Tháng 11 này, Sotheby’s Paris sẽ giới thiệu một bộ sưu tập cá nhân bao gồm các tác phẩm và vật phẩm quý hiếm của các nghệ sĩ được yêu thích nhất đến từ kỷ nguyên vàng của nghệ thuật Việt Nam.
Các tác phẩm thuộc bộ sưu tập cá nhân của nhà bảo trợ nghệ thuật nổi tiếng: Hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc (1914 – 1990), một nhà sưu tầm có chuyên môn sâu sắc, bạn đồng giao của những người nghệ sĩ mà ông hằng ngưỡng vọng, và dành cả cuộc đời sống giữa những bức tranh đến từ những người họa sĩ ấy. Các tác phẩm trong bộ sưu tập này cho thấy niềm đam mê sâu nặng dành cho Việt Nam và truyền thống của đất nước, cùng nỗi niềm hoài vọng về mối tâm giao để đời đối với các họa sĩ.
Cuộc đấu giá mang tên Magnificence and Regality (Tạm dịch: Sự tráng lệ và vương giả) sẽ trưng bày các tác phẩm được sáng tác từ khoảng năm 1935 đến năm 1970 với nhiều chất liệu khác nhau, trong đó có những kiệt tác tranh lụa được hoàn thiện tinh xảo, những bức bình phong sơn mài lộng lẫy, những tác phẩm xuất chúng về nghệ thuật hiện đại của Việt Nam cũng như các tác phẩm nghệ thuật từ triều đại nhà Thanh, Trung Quốc. Bộ sưu tập mỹ thuật bao gồm các tác phẩm của ba nghệ sĩ tiên phong – Lê Phổ, Vũ Cao Đàm và Nguyễn Tường Lân – những người đã giúp thiết lập một chuẩn mực mới cho nghệ thuật Việt Nam, nâng tầm nghề thủ công truyền thống lên các hình thức biểu đạt hiện đại. Trước cuộc đấu giá sẽ là buổi triển lãm dành cho công chúng tại các phòng trưng bày của Sotheby’s Paris, diễn ra từ ngày 3 đến ngày 6/11.
“Bộ sưu tập lần này được ví như chén thánh của nền nghệ thuật Việt Nam, thể hiện phần nào nguồn gốc và lịch sử hoàng gia đáng nhớ, bối cảnh phong phú đằng sau các tác phẩm, cũng như sự hội tụ độc đáo của một số tên tuổi vĩ đại nhất thời École de Paris. Các bức tranh đồng loạt kể lại một câu chuyện vượt khỏi giới hạn của thẩm mỹ: nói lên mối quan hệ giữa người bảo trợ và nghệ sĩ, thể hiện sự kết hợp giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, đồng thời cho thấy niềm đam mê thực thụ trong việc trau dồi nghệ thuật” – Pierre Mothes, Phó Chủ tịch Sotheby’s Pháp
Trong số nhiều nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng trong khu vực, nhu cầu và sự quan tâm đến nghệ thuật Việt Nam ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Vừa lập kỷ lục nghệ sĩ mới cho Lê Phổ tại cuộc bán hàng mùa xuân Hồng Kông, Sotheby’s hiện giữ ba mức giá đấu giá cao nhất cho bất kỳ tác phẩm nghệ thuật Việt Nam nào. Vào tháng 7/2022, Sotheby’s tổ chức triển lãm đầu tiên tại Việt Nam, đánh dấu một trong những triển lãm Nghệ thuật Việt Nam lớn nhất từng được tổ chức trong nước. Triển lãm không bán mà trưng bày hơn 50 tác phẩm, trong đó có các bức tranh khổ lớn của Lê Phổ và Vũ Cao Đàm. Tháng 8 vừa qua, Sotheby’s tiếp tục tổ chức triển lãm trưng bày thuần túy tại Việt Nam, mang đến câu chuyện của các nghệ sĩ Pháp đã đến hoặc sống ở Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 20, cũng như cách họ tạo dựng tầm nhìn của riêng mình về vùng đất và con người nơi đây.
Hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Lộc và những người bạn nghệ sĩ
Chắt của vua Minh Mạng (1791-1841) – vị hoàng đế thứ hai của triều Nguyễn Việt Nam – Hoàng hân Bửu Lộc xuất thân trong dòng dõi của các học giả, nhà thơ, hoàng gia và chính trị gia lỗi lạc.
Bắt đầu sưu tầm nghệ thuật Việt Nam từ những năm 1940, khi mới ngoài ba mươi, năm 1958, Hoàng thân Bửu Lộc kết hôn và định cư tại Pháp – ông sống trong những căn hộ tràn ngập nghệ thuật ở Paris và Cannes. Chính tại đây, ông đã có được tình bạn thân thiết với Lê Phổ và Vũ Cao Đàm, những người tiên phong dẫn đầu chủ nghĩa hiện đại Việt Nam đã di cư sang Pháp vào đầu thế kỷ 20.
Trong suốt cuộc đời ông, bộ ba vẫn giữ mối quan hệ thân thiết, không chỉ chia sẻ chung sở thích về văn hóa và nghệ thuật Việt Nam khi ông đến thăm xưởng vẽ của các nghệ sĩ, mà họ còn thường xuyên gặp nhau ăn trưa, tụ họp ở miền Nam nước Pháp và tham dự các buổi gặp mặt bạn bè chung.
Hoàng thân Bửu Lộc thậm chí còn nhờ Lê Phổ giúp trang trí căn hộ của mình ở Paris, cùng nhau dành nhiều thời gian đến các cửa hàng đồ cổ để tìm kiếm bình hoa, đèn hay vật dụng. Lê Phổ đã phác thảo nhiều món đồ nội thất trong căn hộ, gợi ý cách sắp xếp. Hoàng thân Bửu Lộc mong muốn mọi thứ trong không gian của ông sẽ phản ánh “tâm hồn Việt Nam”, trở thành một phần Việt Nam – khi ông tiếp đón các nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo và chính trị gia từ cộng đồng hải ngoại, được bao quanh bởi những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp.
