Tại sao các nhà thiết kế Nhật Bản dẫn dắt thời trang nam?

  • by mensfolio
  • July 7, 2025

Dưới bối cảnh kinh tế ngày càng khó khăn, các tuần lễ thời trang dần thu hẹp kể từ năm 2010. Sự sụt giảm thị phần tiêu dùng hàng xa xỉ lần đầu tiên sau 15 năm chưa bao gồm giai đoạn giảm sút chi tiêu trong giai đoạn Đại dịch COVID-19 dẫn đến biến động và lạm phát. Thị trường quốc tế toàn cầu có dấu hiệu chậm lại vào năm 2024 nhưng thời trang nam Nhật Bản vẫn hoạt động mạnh mẽ góp phần tăng trưởng và phục hồi thị trường. 

Phong cách thiết kế khác biệt với Phương Tây 

Thời trang nam Nhật Bản luôn có bản sắc riêng không đi theo xu hướng, mà tạo ra một hệ tư tưởng. Nếu là người yêu thích và quan tâm đến thời trang nam thì không quá xa lạ với những cái tên như Yohji Yamamoto, Rei Kawakubo và Issey Miyake đã định nghĩa về sự nam tính xa rời chuẩn mực xã hội, khác lạ so với chuẩn đẹp Phương Tây. Tất cả thông điệp đều chứa đựng qua các hình khối của trang phục như ưa chuộng vải rủ và rách, phi cấu trúc không tôn dáng cơ thể mà chúng ta hay gọi là thời trang Avant-garde. Màu sắc quần áo tối giản, đặc biệt là sử dụng gam màu đen huyền bí – biểu tưởng cho sự uy nghiêm, tinh tế và phản kháng.

Bên cạnh đó, văn hóa đường phố Nhật Bản và văn hóa Harajuku với sự kết hợp giữa chất rock, punk, anime cùng lối tư duy thiết kế layering và nghề thủ công cao cấp đã tạo ra những bản sắc độc đáo cho các sản phẩm. Nhìn chung, các sản phẩm thời trang nam Nhật Bản phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của nam giới đang tìm kiếm sự độc đáo và khác lạ. Thời trang nam Nhật Bản không chỉ là “mặc để đẹp”, mà còn phản ánh thái độ sống.

Quần áo kiểu dáng rộng, bất đối xứng, vải thô ráp, đường cắt không hoàn thiện (unfinished hems) đều thể hiện sự khiếm khuyết thầm lặng, bất cần. Điều này đối lập hoàn toàn với “chủ nghĩa khoe mẽ” tại thị trường thời trang tại Âu Mỹ. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến thời trang nam Nhật Bản vẫn trụ vững dưới nền kinh tế áp lực hiện nay, lối tiêu dùng hàng xa xỉ để khoe khoang ngày càng giảm đi do các thương hiệu thời trang cao cấp phải tăng giá do lạm phát. 

Tự vấn trước thời đại

Với cái nhìn sắc bén và có chiều sâu dưới kỷ nguyên đầy biến động từ khí hậu, chính trị, trí tuệ nhân tạo (AI) thì các nhà thiết kế Nhật Bản vẫn giữ cho mình sự tâm huyết và tử tế trong cách kinh doanh thời trang. Điều này được minh chứng bởi chất lượng cao từ quần áo được sản xuất luôn được thực thi với thông số kỹ thuật cao cùng mức giá phù hợp, đơn cử như Yohji Yamamoto đã chia sẻ rằng ông luôn đặt khách hàng là trung tâm và họ mua sản phẩm bởi vì họ thích nó. “Tôi cố gắng nghĩ đến điều khách hàng thực sự muốn hoặc cần, có lẽ đó là cách để luôn giữ được sự phù hợp. Kinh doanh không phải là mục tiêu, mà là kết quả”, ông nhận định. 

Với sự minh bạch và trung thực trong kinh doanh đi kèm phong cách thời trang bụi bậm, hoang dã chạm đúng vào nỗi hoang mang hiện tại của người tiêu dùng – đây mới chính là điểm mới mẻ mà người tiêu dùng tìm kiếm và đồng thời đáp ứng nhu cầu từ tiêu dùng thời trang để “khoe mẽ hình thể” sang “phản tư tưởng cá nhân”. 

Thời trang Nhật Bản luôn có sự khác biệt so với phương Tây

Sự chuyển dịch của thị trường tiêu dùng thời trang của nam giới 

Theo nhiều thông tin, tốc độ tăng trưởng của thời trang nam toàn cầu nhanh hơn so với thời trang nữ ở một số phân khúc như tailoring (may đo cao cấp) và mảng phụ kiện vào năm 2026. Đặt dưới bối cảnh nền kinh tế ổn định của Nhật Bản, sự coi trọng văn hóa quốc gia, chú trọng phát triển sản xuất từ nghề thủ công thì các thương hiệu Nhật Bản không bị chi phối ngân sách như các thương hiệu Phương Tây.

Bên cạnh đó, du lịch Nhật Bản góp phần phát triển kích cầu cho đồng Yên Nhật thuận lợi. Từ các yếu tố trên giúp cho thời trang nam Nhật Bản được chi tiêu mạnh mẽ hơn dựa trên sở thích hơn là nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng. “Trong tương lai, chúng tôi kỳ vọng rằng các nhà thiết kế Nhật Bản sẽ tiếp tục dẫn dắt xu hướng và có ảnh hưởng lớn đến thời trang nam toàn cầu, nhờ vào những thay đổi nhân khẩu học và tác động của mạng xã hội”, Marguerite Le Rolland, Giám đốc mảng giày dép và trang phục của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor chia sẻ.

Không chỉ thời trang nam Nhật Bản mà vì lợi ích của ngành thời trang nam nói chung, dưới bối cảnh thời đại sẽ là những thử thách mà các thương hiệu thời trang phải đối mặt để tồn tại. Các nhà thiết kế Nhật Bản sẽ vượt qua thử thách, duy trì và phát huy những giá trị cốt lõi, giá trị thủ công về chất lượng, sự tinh tế để thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm ở thời điểm hiện tại.

Words: Kiều Lan Uyên
Ảnh: Tổng hợp

library