SEA Games 32 và những “lần đầu tiên” mang tích lịch sử của tuyển Việt Nam
TrendsLifestyle

SEA Games 32 và những “lần đầu tiên” mang tích lịch sử của tuyển Việt Nam

SEA Games 32 (Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2023) đã chính thức diễn ra tại Campuchia từ ngày 5/5 đến 17/5. Sau nhiều ngày tranh tài, tuyển Việt Nam đã vươn lên đứng đầu bảng huy chương (tính đến ngày 10/5). Chặng đường tiếp theo vẫn còn đó, và trong niềm hân hoan này, chúng ta tự hào có những lần đầu tiên đi vào lịch sử, những chiến thắng chói sáng của đội nhà.

Bóng đá và đội hình ra quân trẻ nhất lịch sử

Bóng đá nam sẽ là môn bước vào tranh tài sớm nhất, bắt đầu từ ngày 29/4. Theo kết quả bốc thăm, U22 Việt Nam rơi vào bảng “tử thần” cùng Thái Lan, Malaysia, Singapore và Lào.

Theo Điều lệ môn bóng đá nam SEA Games 32, mỗi đội chỉ được quyền đăng ký tối đa 20 cầu thủ trong danh sách chính thức và thêm 1 thủ môn để dự phòng trường hợp có chấn thương không thể thi đấu ở vị trí này.

HLV Philippe Troussier đã chọn 20/24 cầu thủ vào danh sách chính thức của Đội tuyển U22 Việt Nam tham dự SEA Games 32, căn cứ tình hình lực lượng của đội và yêu cầu chuyên môn đối với từng vị trí trong đội hình. Ông Troussier phải nói lời chia tay 3 học trò, gồm hậu vệ Giáp Tuấn Dương (CAHN), tiền vệ Ngô Đức Hoàng (PVF-CAND) và tiền đạo Bùi Vĩ Hào (B. Bình Dương).

Đội tuyển U22 Việt Nam với 20 cầu thủ (không kể 1 thủ môn dự bị), trong đó có 9 cầu thủ U20, và đây là lần đầu tiên trong lịch sử SEA Games, bóng đá Việt Nam có đội tuyển trẻ tuổi nhất tham dự.

Sau 3 trận ra quân, thầy trò huấn luyện viên Troussier toàn thắng 3 trận vòng bảng, sớm giành quyền vào bán kết trước khi gặp U22 Thái Lan ở lượt trận cuối cùng. Đây là một khởi đầu vô cùng thuận lợi và tương đối dễ dàng với tuyển Việt Nam, chúng ta có thể mong chờ những trận đấu kịch tính hơn trong giai đoạn cao trào tiếp theo.

Tuyển thể dục dụng cụ lập “hat-trick” vàng

SEA Games năm nay là một năm vô cùng rực rỡ của tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam. Tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam gồm các vận động viên Đinh Phương Thành, Lê Thanh Tùng, Đặng Ngọc Xuân Thiện, Văn Vĩ Lương, Nguyễn Văn Khánh Phong, Trịnh Hải Khang. Ngày 8/5, đội tranh tài ở 6 nội dung, gồm Tự do, Ngựa vòng, Vòng treo, Nhảy chống, Xà kép và Xà đơn để tính điểm toàn năng. Với 313 điểm, Việt Nam vượt qua kình địch Philippines (305.25 điểm) để giành HCV. Chiến thắng nội dung đồng đội nam lần này vô cùng có ý nghĩa vì đội tuyển có nhiều người chấn thương, dẫn đến những thách thức trong quá trình chuẩn bị.

Bước sang ngày thi các môn đơn, Đặng Ngọc Xuân Thiện bảo vệ thành công HCV ở nội dung ngựa tay quay với tổng điểm 13.450 điểm, độ khó 5.700 điểm.

Tiếp sau đó, Đinh Phương Thành cũng xuất sắc về nhất ở nội dung xà đơn với điểm số 13.5, mang về HCV thứ 3 cho tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam.

