Người hướng nội: “Me Time” chính là cách để thăng tiến trong công việc
Lifestyle

Người hướng nội: “Me Time” chính là cách để thăng tiến trong công việc

Người hướng nội ngại va chạm, người hướng ngoại lại là những người thích thể hiện. Nhưng nếu lựa chọn ở trong vòng an toàn của mình, người hướng nội có thể đang tụt lùi so với đồng nghiệp. Dĩ hoà vi quý hay đơn giản là từ chối công việc vì… không hợp với tính cách.

Những người hướng nội thường rất “hiền”, “rất lành” cũng chính vì họ ngại va chạm. Thực chất hoà nhập vào đám đông có thể là một trong những nỗi sợ lớn nhất của người hướng nội. Lựa chọn thường thấy ở những người hướng nội đó là “né” nếu có thể. Né va chạm với những đồng nghiệp mạnh bạo khác. Né những cuộc họp kéo dài thời gian. Né phải tham gia vào các buổi tiệc tùng, sinh nhật đồng nghiệp thường kết thúc bằng những màn karaoke ầm ĩ. Sự thật là nếu người hướng nội không biết cách dung hòa, việc gặp gỡ nhiều người ở tần suất thường xuyên sẽ tổn hao năng lượng, thậm chí gây căng thẳng và khó kiểm soát cảm xúc. Làm việc nhóm trở nên khó khăn, thậm chí bị người hướng ngoại chèn ép là điều không hiếm gặp ở công sở.

Trong các cuộc họp chỉ có những người hướng ngoại lên tiếng.Những người hướng nội thường ngồi nghe, ít khi lên tiếng phản biện

Và đôi khi, bạn sẽ không được công nhận. Ngay cả khi bạn cũng đang đóng góp cho tập thể một cách thầm lặng. Bạn là người đứng sau sân khấu cánh gà chứ không phải là người tổng đạo diễn chạy đi chạy lại bên ngoài để người ta nhìn thấy ngay được. Hãy thành thật với bản thân, chúng ta ai cũng muốn được công nhận trong một tập thể, dù ít hay nhiều. Chính bản thân chúng ta phải công nhận những đóng góp những điểm mạnh của bản thân trước đã rồi hãy kỳ vọng người khác công nhận mình. Để dấn thân trong công việc, bạn sẽ cần vượt ra ngoài vòng an toàn, trở nên hòa đồng hơn với đồng nghiệp, văn hoá chung bạn có thể không còn phù hợp với môi trường làm việc đó nữa. Còn nếu bạn cứ giả vờ là người khác, bắt chước những người đồng nghiệp hướng ngoại, cố gắng để trở nên hướng ngoại hoặc lấy lòng ai đó … thì bạn sẽ có nguy cơ bị kiệt sức.

Vậy thì hãy thử những cách dưới đây

1. Xác định giới hạn năng lượng của bản thân

Những giới hạn rất quan trọng. Thật ra nó là một trong những bí quyết tốt nhất thường được các nhà trị liệu tâm lý khuyên bạn nên thực hành nhằm tạo cho mình những mối quan hệ lành mạnh tại bất kỳ đâu. Bạn không thể thay đổi những người đồng nghiệp “độc hại” nhưng bạn có thể lựa chọn khi nào thì dừng lại trong cuộc trò chuyện với họ. Bạn không “ngưng” được những tin nhắn của đồng nghiệp lúc nửa đêm nhưng bạn có quyền không động đến nó. Đó là một trong những ví dụ về giới hạn năng lượng của bản thân. Tìm ra những giới hạn, đặt ra những quy định khi nào thì cần dừng lại bằng cách trả lời những câu hỏi sau:- Thời điểm nào trong ngày bạn cảm thấy năng suất nhất và khi nào thì bạn ngừng làm việc?
– Bạn có làm việc vào cuối tuần hay không?
– Điều gì khiến bạn xao lãng và không gian nào giúp bạn cảm thấy không xao lãng nữa?
– Bạn thường làm việc hiệu quả nhất khi làm với người khác hay khi làm một mình?
– Nếu bạn được thiết kế một tuần làm việc lý tưởng nó sẽ như thế nào?

