Được ra mắt vào dịp hè 2024, “Deadpool & Wolverine” là một trong những siêu phẩm mới nhất của vũ trụ điện ảnh MCU. Đây cũng là một tia hy vọng hiếm có sau một năm không thành công về mặt nội dung của nhà Marvel.
“Deadpool & Wolverine” là phần phim thứ ba về nhân vật Deadpool kể từ tác phẩm đầu tiên năm 2016. Bộ phim cũng đánh dấu sự quay trở lại của nhân vật đình đám Người Sói Wolverine từ loạt franchise X-Men của nhà 20th Century, từ sau thương vụ sáp nhập với nhà chuột.
Bộ phim mới nhất của Marvel là cuộc phiêu lưu đa vũ trụ của hai nhân vật trái ngược: Wolverine (Hugh Jackman) và Deadpool (Ryan Reynolds) . Họ phải hợp tác để bảo vệ sự ổn định của đa vũ trụ, đặc biệt là dòng thời gian chính (Trái Đất-636).
Deadpool trong “Đa vũ trụ hỗn loạn”
Sự kết hợp của hai nhân vật quen mặt cùng với yếu tố đa vũ trụ của MCU chắc chắn sẽ khiến cho không ít thế hệ khán giả fan Marvel phải mong chờ. Tuy vậy, với một tác phẩm như “Deadpool & Wolverine” thì vẫn chưa thực sự đủ sức mạnh để có thể trở thành vị cứu tinh cho nhà Marvel ở thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, Marvel cũng giới thiệu tổ chức Time Variance Authority (TVA), chịu trách nhiệm theo dõi và quản lý các thực tại trong đa vũ trụ, yếu tố quan trọng kết nối với các phim trước của Marvel. Tuy nhiên, khán giả Việt Nam có thể sẽ thấy các yếu tố này khó hiểu nếu chưa xem các series liên quan trên Disney+, như “Loki”.
Từ những cảnh mở đầu phim, khán giả đã ngay lập tức được chứng kiến sự đối lập trong lí tưởng của hai nhân vật này. Nếu Deadpool được khắc họa là một phản ảnh hùng đã nghỉ hưu, từ giã công việc “nhuốm máu” để trở về làm một người bán xe bình thường, luôn vui vẻ, có nhiều bạn bè và những người yêu thương mình; thì Wolverine, người được cho phiên bản tệ nhất trong đa vụ trụ liên tục cảm thấy cắn rứt vì những gì mình làm trong quá khứ.
Hai nhân vật với hai tích cách và hoàn cảnh sống khác nhau – một người thì có nhiều thứ không muốn mất, còn một kẻ thì đã mất tất cả. Dù phần mở đầu có hơi “rối rắm” về hoàn cảnh nhân vật, nhưng nhìn chung lại là điểm ổn định nhất từ đầu của bộ phim và thể hiện rõ nhất sự đối nghịch giữa cả hai.
Phần nhìn, các pha chiều fan cứu kịch bản
Vì là một tác phẩm dán nhãn R (T18 tại Việt Nam), nên “Deadpool & Wolverine” không thiếu những phân cảnh hành động máu me, thậm chí có phần tục tĩu. Phim cũng không thiếu “easter egg” từ những tác phẩm của công ty con nhà Disney như Walt Disney Animation Studios hay 20th Century Studios. Đó có thể là cảnh logo của 20th Century xuất hiện một cách sụp đổ ở trong The Void hay một câu hát vu vơ từ ca khúc “Do You Want To Build A Snowman” của “Frozen”…
Chưa kể, nếu đầu năm khán giả được xem màn “nhắc nhẹ” Marvel của các Minions; thì trong Deadpool, Disney không ngần ngại đá đểu đến các hãng phim đối thủ như Universal, Sony hay Warner Bros… khi nhắc thẳng hàng loạt các bộ phim ăn khách khác như “Minions”, “Mad Max: Furiosa”… hoặc thậm chí mời cả Henry Cavill đóng một biến thể của Wolverine sau khi anh từ bỏ vai Superman trong DCEU.
