Cuộc đời và truyền thông, đến bao giờ chúng ta mới học được cách tách rời hai thứ đó? Sau vụ bê bối tấn công tình dục tại Tây Ban Nha, hy vọng một số người sẽ thấm thía.
Mọi chuyện bắt đầu khi tờ báo thường nhật nước Anh Daily Mail đăng tin một cô gái 17 tuổi cáo buộc hai “nghệ sĩ nổi tiếng” ở một “nước Đông Nam Á” tấn công tình dục cô ở Mallorca, Tây Ban Nha. Tình cờ làm sao, có một diễn viên này và một nhạc sĩ nọ cũng đang du hí ở cùng một địa điểm, họ vẫn check-in cập nhật ầm ầm cho đến một ngày, cũng lại tình cờ là họ mất điện thoại, chẳng ai liên lạc với họ.
Vài tiếng sau đó, những thám tử mạng đã ngay lập tức tìm thấy những mối liên kết hiển nhiên giữa những sự kiện này, để bỗng chốc, hai cái tên trở thành tìm kiếm thịnh hành cõi mạng. Chửi bới có mà bán tín bán nghi cũng có, báo chí nước ngoài dừng lại ở những cái tin úp mở “hai cái tên nghi phạm vẫn chưa được làm rõ”, ngay cả chính tên cô gái cũng mơ hồ như thể chỉ giới tính và độ tuổi là đủ để định danh cô. Thôi thì, náo loạn, nháo nhào như trò bịt mắt bắt dê, không ai biết đâu là thực giả, bạn có lên mạng cả ngày cũng chẳng ai cho bạn đáp áp chính xác cho một cáo buộc quá lớn, quá khủng khiếp với những con người mới vài ngày trước còn đứng vững trong lòng công chúng như một hình tượng người cha, người chồng, người nghệ sĩ, người công dân mẫu mực.
Vài ngày sau, với người này, họ là tội đồ. Với người khác, họ là những kẻ “chẳng thể nào lại làm chuyện tày trời đến vậy”. Với cơ quan làm việc, họ như những đứa trẻ bỏ học đi chơi, bỏ làm đi Tây. Với cõi mạng đói khát thông tin giật gân, họ trở thành đề tài cho những đề tựa úp mở và nội dung thậm chí chỉ là liệt kê những công việc họ làm, bộ phim họ đóng, thành tựu họ đạt được, mặt mũi bà vợ đứa con của họ. Thật buồn cười, sự kiện này khiến cho tôi nhớ đến những vụ scandal tầm cỡ trên thế giới. Bill Clinton phản bội vợ ngay trong Nhà Trắng với một cô thực tập sinh vào năm 1998; hoàng tử Andrew nước Anh tấn công tình dục một cô gái vị thành niên vào năm 2014… Thế giới bàng hoàng thế nào với những tên tuổi tầm cỡ này, thì Việt Nam cũng bàng hoàng tương tự với hai cái tên, hai hình tượng mà chẳng ai có thể tưởng tượng nổi sẽ gắn với cáo buộc hiếp dâm một cô gái vị thành niên, theo cái cách rất tinh vi.
Họ bàng hoàng là có lý do, nhưng thú thực, cũng chẳng nên bàng hoàng vì một lý do tương tự. Sau #MeToo, những cáo buộc tấn công tình dục xuất hiện nhiều như cơm bữa, từ những vị chức tước quyền quý cho đến giám đốc những công ty sản xuất phim ảnh hàng đầu thế giới. Trong số đó, kẻ vào vòng lao lý, kẻ ung dung tự đắc trở thành một trong những Tổng thống Mỹ bị ghét nhất mọi thời đại. Người ta nói, đã đến thời để chẳng ai nên tin quá vào đàn ông. Rằng bạch mã hoàng tử đã chết. Rằng trên mạng giờ đây chỉ toàn những gã biến thái và ngoài đời thì cũng chỉ toàn những kẻ trăng hoa. Rằng tình yêu chỉ đẹp trên phim truyền hình dài tập. Rất nhiều giấc mộng tan vỡ, nhất là với tỷ lệ bạo hành gia đình ngày càng gia tăng ở nhiều quốc gia, và, chuyện ly hôn đã trở thành một hiện tượng phổ biến như mưa nắng.
Đấy là chúng ta tưởng vậy, chúng ta tưởng mình đã trở nên thực tế hơn rất nhiều so với thời một chiếc xe đạp hai người chở nhau vòng vòng bờ hồ ăn kem tán phét. Chúng ta tưởng chúng ta sẽ lý trí hơn với những kì vọng về con người, về hình mẫu những người đàn ông. Hoá ra đâu đó, vẫn còn có những mong đợi về một người chồng đẹp trai như ngôn tình, chăm lo yêu thương vợ con. Chẳng khác gì mong mỏi về một tấm chồng ra tấm ra món các bà, các bố, các mẹ vẫn mơ màng cho con cái mình. Bởi mới nói, khi những nghi ngờ về một vụ việc khủng khiếp ở nước ngoài diễn ra, cũng là lúc không chỉ hai cái tên chưa chi đã bị điểm tên chỉ mặt, mà niềm tin của công chúng về một hình mẫu đàn ông lý tưởng bỗng chốc cũng tan thành mây khói.
Dù thật giả thế nào, dù đen trắng, phải trái ra sao, vẫn chưa ai biết và cũng chẳng có kết luận cuối cùng, người ta đã vội vàng không chửi bới thì cũng thương tiếc cho hình tượng của mình. Bạn sẽ chẳng phản ứng nếu như bạn không quan tâm, dù đó có là điều gì chăng nữa. Nhưng dù là chửi bới hay thương tiếc, thì đó cũng chỉ là những phản hồi cho một mức lượng kì vọng bạn đã dồn lên một người, vài người, một nhóm người, hay một hình tượng được thêu dệt từ truyền thông đại chúng và từ phim ảnh. Không kỳ vọng thì cũng sẽ không có thất vọng. Không ảo mộng thì cũng chẳng có những cú sốc tinh thần. Dù câu chuyện khi vỡ lẽ sẽ ra sao, hãy cứ nghĩ rằng, những cuộc đời trên mạng xã hội, trên truyền thông, trên cái màn hình, đã, đang và sẽ mãi không phải cuộc đời của bạn.
Để khi có “biến” xảy ra, bạn vẫn biết chuẩn mực đạo đức và giá trị tinh thần của mình còn ở nguyên đấy. Còn vẹn toàn.