Với sự quan sát tinh tường cùng tinh thần thể thao, bạn có thể nhìn thấy sự cạnh tranh và tình thần Olympic ngay xung quanh chúng ta. Đó chính là hình ảnh cuộc sống ở Tokyo qua mắt nhìn của họa sĩ illustrator Adrian Hogan.
Bộ ảnh “Everyday Olympic” của Adrian Hogan liên tục “làm mưa làm gió” trên mạng xã hội vì sự liên tưởng thú vị. Bên cạnh đó, nó còn nhắc đến nỗ lực đấu tranh của Nhật Bản để ngăn chặn Covid19 trong khi chuẩn bị tổ chức một trong những sự kiện thể thao đáng chú ý nhất thế giới.
Các bức tranh minh họa thú vị của Hogan là sự kết hợp các yếu tố của văn hóa Nhật Bản với những cái nhìn thoáng qua về cuộc sống hàng ngày. Mỗi bức ảnh ghi lại những pha trình diễn ấn tượng những tưởng chỉ có trong các màn đấu thể thao. Trên thực tế, chúng đang diễn ra hàng ngày một cách lặng thầm. Nhiều tác phẩm còn kết hợp những thách thức và trở ngại của đại dịch, khiến sự xuất hiện của những “vận động viên” này thậm chí còn ấn tượng hơn.
Xin chào Hogan, anh có thể giới thiệu một chút về bản thân?
Tôi đến từ Melbourne (Úc) và hiện làm việc ở Tokyo với tư cách là một Illustrator tự do toàn thời gian. Tôi thích sống và làm việc ở Nhật Bản và nơi đây đã là nhà của tôi trong suốt 8 năm qua. Tôi thực sự thích cách mà các hình minh họa được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày ở Nhật Bản (thiết kế nhân vật ở khắp mọi nơi, rất nhiều minh họa được sử dụng cho quảng cáo công cộng, v.v.) và muốn trở thành một phần của nền văn hóa này. Ban đầu, tôi chuyển đến Nhật vì muốn có một trải nghiệm ở nước ngoài. Tuy nhiên, khi càng sống và làm việc ở quốc gia này, tôi càng muốn an cư lạc nghiệp tại đây. Quê hương của tôi, Úc, thuộc Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nên tôi nghĩ rằng điều thực sự quan trọng là chúng ta phải làm quen và hiểu các nước láng giềng của mình.
Anh đã đã bắt đầu vẽ từ lúc nào?
Tôi đã luôn vẽ từ khi còn là một đứa trẻ. Bố tôi (một kiến trúc sư) dạy tôi một số kiến thức cơ bản và sau đó tôi tiếp tục hoàn thiện kĩ năng của mình ở trường đại học và thực hành hàng ngày trên tàu và ở nhà.
Anh thường vẽ bằng gì?
Tôi sử dụng tất cả mọi thứ! Khi ở bên ngoài, tôi có xu hướng sử dụng bút mực, bút chì và sách phác thảo. Gần đây, tôi bắt đầu sử dụng iPad thường xuyên hơn kể từ đầu đại dịch năm ngoái.
Anh miêu tả phong cách của bản thân như thế nào?
Tôi là một họa sĩ minh họa khá linh hoạt. Ở Nhật Bản, tôi chủ yếu được biết đến với những bức vẽ bằng bút chì và bút mực mà bạn có thể tìm thấy hàng tháng trên Tạp chí Popeye hay Tạp chí Tarzan. Tôi có thể vẽ theo rất nhiều phong cách!
Cảm hứng các tác phẩm của anh thường đến từ đâu?
Vẽ đơn giản là một cách khuyến khích bản thân để ý đến mọi thứ. Bằng cách quan sát kỹ, bạn sẽ đồng thời học được điều gì đó không chỉ về môi trường xung quanh mà còn về bản thân. Vẽ không phải là tạo ra một bức tranh đẹp, mà là ở hành động “nhìn” và hiện diện trong một khoảnh khắc.
Thông qua việc vẽ, tôi đã học hỏi được rất nhiều điều về Nhật Bản. Tôi cố gắng chia sẻ những điều này thông qua công việc chuyên môn cũng như các bài đăng trên instagram của mình.
Xin anh hãy nói thêm về những bức tranh minh họa của mình về Thế vận hội hàng ngày ở Tokyo (Everyday Olympic in Tokyo). Ý tưởng đến với anh khi nào?
Tôi thường mường tượng những hoạt động mà tôi thấy trong cuộc sống hàng ngày ở Tokyo giống như những bài dự thi của các vận động viên. Mặc dù chúng ta không được xem trực tiếp Thế vận hội năm nay, nhưng nếu để ý kỹ, tôi nghĩ bạn có thể thấy những kỳ tích tuyệt vời của thể thao ở khắp mọi nơi. Điều này có thể thấy rõ khi một nhân viên văn phòng nhảy qua rào chắn ở tàu điện ngầm hoặc khi những người giữ cửa hàng nâng cánh cửa sập như vận động viên cử tạ. Thật là thú vị khi tìm kiếm những khoảnh khắc này và nhìn chúng với trí tưởng tượng của bản thân.
Tôi hy vọng rằng sau khi xem những bức ảnh này, mọi người từ khắp nơi trên thế giới cũng sẽ được khuyến khích để tìm thấy điều gì đó tích cực trong cuộc sống hàng ngày của họ!
Quá trình xây dựng của một tác phẩm của anh diễn ra như thế nào?
Thường thì tôi sẽ vẽ phác thảo nhanh trên iPad hay trong sổ phác thảo của mình. Tôi sẽ chụp ảnh của bất kỳ tài liệu tham khảo nào mà tôi nghĩ là cần thiết và sau đó sử dụng ảnh đó trong khi vẽ. Tôi cũng sẽ xem ảnh của các vận động viên để đảm bảo rằng các tư thế đặc thù chính xác của môn thể thao mà tôi đang cố gắng mô tả. Đôi khi bạn bè của tôi sẽ tạo dáng để tôi có thể vẽ chính xác bộ phận cơ thể và nếp gấp quần áo. Mỗi tác phẩm mất từ 3 đến 10 giờ để làm.
Với Thế vận hội Olympic đang diễn ra, không khí của thành phố trong những ngày này có khác biệt gì chăng?
Thành thật mà nói, từ những cuộc đối thoại thường ngày với bạn bè và khách hàng, Olympic thực sự không được lòng đa số người dân sống ở Nhật Bản. Ý định của tôi với loạt tranh vẽ Thế vận hội Olympic này không phải là nhắm mắt làm ngơ trước thực tế đang diễn ra – mà là thừa nhận những khó khăn trong khi luôn giữ vững tinh thần lạc quan.
Hy vọng mọi người luôn an toàn và có thể thưởng thức thể thao theo cách riêng của họ – ngay cả khi chúng chỉ là những liên tưởng trong thế giới tưởng tượng của bạn.