Quy tụ hơn 20 nghệ sĩ và 50 tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực thực hành khác nhau như mỹ thuật, nhiếp ảnh, trình diễn, múa, phim, video art, thị giác,… CABCON #1 là một trong những sự kiện kéo dài và đông nghệ sĩ nhất miền Trung năm 2020. Bấp chấp điều kiện thời tiết Hội An mưa gió trong hai ngày trình diễn (28 -29/11), chương trình vẫn diễn ra tốt đẹp và dội vào lòng khán giả những dư vị độc đáo riêng.
Chỉ trong năm 2020, Hội An đã trải qua 4 trận lụt và 3 trận bão, đi cùng đó là tình hình đại dịch bất ổn từng khiến CABCON phải tạm hoãn sự kiện vào cuối tháng 7 vừa qua. Trở lại công chúng vào tháng 11 và 12 này như làn gió nghệ thuật mới sau thời gian căng thẳng, CABCON #1 thực sự đón nhận nhiều cảm giác “wow” từ khán giả. Chỉ trong riêng hai ngày trình diễn, người thụ hưởng có cơ hội ngụp lặn trong không gian nghệ thuật đương đại đặc sắc, được thể hiện tươi mới và theo chiều hướng tích cực, điều thật hiếm hoi tại đô thị nhỏ này.
Không gian triển lãm đa dạng thể loại từ 10 nghệ sĩ
Tọa lạc giữa đồng quê Hội An thanh bình và gần gũi, CAB Hoian là không gian kết nối và trao đổi văn hóa nghệ thuật tại Hội An thuộc CAB Culture Art Base do nghệ sĩ trình diễn thơ Chinh Ba thành lập.
Ngày đầu tiên bước vào CAB không thể bỏ qua những tác phẩm nghệ thuật origami của hai nghệ sĩ Nguyễn Tú Tuấn (1972) và Dong-4 (1997). Với phong cách riêng biệt và độc đáo, cả hai đã mang đến góc nhìn mới mẻ về nghệ thuật gấp giấy. Tác phẩm của Nguyễn Tú Tuấn hướng đến sự tối giản và chiều sâu của những đường cong. Tại CABCON #1, nghệ sĩ Tuấn giới thiệu 3 bộ tác phẩm từng trưng bày và lưu trữ tại Bảo tàng Khoa học Công nghệ, Oklahoma, USA 2017; Tirrenia, Ý năm 2019; Chimei Museum, Đài Loan 2016; Bảo tàng giáo dục, Zaragoza, Tây Ban Nha 2016;… và một Safari động vật trên cạn dành riêng cho thiếu nhi. Trong khi đó, Dong-4 dù còn rất trẻ nhưng đã có những ý niệm sâu sắc trong thực hành orgami. Anh từng có nhiều triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm ở nhiều nước trên thế giới như Nhật, Hàn Quốc, Tây Ban Nha,…
Về nhiếp ảnh, Trần Lê Quỳnh Anh và Phạm Tuấn Ngọc mang đến hai bộ ảnh khiến khán giả tò mò và bất ngờ, đặc biệt là bất cứ ai lần đầu tiên biết đến khái niệm “in ảnh thủ công”. Những tác phẩm của Quỳnh Anh dựa trên kỹ thuật phòng tối của nhiếp ảnh (thuộc bộ sưu tập Muted) mang đến cảm giác mờ ảo, nhẹ nhàng nhưng đôi khi cũng thật bế tắc và hoang mang. Trong khi đó, Phạm Tuấn Ngọc mang đến CABCON #1 10 tác phẩm trong bộ ảnh “Chloris”dựa trên quá trình in lumen những bông hóa dưới tác dụng ánh nắng mặt trời.
Chính giữa không gian CAB là tác phẩm sắp đặt thị giác Nắm cát tha hương (2020) của nghệ sĩ thị giác Xuân Hạ. Tác phẩm thể nghiệm chất liệu của Hạ trên những chai thủy tinh qua quá trình quan sát thực tế về việc khai thác cát trắng làm thuỷ tinh ở Thanh Binh, Quảng Nam – quê hương cô. Ý niệm của Nắm cát tha hương gắn liền với đời sống người miền Trung từ những cồn cát trắng, những hạt cát trong kẽ dép, bát lư hương cát trắng trên bàn thờ, chủ nghĩa khai thác/chủ nghĩa tiêu thụ trên cát rải rác khắp miền Trung…
Hai nghệ sĩ tài năng khác góp mặt trong sự kiện này phải kể đến biên đạo múa Ngô Thanh Phương và nghệ sĩ thị giác Trần Nguyễn Ưu Đàm. Ngô Thanh Phương mang đến phim múa thể nghiệm The Talks, từng thực hiện trong sự kiện Cục Im Lặng của NTK Công Trí. Tác phẩm mang người xem vào không gian kể chuyện phi lập thể, không mở đầu, không kết thúc, khiến khán giả chìm đắm vào những cảm xúc rối rắm và phức tạp của nhân vật chính. Và thi thoảng, khán giả bỗng thấy mình trở thành nhân vật chính của tác phẩm. Trong khi đó, Ưu Đàm mang đến bộ phim sắp đặt đa kênh Rông rắn lên – Serpents’ tail, thể hiện vấn đề đang đè nặng lên môi trường và cấu trúc xã hội Đông Nam Á, từ túi nylon đến ống khói xe. Với phần “visual” độc đáo và kỳ công, Ưu Đàm đã thực sự xuất sắc khi chọn cách truyền tải thông điệp theo hướng này.
