“Người anh cả của làng mốt Việt”, một danh xưng mà người mến mộ ưu ái dành cho nhà thiết kế Công Trí bây lâu nay. Công Trí đã đạt đến mức độ cao hơn của sự thăng hoa trong sáng tạo và thời trang. Ở thời điểm hiện tại, những gì mà anh đã và đang thực hiện nhằm tạo ra giá trị thời trang bền vững cho thế hệ mai sau.
Nhà thiết kế Công Trí là người tiên phong, tạo ra xu hướng hay những phong trào khiến người khác phải học hỏi, bắt chước. Người ta dành biết bao nhiêu lời tán tụng hoa mỹ dành cho những thành tựu mà anh đạt được, quả thật hết sức đáng nể. Trong bài viết này sẽ tập trung khai thác những góc nhìn khác lạ hơn, một nội hàm cùng nét duy mỹ không hề tầm thường của nhà thiết kế Công Trí trong suốt hơn 20 năm gắn bó với thời trang.
NGƯỜI KHIẾN THẾ GIỚI NHỚ MẶT GỌI TÊN
Một người yêu cuộc sống sẽ luôn cảm thấy tốt hơn trong những gì mình tạo ra. Đặc biệt là những người làm sáng tạo hoặc có tư duy sáng tạo, thì xúc cảm của họ luôn thể hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đối với nhà thiết kế Công Trí, anh là một người hạnh phúc và thường tìm thấy niềm vui trong cuộc sống mỗi ngày. Chúng trở thành một nguồn năng lượng, một động lực thúc đẩy giúp nhà thiết kế Công Trí lao động miệt mài trong quãng thời gian 20 năm gắn bó với thời trang. Nhưng không vì đó mà anh thiếu đi những quãng lặng, bởi trong từng ấy thời gian, trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, chắc chắn rằng Công Trí sẽ không thiếu những nỗi buồn song song. Anh khẳng định rằng, niềm vui và nỗi buồn là hai nhân tố luôn song hành cùng nhau và tạo ra cuộc sống muôn màu. Trong thời điểm hiện tại, nhà thiết kế mong sự bình yên và những điều tốt đẹp nhất đến với nhân loại.
Mặt khác, người làm sáng tạo thường phải luôn đối mặt với cái bóng của chính mình. Đã có bao giờ bạn xem một bộ phim, có những phân đoạn mà một người ngồi trước tấm gương và tự hỏi chính bản thân mình phải làm gì tiếp theo. Ở giai đoạn đó, họ như đứng ở ngã ba đường, phân vân trước những lựa chọn của chính mình: đương đầu hay thoả hiệp? Nhà thiết kế Công Trí cũng không tránh khỏi những trải nghiệm với những cảm xúc tương tự. Sự sáng tạo đến với anh vốn dĩ rất tự nhiên nhưng có khi cũng là một quá trình áp lực. Những lúc như thế, anh cho cảm xúc mình tự phản biện lại những dòng suy nghĩ tự huyễn, tiến lùi đúng lúc. Có những công việc hay tình huống bắt buộc bản thân phải thoả hiệp. Nhưng có những dự án phải theo đuổi quyết liệt đến cùng để bảo vệ quan điểm. Điều này tuỳ thuộc vào từng tình huống cụ thể.
Lúc vui, lúc buồn, lúc tĩnh lặng. Lúc tiến, lúc lùi, lúc tạm ngưng. Đó là quá trình thể nghiệm trải qua hàng chục năm, hàm chứa những câu chuyện đa chiều, sự phức tạp trong nội tâm của nhà thiết kế Công Trí. Bãn ngã cuối cùng vẫn còn đó, điều này được thể hiện rõ nét qua 10 căn phòng ngập tràn ý niệm khác biệt của triễn lãm Cục Im Lặng năm 2019. Đó là những yếu tố giúp Công Trí trở nên đặc biệt khiến thế giới nhớ mặt, gọi tên.
TƯ DUY SÁNG TẠO THỰC TIỄN
Tom Ford đã từng nói rằng: “Vạn vật thay đổi theo thời gian, và tiêu chuẩn cái đẹp cũng như vậy”. Đối với Công Trí, tiêu chuẩn cái đẹp giống như thời trang, nó là một vòng tuần hoàn, luôn xoay vần, thay đổi theo chu kỳ nhưng sẽ luôn quay lại ở một thời điểm nhất định. Để định nghĩa cái gọi là tiêu chuẩn cái đẹp, thực chất, cũng khá vô định. Vì tất cả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: bề dày văn hoá, kinh tế, đời sống xã hội. Thay vì cứ phải chạy theo những cái “chuẩn đẹp”, anh ví mình như một dòng nước, linh hoạt và luôn trôi theo dòng chảy của thời đại. Thực chất, đây là một suy nghĩ xúc tiến và vô cùng thực tế, thể hiện ít nhiều về định hướng kinh doanh của nhà thiết ké Công Trí.
