Không chỉ một vài mà hàng loạt phim chịu cảnh “thất bát” khi ra rạp từ đầu năm đến nay, trong đó chất lượng phim là nghi vấn lớn khiến khán giả quay lưng. Nếu giải quyết được chất lượng, thì điều gì đóng vai trò “giữ chân” các tác phẩm ở lại với công chúng?
Chất xám – Lối thoát cho phim Việt
Cách phát triển của điện ảnh Việt xưa giờ rất khác khi các nhà sản xuất chỉ cần nhìn vào tên của diễn viên để quyết định bỏ vốn, thay vì lựa chọn đạo diễn đồng thời biên kịch uy tín. Phim Việt chưa có ngôi sao bảo chứng phòng vé, từ Thái Hòa đến Ngô Thanh Vân, họ đều “ngã ngựa” những năm gần đây khi không thể giúp bộ phim của mình thành công. “Bố già” của Trấn Thành ra đời, khái niệm đạo diễn triệu USD bắt đầu hình thành nhưng trường hợp Trấn Thành và Lý Hải đều là thiểu số so với lượng phim Việt ồ ạt ra rạp trong thời gian qua. Nếu chỉ dựa vào mức độ nổi tiếng, gương mặt ngôi sao… phim Việt sẽ mãi lẩn quẩn “đãi cát tìm vàng” để có diễn viên giỏi, hợp vai, thay vì nên ra đời bộ phận casting chuyên nghiệp.
Nhưng kể cả có tên tuổi đạo diễn, có casting chuyên nghiệp, thời gian đầu tư, tập luyện kéo dài như trường hợp “Thanh Sói” thì rốt cuộc, khán giả vẫn… lựa chọn không ra rạp ủng hộ vì câu chuyện không đủ sức hút. Quay về với yếu tố quan trọng của một phim truyện – chính là kịch bản, một bộ phim rất cần câu chuyện có thể không xuất sắc nhưng phải trọn vẹn và đầy đủ cung bậc cảm xúc để giúp khán giả không thể rời mắt, khiến họ phải bàn tán, tranh luận, thậm chí tạo nên trào lưu ngôn từ. Ở khía cạnh này, “Mai” của Trấn Thành và ví dụ gần gũi nhất, khi phim chiếu dịp Tết và gặt hái doanh thu kỷ lục chưa có đối thủ. Bỏ qua khái niệm “ép suất chiếu” đang là bài toán khó của các nhà phát hành, thì rõ ràng không thể phủ nhận kịch bản kịch tính trong “Mai” và các nhân vật được xây dựng chi tiết là “vũ khí” giúp phim thành công. Đây cũng là chất xám mà các nhà sản xuất phim Việt nên đầu tư.
Ở cả ba phim doanh thu hàng trăm tỷ của Trấn Thành, có thể thấy rất rõ sự cải tiến trong cách đặt để vấn đề, xây dựng khung sườn câu chuyện và đặc biệt quan tâm đến các nhân vật chính – điều hiếm thấy ở các phim Việt thất bại dạo gần đây. Với riêng “Mai”, sự tiết chế tính ồn ào, xô bồ đã được làm triệt để, song đủ giữ không khí đời sống rất hào sảng kiểu Trấn Thành. Quan trọng hơn, người ta xem phim, đọng lại ít nhất là hai nhân vật do Phương Anh Đào (Mai) và nghệ sĩ Hồng Đào (Đào). Câu thoại viral của nhân vật Đào không chỉ áp dụng cho nội dung phim, mà nó còn là câu cửa miệng có hiệu ứng nhất định, ngoài ra đoạn hội thoại của Mai và Sâu trong phim cũng gây được thiện cảm ít nhiều với một bộ phận khán giả trẻ, đặc biệt là những ai đang có ẩn ức về tình cảm.
