Peaky Blinders & bài học cốt lõi về thời trang sartorial

  • by mensfolio
  • June 24, 2022

Nếu như Sherlock Holmes đã khắc họa một nước Anh đầy rẫy tội phạm nguy hiểm, ranh mãnh và khó nắm bắt cùng một hệ thống chính trị, xã hội và tư tưởng của con người Anh Quốc thời bấy giờ qua con mắt của một thám tử và bác sĩ, thì ở Peaky Blinders, cũng ở góc nhìn ấy, nhưng giờ góc nhìn sẽ từ những trùm tội phạm thực thụ. Bộ phim truyền hình ăn khách này còn miêu tả kỹ càng hơn về đời sống của những dân đen, các câu chuyện lịch sử có thật và nếu bạn là một người yêu thích sự hoài cổ, những bộ suits và sự nam tính cổ điển, Peaky Blinders sẽ làm bạn rất hài lòng.

MF Online - Peaky Blinders & thời trang sartorial

*Bài viết sẽ có tiết lộ một chút nội dung phim Peaky Blinders ở các phần, vui lòng cân nhắc khi đọc tiếp.

Một thế giới tội phạm rất… ngầu

Nhân vật chính, ngôi sao, đầu não và là kẻ điềm tĩnh nhất trong số 3 anh em, Thomas Shelby (Do Cillian Murphy thủ vai) là tâm điểm của cả bộ phim. Nếu như người anh cả Arthur Shelby là một người ưa dùng nắm đấm và vô cùng bốc đồng, người em út John Shelby thiếu kiên nhẫn vô cùng cảm tính, thì Thomas lại là kẻ dung hòa được tất cả những gì cần có để lãnh đạo:”lạnh lùng, can đảm, quyết đoán, khôn ngoan”. Tuy cả 3 anh em nhà Shelby đều từng đi lính để chiến đấu với quân phát xít ở Đệ Nhất Thế Chiến, thậm chí Thomas còn nhận được hai huân chương danh dự, khi quay về Birmingham, họ thống trị nơi này với những kiến thức về súng ống, đạn dược, lan truyền sợ hãi và kiêng nể thông qua các sòng bài, cá cược, rượu lậu và đủ thứ trò phi pháp khác.

MF Online - Peaky Blinders & thời trang sartorial

Làm tội phạm chưa bao giờ là điều dễ dàng. Ngoài việc phải chống chọi với chính quyền Hoàng Gia, nhà Peaky Blinders còn phải đấu tranh cho lãnh thổ của mình với các băng nhóm khác. Mỗi một mùa là một lần đấu trí với những băng đảng khác nhau, và cả với những nhà cầm quyền khác nhau. Tuy vậy, bộ phim không hề mang lại tính cổ xúy cho việc làm tội phạm, nó chỉ khắc họa, miêu tả chi tiết hơn về việc làm tội phạm băng đảng nguy hiểm cỡ nào, rùng rợn ra sao và nếu chỉ cần buông lỏng bản thân mình hay lơ là một chút, cái giá phải trả có khi sẽ còn đắt hơn cả mạng sống của chính bản thân mình.

Bộ phim đã vẽ nên một Thomas cùng toàn thể nhà Shelby như một gia đình đoàn kết và bao bọc lẫn nhau. Mọi nỗ lực nhằm chống lại nhà Shelby đều có một kết cục bi thảm. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng tất cả đều hoàn hảo và ai cũng rung đùi uống whisky mỗi tối. Những thương vong, mất mát và cả những trận đòn bầm dập, thương tích từ những đợt tấn công không hồi kết, cùng cảm giác bị chĩa súng vào đầu như cơm bữa là một trong những điều rất bình thường tại thế giới của băng Peaky Blinders.

