế này thì ứng xử cũng phải ra sao. Bởi, sự tử tế là chuyện mỗi chúng ta nên làm, không riêng gì những người mặc đẹp. Chỉ đơn giản: phong thái là một phần không thể thiếu nếu muốn hình thành một phong cách có cả tính thẩm mỹ và chiều sâu. Phong thái được hình thành do sự giáo dục, kiến thức và cách chúng ta luyện tập với tâm thế cởi mở và cầu thị. Người đàn ông có phong thái tốt là người toát lên vẻ tự tin, hiểu biết và tri thức. Anh ta hiểu rằng ăn mặc là một dạng ngôn ngữ, mà qua đó truyền tải đến thế giới xung quanh rằng “Tôi là ai”.
Sartorial là phong cách tôn vinh giá trị của con người, không phải dành riêng cho quần áo. Ở đó, chủ thể con người sở hữu vẻ đẹp của trí tuệ, sự tự tin và thanh lịch. Để đạt được điều này, nhất định cần sự nghiêm túc trong nghiên cứu, học tập chứ không chỉ đơn thuần câu chuyện thuần câu chuyện chọn mua một chiếc quần thế nào hay may một mẫu áo ra sao.
Trên mạng xã hội, rất nhiều thông tin hướng dẫn những cách mặc đẹp và đúng chuẩn Sartorial. Các bài viết này phần nào giúp định hình những điều cơ bản cho người mới tìm hiểu, thậm chí góp phần khơi gợi, truyền cảm hứng cho độc giả, thôi thúc họ ăn mặc theo, nhưng những điều căn bản này vẫn chỉ là bề nổi.
Dù gói gọn trong một từ “Sartorial”, nhưng trong phong cách này còn chia ra rất nhiều trường phái, phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau. Người ta có thể chia theo địa lý như kỹ thuật cắt may kiểu Anh, Ý, Pháp hoặc Mỹ. Ngoài ra, còn có thể chia theo thời kỳ lịch sử vào thập niên 1920, 1960, hay theo đặc thù sử dụng với trang phục trong thành phố, trang phục ở đồng quê hay trang phục thể thao… Mỗi trường phái sẽ có góc nhìn về tỉ lệ, màu sắc, kiểu dáng và thiết kế khác nhau. Mỗi người chơi Sartorial lại có mục đích theo đuổi khác nhau trong hành trình riêng. Để chúng ta gọi thế nào là đúng chuẩn một “Tay chơi Sartorial”, thật sự rất khó để định hình.
Kể cả những luật lệ về ăn mặc, theo thời gian phát triển của xã hội cũng sẽ có nhiều thay đổi. Những quy tắc như “No brown in town” (Tạm dịch: Không mặc màu nâu trong thành phố) hay “No brown after six” (Tạm dịch: Không mặc màu nâu sau 6 giờ tối) chỉ còn là dĩ vãng. Thậm chí,môi trường hay ngành nghề thuộc về phạm trù chính trị, tài chính với những luật lệ quy định rất khắt khe về vấn đề trang phục, cũng đã dần trở nên thoải mái hơn nhiều. Tư duy “mặc đúng chuẩn” có lẽ cũng không còn là một điều quá chuẩn nữa.
Về mặt ngữ nghĩa, bất cứ ai có sự hứng thú và mặc trang phục cổ điển thường xuyên thì đã có thể coi là một “sartorialist”. Nếu chỉ như thế thì từ này không còn đủ giá trị ngoài một định nghĩa mang tính bao quát, cũng không đồng nghĩa với việc chỉ cần mặc theo định nghĩa đã là một “sartorialist”. Với lịch sử phát triển của trang phục may đo nam giới kết hợp cùng ý nghĩa từ “sartorial”, thì để một người được xem là một sartorialist thì họ cần phải đáp ứng đủ 3 yếu tố:
1/ Tôn trọng những quy tắc và giá trị cổ điển cùng một bộ trang phục chất lượng, thủ công
Một sartorialist phải biết rằng luật lệ sinh ra và mất đi đều có lý do. Họ hiểu rõ các quy tắc đã lỗi thời và cũng có những điều vẫn giữ nguyên giá trị. Họ đầu tư vào chất lượng thủ công thực sự chứ không chỉ là một bộ trang phục mặc cho ra được chất sartorial giống người khác. Họ cũng chọn lựa kỹ lưỡng mỗi khi mua sắm để đảm bảo món đồ này sẽ đi cùng mình một cách lâu dài.
