Phim nổi bật Cannes 2024: Emma Stone “tranh” Ảnh hậu, Cành cọ vàng đã có chủ?
Music & FilmLifestyle

Phim nổi bật Cannes 2024: Emma Stone “tranh” Ảnh hậu, Cành cọ vàng đã có chủ?

Trải qua hơn một nửa mùa giải, Cannes cho thấy nó vẫn là LHP đầy thách thức và rủi ro với tất cả những tác giả tài hoa, lẫn những ngôi sao hàng đầu. Trong khi sở hữu nhiều tựa phim hấp dẫn, có 5 tác phẩm sáng giá nhất nằm ở hạng mục tranh giải, khiến báo giới phương Tây hao tốn giấy mực.

Không sex, không sốc, không phải Cannes

Câu thoại 18+ của ngôi sao nhạc Pop Selena Gomez, trong tác phẩm giật gân do cô đóng chính “Emilia Pérez” ngay lập tức trở thành từ khóa “sốt” nhất mạng xã hội hôm 18/5. Trong phim, Selena thủ vai nhân tình của ông trùm băng đảng sắp sửa… giải phẫu chuyển giới để chạy trốn lệnh truy nã. Tuy nhiên “Emilia Pérez” chưa phải phim sốc nhất Cannes khi lấy đề tài… người lớn. Trước đó, có một tác phẩm khác khiến người xem sởn gai ốc vì độ giật gân, táo tợn thậm chí trụy lạc của nó, là “Kind of Kindness” của nhà làm phim bậc thầy Yorgos Lanthimos. Phim được đánh giá là mang Yogos trở lại thời kì đen tối nhất trong phong cách làm phim đặc trưng. 

Phân cảnh trong bộ phim Emilia Pérez

Quy tụ loạt gương mặt trẻ đẹp bao gồm chủ nhân hai giải Oscar – Emma Stone, “Kind of Kindness” gây phân cực trong giới phê bình có mặt ở Cannes vì đề tài nhạy cảm và bất thường của nó. Không chỉ Stone, các diễn viên tham gia đều tự mình đóng ba vai khác nhau, trong ba câu chuyện không liên đới. Dù chứa đựng yếu tố hài hước, song người xem yếu tim có thể sốc trước các cảnh nóng bỏng và ghê rợn qua các hình ảnh cắt xẻo da thịt gây đau đớn mắt nhìn. “Kind of Kindness” không thiếu các cú xoay chuyển tình huống gây bất ngờ cho người xem, nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn và can đảm hiểu được thông điệp Yogos mang lại.

Với việc góp mặt của Stone, Margaret Qualley, Hong Chau, Joe Alwyn… “Kind of Kindness” là tựa phim tranh giải “hot” nhất vì quy tụ khá nhiều gương mặt nổi bật, phim cũng được Searchlight Pictures mua quyền phát hành từ trước khi dự Cannes, và sẽ ra mắt rộng rãi vào 21 tháng 6. Yếu tố ngôi sao cộng với lịch khởi chiếu ấn định, khả năng rất cao “Kind of Kindness” sẽ không ra về tay trắng, dù rằng nó nằm trong số các phim gây tranh luận nhiều nhất. Một trong những dự đoán chiến thắng của phim thuộc về màn trình diễn sống động (như luôn luôn) của Emma Stone, hoặc khả năng cao hơn là giải Kịch bản. 

Nếu “Kind of Kindness” kết hợp tài tình tính dục lẫn bạo lực, thì có hai tác phẩm tranh giải lại làm rất giỏi một khía cạnh: “The Substance” ngập tràn các hình ảnh kinh dị và “Motel Destino” đầy rẫy cảnh nóng cũng là các tựa đề phim thu hút đối tượng khán giả riêng. “The Substance” lấy câu chuyện gây sốc về việc hồi sinh của nữ giới trung niên cùng màn trình diễn tài tình của ngôi sao một thời Demi Moore, gây chấn động Cannes hồi Chủ nhật tuần rồi. Trong khi đó, vẫn trung thành đề tài LGBTQ+, “Motel Destino” có phần nội dung bị lấn át bởi cảnh khỏa thân, ân ái… Các tác phẩm kể tên, đều ít nhiều khả năng thắng giải lớn nhỏ, và quan trọng hơn hết là góp phần tô những mảng màu đặc biệt, đậm chất Cannes.

Bộ phim The Substance

Cành cọ vàng cho… NEON?

