Trăn trở của nhân viên công sở ngoài khối lượng công việc, tiền lương, phúc lợi, văn hóa doanh nghiệp… còn là nỗi niềm mang tên hòa nhập. Ở thời đại mà nhảy việc thậm chí đang trở thành xu hướng thịnh hành, việc hòa nhập càng cần được quan tâm nhiều hơn.
Khi thế hệ Z bắt đầu gia nhập thị trường lao động ngày càng đông và được dự đoán đến 2025 chiếm khoảng ⅓ thị trường lao động tại Việt Nam, người ta bắt đầu quan tâm nhiều hơn về câu chuyện làm việc cùng những người thuộc thế hệ này. “Gen Z rất lười chào hỏi, kém giao tiếp”, “không có kinh nghiệm làm việc nhưng luôn tỏ ra mình quan trọng và hiểu biết, “nể mấy em gen Z vì có khả năng phản biện, cãi… tốt hơn rất nhiều so với thế hệ trước”,… là những gì thế hệ trước, mà phần đông là gen Y, X đang nhìn nhận về một nhân khẩu được tung hô là “thế hệ vàng”. Họ trở nên ngao ngán trước bài toán làm sao để hòa hợp với gen Z. Tương tự, đây cũng là nỗi băn khoăn của cả gen Y, vì trong vài cuộc thăm dò mà một trong số đó cho thấy có đến 57% gen Y không có nhu cầu hình thành mối quan hệ thân thiết với đồng nghiệp. Bất kể chúng ta được sinh ra và làm việc trong thời đại nào, được định vị trong thế hệ gì, rõ ràng chuyện hòa hợp chốn công sở vẫn luôn là một thách thức.
Trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ tập trung giúp gen Z tháo gỡ những rào cản trong việc tìm thấy tiếng nói chung, cũng như sự bối rối trong cách hòa nhập với đồng nghiệp. Chúng ta sẽ giải được bài toán khi tìm được cảm giác mình trở thành một phần của tập thể trong một tâm thế thoải mái, nhưng bằng cách nào?
Đừng bỏ qua khoảng thời gian ăn trưa
Bàn ăn là nơi lý tưởng nhất để mọi người có cơ hội trò chuyện nhiều hơn và bắt đầu những mối quan hệ thân thiết hơn. Do đó, tận dụng thời gian ăn trưa cùng đồng nghiệp trong những ngày đầu “on board” là một lựa chọn có thể cân nhắc. Khoảng thời gian dùng bữa chung là thời điểm thích hợp để có cơ hội lắng nghe những câu chuyện hàng ngày hoặc hiểu rõ hơn về văn hóa nơi mình làm việc.
Giữ thái độ tích cực và xông xáo
Thật khó để tìm thấy kết nối hay trò chuyện với một người luôn toát ra sự lạnh lùng và khó gần. Vì vậy, ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên với bất cứ ai, việc giữ thái độ niềm nở không chỉ ghi ấn tượng tốt trong mắt người khác, mà còn tạo ra nguồn năng lượng cho chính mình.
Tinh thần tập thể và khả năng làm việc đội nhóm là yếu tố cần thiết để một cá nhân tìm thấy sự gắn kết với đội nhóm và tìm thấy niềm vui trong công việc. Tuy nhiên, thể hiện sự niềm nở và giàu năng lượng không nằm ở việc lúc nào cũng phải cười, hay cố gắng tham gia vào những cuộc đối thoại hay chuyện bông đùa của đồng nghiệp; thay vào đó, chỉ cần thể hiện sự lắng nghe, san sẻ khi cần cũng đã là những bước đi xóa nhòa khoảng cách rất quan trọng.
Chủ động đề nghị được giúp đỡ
Đôi khi một phương pháp đơn giản và trực quan sẽ giúp hóa giải (mọi) vấn đề. Do đó, khi chưa hiểu một vấn đề gì hay cảm thấy nó nằm ngoài khả năng xử lý, dù đã cố gắng tự nghiên cứu, việc chủ động mở lời đề nghị được giúp đỡ là chuyện cần và nên làm. Mặt khác, đa phần người quản lý trực tiếp cũng sẽ khuyến khích nhân viên của họ hỏi trước khi làm, còn hơn im lặng rồi phạm sai lầm không đáng có. “Muốn biết phải hỏi”, hãy giữ bản thân trong tâm thế chủ động học hỏi, lắng nghe và cầu thị. Tinh thần này sẽ đưa bạn đi xa hơn trong tất cả hành trình của chính mình.
Hãy kiên nhẫn một chút
Khoảng cách thế hệ, cấp bậc/vị trí công việc, tính cách,… là những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng và mức độ hòa nhập của mỗi người. Hòa nhập là điều khá dễ dàng đối với người có tính cách hướng ngoại, hoặc đã có kinh nghiệm làm tại nhiều nơi. Ngược lại, đó là một thử thách đối với người hướng nội, hay người trẻ mới ra trường, giữa việc họ nên thu mình trong “ốc đảo” của bản thân hay phải “gồng” lên để thu hẹp khoảng cách với người khác. Và trở thành một ai đó không phải chính mình là điều cần tránh, vì cố gắng che giấu cảm xúc có thể huỷ hoại chính mình, đúng nghĩa đen.
Đừng quá hối hả để “vừa vặn” ngay lập tức, hãy kiên nhẫn với bản thân và mọi thứ diễn ra xung quanh mình, cho mình một khoảng thời gian đủ để quan sát và hiểu những giá trị doanh nghiệp đang mang lại. Nếu văn hóa công ty tiêu cực và độc hại, ảnh hưởng xấu đến công việc và tinh thần, hãy rời đi mà không cần đắn đo gì cả.