#MFTalentHub: Nhiếp ảnh gia kiến trúc Quang Dam: “Tôi chú tâm tìm kiếm cảm giác thực”
LifestyleArts & CultureMF Talent Hub

#MFTalentHub: Nhiếp ảnh gia kiến trúc Quang Dam: “Tôi chú tâm tìm kiếm cảm giác thực”

Quan sát cởi mở và nắm bắt nhạy bén những thay đổi của tự nhiên, nhiếp ảnh gia kiến trúc Quang Dam cho rằng mọi thứ đều có thể xảy ra trong chụp hình và không giới hạn bản thân vào một khuôn mẫu điển hình nào. Anh thường tìm đến cảm giác thực và gọi đó là thuần nhiếp ảnh.

Ảnh: Nguyen Phuc Elton

Là nhiếp ảnh gia của nhiều công trình kiến trúc ấn tượng tại Việt Nam, chúng tôi tò mò Quang Dam đã bén duyên với lĩnh vực này như thế nào?

Tôi từng theo học tại Đại học Kiến trúc Tp.HCM, và lúc tốt nghiệp ra trường, cũng may mắn khi có cơ hội cộng tác tại một số văn phòng kiến trúc khác nhau. Xuyên suốt thời gian ấy, tôi đã đam mê chụp hình, và bắt đầu sắm cho mình một chiếc máy ảnh khi kiếm được tiền từ công việc đầu tiên.

Mãi đến khi tôi đầu quân cho A21 Studio – một trong những công ty kiến trúc lớn nhất ở Việt Nam, tôi mới nhận ra rằng tôi không thích thiết kế kiến trúc. Chia sẻ đầy đủ hơn là, tôi thích kiến trúc, nhưng bảo tôi làm về kiến trúc thì lại không một chút hăng say.

Đơn cử như, trong thời gian công tác tại A21, tôi thường xin nghỉ việc để đi chụp hình. Cho đến một hôm tôi cũng xin phép nghỉ thì anh Việt (sếp tôi) bèn bảo: “Vậy thì em nghỉ việc luôn đi!” Không rõ đó là câu nói đùa vui hay là một đề nghị nghiêm túc, nhưng phải nhờ thông điệp đó, tôi mới dứt khoát đưa ra quyết định cuối cùng là thôi bám chấp vào ngành này và dứt ra để theo đuổi sự nghiệp nhiếp ảnh.

Anh còn nhớ công trình đầu tiên khi mới bén duyên nhiếp ảnh kiến trúc chứ?

Ở công trình đầu tiên, tôi theo chân nhiếp ảnh gia kiến trúc người Nhật Hiroyuki Oki để học hỏi. Đó cũng là công trình của A21 Studio và người sếp cho tôi cơ hội cọ xát. Thực ra, lúc ấy, tôi vẫn chưa biết chụp ảnh kiến trúc là gì. Tôi chỉ đơn thuần quan sát Hiroyuki, đợi ông chụp xong không gian này, thì tôi mới bắt đầu bấm máy ở không gian ấy. Cứ tiếp tục, tiếp tục như vậy, tôi bắt đầu hiểu nhiếp ảnh kiến trúc.

Từ một tay ngang, các mối nhân duyên và cơ hội đã đến với anh ra sao để anh trở thành một nhiếp ảnh gia kiến trúc chuyên nghiệp như bây giờ?

Tôi luôn nghĩ bản thân là một người cởi mở và không bó hẹp không gian sáng tạo. Và cũng như vậy, trong nhiếp ảnh, tôi không cho nó một định nghĩa cụ thể, vì đơn thuần, nhiếp ảnh là quá rộng và tôi thích đủ thứ (cười).

Khi có một thái độ cởi mở với nhiếp ảnh, bắt đầu, nhân duyên đến. Tôi đầu quân vào làm cho Tạp chí Nội thất và mạnh dạn đề nghị cơ hội chụp hình cho những công trình nhỏ và đơn giản trước tiên. Thử sức và đi lên từ những bậc thang nhỏ như vậy giúp tôi dần trưởng thành trong lĩnh vực.

Có lẽ, thái độ cởi mở là yếu tố vô cùng quan trọng giúp anh biến chuyển khó khăn thành cơ hội?