Và còn nhiều tác phẩm thị giác thú vị khác nữa đến từ Jo Ngo, Tuyp Trần,…
Trình diễn nghệ thuật: Thi vị và mới mẻ
Diễn ra từ 4 giờ chiều ngày 28/11, tác phẩm trình diễn thơ của Mr.Bambii cùng Kim Cúc, Trần Tín và Chris Love khiến tâm hồn khán giả trôi bồng bềnh giữa không gian đồng quê thơ mộng. Mưa, gió và chút se lạnh đầu đông dường như là chất xúc tác hoàn hảo để tác phẩm thêm đẹp đẽ và thi vị. Phần trình diễn đưa người xem trốn chạy khỏi thời gian, khỏi khoảnh khắc thinh không và tự đặt câu hỏi về tình yêu, lãng mạn và bí mật…
Tiếp đó là phần biểu diễn âm nhạc của Thảo Vũ mess, kết hợp diễn viên múa Kim Cúc, Tín Trần và Chris Love. Khởi đầu bằng những câu thơ của Mr.Bambii, Thảo Vũ mess đã chơi thành công và nhiệt huyết PolyChrome, album Electro Pop/RnB mới nhất vừa phát hành trong tháng này của cô.
Vào 20 giờ của ngày đầu tiên, khán giả lại được chìm đắm trong không gian trình diễn album âm nhạc Boundaries của Chinh Ba. Boundaries là dự án nghệ thuật dựa trên thơ bao gồm sách, sắp đặt, thị giác, trình diễn thơ và âm nhạc của Chinh Ba về đường biên giữa quốc gia với quốc gia, chủng tộc với chủng tộc, dân tộc với dân tộc, nhóm người với nhóm người, cá nhân với cá nhân… Con người tạo ra đường biên rồi mắc kẹt trong nó. Như tên gọi của nó, tác phẩm thực sự đưa người xem vào không gian âm thanh-âm nhạc không biên giới và gợi cảm giác về một sự trống rỗng khó tả thành lời.
Trình diễn tác phẩm đầu tiên của ngày thứ 2, nghệ sĩ âm thanh Alec Schachner cùng dancer Thịnh Tiêu đã dẫn dắt khán giả vào cuộc chơi thanh âm ngây ngất và say đắm. Phần sắp đặt âm thanh của Alec tạo cho người tham quan tương tác tự tạo ra âm nhạc cho riêng mình bằng một pallet. Lúc cao trào dữ dội, lúc âm ỉ ám ảnh, đây có lẽ là một trong những tác phẩm hay nhất trong hai ngày này.
Sau phần trình diễn lôi cuốn và nhiệt huyết của Alec và Thịnh Tiêu, nghệ sĩ chuyển động, biên đạo Đạt Nguyễn đã mang đến bài chia sẻ về múa đương đại và hướng dẫn người xem thực hành cùng. Với nét duyên dáng và khéo léo, Đạt đã khiến khán giả phía dưới phải đăm chiêu và mở ra một góc nhìn mới mẻ hơn về đề tài thú vị này.
Nghệ sĩ Thành Buddha và Annam cùng biểu diễn album nhạc electro Body&Soul, khai thác các thanh âm bản địa được tô màu bằng âm nhạc điện tử tác động vào giác quan người xem.
Sau hai ngày trình diễn, CABCON2020 sẽ diễn ra hai hoạt động chính nữa, bao gồm:
- Liên Hoan Phim Đức 2020, tổ chức bởi Viện Goethe.
- CABCON Exhibition: Triển lãm nhóm 10 nghệ sĩ
Ngài Wilfried Eckstein, Viện trưởng Goethe Việt Nam, chia sẻ: “CABCON là cơ hội để Hội An củng cố mối quan hệ giữa nghệ sĩ và nhà hoạt động văn hóa địa phương, kết nối đô thị này với các nghệ sĩ hàng đầu và thú vị đến từ những thành phố lớn khác cũng như nâng tầm nhìn Hội An từ một thành phố cổ trở thành trung tâm phát triển sáng tạo. Liên hoan phim Đức được tổ chức hàng năm. Chúng tôi muốn nhìn thấy sự quan tâm của các nhà tổ chức và công chúng rộng rãi hơn đến lĩnh vực điện ảnh. Nếu tiếp tục sự ủng hộ này, chúng tôi chắc chắn sẽ quay lại.”