Marvel lại một lần nữa thể hiện độ chiều fan khi mang các nhân vật được khán giả yêu thích trở lại màn ảnh rộng. Ví dụ như sự xuất hiện của những dị nhân từ X-Men hay các siêu anh hùng trong những bộ phim của 20th Century trước khi về chung nhà với Disney. Đặc biệt, có cả sự hiện của của Captain America – Chris Evans nhưng với một cú twist không thể nào lớn hơn…
Dù vậy, sự xuất hiện cameo của dàn X-Men cũng tương đối nhạt nhòa khi không để lại nhiều dấu ấn nổi bật. Trừ việc được xem những màn tung chiêu cơ bản thì gần như cũng không có một cái kết nào rõ ràng cho số phận của họ. Ngoài ra, nhiều khán giả cũng tỏ ra thất vọng khi không được chứng kiến sự xuất hiện của nhiều dị nhân nổi tiếng và được nhiều thế hệ hâm mộ như Magneto, Charles Xavier, Beast hay Storm,…
Tuyến nhân vật phụ nhạt nhòa
Marvel cũng giới thiệu một phản diện mới là Cassandra Nova – em gái sinh đôi của Giáo sư X/Charles Xavier. Tuy nhiên, cũng như nhiều bộ phim gần đây, các phản diện được giới thiệu đều chỉ để xuất hiện một lần và “bay màu” như không có chuyện gì xảy ra. Nếu với Cassandra, sức mạnh của cô nàng có phần “kém duyên” hơn so với anh trai là phải đưa tay vào đầu của các nạn nhân để có thể cảm nhận. Thì kể cả động cơ muốn xóa bỏ các dòng thời gian chỉ để giữa lại The Void của cô nàng cũng không có gì đặc biệt, nhất là khi khán giả Marvel được biết đến đa vũ trụ.
Dù cho thời lượng phim lên đến 127 phút, nhưng sự xuất hiện và giới thiệu những nhân vật phản diện này gần như là quá ít, khiến cho khán giả cảm thấy chơi với và không có gì hấp dẫn. Cùng với đó, câu chuyện và động cơ cũ kĩ và không rõ ràng, khiến cho người xem chưa thực sự thuyết phục. Thay vào đó, chỉ thấy được sự hời hợt trong việc xây dựng và phát triển nhân vật – một yếu tố bị xem nhẹ trong nhiều phim gần đây của Marvel.
Bù lại cho phần nội dung không gây nhiều bất ngờ cho khán giả thì phim lại chinh phục được người hâm mộ bởi những màn “fan service” (chiều fan) đầy tinh tế. Chẳng hạn trong một trường đoạn, sự xuất hiện của hàng chục các Deadpool từ những vụ trụ khác với nhiều biến thể từ Dogpool, Nicepool, Lady Pool, Kidpool, Headpool,… làm không ít khán giả hào hứng.
Cùng với đó, sự phá bỏ bức tường thứ 4 đậm chất Deadpool, với những màn tương tác thẳng mặt từ tay sát thủ lắm mồm đến khán giả khiến người xem không khỏi thích thú. Thậm chí trong một phân cảnh, gã phản anh hùng không ngần ngại nhắc đến việc “Marvel sẽ vắt sữa cho đến năm 90 tuổi”. Đây gần như là một món ăn tinh thần mà bất kì bộ phim Deadpool nào cũng có, khi vừa thể hiện được sự khác biệt của tên sát nhân siêu anh hùng nói riêng, mà còn là của diễn viên thủ vai chính – Ryan Reynolds.
Nhìn chung, bỏ qua phần kịch bản chỉ dừng ở mức tạm chấp nhận, những lợi thế về mặt fan service của phim vẫn giúp “Deadpool & Wolverine” trở thành một “tượng đài” trong lòng người hâm mộ giữa sự thoái trào của những bom tấn Marvel gần đây, đặc biệt sau thất bại về mặt nội dung lẫn doanh thu với những tác phẩm trong năm 2023 như “The Marvels”, “Ant-Man and the Wasp: Quantumania”…