Khi còn là nhân viên văn phòng kiến trúc, tôi chưa bao giờ hình dung bản thân có cơ hội tương tác và gặp gỡ nhiều tầng lớp như bây giờ. Và có lẽ, cởi mở đã giúp tôi chạm đến những may mắn.

Tôi tiếp xúc với hầu hết thể loại công trình. Tôi chụp những công trình bé xíu như trạm xe buýt hay xe bánh mì, và đến những công trình đồ sộ và hoành tráng. Tôi không giới hạn bản thân trong một thể loại kiến trúc nào. Tôi đơn thuần đón nhận và tiếp thu, chứ không bó buộc vào một phong cách kiến trúc nhất định và men theo dòng chảy cố định và an toàn đó.

Gần đây, tôi chụp một trình ở Huế ngay lúc tâm bão. Mọi người thường hình dung, chụp ảnh kiến trúc nên chọn ngày có nắng để công trình hiện lên thật lung linh. Nhưng càng về sau, tôi không để mình rơi vào tình trạng bị động bởi thời tiết. Tư duy của tôi thay đổi, rằng thời tiết cũng thuộc quá trình tạo nên kiến trúc, và không nhất thiết lúc nào cũng phải có nắng. Và bản thân hãy mạnh dạn và cởi mở khai thác nét đẹp của công trình trong những cơn mưa. Và quả thật, khi hoàn thành bộ ảnh ấy, mọi người bảo rằng nhờ cơn mưa mà ngôi nhà ở Huế trở nên trữ tình.

Những cái đẹp thuần tự nhiên như vậy ắt đòi hỏi kiên nhẫn và quan sát nhạy bén!

Tôi thường có xu hướng tìm kiếm cảm giác thực. Điển hình như việc tôi thích ánh sáng tự nhiên và ánh sáng của bản thân công trình hơn. Tôi gọi là thuần nhiếp ảnh.

Tôi quan niệm nếu chỉ dựa dẫm vào việc xài đèn sẽ khiến ta không đủ kiên nhẫn và quan sát tinh nhạy để nắm bắt những khoảnh khắc màu nhiệm và “không lường trước được” của tự nhiên. Có những luồng ánh sáng hắt vào nhà qua ô cửa sổ, từng thời điểm trong ngày, là khác biệt. Tôi chờ đợi các khoảnh khắc ấy, và lưu giữ khoảnh khắc kiến trúc hiện lên đẹp nhất của ngày hôm đó. Có những công trình tôi chụp từ 1 đến 2 ngày, sự chậm rãi đó đôi khi rất cần thiết.

Sự sắp xếp ý tưởng trong tâm trí sẽ có sự giới hạn, nhưng nếu cảm nhận theo dòng chảy tự nhiên, ta sẽ có kho ý tưởng khổng lồ. Vì tự nhiên luôn thay đổi.

Nếu vậy, hẳn là Quang Dam sẽ dành một thời gian nhất định để cảm nhận và quan sát công trình trước khi chụp chăng?

Cũng không hẳn. Sau một thời gian gắn bó với nghề, tôi có thể chụp liền ngay khi bước vào công trình vì sự quan sát và cảm thụ đã trở thành thói quen. Chỉ là đôi khi, có những không gian cần điều chỉnh thì nhiếp ảnh gia bắt buộc phải chờ.

Có những không gian đòi hỏi sự nhạy bén tức khắc vì thời gian cho phép là hạn hẹp. Chẳng hạn, gần đây, tôi nhận chụp một khu cà phê rất rộng với nhiều bàn ghế ở một khách sạn 5 sao, nhưng chỉ được phép bấm mấy trong 30 phút. Bởi thế, bản thân phải tập trung toàn bộ mọi nguồn lực để hoàn thành bộ ảnh tốt nhất có thể trong khung thời gian khiêm tốn ấy. Hay như, có những dự án khách sạn và khu nghỉ dưỡng lớn nhưng bản thân chỉ được chụp trong các khung giờ cố định. Chẳng hạn, gói gọn trong vòng nửa tiếng, tôi phải hoàn thành bộ ảnh ở nhà hàng buffet vì thời gian lên món và thời gian khách xuống ăn chỉ gói gọn trong ngần ấy phút.