2. Bạn cần biết cách nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng đúng cách 

Tôi vẫn hay nói vui, người Hướng Nội là những kẻ vui sướng một mình. Bởi lẽ họ lấy lại năng lượng sau những giờ phút làm việc trí não căng thẳng bằng cách ở một mình. Người hướng nội càng đặc biệt tiêu hao năng lượng nếu làm việc trong các môi trường công sở mở.

Bạn có thể không phải luôn được lựa chọn nơi mình sẽ làm việc. Vì vậy cách giải quyết tốt hơn cả là tạo cho mình thói quen nghỉ ngơi hợp lý và tái tạo năng lượng đúng cách. Ý tôi là theo kiểu của người hướng nội.

Dành thời gian ở một mình thường xuyên hơn. Đó là “me time” đúng nghĩa, không có công việc, không có những nhóm bạn ồn ào, không có mạng xã hội liên tục réo gọi  … bạn hoàn toàn chìm đắm trong thế giới của bạn. Có thể là chỉ nằm ngủ một giấc ngon lành, đọc một cuốn sách, uống 1 tách trà hay đi dạo một mình trong công viên vào buổi trưa, cuối ngày tan sở trước khi về nhà.

Việc bạn cần làm là tìm ra những khoảng thời gian nghỉ ngơi mà bản thân thấy thoải mái nhất, và làm điều đó thường xuyên hơn, mỗi ngày, mỗi tuần hay mỗi tháng.

3. Hãy tìm cho mình 1 nhóm làm việc có thể hỗ trợ lẫn nhau 

Một nhóm làm việc lý tưởng nhất là có đầy đủ cả các thành phần hướng nội hướng ngoại, để có thể thông cảm, hiểu cho nhau, đỡ đần công việc của nhau. Nếu người hướng ngoại hoà đồng hơn và lưu loát hơn, quan hệ xã hội tốt hơn bạn, bạn lại có thể hỗ trợ người đó trong các công việc yêu cầu tư duy sâu hơn như lập kế hoạch, làm việc hậu cần ….

Ví dụ trong một nhóm làm việc liên quan tới quảng cáo – marketing, những người làm sáng tạo có thể trình bày thuyết phục tốt để bán ý tưởng thì người hướng nội chính là bộ não của cả nhóm, là Planner đưa ra kế hoạch cho dự án, nghiên cứu thị trường …

Bí kíp hiệu quả nhất ngay cả với những môi trường làm việc nhỏ đó là bạn cần tham gia và gắn kết vào những nhóm của riêng mình để có thể hỗ trợ cho nhau khi sếp giao việc và giảm được những tổn hại năng lượng không đáng có.

4. Hãy dũng cảm rời đi nếu đó không phải là nơi dành cho bạn 

Một người sếp từng nói với tôi như thế này “Chị không hiểu em làm gì nữa. Cứ như thể em đang không có mặt ở văn phòng vậy. Em không bao giờ xuất hiện trong các sự kiện, em không tham gia vào các trò chơi team building, em không đi hát karaoke cùng mọi người. Tại sao lại vậy?”

Bạn cũng sẽ gặp những lời phàn nàn kiểu rằng không giao tiếp không xã giao là “thiếu chuyên nghiệp khi làm việc, không hợp tác, quá cứng nhắc” tương tự như vậy khi làm việc nhóm với những người hướng ngoại điển hình.

Mặc dù chúng ta có khái niệm “extrovert on demand”, tức là bạn có thể học hỏi tính cách của người hướng ngoại khi cần thiết. Nhưng về cuối ngày, bạn vẫn cần hiểu rõ nhất tính cách của bản thân và từ đó lựa chọn môi trường làm việc phù hợp hơn với bạn.

Một điều có lẽ ít người lựa chọn đó là nếu đó không phải là môi trường dành cho bạn, bạn có thể cân nhắc để lựa chọn một môi trường khác. Một nơi có văn hoá  phù hợp hơn dành cho người hướng nội hoặc “những người sếp” cũng hướng nội và họ hiểu hơn về những người hướng nội.

Cuối cùng hãy nhớ rằng bạn hoàn toàn có quyền hạn với những giới hạn của bản thân và khẳng định phong cách làm việc của riêng bạn. Hãy rời bữa tiệc sớm, trở về ngôi nhà của riêng mình và hạnh phúc một mình. 

 

Related Article