TECHnote: Sức hút từ cuộc đua vào vũ trụ ảo
Tech

TECHnote: Sức hút từ cuộc đua vào vũ trụ ảo

Các ông lớn công nghệ bắt đầu chuyển hướng đầu tư vào metaverse, thậm chí Facebook còn thể hiện quyết tâm đánh cược toàn bộ bằng cách đổi tên tập đoàn mẹ thành Meta. Liệu đây có phải là tương lai của Internet?

Khoảng một năm qua, thế giới công nghệ xôn xao về cái gọi là “metaverse” hay “vũ trụ ảo”. Nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg có lẽ là người đặt quyết tâm mạnh mẽ nhất vào thị trường này khi đổi tên tập đoàn thành Meta. Microsoft chi 68.7 tỷ USD thâu tóm hãng trò chơi điện tử Activision Blizzard, thực hiện bước đầu tiên trong kế hoạch chinh phục vũ trụ ảo. Apple, tập đoàn công nghệ có vốn hóa lớn nhất hành tinh, rục rịch phát triển kính thực tế ảo AR/VR, một động thái được xem là bước chuẩn bị cho metaverse, trong bối cảnh CEO Tim Cook nửa úp nửa mở về khả năng đầu tư vào vũ trụ ảo.

Cuộc đua vào metaverse đã thật sự bắt đầu.

Metaverse là gì?

Thuật ngữ “metaverse” xuất hiện lần đầu vào năm 1992, trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Snow Crash của Neal Stephenson. Nhà văn mô tả đây là một thế giới ảo, nơi con người dùng những thế thân của mình tương tác lẫn nhau và với phần mềm trong không gian 3 chiều. Từ 2019, các tác giả tại DC Comics bắt đầu sử dụng thuật ngữ metaverse để chỉ một dạng trung tâm của thực tế, có ảnh hưởng đến những vũ trụ và dòng thời gian khác nhau.

Tiền tố “meta” có nghĩa là vượt ra ngoài và “verse” đề cập đến vũ trụ. Các công ty công nghệ sử dụng thuật ngữ này để mô tả một thế giới ảo được tạo nên từ Internet và hỗ trợ các công cụ thực tế ảo (Virtual Reality) hay thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality). Theo đó, metaverse có thể mang lại cho người dùng một trải nghiệm chân thật nhất.

Trong bài viết “Chúng ta đã ở trong metaverse chưa” đăng vào đầu tháng 7, New York Times chỉ ra một số hệ thống trò chơi phổ biến như Fortnite, Roblox của Epic Games và Animal Crossing: New Horizons ngày càng có nhiều yếu tố giống metaverse. Sau nhiều năm phát triển, định hình, hiện tại metaverse được xem là một không gian tập thể ảo, tạo ra bằng cách kết hợp giữa phần cứng thực tế ảo tăng cường và không gian ảo bền vững về mặt vật lý.

Người tham gia được đại diện bằng hình nhân ảo với các bộ phận như đầu, cơ thể. Dù có thể truy cập bằng trình duyệt web, metaverse cho trải nghiệm tốt hơn với công nghệ thực tế ảo (VR) hoặc thực tế tăng cường (AR).

Ván cược của Facebook

Metaverse đã âm thầm định hình và phát triển len lỏi cùng với mạng xã hội, game nhập vai cùng các dịch vụ khác trên Internet trong nhiều năm qua, nhưng từ khóa này được nhắc đến nhiều và trở thành một trào lưu mới kể từ giữa năm 2021. Khi đó, CEO Mark Zuckerberg bắt đầu giới thiệu với các nhân viên trong tập đoàn về định hướng dài hạn. Trong tương lai, Facebook không đơn thuần xây dựng hệ thống mạng xã hội liên thông nhau và phát triển một số phần cứng hỗ trợ.

Tháng 7 cùng năm, trong cuộc trao đổi với The Verge, ông không giấu diếm ý tưởng biến toàn bộ hệ sinh thái Facebook trở thành vũ trụ ảo. “Metaverse là một tầm nhìn bao trùm nhiều công ty, thậm chí toàn ngành. Bạn có xem nó là sự kế thừa của Internet di động”, Mark Zuckerberg cho biết.

Facebook đã có nhiều động thái liên quan trước khi công bố chuyển trọng tâm sang vũ trụ ảo. Vào tháng 8, công ty ra mắt Horizon Workrooms, phòng họp ảo thuộc nền tảng Oculus, cho phép người dùng gặp nhau như thể đang làm việc trực tiếp. Đến tháng 9, Facebook công bố kính thực tế tăng cường (AR) Ray-Ban có thể quay phim, chụp ảnh. Tin đồn về việc Facebook đổi tên công ty cũng xuất hiện từ vài ngày trước.

Sang tháng 10, Facebook chính thức đổi tên tập đoàn mẹ thành Meta (viết tắt từ metaverse), thể hiện quyết tâm rõ ràng, đặt cược toàn bộ tương lai vào vũ trụ ảo. Cũng tại sự kiện này, Mark Zuckerberg công bố chiến lược xây dựng metaverse trong vòng 10 năm tiếp theo và những hình dung ban đầu của ông về vũ trụ ảo có tên Horizon.

