Nghệ sĩ Hà Lê: Làm nghệ thuật là hành trình đi vào chính mình
PopFeature

Nghệ sĩ Hà Lê: Làm nghệ thuật là hành trình đi vào chính mình

Thời điểm tuyên bố thực hiện dự án về nhạc Trịnh, Hà Lê vấp phải nhiều phản đối cùng hoài nghi. Nhưng khi album Ở trọ ra đời, tài năng và sức sáng tạo của anh đã được giới chuyên môn lẫn khán giả công nhận.

Tôi gặp Hà Lê vào một buổi chiều nắng ấm ở Hà Nội. Lúc này, thủ đô đang trong thời điểm lạ lùng. Những ngày xuân đẹp đẽ xen lẫn với đợt giãn cách lần thứ ba vì COVID-19. Hà Lê thời gian này thì đang dành cho mình một quãng nghỉ. Thời gian qua, anh đã tất bật với nhiều dự án cá nhân và tour diễn. Tôi đến muộn 3 phút và thấy anh ngồi đó. Hà Lê nhỏ người, mặc đồ hiphop, cùng chiếc mũ lệch và điếu thuốc trên tay. Bóng dáng trẻ trung ấy làm tôi không ngờ rằng anh đã ngoài 30. Và càng khó tin, anh chỉ bắt đầu sự nghiệp ca hát vỏn vẹn được 6 tháng.

Giao điểm của Hà Lê và nhạc Trịnh Công Sơn

(MF): Xin chào Hà Lê! Đầu tiên, xin cảm ơn anh đã nhận lời phỏng vấn. Và cũng chúc mừng anh với nhiều dự án thành công trong năm qua. Năm 2020 Hà Lê đã đột phá với dự án Trịnh Contemporary được đón nhận rất tích cực. Vậy để được sự thành công đó, hẳn Hà Lê và nhạc Trịnh phải có một sự kết nối mãnh liệt. Không biết anh có thể chia sẻ thêm về giao điểm giữa anh và Trịnh Công Sơn không?

Anh cảm thấy cuộc đời anh bây giờ phần nào đấy có nhiều tương đồng với những chiêm nghiệm của ông. Đặc biệt trong hai năm qua, từ lúc bắt tay vào làm album này, anh cảm thấy ông ở rất gần mình.

Anh tâm niệm khi động vào nhạc Trịnh, anh không muốn làm sai. Nếu muốn làm đúng thì mình phải hiểu đúng. Hiểu đúng ở đây là hiểu cái giá trị cốt lõi, để sau bao năm, giá trị của nó sẽ không thay đổi. Thế là anh đi tìm hiểu nguồn gốc từng ca từ của mỗi bài hát. Càng tìm hiểu, anh càng “ngộ” ra nhiều thứ trong âm nhạc của ông, cũng như “ngộ” ra chính mình.

Ví dụ như bài Ở trọ, những ý tứ của ông đến nay vẫn rất đương thời. Ở trọ mang ý nghĩa không gì là mãi mãi. Cả bản thân mình cũng thế. May mắn thay, chúng ta có tư duy và đầu óc để cảm nhận được ý niệm ấy.

(MF): Vậy từ sự hiểu ấy, Hà Lê đã làm nên dự án Trịnh Contemporary như thế nào?

Anh gọi quá trình này là cooking, phải hầm phải nêm nếm mất một công đoạn. Có thể khi có ý tưởng, mình cảm nhận ý tưởng đó là đúng. Thế nhưng, để đi được đến chi tiết thì chúng ta cần phải suy ngẫm hơn. Tất cả producer và cả team làm việc với anh sẽ giúp anh cùng xây dựng nó lên. Các đoạn chuyển nối ngay từ khi là một vũ công anh đã để ý rồi. Mình phải làm sao cho nó mượt, cho nó có sự kết nối với nhau. Đó là những yêu cầu rất khắt khe của anh đối với mỗi khâu sản xuất.

Ví dụ như Mưa hồng, bài hát về bản chất là một cuộc chia tay, luôn có nỗi đau, man mác buồn trong đó. Nhưng đâu đó trong cuộc chia tay ấy, một không gian mới, cuộc sống mới lại mở ra.

