#MFOpinion: Code Switching trong thời đại 4.0 – Nhắc khéo, lên án hay “sống chung”?
Lifestyle

#MFOpinion: Code Switching trong thời đại 4.0 – Nhắc khéo, lên án hay “sống chung”?

Cách đây vài ngày, mạng xã hội ồ ạt xuất hiện những dòng trạng thái (status) được viết theo lối song ngữ diễn dịch, bao gồm cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh trong cùng một đoạn văn, bất chấp mọi qui tắc về ngữ pháp, cách hành văn… Đó là Code Switching – không phải điều mới mẻ với giới trẻ Việt, thậm chí từ cách nay hàng chục năm, các ngôi sao V-Pop thường hay “chơi chữ” trong các bài hits của mình: từ Mỹ Tâm đến Đông Nhi, Sơn Tùng M-TP… Từ V-Pop ra tới K-Pop, rõ ràng người trẻ không lấy làm lạ với Code Switching!

 

Gần nhất, câu chuyện Chi Pu sang Mỹ “phát tín hiệu” về cho fans bằng một đoạn video ở đó cô sử dụng Code Switching chiếm hơn 50%, tạo thành trào lưu troll (trêu chọc, châm biếm) trên mạng xã hội. Song Chi Pu chưa phải là hiện tượng đầu tiên (hay là nạn nhân?) của Code Switching trong ngôn ngữ nói, trước đó kênh vlog hàng triệu lượt xem của cặp đôi Phạm Vy và Dũng Gee cũng chuyên sử dụng Code Switching sinh hoạt hàng ngày.

Khán giả thích thú khi xem các vlog của họ, đơn thuần cho rằng họ cố tình Code Switching để gây cười (vốn được nhiều nghệ sĩ hài hải ngoại sử dụng), chứ không bị đàm tiếu như một số trường hợp khác. Còn nhớ trong một tập Love is Blind – series tìm kiếm tri kỷ trên nền tảng Youtube, người chơi Giang CoCo liên tục “chêm” tiếng Anh, biến cụm từ healthy and balance trở thành từ khóa nóng nhất mạng xã hội năm 2019. Đi đến đâu cũng thấy dân tình “chêm” healthy and balance vào status của mình, ngụ ý chỉ trích việc Code Switching.

 

Thực chất Code Switching có đáng bài xích?

Nếu câu chuyện healthy and balance đơn giản là… bệnh nghề nghiệp của những người trẻ làm trong ngành quảng cáo, thương mại điện tử, hay rất nhiều ngành nghề thức thời khác thì câu chuyện của Chi Pu, Á hậu Hoa hậu hoàn vũ 2021 Kim Duyên… có thể đến từ lí do họ muốn khẳng định vốn ngoại ngữ của mình. Không khó hiểu khi Chi Pu sử dụng tiếng Anh (cô được cho là du học), dù chưa hợp lý, vẫn chưa cần lên án gay gắt. Trường hợp của Kim Duyên cũng thế, người đẹp sắp sửa tham dự cuộc thi nhan sắc lớn nhất hành tinh, như các đàn chị đi trước, đang gặp áp lực về khả năng ngoại ngữ.

Kim Duyên nhiều lần chia sẻ chuyện bồi dưỡng tiếng Anh, việc dùng Code Switching nhìn một cách tích cực, như là cách cô khỏa lấp đi sự nghi ngờ của người hâm mộ, hoặc đơn thuần là trấn an họ bằng… vốn từ vựng vừa học được. Chỉ có điều, cả Chi Pu lẫn Kim Duyên chưa biết cách làm chủ ngôn từ, và họ vẫn cần học cách phát âm cho hoàn chuẩn. Nếu đài từ và âm ngữ đủ tốt, có lẽ hai cô gái trẻ này sẽ không trở thành meme trên cộng đồng mạng đang cực kì “độc hại” như hiện tại.

Bản thân những người đang trau dồi tiếng Anh luôn phải chạy song song hai ngôn ngữ cùng một lúc, như lời của “ông trùm” UniMedia – Trần Việt Bảo Hoàng: “Việc học tiếng Anh phải theo từng giai đoạn. Có những lúc, kĩ năng đọc hiểu tiếng Anh của bạn khá hơn thì trong khi não bộ của bạn sẽ vận hành hai ngôn ngữ cùng lúc (tiếng Việt và tiếng Anh), bạn sẽ chọn từ vựng nào đến trước, và cảm thấy nó hợp lý, kịp thời… để bạn giao tiếp. Càng làm việc trong môi trường giao tiếp Anh ngữ nhiều, bạn sẽ càng dễ Code Switching lúc nào không hay“.