Trong khi đó, “Đóa Hoa Mong Manh” – một phim chỉ thu về 430 triệu đồng… sau 3 tuần (theo Box Office Vietnam), phải rời rạp trong sự phân trần của Mai Thu Huyền (nhà sản xuất, đạo diễn kiêm nữ thứ chính) vấp phải lỗi lớn về kịch bản. Đó là câu chuyện cũ, lời thoại giả, đài từ kịch và trên hết là các nhân vật nói chuyện cường điệu, lối diễn xuất rập khuôn. Về câu chuyện, tổng thể “Đóa Hoa Mong Manh” lấy sườn kịch bản quá cũ, chuyện tranh giành sự nổi tiếng, tình tiền không đủ gây tò mò với khán giả, cộng với cách dàn dựng theo lối phim truyền hình, gây ngán ngẩm, yếu tố truyện miệng cực kỳ kém không thể cứu vãn “đời sống” của phim tại rạp. Tất cả những lỗi này đều từng được Mai Thu Huyền thể hiện ở phim trước – “Giấc Mơ Mỹ”, khán giả không có lí do để cổ vũ cho điều này.
Tương tự như “Đóa Hoa Mong Manh” là “B4S – Trước giờ yêu”, một phim Việt khác rời rạp với 3,8 tỷ đồng thu về sau hai tuần không tạo được dấu ấn, vấp phải ý kiến trái chiều về kịch bản. 3,8 tỷ với một phim tình cảm – hài không ngôi sao không phải con số quá tệ, đặc biệt theo cảm quan người viết, chất lượng sản xuất phim ở mức trung bình, tức sẽ không tốn quá nhiều chi phí sản xuất. Đương nhiên, “B4S – Trước giờ yêu” không thể có lời với bấy nhiêu số tiền thu về. Nhưng việc phim rời rạp không có sự tiếc nuối, chứng tỏ rằng tác phẩm của bộ ba đạo diễn Tùng Leo, Michael Thái, Huỳnh Anh Duy không đạt được mục đích như kỳ vọng.
Nếu ra mắt cách đây 10 năm, có thể “B4S – Trước giờ yêu” sẽ ít nhiều thành công hoặc kích thích sự tò mò của khán giả. Hiện tại, câu chuyện 18+ hay yếu tố cảnh nóng không còn khiến người xem mặn mà và cách câu chuyện phim diễn giải cảnh nóng cũng không thuyết phục người xem. Quy tụ dàn diễn viên trẻ đẹp nhưng không có khả năng diễn xuất, ít nhất với yếu tố hài, những Jun Vũ, Kinh Lâm hay Khánh Vân đều tỏ ra… đuối sức, không có khả năng truyền tải nội dung phim một cách tích cực, ý nghĩa. Cách “B4S – Trước giờ yêu” hơn 20 năm, Hàn Quốc ra mắt phim học đường “Sex is Zero” và tạo nên cú hích lớn bởi cách kể chuyện dí dỏm, thông minh cùng dàn diễn viên tuy không nổi đình đám nhưng hợp vai. Nhìn lại “B4S – Trước giờ yêu”, ngoài yếu tố trẻ trung, phim không đọng lại nhiều điều đáng nhớ. Jun Vũ là cái tên “hot” nhất phim, nhưng ngoài nhan sắc xinh đẹp, thoại của cô đơ cứng và nhiều phân đoạn khiến khán giả bật cười vì sự ngô nghê trong dẫn dắt câu chuyện từ các nhà làm phim trẻ. Một phim rất cần yếu tố hashtag như “B4S – Trước giờ yêu” song lại không nắm bắt cơ hội.
Một phim khác kết hợp yếu tố hôn nhân và cảnh nóng của cả “Đóa Hoa Mong Manh” và “B4S – Trước giờ yêu” nhưng cũng chịu cảnh bẽ bàng vì không ai ngó ngàng tới, là “Trà” của Lê Hoàng, một tác phẩm có chất lượng… “ba chấm” ngay từ đoạn trailer quảng bá. Thu về 1,6 tỷ đồng dịp Tết và nhờ chủ yếu vào tên tuổi Việt Hương, song phim nhanh chóng rời rạp sau khoảng 1 tuần công chiếu, nhận không ít lời phê bình nặng nề từ công chúng lẫn giới sành phim. Lê Hoàng là gương mặt cá tính và sắc xảo trong phát ngôn, phản biện… tuy nhiên với vai trò làm phim, đạo diễn xấp xỉ 70 tuổi này cho thấy rõ sự thụt lùi và mất hẳn độ tinh nhạy một thời.
