Trỗi dậy sau gần một thế kỷ “im hơi lặng tiếng”, “Les Chanteuses de Campagne” (Người hát dân ca) của danh họa Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) – tác phẩm hội họa quý hiếm và đặc biệt của một trong những họa sĩ hàng đầu của nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam – sắp được đấu giá tại Sotheby’s Paris.
Hoàn thiện vào năm 1930, thuộc thời kỳ sáng tạo đỉnh cao của cụ Chánh, kiệt tác này được dự đoán sẽ lập nên kỷ lục mới trong phiên đấu giá sắp tới và được coi là tác phẩm quan trọng nhất từng được tung ra thị trường của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh.
Sự khám phá ra kiệt tác này là một câu chuyện tình cờ. Trước đây, tác phẩm chỉ được biết đến qua các hồ sơ lưu trữ và các cuộc triển lãm mang tính bước ngoặt ở Hà Nội (năm 1930) và Paris (năm 1931). Sau đó, bức tranh đã được phát hiện trong một ngôi nhà khiêm tốn ở vùng nông thôn Pháp. “Les Chanteuses de Campagne” được ông nội của chủ nhân hiện tại mua ở “Triển lãm Thuộc địa Quốc tế” (Exposition Coloniale Internationale) tại Paris năm 1931 – đó là lần đầu tiên chủ nghĩa hội họa hiện đại của Việt Nam được giới thiệu ở phương Tây, kể từ đó, bức tranh đã trở thành một viên ngọc ẩn, kiên nhẫn chờ đợi được tái khám phá.
“Les Chanteuses de Campagne” là tác phẩm điển hình cho giai đoạn được “săn đón” nhiều nhất của cụ Nguyễn Phan Chánh, từ năm 1930 đến 1935, khoảng thời gian mà ông chú tâm thể hiện những khoảnh khắc đời thường theo một cách thật gần gũi, thân thuộc. Bức tranh “Les Chanteuses de Campagne” miêu tả hai người phụ nữ thôn quê trong một bối cảnh dân dã, bao quanh bởi tông màu đất chủ đạo. Bố cục này, phản ánh sự tập trung của cụ Chánh đối với vẻ đẹp chân phương hơn là tính mới lạ về mặt thẩm mỹ, mang đến cho người xem cái nhìn sâu sắc về cuộc sống đời thường ở Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Tác phẩm từng “ẩn mình” gần một thế kỷ này là một trong những điểm nhấn của phiên đấu giá Arts d’Asie, diễn ra vào ngày 14 tháng 6 tại Sotheby’s Paris, và sẽ được trưng bày công khai ở đó từ ngày 8 đến ngày 13 tháng 6, cùng với các tác phẩm khác của phiên đấu giá.
VỀ DANH HỌA NGUYỄN PHAN CHÁNH
Sinh ra tại một ngôi làng Việt Nam xa xôi vào năm 1892, Nguyễn Phan Chánh đã tạo ra bước ngoặt trên con đường nghệ thuật, bắt đầu hành trình hội họa ở tuổi 33 khi trở thành học viên khóa đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1925, và rời bỏ vai trò giáo viên tiểu học ở Huế. Sự khởi đầu khác thường này đã không cản trở sự thăng tiến nhanh chóng của ông trên tầm vóc quốc tế, với tư cách là một nghệ sĩ khéo léo kết hợp truyền thống phương Đông với nghệ thuật phương Tây.
Được đào tạo tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, mô phỏng theo Trường Mỹ thuật (École des Beaux-Arts) danh tiếng ở Paris lúc bấy giờ, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh tiếp cận lý thuyết giáo dục học tập chuyển hóa, qua đó kết hợp hoàn hảo kỹ thuật vẽ lụa và sơn mài Đông Á với thực hành vẽ hình người và tranh sơn dầu của phương Tây. Chương trình giảng dạy toàn diện này được cố định trên nền tảng phong phú của lịch sử nghệ thuật, bao gồm Hy Lạp và La Mã cổ đại, truyền thống nghệ thuật của Trung Quốc và Ấn Độ.
Vào năm 1929, Nguyễn Phan Chánh và những người cùng thời với cụ đã nắm bắt cơ hội trọng đại để trưng bày tác phẩm của mình tại Grand Palais ở Paris, trong sự kiện Triển lãm Nghệ thuật Thuộc địa (Salon de l’art colonial). Buổi trưng bày uy tín này được thúc đẩy bởi Victor Tardieu – người đại diện cho nghệ thuật Pháp ở Đông Dương, và chuẩn bị cho “Triển lãm Thuộc địa Quốc tế” năm 1931 ở công viên Bois de Vincennes, ngoại ô phía đông Paris . Lời mời của Tardieu dành cho các sinh viên vừa mới tốt nghiệp của trường, trong đó có Nguyễn Phan Chánh, đã đánh dấu một thời điểm quan trọng trong sự nghiệp đang phát triển của họa sĩ trên trường quốc tế.
Lấy cảm hứng sâu sắc từ vùng nông thôn thời thơ ấu, Nguyễn Phan Chánh luôn giữ một sự gắn bó gần gũi với dân quê, qua việc vẽ nên những khung cảnh quen thuộc với một góc nhìn thân cận, khiến ông được ca ngợi như một nhà ghi chép về cuộc sống truyền thống.