Cũng theo Bảo Hoàng, việc Code Switching phản ánh khá rõ đời sống văn hóa: “Có những người sau một thời gian luyện tiếng Anh ổn định, họ dễ dàng diễn đạt mạch lạc từng ngôn ngữ riêng, không còn lộn xộn. Trong nhiều trường hợp khác, thú vị hơn, các bạn du học sinh lâu năm hoặc người sống nước ngoài thì họ có xu hướng đang trình bày bằng tiếng mẹ đẻ ngon lành thì đột nhiên chuyển hẳn sang tiếng Anh 100%. Code Switching bây giờ cũng đã nằm trong từ điển thành thị, tức là nó đã được thừa nhận, trong văn hóa đại chúng, so với cách đây 5, 10 năm. Nhìn rộng ra thì ngay cả báo chí điện tử, đôi khi vẫn sử dụng một số từ bằng tiếng Anh để diễn đạt nội dung truyền tải. Tôi cho đó là điều dễ hiểu trong xã hội này.”

Các ngành nghề đặc thù như thời trang, thường xuyên làm việc với các thương hiệu lớn, việc dùng Code Switching hầu như diễn ra mỗi ngày: “Từ ngữ tiếng Việt của chúng ta rất phong phú, nhưng vẫn phải sử dụng một số tiếng Anh để truyền tải thông điệp được chính xác. Là một biên tập viên thời trang, một số từ ngữ chuyên ngành tôi sẽ chọn cách nguyên bản để giữ đúng ý nghĩa của nó. Mặt khác, một số từ trong tiếng Việt khi nói ra nghe khá nhạy cảm, tôi sẽ Code-Switching để việc truyền tải thuận tai hơn cho người đối diện” – Khuất Năng Vĩnh, thư ký toà soạn của Men’s Folio Vietnam chia sẻ.

Làm sao để dùng Code Switching hợp lý?

Code Switching chưa có giới hạn, nên nếu lạm dụng thì nghe sẽ rất khó chịu. Tuy nhiên, tôi nghĩ ở môi trường khép kín như công sở, đồng nghiệp bạn bè… những người giao tiếp cùng tần số với bạn, thì Code Switching không có gì to tát” – Bảo Hoàng cũng đồng tình với việc không nên dùng đa ngôn ngữ với bố mẹ, hoặc các đối tượng mà họ “kị” việc chuyển đổi. Riêng với các talkshow hoặc những sự kiện phát sóng đa nền tảng, Khuất Năng Vĩnh đưa ý kiến rằng: “Phải có phụ đề, và tần suất của việc chuyển đổi ngôn ngữ ở mức 20-30%, thì sẽ rất hiệu quả, vì lượng khán giả của các kênh truyền thông này quá rộng và chắc chắn sẽ có người không thích Code Switching vì cho rằng chúng thể hiện thái quá“. Chung quy lại, vẫn là cách bạn tiếp cận và đối diện với xu hướng thời đại.

Một người cũng làm trong lĩnh vực truyền thông, và là một chàng trai sử dụng Code Switching khá phong phú, Dustin Nguyễn – “chủ xị Dustin On the Go” cho hay Code Switching là hành động chuyển mã trong ngôn ngữ, vì vậy người sử dụng chúng phải có nhiệm vụ “giải mã” hợp lý: “Code Switching là điều không thể tránh khỏi, chưa nói đến chuyện cần thiết hay không. Khi bạn thành thục nhiều hơn một ngôn ngữ, trong đầu bạn sẽ luôn có xung đột để lựa chọn từ phát ra bằng lời, và theo phản xạ tự nhiên, Code Switching sẽ xuất hiện nhiều hoặc ít.

Dustin cũng đưa ra một khái niệm thú vị về ngôn ngữ nền, và ngôn ngữ nhúng (tức chuyển mã): “Tôi chỉ sử dụng Code Switching khi gần như không có từ tiếng Việt nào diễn tả đúng ý mình, còn lại tôi dùng tối đa ngôn ngữ nền (tức tiếng mẹ đẻ) cho mọi thông điệp cần thiết. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi bạn nói chuyện với nhiều người đa ngôn ngữ, thì Code Switching được khuyến khích. Cá nhân tôi khá cởi mở với những phong cách sống… nên tôi chỉ khuyên các bạn hãy cứ thoải mái với việc chuyển mã ngôn ngữ, cho đến khi bạn đủ giỏi để có thể nói tốt cả ngôn ngữ nền, và ngôn ngữ nhúng.”

Ngày nay, dùng Code Switching hợp lý để có thể khiến vấn đề được mở rộng tùy ngữ cảnh. Ngoài ra, Code Switching có một điểm cộng lớn, đó là khả năng gia giảm mức độ của một tình huống. Lấy ví dụ nếu bạn dùng delay thay cho “tạm dừng (vô thời hạn)”, câu chuyện sẽ đỡ căng thẳng hơn… Nhiều cách dùng Code Switching sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề nhanh chóng, quan trọng nhất vẫn là sự tinh nhạy, cái sense (giác quan) mà bạn cần có khi giao tiếp giữa thời đại mà tiếng Anh được dùng phổ biến, trên diện rộng, và con người ta đôi khi không thể kiểm soát hoàn toàn.

Bài: Đức Noise

 

 

Related Article