Những hình tượng “triệu đô” trong tranh họa sĩ Lê Phổ

  • by Nhựt Chi
  • February 27, 2025

Danh họa Lê Phổ sở hữu gia tài các bức tranh triệu đô với hình tượng chủ yếu là thiên nhiên và người phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài truyền thống.

Đôi nét về “Danh họa trên đất Pháp”

Lê Phổ (1907 – 2001), sinh ra và lớn lên tại tỉnh Hà Đông, một thị xã nhỏ mà nay đã trở thành quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đến năm 18 tuổi, ông thi đậu vào Trường Mỹ thuật Đông Dương (l’École des Beaux-Arts d’Indochine) và trở nên gần gũi hơn với Victor Tardieu – Giáo sư kiêm người cha đỡ đầu trên bước đường nghệ thuật của ông.

Qua sự chỉ đạo và giảng dạy của người thầy Victor Tardieu và giáo sư nghệ thuật thứ hai của trường – ông Joseph Inguimberty, những học sinh khoá đầu tiên và những khoá sau đó được làm quen với kĩ thuật vẽ và phong cách của nghệ thuật hội họa phương Tây, nhưng song song với đó là phương châm “bảo tồn tính dân tộc” của Victor Tardieu đã khuyến khích các học trò Việt Nam của ông vẽ tranh với các chất liệu truyền thống là lụa và sơn mài. Có lẽ vì vậy mà trong thời kỳ đầu sáng tác, Lê Phổ chỉ vẽ thuần tranh lụa. Đã có nhiều lý do liên quan đến việc Lê Phổ sau này dần chuyển bước từ tranh lụa sang các chất liệu khác, bao gồm cả lý do ông hợp tác độc quyền với các phòng trưng bày nhưng chủ yếu là do những hạn chế về khuôn khổ cũng như khả năng thể hiện màu sắc của chất liệu lụa khiến ông không thể truyền đạt trọn vẹn ý tưởng của mình. 

Đến năm 1930, Lê Phổ tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương và nhận được cơ hội ra nước ngoài với vai trò trò lý của Giáo sư Victor Tardieu tại Triển lãm các nước thuộc địa Quốc tế ở Paris. Hai năm sau đó, danh họa đăng ký vào Trường Mỹ thuật Paris, có điều kiện đi khắp các nước châu Âu, chiêm ngưỡng trực tiếp nhiều bức họa của các bậc thầy hội họa thời kỳ Trung Cổ và Phục Hưng của châu lục này. Lê Phổ những năm sau kế tiếp, cùng với ba danh họa khác bao gồm Mai Trung Thứ (1906 – 1980), Vũ Cao Đàm (1908 – 2000) và Lê Thị Lựu (1911 – 1988) đã tạo nên một bộ “tứ kiệt đông dương” của hội họa Việt tại trời Âu. Từ năm 1937, ông quyết định định cư tại Pháp và chưa một lần quay trở về quê hương, cho đến khi qua đời vào năm 2001.

Trong cuốn sách tựa “Divine Painter” (tạm dịch: Họa sĩ siêu phàm) của Waldemar George, tác giả đã miêu tả họa sĩ Lê Phổ bằng cụm từ “Thánh Họa” và nhận xét phong cách hội họa của ông được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là thời kỳ trước những năm 1945, các bức tranh chịu sự ảnh hưởng to lớn từ các họa sĩ Phục Hưng (với nguồn cảm hứng to lớn từ những chuyến đi tìm về chân trời nghệ thuật như đã nhắc trên) và ảnh hưởng bởi nhiều loại thực hành loại nghệ thuật hơi hướng truyền thống Trung Quốc. Đến giai đoạn thứ hai, tức từ năm 1950 trở đi, ông thể hiện rõ nét hơn sự am tường và trân trọng của mình với chủ nghĩa Ấn tượng, Hậu Ấn tượng Pháp. Waldemar George đồng thời nêu kết luận về các bức tranh của Lê Phổ: Dường như có sự dung hòa của phương Đông và phương Tây, những con đường của châu Á và châu Âu giao cắt. 

Hoa, phụ nữ và tà áo dài 

Để đạt được đến độ hoàn hảo của nghệ thuật, sự chỉ bảo và dạy dỗ tốt nhất chính là thiên nhiên. Vẽ theo thiên nhiên, tiếp nhận thiên nhiên và sáng tạo trên cơ sở nhận thức về thiên nhiên là điều không bao giờ được xa rời đối với người họa sĩ. Nghệ thuật hình thành khi con người phát hiện ra vẻ đẹp của thiên nhiên, và từ đó sáng tạo ra cái đẹp. Người họa sĩ cảm nhận cái đẹp thiên nhiên thông qua nhận thức, sự hiểu biết và tính sáng tạo của mình để thể hiện nó bằng những hình tượng cụ thể. Ở đâu đó người ta vẫn nói tinh thần người họa sĩ cũng giống như tấm gương, luôn soi chiếu những gì xuất hiện trước mặt nó. Có lẽ tấm gương trong Lê Phổ luôn muốn gửi gắm nỗi niềm của một người xa xứ vào tranh, bằng những điều quá đỗi thân thuộc, bình dị thuộc về thiên nhiên. 