Nhắc đến NEON, người ta quên mất hãng phát hành này từng có loạt phim ấn tượng như “I, Tonya” hay “Border”… mà chỉ nhớ đến lịch sử huy hoàng giữa NEON và Cành cọ vàng. Cụ thể, từ 2019 đến nay (trừ năm 2020 không tổ chức tranh giải vì đại dịch) NEON đã mua quyền phát hành 4/4 phim đoạt giải Cành cọ vàng tại Cannes và hi hữu nhất là họ luôn mua bản quyền trước khi đêm trao giải diễn ra. Điều này chứng tỏ Cannes lộ kết quả (rất khó xảy ra), hoặc NEON “đánh hơi” được các tác phẩm sáng giá bậc nhất. NEON từng đưa “Parasite” vang danh điện ảnh Hàn; họ thậm chí liều chọn mua “Titane” khi phim có điểm phê bình thấp kỷ lục ở Cannes hồi 2021; họ cũng bất ngờ mua “Triangle of Sadness” năm 2022 và đặc biệt là “Anatomy of a Fall” năm 2023 – một phim không nằm trong dự đoán của giới ký giả ở Cannes năm ngoái.

Nhìn chung, NEON được cho là “chiến thần” dự báo Cành cọ vàng, và năm nay khi chỉ mới ba ngày diễn ra LHP, họ đã đánh tiếng mua quyền phát hành “The Seed of the Sacred Fig” tại thị trường Bắc Mĩ. “The Seed of the Sacred Fig” chắc chắn là tựa phim thú vị bậc nhất, khi nó được chiếu ngày cuối cùng của LHP. Trong lịch sử Cannes, mới chỉ có một phim chiếu ngày cuối sau đó thắng Cành cọ vàng là “Rosetta” năm 1999, bởi ngày cuối là thời điểm cực kì vất vả với ban giám khảo sau khi họ đã có hơn 10 ngày xem hàng chục phim. Do đó, các tác phẩm được chọn chiếu tranh giải ngày cuối thường không gây được tiếng vang, và có chất lượng ở mức trung bình, nhưng “The Seed of the Sacred Fig” lại được chính đạo diễn Mohammad Rasoulof đề nghị chiếu trễ nhất để ông đủ thời gian chỉnh sửa bản phim hoàn chỉnh.

Hãng phát hành NEON được cho là “chiến thần” dự báo Cành cọ vàng

 

Nội dung “The Seed of the Sacred Fig” kể về Iman, một thẩm phán điều tra tại Tòa án Cách mạng ở Tehran, người phải vật lộn với sự ngờ vực và hoang tưởng khi các cuộc biểu tình chính trị trên toàn quốc gia tăng và khẩu súng của anh ta biến mất một cách bí ẩn. Trước phim này, Mohammad Rasoulof từng thắng giải Gấu vàng LHP Berlin với “There Is No Evil” và các giải Un Certain Regard tại Cannes trong quá khứ. Lần trở lại Cannes, Mohammad Rasoulof hứng chịu sự trừng phạt của quê nhà Iran khi chính phủ cấm vận đoàn phim sang Cannes, thậm chí buộc Rasoulof rút phim chưa kiểm duyệt, đồng thời đưa ra mức án thảm khốc dành cho nhà làm phim 51 tuổi: phạt tù 8 năm, tịch thu tài sản…

Như RFI đưa tin, Mohammad Rasoulof và ekip làm phim đã trốn khỏi Iran và đang lưu vong ở châu Âu, dự kiến tham dự Cannes vào 24/5. Với những sự kiện ồn ào này, sẽ rất bi kịch nếu “The Seed of the Sacred Fig” không giành được chiến thắng cần thiết. Tuy nhiên, nếu Cành cọ vàng thuộc về Mohammad Rasoulof, chắc chắn Cannes sẽ đối diện với làn sóng cuồng nộ không nhỏ từ Iran và các quốc gia liên đới; đấy là chưa kể người hâm mộ sẽ đặt chấm hỏi lớn cho NEON và cả… ban tổ chức LHP. Dù thắng hay trắng tay, Cannes sẽ vẫn là nơi màu mỡ cho việc hô vang tiếng nói cá biệt, là nơi mà chính trị và các vấn đề xã hội nóng bỏng luôn được nhắc đến, thông qua phim ảnh, thậm chí là các thông điệp trên thảm đỏ từ quá khứ.

