Superman (2025): Cú tung người nảy lửa trên bầu trời hoang hoải của DC

  • by Huyền My Trương
  • July 21, 2025

Bằng một cú “đập đi xây lại” táo bạo, “Superman” của James Gunn khép lại kỷ nguyên DCEU (Vũ trụ Mở rộng của DC) nhiều lận đận, mở toang cánh cổng DCU (Vũ trụ DC) – “Chapter One: Gods and Monsters” – bằng một hơi thở nhẹ nhàng mà kiên định, pha lẫn phong vị truyện tranh thuần túy và những trăn trở đương đại. 

Việc Warner Bros. Discovery trao “nắm đấm thép của Krypton” cho James Gunn không chỉ đơn thuần là câu chuyện đổi ghế đạo diễn. Đó là ván bài chiến lược nhằm cứu vãn thế chủ động mà DC đã để Marvel nắm giữ hơn một thập kỷ. Cũng vì lẽ đó, Superman mới đóng vai trò như quân Ách chủ lực: Bộ phim phải chứng minh rằng DC có thể làm siêu anh hùng với trái tim vừa cổ điển, vừa mới mẻ, đồng thời vẽ tấm bản đồ cảm xúc cho “Chapter One: Gods and Monsters” sắp bày ra trong những năm tới. 

Tác phẩm lướt nhanh qua những chương “huyền sử” quen thuộc: “Hành tinh Krypton diệt vong”, Kal-El/ Superman (David Corenswet) đáp xuống Smallville,…  để tập trung vào giai đoạn Clark Kent (nhân dạng đời thường của Superman) trở thành tay phóng viên ẩn mình dưới cặp kính dày. 

Ở Metropolis nơi tin giả lây lan như virus và các tập đoàn giàu lên nhờ thao túng sợ hãi, Clark phải chống lại Lex Luthor (Nicholas Hoult) – tay CEO điên loạn đã thuyết phục Quốc hội rằng “một vị thần ngoài hành tinh” nên bị quản thúc. Câu chuyện, thoạt nghe quen, song được kể bằng nhịp độ khẩn trương, xen lẫn những mẩu hài hước đặc trưng phong cách Gunn, mở ra cuộc tranh luận gai góc về quyền lực, đạo đức và niềm tin. 

Đổi nhãn quan, không đổi tinh thần

Ở lần tái xuất này, Gunn đặt máy quay “ngang tầm mắt” người dân Metropolis: Khán giả bỗng trở thành cư dân đã quá quen cảnh “có người bay trên đầu” vào giờ tan tầm, “quái vật vũ trụ” phá nát tòa nhà, phản diện mỗi ngày huyên thuyên về chuyện chúng sẽ đánh bại Superman thế nào,… Cách tiếp cận “không giải thích” ấy tức thì khiến không gian phim giàu tính hiện sinh: Siêu nhiên trở thành một hằng số bình thường, nhường chỗ cho những câu hỏi trực diện về luân lý và truyền thông. 

Đấy cũng là cách tiếp cận mới lạ, song trung thành với nguyên tác truyện tranh của James Gunn. Thay cho đại cảnh tận thế vốn là đặc sản DCEU, “Superman” 2025 khai thác mâu thuẫn đời thường: Một phóng viên muốn viết sự thật, một doanh nhân muốn kiểm soát câu chuyện, một siêu nhân chỉ muốn giúp đỡ nhưng lại bị hoài nghi. Đòn bẩy tâm lý này khiến khán giả phải đối diện câu hỏi: Chúng ta tin điều gì – lời hứa bảo vệ vô điều kiện của Superman, hay phép tính lợi ích-chi phí của Luthor? 

Một trong những điểm nổi bật trong phần mới là việc khắc họa rõ nét Pháo đài Cô độc – tấm gương phản chiếu ký ức và lai lịch của Superman. Khác hẳn bản dựng pha lê lạnh lẽo của Zack Snyder, pháo đài do Gunn dựng nên là tổ hợp kết tinh từ khoáng vật Krypton và di sản nông trại Kansas. Bên trong, các robot chăm sóc cho “người đàn ông thép” sau mỗi lần giải cứu thế giới, như vị vua uy nghiêm trở về từ chiến trận. Anh được thư giãn bằng cách lắng nghe những lời căn dặn của phụ mẫu từ ngày xưa. Khán giả hiểu thêm rằng nhờ những cuộc chữa lành này, Superman không bao giờ quá cô độc, đến mức tha hóa như nhiều phiên bản độc ác khác của anh.

Đặc biệt, hành trình mới của anh không hề cô đơn. Krypto – chú siêu khuyển lông trắng bước vào khung hình không phải để gây cười đơn thuần, mà để tượng trưng cho nỗi cô độc dai dẳng của Clark. Khi cả thế giới ngờ vực động cơ một vị thần, chỉ con vật vô ngôn ấy chạy đến liếm tay anh; khoảnh khắc nhỏ mà thắt chặt sợi dây cảm xúc người xem. 