Dậm chân tại chỗ tức là đi chậm so với thời đại, cũng là trường hợp thất bại của “Quý cô thừa kế 2” do Hoàng Duy đạo diễn. Là phần phim “ăn theo” dù không liên quan tới phần 1, nhưng cách làm phim của Hoàng Duy không thay đổi so với 10 năm trước, khiến người xem thở dài. Kịch bản phim chắp vá, tham lam và lạm dụng kịch tính song không có tình tiết nào đủ mạnh, đủ hợp lý. Phim cố gắng chạy theo các yếu tố thời sự như bạo lực gia đình, mâu thuẫn thế hệ, ngoại tình… các từ khóa rất “nóng” song nhồi nhét vào phim khiến khán giả bội thực, bởi chúng trông không khác gì những phim truyền hình châu Mỹ hàng thập niên trước. Thậm chí cả khi so sánh với các series phim Hàn có nội dung “lố bịch” như “Penthouse” thì “Quý cô thừa kế 2” vẫn hời hợt, kết hợp yếu tố diễn xuất nhạt nhòa của dàn cast chính (Trang Nhung, Huy Khánh…) đã đưa phim rời rạp sau 29 ngày ra mắt.
Nếu “Quý cô thừa kế 2” thu về 6 tỷ đồng kêu than chịu lỗ hàng chục tỷ, thì “Cái giá của hạnh phúc” thu về 26 tỷ đồng vẫn chịu lỗ bởi kinh phí đầu tư lên đến 37 tỷ đồng! Khán giả thắc mắc vì sao các phim có chất lượng yếu lại tiêu tốn quá nhiều kinh phí thực hiện đến vậy? Trong “Cái giá của hạnh phúc”, phim đầu tay do cựu người mẫu Xuân Lan đứng tên sản xuất kiêm vai nữ chính, có một vài cảnh toàn được đầu tư khá bắt mắt, ngoài ra phục trang trong phim cũng được chăm chút… Tuy nhiên hình thức không thể giúp phim đột phá như mong đợi của Xuân Lan, dù ý tưởng kịch bản được cựu người mẫu dày dạn kinh nghiệm tình trường đưa ra, có yếu tố giật gân, gây bất ngờ nhưng nhiều lỗ hỏng.
Tư tưởng trả thù, ngoại tình, vô luân… được thể hiện trong “Cái giá của hạnh phúc” chính là những gì giúp khán giả tò mò ra rạp và mang về 26 tỷ đồng cho nhà sản xuất, bởi nếu không có drama thì chắc chắn với thực lực của dàn diễn viên tham gia, khán giả có thể đã bỏ qua bộ phim từ lâu. Mang tiếng là ông hoàng phòng vé, song Thái Hòa hoàn toàn không hợp vai, dù đã rất cố gắng biến hóa nhưng vai diễn của anh thậm chí còn khiên cưỡng hơn cả Xuân Lan – nhân tố chiếm gần hết spotlight bộ phim. Phim có một hai khoảnh khắc ngắn ghi điểm nhờ diễn xuất của Xuân Lan, tuy nhiên tổng thể phim trồi sụt đáng kể. Đầu tiên, câu chuyện về cặp đôi LGBT trong phim khiên cưỡng từ hình thức đến nội dung; thứ hai tình tiết báo thù của nữ chính vô tình đưa phái đẹp vào vòng xoáy thù hận không lối thoát. “Cái giá của hạnh phúc” chỉ quan tâm đến kết quả, mà quên đi hệ lụy. Phim đạt được mục đích gây sốc, nhưng không khiến khán giả đồng điệu và vì thế dẫn tới “cái giá” mà phim phải chịu.
Không chiếm được đồng cảm người xem ngay từ đầu, “Án mạng lầu 4” – đại diện phim Việt duy nhất trong tháng 5, vẫn chịu cảnh thê thảm với gần 2 tỷ đồng thu về sau hơn hai tuần ra rạp. Không có diễn viên thực lực, không chiêu trò quảng bá, tác phẩm khá “low-key” trong thời buổi số hóa cho thấy dự án vừa ít kinh phí sản xuất, vừa không có nhiều chi phí cho việc chạy chiến dịch. Được quảng bá là viết lại từ kịch bản phim Iran, song câu chuyện của “Án mạng lầu 4” được xử lý vụng về, gây tiếc nuối. Như vậy, có thể thấy rằng phim Việt hay bất kì nền điện ảnh đang phát triển nào, đều cần kịch bản chất lượng, tới Hollywood còn khan hiếm kịch bản gốc chất lượng, và luôn mắc kẹt ở việc dồn chất xám vào kĩ xảo… Kịch bản có thể chưa hoàn hảo, nhưng ít nhất phải tạo được các yếu tố thu hút và đồng cảm từ người xem. Như vậy, việc casting diễn viên trở nên dễ dàng hơn, và đạo diễn cũng đỡ gánh nặng hơn.