Ở nội dung vòng treo, Nguyễn Văn Khánh Phong đánh bại Carlos Yulo, người được mệnh danh là “thần đồng” của Philippines và hiện đang là nhà vô địch thế giới ở bộ môn này, khi giành được 14.200 vượt qua đối thủ (14.000).

Khép lại kỳ SEA Games 32, đội tuyển Thể dục dụng cụ giành được 4 HCV, 2 HCB và 2 HCĐ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặt ra. Toàn đội sẽ tạm nghỉ thời gian ngắn và trở lại tập trung tập luyện, tiếp tục cho những mục tiêu quan trọng. Đơn cử là giải vô địch châu Á diễn ra vào tháng 6 tới ở Singapore. Giải đấu này, Liên đoàn Thể dục thế giới sẽ tính điểm để xét suất tham dự Olympic Paris vào năm 2024.

Bóng rổ và chiến thắng xúc động của tuyển nữ 3×3

Đây là một năm đặc biệt lưu lại dấu ấn khó phai của tuyển bóng rổ nữ. Tuyển bóng rổ nữ 3×3 đã thi đấu xuất sắc, đánh bại tuyển nữ Philippines với tỉ số 21 – 16 trong trận chung kết và giành được tấm HCV lịch sử của bóng rổ Việt Nam tại một kỳ SEA Games. Đây là lần đầu tiên bóng rổ Việt Nam giành được chức vô địch tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á.

Kể từ khi được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của SEA Games từ năm 1977, môn thể thao này chứng kiến sự thống trị của Philippines hay Malaysia ở các nội dung.

Bước vào trận chung kết, 4 vận động viên Trương Thảo Vy, Trương Thảo My, Huỳnh Thị Ngoan và Nguyễn Thị Tiểu Duy đã nhập cuộc đầy hưng phấn, liên tục vươn lên dù đối thủ bám đuổi rất sát sao. Sự xuất sắc của Huỳnh Thị Ngoan, cặp chị em song sinh Trương Thảo My và Trương Thảo Vy, Nguyễn Thị Tiểu Duy đã ấn định chiến thắng ấn tượng của tuyển nữ bóng rổ 3×3.

“Tôi rất vui, hạnh phúc và tự hào khi đem về huy chương vàng cho bóng rổ Việt Nam. Trận chung kết rất khó khăn cho chúng tôi khi đội phải thi đấu 2 trận liên tiếp, dưới điều kiện thời tiết nóng bức, nhưng với sự quyết tâm, thi đấu ăn ý và nỗ lực hết mình, đội đã giành được chiến thắng”, Huỳnh Thị Ngoan khóc nấc, chia sẻ sau trận đấu.

Chiến thắng của tuyển bóng rổ nữ Việt Nam có đóng góp rất lớn của 2 chị em sinh đôi Trương Thảo Vy và Trương Thảo My (sinh năm 2001). Họ khoác áo tuyển Việt Nam từ năm 2022, thi đấu tại SEA Games 31. Do còn đi học, nên cả hai chỉ về khoác áo tuyển khi có những giải đấu lớn. Cả hai đều là những nhân tố chủ lực tại đội bóng của nhà trường, thi đấu tại hệ thống bóng rổ sinh viên chuyên nghiệp tại Mỹ.

Điền kinh và “cú đúp HCV” chỉ trong 20 phút của Nguyễn Thị Oanh  

Việc Nguyễn Thị Oanh lập kỳ tích khi giành cú đúp HCV ở nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật chỉ trong thời gian 20 phút phải khiến điền kinh thế giới kinh ngạc.

Thành tích của cô gái quê Bắc Giang được xem là kỳ tích, không phải ở thông số thời gian để giành HCV ở mỗi nội dung mà nằm ở quãng nghỉ giữa hai nội dung thi đấu.

Theo đó, sau khi giành HCV cự ly 1.500m, Nguyễn Thị Oanh chỉ có 30 phút để bước vào tham dự nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật. Trên thực tế, thời gian nghỉ giữa hai lần xuất phát của Oanh cũng chỉ có 20 phút.