Thomas Shelby, bằng các mưu mô và những lần cắn răng chịu đựng của mình, anh ta đã đưa cả băng lên một đỉnh cao mới, liên tục mở rộng lãnh thổ và củng cố quyền lực, thậm chí, ở mùa 4, Thomas còn tiến công đến tận lãnh thổ nước ngoài, và bị đích thân ông trùm Mafia người Mỹ gốc Ý, Luca Changretta, chú ý và tấn công trả thù vì Thomas đã hạ sát của Luca. Những tình tiết chính kịch, âm mưu chính trị liên tục xảy ra khiến khán giả quay cuồng. Khi bạn ở trên đỉnh cao, đối thủ của bạn chắc chắn theo đó mà cũng nguy hiểm hơn bội phần, vì không ai dậm chân tại chỗ khi họ đang ở những vị thế như vậy. Tình tiết có lẽ gây sởn da gà nhất và gây sức nặng nhất trong mùa 4 là khi Luca và Thomas gặp nhau lần đầu tiên, Thomas đã biết Luca là ai và anh ta có ý định hạ sát Luca ngay tại văn phòng. Nhưng Luca đã cho người lấy hết đạn ra khỏi súng của Thomas lúc nào không hay, và buộc Thomas phải ngồi xuống nói chuyện với mình. Đây chỉ là một trong những tình tiết cho thấy sự đáng sợ của giới tội phạm ra sao. Không nhất thiết phải dùng nắm đấm hay bạo lực, chỉ cần một vài sự dối lừa, lưu manh, kẻ đầu sỏ đã có thể đạt được mục đích của mình.

Ai là chính diện, ai là phản diện?

Có một điều lý giải cho việc vì sao các nhân vật được coi như là “phản diện” của bộ phim Peaky Blinders được đông đảo khán giả yêu thích. Những cái tên như Luca Changretta (Adrien Brody), Alfie Solomons (Tom Hardy), Billy Kimber (Charlie Creed-Miles), Oswald Mosley (Sam Claflin). Đặc biệt như Alfie Solomons là một trong những nhân vật “nửa phản diên-nửa đồng minh” của Thomas. Lời thoại ghim chặt vào đầu Thomas, phá vỡ những định kiến của khán giả về việc một tên tội phạm trông “ngầu và mạnh mẽ” thật ra chỉ mong manh như bao người khác:

MF Online - Peaky Blinders & thời trang sartorial

“Vậy thì sao, chúng nó bắt anh em của ngươi đi, phải không? Hở? Chúng có bằng hữu của người? Vậy thì ranh giới quái nào mà ta đã vượt qua?!  Có bao nhiêu người cha, phải không, bao nhiêu đứa con, hả, mà ngươi đã cắt, chém, bắn, giết tiệt đi, dù vô tội hay có tội, để rồi đưa thẳng họ xuống Địa ngục, phải không ?!  GIỐNG NHƯ TA!  Ngươi đứng đó, ngươi, phán xét ta, đứng đó và nói với ta về việc vượt qua ranh giới chết tiệt nào đó?  Nếu ngươi bóp cò, phải không? Ngươi bóp cò vì một lý do danh dự chết tiệt của ngươi. NHƯ MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐẦY DANH DỰ!  Không giống như một số thằng dân đen ở xó nào đó, không hiểu sự xấu xa tột cùng của thế giới của chúng ta.”

“So what, they took your boy, did they? Eh? They got your boy? AND WHAT FUCKING LINE AM I SUPPOSED TO HAVE CROSSED?! How many fathers, right, how many sons, yeah, have you cut, killed, murdered, fucking butchered, innocent and guilty, to send straight to fucking Hell, ain’t ya?! JUST LIKE ME! You fucking stand there, you, judging me, stand there and talk to me about crossing some fucking line? If you pull that trigger, right, you pull that trigger for a fucking honorable reason. LIKE AN HONORABLE MAN! Not like some fucking civilian, that does not understand the wicked way of our world, mate.”

Sự lạm quyền của một tên tội phạm và hắn cho rằng việc hắn bóp cò ai đó là có lý do và vô cùng danh dự. Nhưng chúng ta, ở thế giới hiện đại bây giờ, chúng ta sẽ hỏi rằng người khác có quyền gì mà dám cho mình quyền tước đi mạng sống của người khác. Thì ở Peaky Blinders, trước khi Alfie phơi bày ra một sự thật hiển nhiên rằng không ai có quyền giết ai, chúng ta làm vậy vì chúng ta đơn giản là tội phạm mà thôi. Không hề có vinh quang nào, không hề có một sự kiêng nể nào. Tội phạm bao trùm thế giới bằng sự sợ hãi, thống khổ và mất mát.