2/ Thuần thục, cân bằng lý thuyết và thực hành
Một sartorialist phải nắm vững kiến thức, nhưng không tuân thủ một cách máy móc. Họ sẽ thông qua quá trình thực hành và trải nghiệm để hiểu được điều gì là tốt cho bản thân. Họ luôn tôn trọng hình thể, môi trường và lối sống cá nhân để áp dụng phương thức ăn mặc về màu sắc, kiểu dáng, chất liệu để tạo nên sự phù hợp. Họ hiểu rằng không phải kiến thức trong các trang sách, hay những bộ quần áo mà các KOLs mặc đẹp, thì cũng có thể áp dụng y hệt lên chính bản thân.
3/ Hướng đến sự hài hòa trong thẩm mỹ ăn mặc, vẻ đẹp thanh lịch
Có rất nhiều tính từ để miêu tả vẻ đẹp như gai góc, bụi bặm, lộng lẫy, kiêu sa… Tuy nhiên, khi nói đến sartorial, sự nhẹ nhàng, hài hòa và thanh lịch nên được đề cao. Chủ thể của phong cách nên là con người thay vì quần áo. Một sartorialist thực thụ nên để lại ấn tượng về bản thân thay vì những thứ anh ta mặc.
Tư duy thẩm mỹ này có thể mở rộng sang những lĩnh vực khác như âm nhạc, ẩm thực, phim ảnh, hội họa – những lĩnh vực không nằm trong định nghĩa, nhưng đóng vai trò bổ trợ quan trọng. Khi tâm trí được trau dồi bởi điều hay, đẹp, thì tư duy ăn mặc sẽ tiến bộ.
Thẩm mỹ ăn mặc không chỉ đơn thuần là cho bản thân, mà còn là hướng tính thẩm mỹ đến những đối tượng khác. Liên tục bồi dưỡng tư duy giúp cho chúng ta có cái nhìn cởi mở, không chỉ tôn trọng những phong cách, trường phái khác mà còn hiểu được vẻ đẹp của mọi thứ, không chỉ quanh quẩn ở thế giới của “tay chơi sartorial”.
Các sartorialist mặc phần nhiều để tự tôn, tự tận hưởng, sau mới đến cho người khác, thể hiện sự tôn trọng với đối phương. Họ hướng đến vẻ đẹp hài hòa, cân bằng và thanh lịch, ấn tượng chứ không phải “làm lố” để thu hút sự chú ý. Họ trân trọng giá trị thủ công, chất lượng của từng món đồ và những thiết kế mang tính trường tồn.
MEN’S FOLIO, tạp chí quốc tế về thời trang và phong cách sống dành cho Quý Ông sành điệu, có bề dày hơn 25 năm kể từ ngày thành lập đầu tiên vào năm 1997 tại Singapore. Men’s Folio mang sứ mệnh quảng bá tài năng châu Á, cũng như xu hướng thời trang nổi bật nhất qua các mùa. Hiện ấn phẩm đã có mặt tại đa quốc gia, hoạt động mạnh mẽ ở các nước Đông Nam Á, và chính thức có mặt tại Việt Nam vào tháng 11/2020. Ấn phẩm Men’s Folio Vietnam hội tụ những bài viết tinh hoa, hình ảnh bắt mắt, giới thiệu những nhân vật danh tiếng của ngành công nghiệp thời trang và giải trí Việt Nam. Cùng cái nhìn tổng quan về xu hướng, thời trang và phong cách sống nổi bật nhất dành cho phái mạnh theo từng mùa/năm.
Copyright © 2024 Luxuo Media Vietnam. All Rights Reserved. Website Developed by Tony Toàn