Lịch sử điền kinh thế giới chưa ghi nhận trường hợp VĐV nào lập được kỳ tích như Nguyễn Thị Oanh. Theo quy định xếp lịch thi đấu của nhiều giải điền kinh thế giới, châu lục, các vòng thi cự ly ngắn diễn ra cách nhau ít nhất 45 phút, các cự ly dài phải qua ngày thi đấu hôm sau, cách nhau ít nhất 12 giờ.

Mới nhất, hãng tin AFP cũng bày tỏ sự kinh ngạc về kỳ tích giành HCV của Nguyễn Thị Oanh. Hãng tin nước Pháp bày tỏ: “Một ngôi sao điền kinh của Việt Nam đã xuất sắc giành hai HCV nội dung chạy 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật chỉ trong vòng chưa đầy nửa giờ. Đó là những phần thi oai hùng, cho thấy sự thống trị của cô ở khu vực Đông Nam Á”.

Đáng chú ý, đây là kỳ SEA Games thứ 4 liên tiếp mà Oanh giành cả 2 HCV 1.500m và 5.000m. Còn ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật dành cho nữ lần đầu đưa vào thi đấu ở SEA Games 30, chủ nhân tấm HCV vẫn luôn là Nguyễn Thị Oanh.

Chia sẻ về phần thi của học trò, HLV Trần Văn Sĩ cho biết: “Chính xác Oanh chỉ được nghỉ 16 phút sau lượt thi đấu 1.500m, bước sang nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật, chúng tôi đã tính toán cho Nguyễn Thị Oanh tập trung vào vào đoạn cuối để bứt tốc. Khi vượt chướng ngại vật phải đảm bảo an toàn và đảm bảo thứ hạng.”

Trong năm 2022, không chỉ dừng lại ở những cự ly quen thuộc tại các giải vô địch quốc gia hay quốc tế như 3.000m, 5.000m, 10.000m, Nguyễn Thị Oanh còn lấn sân sang các đường chạy bán marathon (21km), marathon (42.195km) và liên tục về nhất cự ly 42.195km ở các giải phong trào trong năm 2022.

Có thể thấy, sự dẻo dai và sức bền của Oanh là một nền tảng được chui rèn khắc nghiệt, kỷ luật, bày bản trong một thời gian dài. Chính điều này đã đưa Oanh chạm tay đến chiến thắng huy hoàng nhất của điền kinh.

Nguyễn Thị Huyền đi vào lịch sử điền kinh SEA Games sau HCV tiếp sức 4x400m hỗn hợp

Tuyển điền kinh Việt Nam đã giành tấm huy chương vàng nội dung tiếp sức 4x400m hỗn hợp với thành tích 3 phút 20 giây 19, bằng màn thể hiện xuất sắc và hấp dẫn của bộ tứ Nguyễn Thị Huyền, Trần Đình Sơn, Nguyễn Thị Hằng và Trần Nhật Hoàng.

Đây là kỳ đại hội thứ 3, nội dung hấp dẫn này được đưa vào chương trình thi đấu. Tuyển Việt Nam giành huy chương vàng SEA Games năm 2019, nhưng chỉ giành huy chương bạc tại SEA Games 31 trên sân nhà. Điều đó khiến Nguyễn Thị Huyền và đồng đội rất quyết tâm giành lại ngôi vương tại SEA Games 32. Chiến thắng ở hạng mục điền kinh không chỉ cần các từ khóa như sức bền, sự bứt tốc, hay kinh nghiệm dày dạn mà phụ thuộc rát nhiều vào chiến lược.