Tuy truyền thông đang gần như chắc chắn “The Seed of the Sacred Fig” sẽ thắng giải cao nhất… nhưng điều đó không có nghĩa các tác phẩm khác vụt mất cơ hội, vì nếu các phim khác hay hơn, phần thưởng vẫn có khả năng chia đều. Chưa kể, dàn giám khảo ở Cannes ngoài chủ tịch Greta Gerwig, còn có các gương mặt “cộm cán” như đạo diễn từng thắng Cành cọ vàng – Hirokazu Kore-eda, đạo diễn đang “hot” J. A. Bayona, minh tinh Lily Gladstone… họ đều có cá tính mạnh, đầy tài năng và không dễ chi phối. Vì thế, các phim từng được dự đoán trước đây như “Grand Tour” (có cảnh quay tại Việt Nam) hay “Parthenope” đều không mất đi hi vọng.

Bộ phim The Seed of the Sacred Fig dự đoán sẽ dành giải cao nhất tại LHP Cannes năm nay

120 triệu USD tiền túi và ván bài cuối của “Bố Già”!

Theo Variety đưa tin, Francis Ford Coppola bỏ ra 120 triệu USD của bản thân để thực hiện bộ phim để đời – có thể là cuối cùng trong sự nghiệp thăng trầm của ông – “Megalopolis”. Phim vừa ra mắt ở Cannes hôm 16/5 và rất tiếc lại là một trong những phim có điểm bình chọn thấp nhất mùa giải năm nay. Mặc dù không được một số nhà phê bình tại Cannes ca ngợi, nhưng “Megalopolis” vẫn có khả năng chinh phục khán giả khi khởi chiếu toàn cầu bởi với số tiền khổng lồ bỏ ra, tác phẩm tràn ngập những cảnh quay mãn nhãn ấn tượng, về một thành phố đang hồi sinh nhờ bàn tay tài hoa của chàng kiến trúc sư điên rồ. 

Lần cuối cùng làng điện ảnh thế giới mong ngóng phim của Coppola là từ… 2009 với “Tetro” – cuốn phim được đánh giá ổn nhất kể từ sau thành công của “The Godfather Part III” năm 1990! Suốt hàng chục năm sự nghiệp, ngoài thương hiệu “The Godfather” với ba phần phim đình đám, Coppola còn là chủ nhân của “Apocalypse Now” – phim chiến tranh đỉnh cao năm 1979. Chủ nhân của 5 giải Oscar không còn quá nhiều khát khao chứng tỏ vị thế ở Hollywood, tuy nhiên việc ông tất tay với “Megalopolis” đã khiến giới phê bình và công chúng kỳ vọng quá lớn so với những gì nó mang lại. Về mặt hình ảnh, các cây bút đều ca ngợi tác phẩm có tính sử thi, tuy nhiên đều nhận định câu chuyện phim mang tới chưa tròn trịa, nhất là khi so với các nhà làm phim thế hệ kế thừa, có cách kể chuyện và khai thác đề tài thú vị, thuyết phục hơn.

Các diễn viên trong phim Megalopolis xuất hiện trên thảm đỏ Cannes 2024

Chưa biết liệu “Megalopolis” có ra về trắng tay ở Cannes hay không, nhưng hiện tại, bộ phim ồn ào này vẫn chưa được bất kì hãng phim nào đánh tiếng phát hành, kể cả tại Pháp hay Bắc Mĩ, đây chắc chắn là bất lợi duy nhất của Francis Ford Coppola vì suy cho cùng, ông làm bộ phim để đời này dành cho những khán giả của mình. Một số cây bút cho rằng việc “Megalopolis” lọt vòng tranh giải có thể làm ảnh hưởng tới chính nó, bởi có nhiều đạo diễn lão làng đến Cannes chỉ… chiếu phim ra mắt, không cạnh tranh vì thế giới điện ảnh, dòng phim arthouse… giờ đây đã khác, việc cùng đề cử với các đạo diễn trẻ hơn có thể khiến các nhà phê bình trở nên khắt khe với một tác giả dày dạn kinh nghiệm như Coppola. Năm ngoái, “Killers of the Flower Moon” của Martin Scorsese chỉ chiếu giới thiệu, và được khen tới tấp (dù rốt cuộc, phim vẫn thảm bại tại rạp) là ví dụ. 

