People On Earth – Nguyễn Huy Tâm: Nếu đã sống tràn đầy, không cần thêm một cuộc đời khác

  • by Huyền My Trương
  • February 21, 2025

Đối thoại với Nguyễn Huy Tâm – người đặt chân gần 100 thành phố khác nhau, tác giả của hai quyển sách “Bước qua thành phố lạ” (NXB Trẻ) và “Through Asia: A whisper from the East” (NXB Xlibris Mỹ) – như một kiểu dịch chuyển thời gian. Anh đưa tôi qua những lát cắt sống động của các chuyến đi và những cuộc du hành tâm trí thú vị. 

Anh bắt đầu xê dịch ở tuổi 30 gần như là một cuộc trốn tránh khủng hoảng bản ngã. Ngay cả việc đi tìm “tôi là ai” âu cũng là hành trình của việc gạt bỏ đi những điều khiến ta lung lạc. Hơn 10 năm xê dịch, đi và về cả trăm thành phố, có lẽ đã làm những “tiếng nói” trong tâm trí anh thôi gợn sóng. Bây giờ, Huy Tâm của tuổi ngoài 40, anh là ai?

Tôi là ai bây giờ không còn quan trọng nữa, mà tôi thích câu trả lời cho việc tôi đã sống một cuộc đời như thế nào. Nhìn lại toàn bộ hành trình đó, tôi thấy chính mình trong những ngày chập chững bước ra khỏi Việt Nam, những ngày một mình ngơ ngác trước tàu điện ngầm hay các thành phố rộng lớn. Tôi thấy một phiên bản thiếu tự tin khi vốn kỹ năng sống không đủ, cũng như là một con người có nhiều định kiến khi thế giới quan bị bó hẹp. 

Và tôi thấy một phiên bản buồn chán của chính mình, khi để cho những áp lực cuộc sống gặm nhấm ngày qua ngày trong khi khát khao được sống một cuộc đời trọn vẹn quá to lớn. Hành trình đó của tôi là một hành trình hoàn thiện chính bản thân mình chứ không đơn thuần là những chuyến đi, điều đó cũng giúp chân dung về tôi được rõ ràng hơn.

Tôi đang nảy ra một so sánh khá vui. Nếu đặt anh trong chân lý của René Descartes, rằng “Tôi tư tuy, nên tôi tồn tại”, thì có phải với Huy Tâm sẽ là “Tôi xê dịch, nên tôi tồn tại” không? 

Nếu không có những chuyến đi, có lẽ tôi sẽ là phiên bản tệ nhất trong mọi phiên bản mà tôi có thể trở thành. Sự khủng hoảng ở tuổi 30 và không tìm thấy mục tiêu dài hạn có lúc biến tôi thành một cá thể chấp nhận tồn tại, tồn tại chứ không phải là sống.

Nếu chỉ để tồn tại cuộc đời như thế thì chẳng phải mang nhiều tiếc nuối lắm sao, trong khi thế giới ngoài kia quá rộng lớn. Nên tôi xin phép điều chỉnh lại câu của bạn là: “Tôi xê dịch, nên tôi sống”.

Đếm không làm sao xuể những vùng đất anh đã đặt chân đến. Nhưng đâu là nơi chốn có cùng những giá trị mà anh vẫn hằng theo đuổi?

Dạo thời gian gần đầy, sau một vài lần đi-về thì tôi có mối quan tâm đặc biệt với châu Phi, nơi các giá trị nguyên bản mang tính vượt thời gian, văn hoá bản địa đặc sắc cùng với cảnh vật độc nhất vô nhị. Hơn hết, châu Phi là nơi mà con người và tự nhiên dung hoà một cách hài hoà và tinh tế. Tôi ví dụ nhé, một ngôi làng kề bên safari với muôn thú tự do đi lại, nhưng người trong làng sẽ nuôi dê, cừu để lấy thịt và sữa chứ không tìm mọi cách giết hại thú hoang. 

Còn một nơi ảnh hưởng nhiều đến những quyết định hiện tại của tôi lại là Siem Reap, Campuchia. Ở Siem Reap, ngoài đền tháp hùng vĩ, còn có một nơi đặc biệt – biển hồ Tonle Sap, nơi có hàng trăm trẻ em người Việt di cư sinh sống trong điều kiện thiếu cơ sở vật chất, giáo dục và y tế. Tôi vẫn đang tiếp tục đầu tư về giáo dục cho chính mình, nâng cấp bản thân, tạo dựng các mối quan hệ để góp một phần nhỏ vào sự thay đổi trong tương lai.