Là người mang tâm hồn nghệ sĩ làm kinh doanh, đặc biệt là thời trang, ngành công nghiệp có quy mô rất lớn và không ngừng vận hành, sản phẩm đa dạng và chuỗi cung ứng phức tạp. Việc cân bằng giữa tư duy sáng tạo và tính thực tiễn trong kinh doanh là điều cần thiết để phát triển lâu dài. Danh tiếng của Công Trí vốn được biết đến là người Việt đầu tiên đứng trong danh sách ủy viên của Hiệp hội Thời trang châu Á, và thăng hoa hơn với những bộ sưu tập đậm chất avant-garde. Đến với năm 2021, thời điểm chín muồi để nhà thiết kế xem khách hàng là sự ưu tiên. “Thời trang ứng dụng thì việc đầu tiên là phải hướng đến tính thực tế”– Anh nói tiếp – “Khách hàng là người ủng hộ và duy trì thương hiệu, nên người làm thiết kế không nên áp đặt cái tôi chủ quan quá nhiều được.”
Trong quá trình xây dựng thương hiệu,từ NGUYENCONGTRI đến CONGTRI, anh cùng các cộng sự vẫn luôn duy trì cả hai mô hình, trạng thái để giữ được lửa bản thân và sức nóng của tên tuổi, đó chính là tôn chỉ. Trong thị trường muôn hình vạn trạng, trước khi tạo nên những điển tích, thì phải nhìn vào thực tiễn, xây dựng nền tảng, hoạch định hướng đi rõ ràng và theo đuổi cho tới cùng. Đây cũng là điều mà thế hệ nhà thiết kế mới cần phải lưu tâm.
TẠO GIÁ TRỊ BỀN VỮNG CHO THẾ HỆ KẾ THỪA
Sự phát triển bền vững của một nhà mốt đến từ tư duy cấp tiến của người lãnh đạo, để thực hiện được điều này cần đầu tư “chất xám” về mọi mặt cho thế hệ tiếp nối. Nhà thiết kế Công Trí nói: “Thời trang cũng như biển, đợt sóng sau tiếp nối đợt sóng trước, như vậy sáng tạo mới của thế hệ trẻ là vô cùng và không giới hạn Bản thân tôi cũng rất muốn tìm thấy và trau dồi những đợt sóng mới này.”
Liệu sau này thời trang nội địa sẽ có thế hệ kế thừa?– Một câu hỏi nhưng tồn tại nhiều câu trả lời chưng hửng. Cột mốc 20 năm, 50 năm, hay thậm chí 80 năm sau, điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào tư duy người làm nghề ở thời điểm hiện tại. Thời trang Việt Nam dần hoà nhập hơn với dòng chảy của quốc tế, minh chứng cho điều đó là sự xuất hiện của hàng loạt những gương mặt cộm cán của thời trang Việt tại những sàn diễn xa xỉ bậc nhất ở các kinh đô thời trang danh tiếng thế giới. Vậy tại sao lại nói không với một ước mơ “di sản của thời trang Việt” nghe có phẩn xa xỉ?
Bản thân nhà thiết kế Công Trí học được rất nhiều từ những người đi trước. Đối với anh, không có nền tảng nào phát triển mà không cần một bệ phóng vững chắc. Thời trang cũng như vậy. Để tạo ra được những giá trị tồn tại mãi theo thời gian, cho thế hệ kế thừa mai sau, trước hết phải có sự kiên nhẫn và bền bỉ trong tư duy làm nghề nghiêm túc và tuyệt đối không để chúng thoái trào và lệch pha. Có thể nói rằng, những gì mà các nhà thiết kế Việt – đặc biệt là anh Công Trí – đã và đang cố gắng cống hiến hết mình nhằm tạo những giá trị hữu hình lẫn vô hình cho thế hệ tiếp nối. Để mai sau, những nhà thiết kế trẻ đi ra trường quốc tế và có thể tự hào– hoặc có thể xem đó là hình mẫu học hỏi, một hệ thống chuẩn mực để từng bước quốc tế hoá thời trang Việt Nam trong tương lai.
Quay đi, ngoảnh lại, đã hơn 20 năm và anh vẫn còn đang chinh phục giấc mơ thời trang tại “biển” lớn – “Tôi gần chưa? Tôi chưa gần!”– Công Trí chia sẻ. Hành trình của nhà thiết kế vẫn cứ thế tiếp diễn, anh tự do sống trong bản ngã tự tại, cống hiến không ngừng nghỉ, không dừng lại… Đó là câu chuyện của một Công Trí độc nhất!
Bài viết thuộc ấn phẩm MF#6 – The Moving Forward Issue. Tham khảo và đặt ấn phẩm tại ĐÂY.
Tham gia MEN’s FOLIO Fashion Clubhouse tại Facebook để cập nhật tất cả thông tin, hình ảnh mới nhất về thời trang thế giới và nội địa!
Bài: Khuất Năng Vĩnh