Peaky Blinders được tạo ra dựa trên những sự kiện có thật, những nhân vật có thật để phản ánh thật ra một phần xã hội của chúng ta được gây dựng lên từ những đồng tiền bẩn và chúng ta phải nhắm mắt làm ngơ nếu không muốn bị liên lụy. Bộ phim cũng miêu tả cuộc sống của dân thường rất chân thực khi họ phải sống dưới sự bảo vệ của các băng đảng tội phạm chỉ bởi vì họ đang nằm trong lãnh thổ của chúng. Nếu họ không quy phục, thì dù không phải Peaky Blinders, cũng sẽ là băng của kẻ khác đến tấn công họ mà thôi.

Thẩm mỹ thời trang được khắc họa một cách huy hoàng

Cốt truyện, biên kịch và diễn xuất của dàn diễn viên trong Peaky Blinders xuất sắc là một  điều không thể bàn cãi. Nhưng có một thứ được tôn vinh cũng không kém cạnh, đó là tính thẩm mỹ và thời trang của bộ phim. Nhà làm phim đã khắc họa chân dung của những quý ông đánh nhau cũng phải có gu rất tốt qua từng  chi tiết trong trang phục, phụ kiện. Các diễn viên cũng diễn rất tròn vai của mình với tài năng “giả làm người 1910s và biến đổi giọng nói của mình. Cư dân nước Anh dĩ nhiên tất cả công dân đều dùng tiếng Anh, nhưng không vì thế mà sự đa dạng hóa trong giọng nói và văn hóa ứng xử của mình. Vì vậy bộ phim đã khắc họa một nước Anh tuy rất quen thuộc với những bộ suits kiểu cổ điển và sự đa dạng của các vùng miền khác nhau, từ Birmingham đến London qua cả những giọng người Nga đầy tính đe dọa và nguy hiểm. Tất cả đều đem lại sự phấn khích cho người xem. Vì cứ mỗi khi họ xem được một nhân vật mới, đó hoàn toàn là một nhân vật có chiều sâu, gốc gác và câu chuyện chứ không hề là một nhân vật được thêm vô thưởng vô phạt vào bộ phim.

Quay lại với Thomas Shelby, anh là người có phong thái đĩnh đạc và trầm nhất trong số anh em của mình. Nếu như Arthur cực kỳ thích xắn tay áo của mình để sẵn sàng choảng nhau với bất kỳ ai, John thì lại ưa sự bóng bẩy, Thomas lại mặc vừa đủ, không hề sang trọng, nhưng lại toát ra thần thái của bậc trọng nhân. Ngoài bộ suit màu sẫm, tương đối trơn, mặc dù bộ quần áo và áo khoác của họ đôi khi có kết cấu bất thường hoặc kiểu dệt độc đáo của mình. Chiếc cà vạt với dimple được thắt chỉn chu cùng khoác bên ngoài chiếc áo măng-tô bên ngoài. Tuy đây vốn là một trong những trang phục rất thường thấy ở Châu Âu những thập niên 1910, ở thời hiện đại chúng ta những kiểu mặc lớp lan này khá hiếm thấy dù cũng chung một hạng mục là suits.

Những bộ suits trong Peaky Blinders mang sự cổ điển và vô cùng đậm chất Anh Quốc. Sau này cũng có nhiều quý ông người Anh mặc suit để đánh đấm như series James Bond hay Kingsman, nhưng không có bộ nào có thể so sánh về độ cổ điển như bộ mà toàn bộ các nhân vật của Peaky Blinders đã mặc.

MF Online - Peaky Blinders & thời trang sartorial

Ngoài ra nó cũng góp phần mang lại văn hóa suits cổ điển trở lại với thế giới. Rõ ràng, Peaky Blinders không đơn thuần còn là một bộ phim chính kịch, tâm lý tội phạm, nó còn ảnh hưởng đến cả phong cách và hành xử của giới trẻ. Người ta bắt đầu mặc lại những bộ đồ phong cách Peaky Blinders (thường hay bị nhầm lẫn với Dark Academia) và hành xử cũng “quân tử” hơn khi họ bắt chước Thomas Shelby. Thậm chí, Cillian Murphy đã diễn tròn vai Thomas đến mức, Thomas trở thành một mẫu Sigma Male điển hình trong lòng những chàng trai đang hướng đến phong cách sống độc lập tự do này. Các nhà sáng tạo nội dung cũng bắt đầu sử dụng hình ảnh của Peaky Blinders để làm tham khảo cho các nội dung của họ về thời trang, phong cách sống hoặc về tâm lý,… Đặc trưng nhất có lẽ như cách ví von “nếu bạn muốn có mùi giống Thomas Shelby, hãy sử dụng Tobacco Vanille của Tom Ford” vậy.