Tôi tin anh từng đi qua những quốc gia nằm trong danh sách những nơi hạnh phúc nhất thế giới. Anh có thể nói cho tôi biết, sự hạnh phúc đó hiển hiện ở những khía cạnh nào của đời sống không?  

Nếu tiền bạc tạo nên hạnh phúc thì nó sẽ nguồn cơn của bất hạnh. Nếu những mối quan hệ xây nên hạnh phúc, một mai khi đổ vỡ sẽ cuốn hạnh phúc trôi theo.

Theo quan sát của tôi, những nơi được gọi là hạnh phúc nhất thế giới đều được xây dựng trên nền tảng niềm tin.

Tôi vẫn nhớ ngôi nhà nhỏ đơn sơ ở Naksel, Bhutan và ông cụ mỗi buổi sáng vẫn xoay kinh luân với niềm an lạc khó tả. Dù cuộc sống ở lưng chừng dãy Himalaya còn vô vàn khó khăn nhưng cũng không ngăn những con người ở đó được hạnh phúc. Cuộc sống ở các đô thị lớn và nhu cầu vật chất tăng cao làm cho chúng ta muốn nhiều hơn, và một khi muốn quá nhiều, chúng ta sẽ bớt hạnh phúc đi.

Hiện tại, bên cạnh việc viết sách, xê dịch, anh đang phát triển bản thân ở lĩnh vực nào? Những thành tựu mà đến nay anh muốn chia sẻ nhất?

Ở mỗi giai đoạn, tôi có những sự ưu tiên khác nhau. Giai đoạn 30 tuổi, tôi dành thời gian cho việc khám phá những thành phố và trả lời câu hỏi tôi là ai. Tôi đi liên tục trong nhiều năm, ở nhiều nơi trên thế giới. Sau đó là hành trình tôi viết “Bước qua thành phố lạ” (NXB Trẻ) và “Through Asia: A whisper from the East” (NXB Xlibris Mỹ và phát hành trên toàn thế giới). Ngay sau khi quay về từ Canada, tôi xác định sẽ sinh sống và làm việc ở Việt Nam lâu dài, không còn lăn tăn gì về các lựa chọn nữa nên tôi tập trung hoàn toàn vào công việc tại một công ty trang sức hàng đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, những cung đường vẫn luôn là một phần trong tôi, nên khi có thời gian hoặc cần một không gian cân bằng, tôi lại đến với những thành phố. 

Thời gian gần đây, anh đang bồi dưỡng thêm cho bản thân như thế nào?

Để phân tích năng lực của một con người, chúng ta vẫn hay sử dụng mô hình ASK (Attitude – Skill – Knowledge), trong đó Knowledge – Kiến thức vẫn luôn là yếu tố được tôi quan tâm nhiều nhất. Việc được đi đến những thành phố hàng đầu thế giới như New York, Toronto, Los Angeles, Boston… giúp tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc, quan sát các nền giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới. Nhân các chuyến đi, tôi đã dành thời gian tham gia các khoá học chuyên môn ở Mỹ, Canada hoặc bất kỳ nơi nào tôi muốn để hoàn thiện kiến thức.

Tôi cố gắng không để những lần lên máy bay là vô nghĩa. Nên chắc chắn tôi sẽ không dừng lại, miễn là ngày nào mình còn thấy thiếu thấy tò mò, ngày đó mình còn tiến bộ. 

Kỳ vọng anh dành cho bản thân?

Tôi muốn mình cứ mãi là một đứa trẻ tò mò với những món quà bất ngờ mà cuộc đời mang lại. Ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống, nếu đã sống tràn đầy rồi thì không cần thêm một cuộc đời khác. Sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng.  

03 điều giúp anh hoàn thiện những chuyến đi?

Quan sát và phản ứng nhanh. Trong mọi tình huống xảy ra đều tiềm ẩn những nguy (hiểm) và cơ (hội), từng quyết định sẽ mang đến những kết quả khác nhau. 

Sự hoà nhập. Lý do mình đến một nơi nào đó, chẳng phải là vì chúng ta muốn khám phá văn hoá, con người, ẩm thực… nơi đó hay sao? Vậy thì hãy lăn xả, trải nghiệm, đừng đứng ở bên ngoài như là một người khách. 

Dám đối diện với những cảm xúc nội tại. Tôi đi chu du một mình, nên nhiều khi cái buồn, cái lạnh, cái mệt, cái nhớ… đều có thể làm tôi muốn quay về. Những lúc như thế, tôi cần biết mình đang như thế nào, ghi nhận cảm xúc đó một cách chân thực, và mỗi lần vượt qua chính là một lần lớn lên.

Cảm ơn những chia sẻ của anh.

Words: Huyền My Trương
Photographer: Nguyễn Huy Tâm

library