Như vậy, có những công trình lớn đỏi hỏi khắt khe hơn về thời gian, trong khi đó, có những công trình nhỏ lại giúp mình có sự thư thả để quan sát và cảm nhận.

Chỉ trong vòng gần 6 năm chụp kiến trúc, Quang Dam đã xây dựng một sự nghiệp khá vững chắc, hẳn là anh đã theo dõi và học hỏi nhiều từ lĩnh vực này ở các kênh khác nhau?

Tôi ít theo dõi nhiếp ảnh kiến trúc. Tôi theo dõi nhiếp ảnh báo chí nhiều hơn. Tôi thích cái gì đó liên quan đến đời sống.

Bạn có chú ý, khi nhìn vào một bộ ảnh kiến trúc, cái đầu tiên người ta thốt lên là ngôi nhà này đẹp quá, không gian đẹp quá. Tuy nhiên, khi nhìn vào bộ ảnh cưới đẹp, người ta sẽ hỏi “ai chụp mà đẹp thế, hoặc, bộ ảnh đẹp quá!” Điều đó không có nghĩa tôi đặt cao giá trị của mình, nhưng tôi muốn thiên về nhiếp ảnh nhiều hơn. Và để trung hòa giữa kiến trúc và nhiếp ảnh, tôi đi sâu vào sự tương tác giữa con người và cảnh quan trong công trình. Tôi để mọi thứ xuất hiện tự nhiên theo sự thật nó đang là. Tôi không phủ định bất cứ điều gì đang diễn ra và hoàn toàn tôn trọng sự hiện diện của tất cả.

Tôi để mọi thứ xuất hiện tự nhiên theo sự thật nó đang là. Tôi không phủ định bất cứ điều gì đang diễn ra và hoàn toàn tôn trọng sự hiện diện của tất cả.

Trong hành trình làm nghề, liệu anh có nhận được góp ý điển hình nào để bản thân trở nên tốt hơn?

Rất nhiều, nhưng tựu chung vẫn quy về giá trị và định hướng. Trước đây, khi vừa bước vào nghề, mình luôn đặt thẩm mỹ lên trước tiên, mình gồng lên và cố gắng thể hiện tất cả mọi thứ. Nhìn vào bức hình, ai cũng thấy đẹp. Nhưng chỉ là vẻ đẹp thuần túy.

Về sau, tôi tập trung nhiều hơn về sự tương tác, góc nhìn dần sâu lắng và nhẹ nhàng hơn. Mọi người thường mô tả bằng chữ “tình”. Sự quan sát tinh tế khiến sản phẩm tạo ra có sự kết nối và đồng cảm với người thụ hưởng. Nếu trước đây, mình nghĩ mưa là một tai nạn, thì bây giờ, mưa càng khiến bức hình thêm có hồn và lung linh theo một cách khác.

Dần dần, những thứ mình chụp thể hiện đúng bản chất bên trong mình hơn. Người ta thường có câu “người sao thì hình vậy” là để ám chỉ sự đồng điệu đó.

Nhiếp ảnh là phát hiện cái đẹp và thể hiện cái đẹp ấy theo một cách khác, nhưng Quang Dam có bao giờ lại phán xét điều gì đó trước khi nhìn thấy cái đẹp không?

Trước đây vẫn có sự phát xét, đó là những bước dạo đầu trên hành trình nhiếp ảnh kiến trúc.

Sau này, tôi nhận ra nhiệm vụ của một nhiếp ảnh gia như mình là phát hiện cái đẹp, còn phán xét và định kiến chỉ khiến hành trình ấy có thêm nhiều sai sót không đáng. Tôi đã chụp cho những văn phòng kiến trúc kể từ khi mới thành lập tới giờ, cũng đã 3 – 4 năm.  Men theo chặng đường đó, tôi cảm thấy các công trình của họ thay đổi một cách chóng mặt và ngày trở nên thú vị.

Hiếm có một công trình nào mà hoàn hảo, vẫn có những sai sót, dù nhỏ thôi, mình có thể sẽ thấy điều đó, nhưng điều đó không quan trọng, việc của mình là chia sẻ cái đẹp và khiến mọi thứ trở nên đẹp hơn.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ thú vị nhé!

 

Related Article