So sánh di sản điện ảnh của Superman qua ba thế hệ, thì Christopher Reeve là khải hoàn ca về niềm tin thuần khiết, Henry Cavill là bi ca của đấng cứu thế lạc lối, còn David Corenswet dưới tay Gunn trở thành bản hòa ca “tinh thần nghi vấn”: Anh tốt bụng không vì được lập trình, mà vì lựa chọn tin vào con người dẫu biết những góc khuất tăm tối nhất. Kiểu nhân bản ấy kéo “thần thoại Superman” gần hơn với mặt đất, đặt vừa tầm với khán giả 2025 vốn đã kiệt quệ vì tin giả và khủng hoảng niềm tin. 

Diễn viên tròn vai trong câu chuyện hấp dẫn

David Corenswet có thể được vinh danh “người hùng không gồng” nhờ lối diễn xuất tự nhiên, dễ chịu của mình. Ngôn ngữ cơ thể anh mềm mại, đôi mắt đượm buồn thoáng nghi hoặc mỗi lần nghe ai đó ca ngợi mình như “Thiên sứ”; vậy mà chỉ cần nhíu mày, âm vực trầm xuống nửa tông, Clark lập tức hóa Superman – kiên quyết mà không khoa trương. Corenswet thành công nhờ tự giới hạn: Anh tiết chế cơ bắp, nhấn vào ánh nhìn và nhịp thở để truyền tải lòng trắc ẩn, khiến đòn đánh mạnh nhất của Superman hóa ra là… sự kiên nhẫn. 

Dẫu vậy, anh vẫn còn “độ liền mối” chưa hoàn hảo. Trong một vài đoạn hài “Gunn-style” đòi hỏi phản xạ chớp nhoáng, Corenswet đôi khi xử lý hơi chậm, nhường phần punch-line cho bối cảnh thay vì nhấn nhá thoại. Thế nhưng, chính nét vụng về đó vô tình củng cố tính “người” cho Thần, làm xương sườn cảm xúc vững hơn. 

Về phía đối trọng, Nicholas Hoult mang đến một Lex Luthor nghiêm túc hơn, đáng sợ hơn. Không đi theo lối “gào rít” như Jesse Eisenberg hay cợt nhả như Kevin Spacey, Hoult giữ giọng đều, ánh mắt lạnh lùng, nụ cười lịch lãm. Anh biến Luthor thành CEO thời đại AI: Yêu khoa học đến mức sợ điều mình không kiểm soát, biện hộ cho nỗi sợ bằng mĩ từ “an ninh con người”. Luthor của Hoult khiến khán giả rùng mình vì… gã hợp lý và thực tế một cách tàn nhẫn. 

Trong vai Lois Lane – người yêu của Superman, Rachel Brosnahan có nhiều phân đoạn đắt giá, nhất là khi cô tranh luận với Người đàn ông thép về những hành động “vượt ngoài pháp luật” của anh ta. Trong kỷ nguyên tin giả, Lois của Brosnahan là nhà báo “sát thương cao” khi luôn đặt câu hỏi: “Ai được lợi khi sự thật bị bóp méo?” Cô không là “bạn gái cần giải cứu” mà thành thanh ngang đạo đức, buộc Clark lẫn Luthor phải tự vấn.

Điều đáng tiếc là sự hiện diện dày đặc nhân vật cameo (Guy Gardner, Hawkgirl, Metamorpho…) khiến màn ba hơi rối. Đất diễn bị cắt xén, khiến tương tác thù địch giữa Corenswet – Hoult chưa được khai thác triệt để. Ở một vài phân đoạn, CGI và slo-mo quá đà cũng khiến người xem ngán ngẫm.

Dẫu chưa hoàn mỹ, Superman 2025 là lời chào khiêm tốn nhưng giàu rung cảm. Bộ phim nhắc rằng quyền năng không đo bằng nắm đấm, mà bằng sức chịu đựng cám dỗ tuyệt vọng. James Gunn đã vẽ lại bầu trời DC với sắc lam tươi, không chỉ bởi bộ suit rực rỡ hơn, mà vì áo choàng ấy lần đầu được dệt từ sợi “niềm tin bị thử thách” – thứ khán giả đương đại thấu hơn cả siêu sức mạnh. 

Nếu đây mới chỉ là nốt nhạc mở màn của chương Gods and Monsters, thì Clark Kent của Corenswet chứng minh: Đôi khi, để cứu thế giới khỏi bóng đêm thờ ơ, một tia sáng dịu dàng còn vang dội hơn tiếng sấm sét thần thánh. Và biết đâu, dựa trên nền phản quang đó, DC có thể thực sự so kè Marvel bằng thứ vũ khí ngày càng hiếm ở dòng phim siêu anh hùng: Sự chân thành.

Bài: Phúc Logic

library