Đo lường thị hiếu
Một phim có thể được cứu vãn nếu quảng bá đúng cách? Câu trả lời cần thêm thời gian để quan sát, bởi thị trường phim Việt luôn khó đoán, khán giả ngày càng khó tính, khẩu vị thay đổi. Một phim thất bại vì nhiều lý do thì thành công cũng tương tự: kịch bản, diễn xuất… còn là vấn đề quảng bá phim, cần sự thận trọng. Trường hợp “B4S – Trước giờ yêu” thấy rõ phản ứng tiêu cực từ cộng đồng mạng, chính bởi vì ekip làm phim đã chọn sai cách tiếp cận. Thời điểm này người xem không quan tâm tới phim 18+ mà họ quan tâm lí do vì sao 18+ còn tồn tại, tức cảnh nóng phải có yếu tố nội dung trong khi “B4S – Trước giờ yêu” lại chạy truyền thông bằng loạt câu thoại cắt ghép, tạo cảm giác “vô tri” khiến khán giả hiểu nhầm là phim “nhảm”, dùng cảnh nóng câu views.
“Đóa Hoa Mong Manh” lại nằm ở khía cạnh khác, phim chọn quảng bá thông qua… các giải thưởng điện ảnh! Đây là hướng đi truyền thống song lại không linh nghiệm với khán giả Việt. Bởi với người xem đại chúng, họ không quan tâm tới giải thưởng điện ảnh, hoặc nếu có thì họ chỉ để ý đến những giải thưởng có giá trị như Oscar, Quả cầu vàng, hay Cành cọ vàng… Những giải thưởng mập mờ từ “Đóa Hoa Mong Manh” hoàn toàn không có tính thuyết phục, đặc biệt khi đó là các LHP mà thậm chí ngay cả người sành phim cũng mới nghe qua lần đầu. Quảng bá phim bằng cách “khoe” giải thưởng không sai, song nó chỉ là yếu tố phụ họa trong chiến dịch truyền thông phim rộng hơn, thực tế hơn.
Hãy nhìn vào trường hợp “Quật Mộ Trùng Ma” – một phim kinh dị Hàn có doanh thu cao nhất tại thị trường Việt vì nhiều yếu tố, mà truyền bá phim đúng cách là một trong những lí do khiến người xem tò mò ra rạp. Bỏ qua nhận định phim hay hay dở, không phủ nhận “Quật Mộ Trùng Ma” là tác phẩm có chất lượng ổn, và trên hết nó có nội dung ghi điểm, cộng các yếu tố giật gân, kích thích sự tò mò. Phim luôn hiện diện trên các bản tin là tác phẩm ăn khách bậc nhất Hàn Quốc, liên tục xô đổ kỷ lục phòng vé – chính các chỉ số này là “chìa khóa” khiến khán giả phải bận tâm và để mắt. Có một thuận lợi là những phim ngoại, chiếu sớm tại thị trường bản địa gây tiếng vang lớn, sẽ rất dễ tạo sự chú ý với khán giả Việt (đương nhiên phim vẫn phải ở mức ổn trở lên).
Không chỉ giải thưởng mà cách quảng bá phim… bằng lời phê bình của các cây bút quốc tế cũng không nghĩa lý gì với khán giả Việt, họa chăng là chỉ tác động tới bộ phận rất nhỏ người sành phim, song đối tượng sành phim họ có đủ các lý do cá nhân để tự mình xem phim, không cần đến yếu tố quảng cáo. Trường hợp “Furiosa” là điển hình cho việc công chúng ở cả trong và ngoài nước, từ lâu đã không quan tâm tới các nhà phê bình phim, dù những lời hoa mỹ có cánh luôn kích thích người đọc, song không có thước đo dự đoán bao nhiêu % khán giả chịu tác động từ những lời phê bình. Nhưng nghịch lý ở chỗ, nếu một phim bị các nhà phê bình chỉ trích và chê bai, thì khả năng thảm bại là điều khó tránh, đặc biệt tại thị trường Việt.