Những điểm nhấn của cuộc đấu giá
Cuộc đấu giá mang đến tuyển chọn toàn diện các tác phẩm của Lê Phổ trải qua các thời kỳ quan trọng khác nhau trong suốt sự nghiệp lừng lẫy – từ thời kỳ đầu được thể hiện bằng nét vẽ tỉ mỉ, tinh xảo và tông màu trầm trên lụa cho đến các tác phẩm sơn dầu trên vải rực rỡ hơn trong quãng thời gian sau này. Cùng nhau, các tác phẩm thể hiện tất cả các mô-típ tinh túy của Lê Phổ, như phụ nữ và trẻ em nhàn nhã trong khung cảnh khu vườn nơi thôn dã, hay tranh tĩnh vật về nhiều loại thực vật và cây xanh.
Vì Lê Phổ hiếm khi vẽ chim nên chủ đề của tác phẩm này đặc biệt nổi bật, đặc biệt là trong những bức tranh lụa đầu tiên, sau này đã trở thành những tác phẩm hiếm hoi trong gia tài đồ sộ ông để lại. Những đôi uyên ương được khắc họa hài hòa giữa khung cảnh hoa sen – quốc hoa của Việt Nam, loài hoa của Phật giáo và là biểu tượng của sự tinh khiết. Trong văn hóa Trung Quốc, uyên ương được cho là cực kỳ chung thủy với bạn tình và là biểu tượng của tình yêu, sự tận tâm, tình yêu và lòng chung thủy.
Bức tranh này được treo trong phòng ăn của Hoàng thân Bửu Lộc, nơi những chiếc ghế cũng được Lê Phổ thiết kế vào những năm 1950, toàn bộ bố cục căn phòng được thiết kế đặc biệt xoay quanh bức tranh.
Một trong những bức tranh yêu thích khác của ông là tranh trà đạo, thú tiêu khiển truyền thống của người Việt Nam nhưng ở đây đã được khắc họa lại dưới ánh sáng của miền Nam nước Pháp. Hoàng thân Bửu Lộc đổi bức vẽ của Henri Matisse để lấy tác phẩm này, và sau đó treo bức tranh này trong phòng khách của ông ở Cannes.
Những điểm nổi bật khác của Lê Phổ bao gồm La mère et l’enfant, khoảng đầu những năm 1970 (ước tính: €80.000 – 120.000) và Femme au voile, khoảng cuối những năm 1940 – đầu những năm 1950 (ước tính: €300.000 – 500.000).
Hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc đã mua lại một số tác phẩm của Vũ Cao Đàm, trong đó có hai bức tranh treo trong phòng ngủ.
Hoa loa kèn trắng, loài hoa yêu thích của Vũ Cao Đàm, tượng trưng cho sự quý phái ở Hà Nội, và nhiều loài hoa khác nói chung thường khiến Hoàng thân Bửu Lộc nhớ đến những chợ hoa ông từng ghé thăm. Những bức tranh lụa của họa sĩ này rất hiếm vì họa sĩ chủ yếu sáng tác các tác phẩm điêu khắc trong thời gian đầu khởi nghiệp, và cuối cùng tập trung vào tranh sơn dầu vào cuối những năm 1940.
Một trong những tác phẩm đáng chú ý nhất của Vũ Cao Đàm là bức tranh hiếm hoi ở thời kỳ đầu vẽ gà trống. Hai chú gà với tư thế đứng sát nhau được họa sĩ họ Vũ khắc họa trong trò chơi chọi gà từng xuất hiện trong lịch sử Việt Nam.
Một tác phẩm được Hoàng thân Bửu Lộc đặc biệt trân trọng là bức tranh miêu tả nàng thơ đầy mê hoặc của Nguyễn Tường Lân. Họa sĩ Lân là thành viên trong bộ tứ họa sĩ nổi tiếng người Việt, có nhiều đóng góp cho nền mỹ thuật Việt Nam, nổi tiếng trong câu nói “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn” (nghĩa là Nguyễn Gia Trí thứ nhất (1908 – 1993), thứ nhì là Tô Ngọc Vân (1906-1954), Nguyễn Tường Lân đứng thứ ba (1960-1946) và Trần Văn Cẩn (1910 – 1994) thứ tư). Họa sĩ Lân ở lại Việt Nam cả đời, chết trẻ và rất ít tác phẩm của ông còn tồn tại nên việc bức tranh này xuất hiện trên thị trường là cực kỳ hiếm hoi.
Cuộc đấu giá cũng mang đến một số tác phẩm nghệ thuật của Trung Quốc, nổi bật nhất là một chiếc bình moonflask (bình bông hoa mặt trăng) hoàng gia tuyệt đẹp được tráng men sống động với hình con rồng năm móng màu hồng.
Trong nỗ lực phô trương quyền lực tại Trung Quốc với tư cách là một triều đại ngoại lai, các hoàng đế Mãn Châu thời nhà Thanh thường đặt làm các tác phẩm nghệ thuật để phản ánh sức mạnh và lợi ích của họ. Cả về hình dáng lẫn cách trang trí, chiếc bình này gợi nhớ đến những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại trong quá khứ, hình con rồng gợi lên dáng vẻ hùng vĩ của hoàng gia. Con rồng lớn hơn được khắc họa cùng hình ảnh một con rồng bé hơn, tượng trưng cho câu tục ngữ “già dạy con nhỏ”.