Tác phẩm ” Family Life” (Đời sống gia đình)                                                                                      

Lê Phổ cũng yêu hoa, hay nói đúng hơn là để tình yêu thiên nhiên vùng nông thôn Bắc Bộ hiện hữu cụ thể nhất qua tĩnh vật hoa. Hoa của danh họa lấy từ thiên nhiên, thi thoảng hoa lại trở thành nhân vật phụ trong bối cảnh sinh hoạt an nhàn, cuộc sống an nhiên tự do trong khung cảnh vườn hạnh phúc bên gia đình.

Tác phẩm “Flowers” (Những bông hoa)

Tác phẩm “Pivoines et delphiniums” (Mẫu đơn và phi yến)

Kế đó, trong tranh của Lê Phổ, dù là chất liệu cổ điển như lụa hay lãng mạn với sơn dầu vẫn luôn tồn tại bóng hình của những người phụ nữ Việt Nam. Đó là người mẹ trong tà áo dài truyền thống bên những đứa con, là cô thiếu nữ với dáng vẻ hoài niệm bên lọ hoa mẫu đơn, là những tiểu thư đài các đang chỉnh trang dung nhan hay những người đẹp say sưa bên trang sách,…Tranh về phụ nữ của ông cho chúng ta thấy một vẻ đẹp duyên dáng, thùy mị với hình dáng mảnh mai, thon thả cùng khuôn mặt đầy đặn – biểu tượng của sự phúc hậu theo quan niệm Á Đông.

Tác phẩm “Vietnamese Lady” (Phụ nữ Việt Nam)

Tác phẩm “Jeune femme attachant son foulard” (Thiếu nữ choàng khăn) có giá 1.11 triệu USD tại phiên đấu giá của Christie’s Hong Kong

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, tà áo dài ở nét cọ của họa sĩ bậc thầy đã được lược bỏ những nét lai căng của áo Le Mur (kiểu áo dài được đặt tên theo tiếng Pháp), thay vào đó là những yếu tố dân tộc từ áo tứ thân, ngũ thân, tạo ra một kiểu áo vạt dài cổ kính, ôm sát thân người. Tổng thể, áo dài có phần trên kín đáo, phần dưới hai vạt áo được tự do bay lượn. Sự dung hợp hài hòa giữa cái mới và cái cũ đã được đông đảo nữ giới thời đó đón nhận. 

Tác phẩm “Jeune fille aux pivoines” (Thiếu nữ bên hoa mẫu đơn) có giá 1.71 triệu USD tại phiên đấu giá của Aguttes, Pháp

Tác phẩm “Figures in a garden” (Dáng hình trong vườn) có giá 2.28 triệu USD tại phiên đấu giá của Sotheby’s

Dẫu biết ông không phải người đầu tiên cầm cọ phác họa dáng vẻ của người phụ nữ nhưng người ta vẫn không cảm thấy nhàm chán, tẻ nhạt mà trái lại, chính sự tinh tế và tỉ mỉ của người nghệ sĩ còn mang đến tất cả những gì gắn bó và gần gũi nhất. Như Waldemar cũng từng bộc bạch về hình tượng phụ nữ trong tranh Lê Phổ: “Một con thuyền lướt giữa những bông súng, những cô gái ẩn hiện hái trái cây trong vườn địa đàng, họ thật kiểu cách và được nhớ đến bởi sự duyên dáng, niềm vui của cuộc sống phát ra từ tất cả, trong tiết trời xuân vô tận, những thiếu nữ mảnh mai đang dùng bữa trưa trên một hiên nhà, những đĩa trái cây trên bàn phủ khăn, bình đựng đầy hoa dại: Thế giới của Lê Phổ là một thiên đường trên trái đất”.

Tác phẩm “La Toilette de l’Enfant” (Đứa trẻ tắm) có giá xấp xỉ 1 triệu USD tại phiên đấu giá Christie’s Hong Kong

Tác phẩm “La gia dans le jardin” (Gia đình ở ngoài vườn)

Câu chuyện về tranh của Lê Phổ luôn mang đến cho người xem một suy nghĩ, đã có nhiều cái mới được sáng tạo ra trên nền tảng gốc là bản sắc dân tộc. Con đường nghệ thuật của ông được bồi đắp từ những năm tháng ở Trường Mỹ thuật Đông Dương, từ kinh nghiệm của các họa sĩ người Pháp trên đất Việt, cho đến khoảng thời gian chiêm nghiệm thực tế tại Pháp với bề dày lịch sử về nghệ thuật. Bảng màu và nét cọ của danh họa được tiếp thu những tinh hoa đó, lại kế thừa truyền thống quê hương đất nước, đã mở ra nhiều khai phá và đưa tên tuổi Lê Phổ đi thật xa trên thị trường quốc tế. 

Ảnh: Tổng hợp

library