Chia sẻ sau khi về đích, VĐV Trần Nhật Hoàng tiết lộ: “Khi đứng chờ tiếp gậy, nữ VĐV của Việt Nam luôn đứng cao hơn nữ VĐV các nước khác 10m. Lý do vì nam mạnh hơn nên sẽ chạy quãng đường của mình thêm 10m nữa để gánh hộ hai VĐV nữ”. Chính điểm nhấn về chiến thuật này đã tiếp thêm sức mạnh cho tuyển Việt Nam giành lại huy chương vàng từ Thái Lan. Đối thủ có chút lợi thế nhờ những VĐV Thái “kiều”.

Với cá nhân Nguyễn Thị Huyền, cô gái quê Nam Định cán mốc 11 HCV SEA Games trong sự nghiệp, lập kỷ lục của điền kinh Việt Nam. Riêng bộ môn điền kinh, Huyền đã san bằng kỷ lục 11 HCV của Triyaningsih (Indonesia), người từng đạt thành tích trên trong giai đoạn 2007-2017 ở các nội dung 5.000 m, 10.000 m và Marathon.

Tại 4 kỳ SEA Games liên tiếp từ 28 đến 31, Nguyễn Thị Huyền đều giành cú đúp HCV hai nội dung 400m và 400m rào. Ngoài ra, cô còn 2 lần góp mặt trong đội hình giành HCV 4x400m nữ. Cô gái vàng của thể thao Việt Nam hoàn toàn có cơ hội thiết lập kỷ lục mới của SEA Games trong thời gian tới.

Kình ngư trẻ nhất đoàn Việt Nam: Vượt qua Ánh Viên, thiết lập kỷ lục mới

Cái tên chúng ta đang nói đến đây là Nguyễn Thúy Hiền, kình ngư mới 14 tuổi đã xuất sắc đoạt huy chương đồng với thành tích 56 giây 42, xếp sau Jasmine Alkhaldi (Philippines, 56 giây 12) và đặc biệt là huyền thoại Quah Ting Wen (Singapore, 55 giây 83) ở nội dung nội dung 100m tự do.

Dù tranh tài những đối thủ lớn hơn hẳn về tuổi đời, kinh nghiệm, thành tích lẫn chiều cao, Thúy Hiền vẫn thu hoạch được thành tích đáng nể.

Chưa bàn đến chuyện đây là lần đầu tiên tham dự một giải hội thao lớn của Đông Nam Á như SEA Games hay có đạt huy chương hay không, sự xuất hiện của một tài năng quá tuyệt vời như Hiền đã là một nguồn cảm hứng quá lớn cho tuyển Việt Nam nói riêng và các VĐV tham gia giải đấu nói chung.

Sự xuất hiện của Thúy Hiền đã tạo sự chú ý lớn đến Quah Ting Wen. Kình ngư người Singapore sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để hỏi xem liệu Thúy Hiền có thật sự mới hơn 13 tuổi hay không? Khi xác nhận đúng sự thật, Quah Ting Wen bày tỏ sự cảm thán.

“Nhìn Thúy Hiền bước ra thi đấu, tôi có chút xúc động. Nó giúp tôi nhớ lại ký ức về kì SEA Games đầu tiên tôi tham dự vào năm 2005. Đó là khởi đầu của tôi ở sân chơi này và bây giờ tôi được chứng kiến những người trẻ như Thúy Hiền bắt đầu sự nghiệp của mình. Thật cảm động! Mọi người đang xem cuộc đua này đều thấy tất cả chúng tôi đều cao hơn cô ấy một cái đầu”, Quah Ting Wen chia sẻ với Straits Times.

Thúy Hiền sớm cho thấy tố chất của mình với thành tích vượt trội tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 9 tổ chức cuối năm 2022 ở Hà Nội. Thúy Hiền đã phá kỷ lục nội dung bơi 50m tự do với với thành tích 26 giây 59, đánh bại thành tích 26 giây 70 được Ánh Viên thiết lập năm 2014.

Việc đạt được huy chương tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2023, Thúy Hiền đã vượt qua đàn chị Ánh Viên để trở thành VĐV bơi trẻ nhất Việt Nam giành huy chương SEA Games (Ánh Viên có huy chương SEA Games đầu tiên năm 15 tuổi).

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article