Trong số các phim chấp nhận thua lỗ đầu năm đến nay, “Sáng đèn” là trường hợp hi hữu nhưng cũng không quá khó hiểu khi phim chưa thể chạm tới khán giả. Có tư tưởng, kịch bản tạm ổn, diễn xuất vừa vặn và quan trọng là phim có tâm hồn, song vẫn chưa đủ cấu nên sự thành công vì còn thiếu quá nhiều cộng hưởng: phim thiếu tính điện ảnh, cao trào chưa đủ mạnh, diễn viên không nổi bật…. Chưa kể đến chuyện quảng bá, việc dời lịch chiếu sau hai ngày ra rạp dịp Tết gần như đã triệt tiêu các hướng đi truyền thông của phim, khiến tác phẩm đột nhiên bị “nguội lạnh”, khán giả e ngại dù ban đầu có thể họ có ý định xem phim. Đáng lẽ khi ra mắt lần hai vào tháng 3, ekip nên công bố một bản phim cải tiến (rút gọn thời lượng hoặc kéo dài), ít ra có thể mang cảm giác “mới” cho khán giả, để phim không phải chịu cảnh rời rạp với chỉ 2,3 tỷ đồng bèo bọt so với giá trị tinh thần tác phẩm mang lại.
“Sáng đèn” không phải tác phẩm thời sự nhưng nó hoàn toàn có thể đánh động vào tâm lý của những khán giả yêu thích cải lương, dòng phim tình cảm chữa lành… song có cảm giác ekip buông xuôi sau tấm áp phích bắt mắt, khiến độ nhận diện phim cực kì kém. Ngoài ra, cái tên đạo diễn Hoàng Tuấn Cường vốn không được đánh giá cao do trước đây các phim của anh đều bị xếp vào dòng phim “hài nhảm”, vì thế mà khi “Sáng đèn” chiếu lại, không nhiều cây bút sành phim lên tiếng ủng hộ, dẫn tới truyền thông “mù” và phim nhanh chóng rơi vào quên lãng do không thể “đấu” với loạt phim ăn khách, suất chiếu áp đảo.
Một trong những yếu tố giúp tác phẩm có thể đạt hiệu ứng truyền miệng, nằm ở việc chọn kênh truyền thông phù hợp với đối tượng phim hướng đến. Một số tác phẩm châu Á ra mắt thời gian qua đều áp dụng quảng bá phim thông qua các trang/ nhóm điện ảnh trên mạng xã hội, có lượt người theo dõi cao và độ tương tác dày đặc. Mặc dù chất lượng các phim này trồi sụt thất thường so với những bài viết, song ít nhiều tạo được làn sóng tranh cãi trong cộng đồng yêu phim, giúp tạo độ nhận diện phim, từ đó vẫn có khả năng giúp phim đạt doanh thu vì tạo sự tò mò nơi khán giả. Nếu may mắn phim chất lượng tốt hoặc có tính thời sự cao, yếu tố truyền miệng cũng sẽ bắt nguồn từ đây.
Nhìn chung ở thời điểm hiện tại, phim Việt không nên chỉ tập trung vào mức độ nổi tiếng của diễn viên hay đạo diễn, mà nên lựa chọn kịch bản tốt cộng hưởng với chiến lược quảng bá phim hiệu quả tận dụng truyền miệng. Trường hợp “Đêm Tối Rực Rỡ” của Aaron Toronto, hay “Con Nhót Mót Chồng” của Vũ Ngọc Đãng… là trường hợp hiếm gặp, cả hai phim mang câu chuyện “bình dân” nhưng được xử lý gọn gàng, cảm xúc. Không ngôi sao trẻ đẹp, không đại cảnh hoành tráng… nhưng nhận được ủng hộ từ khán giả và giới sành phim vì kịch bản xử lý mượt mà, gần gũi, tự nhiên. Nếu “Con Nhót Mót Chồng” được khán giả khen ngợi diễn xuất, thì “Đêm Tối Rực Rỡ” mang tới trải nghiệm thú vị, tất cả đều thành công nhờ hiệu ứng truyền miệng, thông qua chính chất lượng kịch bản phim.