Đây giống như một không gian ảo, gồm những nhân vật có tạo hình giống con người với cảm xúc, khẩu hình miệng thay đổi dựa trên giọng nói. Ngoài ra, các cuộc gọi hay tin nhắn cũng được thể hiện trên một màn hình ảo.

Người dùng có thể “gặp gỡ” trong Horizon thông qua nhiều không gian khác nhau, từ các buổi hòa nhạc, công viên, văn phòng đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Không gian ảo của Facebook còn hỗ trợ nhiều ứng dụng để sắp xếp đồ vật, liên lạc, xem phim hay chơi game cùng nhau. Từ sau sự kiện này, Facebook đã có nhiều động thái đầu tư mạnh mẽ vào metaverse, bao gồm chi hàng tỷ USD cho phát triển kính thực tế tăng cường và thực tế ảo, lên kế hoạch tuyển dụng 10.000 nhân sự để xây dựng vũ trụ ảo…

Cuộc đua vào metaverse

Theo dự đoán của hãng nghiên cứu thị trường Gartner, trong vòng 4 năm tới đây, 25% dân số thế giới dành ra ít nhất một giờ mỗi ngày trên metaverse để phục vụ công việc, giáo dục, mua sắm, tương tác xã hội và giải trí.

Với tiềm năng to lớn đó, ngoài Facebook, nhiều tập đoàn công nghệ lớn khác cũng rục rịch nhảy vào vũ trụ ảo. Một cuộc đua thật sự đã bắt đầu. Đầu tháng 2, Microsoft hoàn tất thương vụ thâu tóm Activision Blizzard, hãng đứng sau trò chơi Call of Duty với 68.7 tỷ USD tiền mặt. Đây được xem là bước đầu trong kế hoạch chinh phục vũ trụ ảo của Microsoft.

Trong bài phỏng vấn với Financial Times, Chủ tịch kiêm CEO Microsoft Satya Nadella cho rằng game chính là nền tảng để công ty này xây dựng thế giới thực tế ảo – metaverse, thứ mà ông gọi là tương lai của Internet. Thương vụ với Activision chính là yếu tố giúp Microsoft tiến gần hơn đến mục tiêu này. “Chúng tôi đang xây dựng ứng dụng metaverse. Chỉ trong một nền tảng, người dùng có thể trải nghiệm cả ba không gian thuộc về ứng dụng họp hành, game và các công cụ liên quan đến công việc, kinh doanh”, CEO Microsoft chia sẻ.

Cùng với game, Microsoft cũng phát triển môi trường làm việc trong không gian thực tế ảo. Nền tảng Teams đã cập nhật tính năng avatar – hình đại diện. Avatar nhận tín hiệu từ cả khuôn mặt và âm thanh của người dùng. Người tham gia có thể tự tin trình bày trong cuộc họp trực tuyến thông qua hình đại diện sinh động.

Với Apple, tập đoàn có vốn hóa lớn nhất hành tinh chưa chính thức đề cập đến khái niệm metaverse, nhưng họ đang chuẩn bị cho một tương lai có thế giới ảo. Khi được hỏi về cơ hội của Apple với metaverse trong buổi báo cáo tài chính ngày 27/1, Cook cho biết công ty: “nhận thấy nhiều tiềm năng trong lĩnh vực và đang đầu tư một cách phù hợp”“Chúng tôi luôn khám phá các công nghệ mới nổi. Tôi đã nói về sự thú vị của chúng đối với Apple trong thời gian dài”, CEO Apple chia sẻ thêm. Trên thực tế, Apple đang phát triển mẫu kính thực tế hỗn hợp (kết hợp AR và VR), tập trung vào chơi game, tương tác và tiêu thụ nội dung.

Danh sách các công ty đầu tư vào vũ trụ ảo tiếp tục kéo dài, đặc biệt là trong lĩnh vực trò chơi điện tử. Nhiều công ty game định hướng phát triển các trò chơi theo metaverse. Những cái tên đã thành công trong lĩnh vực này có thể kể đến như GTA V Online, Fortnite hay tựa game blockchain Decentraland…

Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác cũng muốn bắt kịp xu hướng phát triển vũ trụ ảo. Walmart, tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Mỹ, đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho nhiều sản phẩm như “Verse to Home”, “Verse to Curb” và “Verse to Store”. Điều này cho thấy thương hiệu có khả năng đang ấp ủ dự án trải nghiệm mua sắm ảo.

Cuộc đua trong lĩnh vực thời trang số đang ghi nhận các tay chơi lớn như Gucci, Balenciaga, Dior. Các trang phục ngoài đời thực được số hóa và bán cho các game thủ muốn nâng cấp hình ảnh nhân vật của mình. Nike cũng tham gia bằng việc mua lại công ty giày ảo RTFKT, đơn vị có doanh thu 3 triệu USD nhờ bán 600 đôi giày số trong game.

Bài: Jason
Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article