Dù có ra sao, câu chuyện về 120 triệu USD chắc chắn là câu chuyện ấn tượng nhất mà Cannes 2024 có được, tính đến thời điểm này. Và tất cả khán giả đại chúng sẽ vẫn chưa biết gì cụ thể hơn, cho đến khi màn hình rạp chiếu hiện ra dòng chữ “Megalopolis”! 

Phân cảnh trong phim Megalopolis

Khi thời trang cao cấp… đầu tư điện ảnh

Sau thử nghiệm khá thành công với phim ngắn “Strange Way of Life” năm ngoái, hãng thời trang Saint Laurent thông qua giám đốc sáng tạo Anthony Vaccarello “chơi lớn” quyết định đầu tư phong cách/ trang phục cho ba phim tranh giải tại Cannes năm nay, gồm “Emilia Pérez”, “The Shrouds” và “Parthenope”. Việc thiết kế phục trang trong các dự án phim không có gì lạ, tuy nhiên để một hãng thời trang đầu tư hình ảnh thì đây chắc chắn là các tiêu đề phim ấn tượng ở Cannes. Cả ba phim đều mang phong cách thượng lưu khi để những nhân vật khoác lên mình trang phục bắt mắt, đắt tiền. Thế nhưng liệu chỉ nhiêu đó thôi có khiến Saint Laurent  phải chi tiêu số tiền khổng lồ cho việc làm phim? 

Từ lâu, các thương hiệu thời trang dù danh giá mức nào cũng đều khao khát hình ảnh của mình xuất hiện có chủ đích trên màn ảnh rộng, đặc biệt với các dự án điện ảnh có tính nghệ thuật cao mà việc tranh giải Cành cọ vàng là một yếu tố cực kì quan trọng. Không chỉ nâng cấp thương hiệu lên cầm cao hơn, mà còn tiếp cận thêm nhiều khách hàng tiềm năng bởi Cannes chắc chắn không phải là nơi dành cho kẻ ít tiền. Việc Saint Laurent làm là hợp thức hóa quảng cáo hàng hiệu trong phim ảnh. Ngoài ra, nếu các dự án điện ảnh vang dội, thì Saint Laurent cũng lưu danh dài lâu dù họ vốn không phải cái tên xoàng xĩnh trong lĩnh vực thời trang cao cấp. 

Phân cảnh trong phim The Shrouds

Cả ba dự án đều do các đạo diễn tên tuổi hàng đầu dòng arthouse dàn dựng, Jacques Audiard của “Emilia Pérez” rất nổi danh tại Pháp và bộ phim của ông hiện gây cơn sốt khắp Cannes; David Cronenberg của “The Shrouds” là bậc thầy trong dòng phim hồi hộp tại Mỹ tiếp tục trở lại với câu chuyện “hồi sinh” từ cái chết; Paolo Sorrentino của “Parthenope” thì từng ẵm một Oscar, một Grand Jury Prize ở Venice… Rõ ràng họ đều uy tín và có sự nghiệp chất lượng đủ để Saint Laurent đầu tư tiền bạc và chất xám (thiết kế trang phục). Chưa biết hiệu ứng của cả ba phim sau khi rời Cannes ra sao, nhưng đây là điều gây tò mò cho người xem, ngoài việc thưởng thức các thước phim đẹp chuẩn điện ảnh, thì yếu tố trang phục đóng góp gì cho câu chuyện phim… 

Tất nhiên Cannes còn những tựa phim đắt giá khác trong hạng mục tranh giải, thế nhưng như mọi năm, sự chờ đợi chưa khi nào là dễ dàng với tất cả các nhà làm phim dù lớn hay nhỏ, dù mới toanh hay dày dạn kinh nghiệm. Cannes luôn có bất ngờ, là miền đất tưởng “màu mỡ” nhưng lại cực kỳ khắc nghiệt khi “giết chết” không ít tác phẩm hứa hẹn chỉ vì chúng ra mắt không đúng thời điểm, hoặc không đủ chất lượng… Dù thành bại của Cannes phụ thuộc phần lớn vào dàn ban giám khảo (thường gồm 9 thành viên), người hâm mộ vẫn không nguôi hy vọng ở các tác phẩm bị chê bai, vì với nghệ thuật thứ 7, tất cả chỉ tương đối và cảm giác yêu hay ghét một phim rất vô chừng. Hãy cùng chờ đến 25/5 để khám phá tất cả thất vọng xen lẫn hi vọng. 

Bộ phim Parthenope xuất hiện tại LHP Cannes 2024

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article