MF Online - Peaky Blinders & thời trang sartorial

Đặc biệt trong giới Sartorial nói chung, cụ thể là cộng đồng tại Việt Nam, rất nhiều anh em đang theo đuổi phong cách này vì được truyền cảm hứng bởi Peaky Blinders. Tuy kiểu mặc của Peaky Blinders có hơi nóng nực so với thời tiết tại Việt Nam, nhưng hóa ra cách mặc này lại rất phù hợp với vùng miền ở phía Bắc do còn có mùa Đông. Những chiếc Măng-tô đã bắt đầu xuất hiện trở lại và những bộ suit “kiểu vải bố” cũng dần dà phổ biến hơn, góp phần lan rộng hình ảnh của Sartorial đến với mọi người. Tuy vậy, các hãng thời trang nhanh cũng nắm bắt được điều này và ra mắt nhiều mẫu mã suit với giá cả hợp lý, liệu vậy là đủ?

MF Online - Peaky Blinders & thời trang sartorial

Không phải cứ mặc suits, khoác măng-tô là thành Thomas Shelby

Có lẽ một điều mà những thành viên cốt cán trong bất kỳ cộng đồng Sartorial nào đều nói về việc chơi “suits” như thế nào, đó chính là đây là một thú vui đắt đỏ ngay cả với lần đầu tiên thử nghiệm, và có khi đến bộ suit thứ 2-3 bạn mới cảm thấy hài lòng thật sự. Và quan trọng nhất của Sartorial là tính chính xác, may đo thủ công và tinh thần phối hợp các vật phẩm theo những quy luật cứng nhắc của trường phái thời trang này. Chẳng hạn như không bao giờ được thắt cúc dưới cùng của chiếc áo Vest, không đi tất trắng với giày đen, không mặc áo sơ-mi ngắn tay,… rất nhiều điều cần nhớ.

Một điều khá dễ bị nhầm lẫn phổ biến ở Việt Nam, đó là thời trang nhanh-có sẵn bị đánh đồng với thời trang may đo. Lầm tưởng này bắt nguồn từ những nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội tự do như Tiktok, Reels và Youtube Short. Những phương tiện media này ngày càng được ưa chuộng do tính cô đọng thông tin của chúng. Chúng ta dễ dàng nghe được các kiểu thông tin như “Làm thế nào để phối đồ như Thomas Shelby” và rồi dưới những bài này không quên gắn kèm một chiếc link Shopee. Do đó thời trang nhanh nhanh chóng được du hành bởi những “Influencer-Shopee” này. Từ đó chúng ta có những “Thomas Shelby Shopee” như một câu đùa cho những ai theo đuổi phong cách này nửa vời. Tuy việc mua sắm quần áo, thời trang trên những kênh thương mại điện tử không hề sai và nó giúp ích tiết kiệm thời gian cho người mua rất nhiều. Tuy nhiên các chất lượng như về vải, số đo, mẫu mã, hàng thật giả là không thể kiểm chứng cũng như nó không thể được tính là Sartorial mà chỉ có thể nằm ở các phong cách thời trang gần tương tự như Academia, Preppy hay phong cách “Hàn Quốc”.

Do đó, không phải cứ mặc một chiếc bộ com-lê lên là sartorial, không phải cứ đội mũ Newsboy và hút thuốc là thành nhà Shelby. Để trải nghiệm và theo đuổi một phong cách thời trang cần rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm và tiền bạc và cũng như hoạt động trong cộng đồng đủ lâu để biết được những quy tắc, luật lệ. Để theo đuổi Sartorial, bạn có thể bắt đầu bằng việc theo dõi những nhân vật hoạt động năng nổ trong cộng đồng này, tham khảo thêm phim ảnh như Peaky Blinder, tham khảo ở các nhà mốt nổi tiếng và tìm cho mình một cộng đồng thuộc về phong cách bạn đang muốn theo đuổi. Điều tốt đẹp cần thời gian, bạn sẽ dần trưởng thành và tiến sát hơn với các giá trị, phong cách mà bạn theo đuổi.

Bài: Miên Đinh
Ảnh: Tổng hợp