People On Earth – Một mình mùa Đông Nhật Bản

  • by Huyền My Trương
  • May 12, 2025

Đây không phải lần đầu tiên tôi đến Nhật Bản, có một sự thật thú vị rằng đây là lần thứ 12 Lý Thành Cơ đến đất nước này.

Một điều mà tôi cảm thấy bất ngờ khi đáp xuống sân bay Narita là cảm giác thân thuộc, cảm giác “được trở về” hơn là cảm giác của một người xê dịch đang khám phá một vùng đất xa lạ. Nếu tính tổng thời gian tôi ở Nhật Bản thì tôi chỉ là Gaijin – gai (外, “ngoại”) và jin (, “nhân”) – một người ngoài hành tinh đối với những người ở đây. 

Tôi không mang quốc tịch Nhật, chẳng có visa vĩnh trú, càng chưa từng sinh sống, học tập hay làm việc ở đây, người thân cưới người Nhật thì cũng không, chỉ vỏn vẹn vài người bạn đại học và những người bạn xã hội đếm trên đầu ngón tay sinh sống ở đây, mà mỗi lần ghé Tokyo tôi đều có dịp gặp gỡ cafe ở quận Shinjuku và Setagaya. Nếu lần này vô tình gặp phải một người Nhật nào đó gọi tôi là Gaijin thì phản ứng của tôi sẽ là gật đầu đồng ý và mặc kệ để tiếp tục chuyến đi của mình.

Xuyên thẳng vào làn tuyết Gifu

Để nhắc về mùa đông Nhật Bản, Hokkaido luôn là ngôi sao sáng trong tâm trí mỗi người, lấp lánh và đầy khao khát. Thế nhưng đó là dành cho những người đến Nhật trong những lần đầu tiên. Tôi cũng từng như vậy trong chuyến đi Nhật lần thứ 6, cũng đi tìm tuyết ở Hokkaido, một phần vì khi ấy series “First Love” được ra mắt làm tôi phải tức tốc lấy vé sang Nhật chỉ sau một tháng. 

Đáp chuyến bay đến Narita, tôi không vào Tokyo nghỉ ngơi mà đi đến ga Shinagawa, từ đó bắt chuyến shinkansen đi Nagoya, thành phố nơi bạn ấy sống. Tám năm trước tôi từng tới Nagoya, nhưng chỉ vì giá vé bay tới đây rẻ nên chọn nơi đây để bắt bus đêm đi lên Tokyo. Tám năm sau, tôi làm điều ngược lại. 

Nagoya với tôi là một thành phố không quá hào nhoáng như Tokyo hay cổ kính như Kyoto, nhưng lại mang một sức hút rất riêng. Đây là nơi giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa sự nhộn nhịp của một trung tâm công nghiệp và nét bình yên của những khu phố cổ. Nagoya là thành phố lớn thứ tư của Nhật Bản, thuộc tỉnh Aichi và là trung tâm công nghiệp, thương mại quan trọng của vùng Chubu. Thành phố này nổi tiếng với lâu đài Nagoya, đền Atsuta (một trong những đền thờ quan trọng nhất Nhật Bản), cùng nền ẩm thực độc đáo như hitsumabushi (lươn nướng ăn theo ba cách). Nhưng đó không phải là lý do chính cho chuyến đi đến Nagoya. 

Chuyến đi này tôi trao đổi cùng một người bạn “theo dõi” tôi trên mạng xã hội, được biết bạn sống ở Nhật 6 năm, làm công việc ở xưởng sơ chế thực phẩm gần Nagoya, bạn có sở thích trượt tuyết và có hẳn dịch vụ đưa ai đang có nhu cầu đi trượt tuyết, bạn tự nhận là sensei không bằng cấp về snowboard. Tôi chỉ đơn giản trao đổi với bạn vài dòng tin nhắn, nhưng rốt cuộc đã trao niềm tin vào anh bạn mới quen cho chuyến dã ngoại giữa tuyết trời Gifu, một lựa chọn mà có lẽ tôi chưa từng hình dung tới. Ký ức về Gifu của tôi là làng cổ Shirakawago, Takayama nơi tôi đi cùng gia đình trong chuyến đi nước ngoài đầu tiên cách đây 5 năm.

Chúng tôi xuất phát khá sớm để đi xe của Thái Anh – tên anh bạn đi cùng – và 5 người nữa cũng là những người Việt Nam đang làm việc trên đất Nhật. Có người mới vừa tới, cũng có người đã ở đây vài năm. Có người đã lần thứ hai thứ ba đi trượt tuyết, nhưng có người mới chỉ lần đầu. Chúng tôi đi dưới cái nắng tuyệt đẹp giữa trời đông, cảm giác như những thước phim đang trải dài theo vệt nắng. Nhưng bỗng chốc con nắng ấy nhường chỗ cho một điều kỳ diệu khi chúng tôi tiến vào vùng núi ở Gifu: Tuyết rơi. Dần dần hành trình đến dãy núi Gujo đã ngập trong tuyết trắng xóa. Thật mỹ miều khi cảnh vật dù xấu hay đẹp cũng sẽ được làn tuyết lạnh buốt này bao phủ, tạo nên một bức tranh trác tuyệt của thiên nhiên. 

Chẳng bao lâu chúng tôi tới Meiho Ski Resort, một khu vực tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ đi khi đến Gifu, thậm chí là Nhật Bản. Khi tới đây tôi đã chuẩn bị tinh thần phải học lại từ đầu, dù đã 2 lần thử ski ở Hokkaido và Hàn Quốc, Thái Anh chỉ chuyên về snowboard, trượt một ván. Bước lên ván trượt, tôi như hoá thành đứa trẻ, vụng về và thiếu kiểm soát, nhất là nụ cười trên môi mỗi khi té xuống giữa làn tuyết mịn màng.

Tôi thích mùa đông vì nó mang đến sự nghịch lý. Mùa đông mang không khí lạnh lẽo nhưng êm dịu khi ngã vào tuyết.  Mùa đông lạnh lùng đầy sự vị tha. Vì mùa đông cho phép tôi vấp ngã đủ nhiều, học hỏi đủ nhiều, để tôi tự tin trượt từ đỉnh núi xuống bốn lần trong ngày hôm đó. Mùa đông liệu có phải là người thầy giáo đầy nghiêm nghị nhưng cũng đầy trắc ẩn không?  

Về lại Tokyo, đi tìm sự khác lạ

Rời Gifu, tôi quay trở lại Tokyo, nơi không có tuyết rơi vào mùa đông, nếu có cũng rất hiếm. Tôi đi theo thói quen của mình: Omotesando, Shinjuku, Ginza, Setagaya. Tôi có hẹn với người bạn người Nhật để tâm sự chuyện cô ấy vừa mới lấy chồng. 

Kawagoe, cái tên có vẻ mới mẻ với nhiều người, là một thành phố nhỏ thuộc tỉnh Saitama, cách Tokyo khoảng 30 phút đi tàu. Được mệnh danh là “Tiểu Edo”, Kawagoe mang trong mình vẻ đẹp hoài cổ với những con phố lát đá, dãy nhà kura-zukuri (nhà kho truyền thống) và tháp chuông Toki no Kane, biểu tượng của thành phố đã ngân vang suốt hơn 400 năm.

Khi đặt chân đến đây, tôi có cảm giác như mình vừa ngược dòng thời gian. Những con phố với mái nhà gỗ đen sậm, những tiệm bán kẹo truyền thống ở phố Kashiya Yokocho, tất cả đều gợi lên hình ảnh một nước Nhật xưa cũ. Tôi thích nhất là khoảnh khắc dạo bước trên con đường Kurazukuri, hít hà hương thơm của những món ăn đường phố như khoai lang nướng, bánh khoai lang dorayaki – đặc sản nổi tiếng của vùng này. Thậm chí quán Starbucks nơi này cũng hoà vào không gian cổ xưa, mang diện mạo khác lạ hơn. 

Dù chỉ cách Tokyo một quãng ngắn, Kawagoe lại mang đến một nhịp sống chậm rãi, trầm lắng hơn. Đây là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn thoát khỏi sự náo nhiệt của đô thị và đắm mình trong vẻ đẹp hoài niệm của nước Nhật thời Edo. Đây có lẽ là khám phá mới nhất khi ở Tokyo của tôi, một nơi gần gũi nhưng lại xa lạ nếu cần. Và tôi có đi Nhật nữa không? Tôi nghĩ câu trả lời luôn là có, một Gaijin nhưng đã trót phải lòng đất nước này.

12 lần đến Nhật Bản đã chán chưa?

– Thêm thật nhiều hoạt động mới vào trong chuyến đi đừng chỉ dừng lại ở việc tham quan ngắm cảnh, vì cảnh sắc sẽ có sự trùng lặp nhất định, bạn sẽ mau chán thôi.

– Một số hoạt động mới: Trượt tuyết, leo núi, lái xe RV, làm đồ thủ công,… vì thông qua chúng, ta có thể trải nghiệm cùng một nơi nhưng thú vị hơn và đầy kỷ niệm hơn.

– Không nhất thiết phải đi xa mới tìm được nơi mới mẻ. Điển hình như Kawagoe chỉ cách Tokyo một đoạn ngắn nhưng đã cho tôi một ngày khám phá sự tương phản với Tokyo hiện đại.

– Thay đổi cách đi mỗi lần khác nhau. Hãy đi với người yêu, sau đó đi với bạn bè, rồi đi một mình hay dắt gia đình đi cùng. Mỗi người đi cùng bạn sẽ mang lại những mảnh ký ức mới vô giá.

– Thay đổi mùa đi cũng quan trọng không kém. Nhật Bản có 4 mùa đem lại những trải nghiệm rất khác nhau cho cùng một khu vực. Chỉ cần thay đổi tháng bạn tới đã có sự khác biệt.

Bài và ảnh: Lý Thành Cơ

library