Đối với sự chia tay này thì cả hai người đều chấp nhận để điều ấy xảy ra. Nên khi làm Mưa hồng, anh muốn làm lãng mạn. Anh không muốn nó bi. Ở giữa bài hát có một đoạn đàn bầu để cho nỗi đau được cất tiếng. Nhưng đoạn sau lại là lựa chọn. Anh hiểu, em hiểu, nhưng không có nghĩa chúng ta không yêu nhau nữa. Chúng ta phải lấy đó làm trải nghiệm để tiếp tục yêu thương, trọn vẹn hơn. Vì thế, đoạn cuối của bài hát rất mở. Như vậy, những nhân vật trong ca khúc được giải thoát. Ra khỏi chính câu chuyện của họ. Rằng, chia tay không là tất cả.

(MF): Với album Ở trọ, anh là ai trong thế giới của nhạc Trịnh ?

Anh làm một sản phẩm nghệ thuật và có sự sáng tạo riêng trong đó.

Trịnh Công Sơn là người đi lên từ thơ, trong nhạc của ông có rất nhiều thơ. Khi tâm hồn của người thi sĩ và nhạc sĩ gặp nhau, tự bản thân sẽ bật thốt lên. “Ô! Lời hay như này, để tôi cho thêm giai điệu vào!”. Đó đơn giản là sự gặp gỡ, và cùng làm tròn vai trò của mỗi người.

Anh luôn nói với ekip, rằng chúng ta đang remake chứ không phải cover. Anh chọn nhạc Trịnh phần vì cái duyên, phần vì hợp giọng hát. Nó giúp anh định nghĩa rõ hơn bản thân. Nhạc của ông làm anh hiểu chính mình.

Mọi người bây giờ vẫn nói nghe nhạc của Hà Lê ngoài giọng hát lạ lùng còn có sự ma mị, nhưng chính sự ma mị ấy lại giúp người nghe thả lỏng.

Họ nghe nhạc Trịnh và cảm nhận thấy không gian âm nhạc của Hà Lê. Ở không gian ấy, sự đột phá có thể đến bất cứ đâu, bất cứ lúc nào.

(MF): Khoảnh khắc nào trong suốt hai năm làm sản phẩm này mà anh cảm thấy hạnh phúc nhất?

Đó là khoảnh khắc khi anh được công nhận và đón nhận từ phía gia đình của Trịnh Công Sơn. Chị cả của Trịnh Công Sơn ở Canada là người đầu tiên nghe sản phẩm của anh. Khi anh đến thăm nhà, anh mang full album đến để cùng thưởng thức, mọi người đều rất vui. Sự hiện diện của ông ở trong suốt chặng đường anh làm nhạc là rất rõ ràng. Điều này cũng được chị Diệu, chị Trinh chia sẻ cùng với anh, nói rằng “anh Sơn duyệt rồi nhé”. Đó là một sự linh thiêng mang tính tâm linh, anh thật sự rất hạnh phúc về điều đó.

Làm nghệ thuật là cuộc đi tìm chính mình

(MF): Anh là nghệ sỹ đã thử sức ở khá nhiều lĩnh vực. Từ rap sang nhảy sang MC rồi giờ đi hát. Vậy, anh muốn mọi người nhìn mình với tư cách gì?

Bản thân anh luôn nghĩ mình là một Entertainer (nghệ sĩ giải trí).

Được hát, được biểu diễn trên sân khấu với tư cách là một ca sĩ là ước mơ đầu tiên của anh. Nhưng cuộc đời anh phải đi đường vòng thì bây giờ anh mới được đi đến điểm mình muốn.

Anh phải nhảy trước, rồi làm biên đạo, và để hát được thì anh cũng phải tập đọc rap trước. Mọi người biết đến anh là biên đạo múa, biết rap rồi đến MC. Cuối cùng, anh mới được hát. Loanh quanh thế đấy. Nhưng chính trải nghiệm ấy đã cho anh một tâm hồn và nhiều kỹ năng vững chắc. Để giờ đây, anh là một nghệ sĩ khác biệt.

Như đợt vừa rồi, sau bài Ở Trọ thì bọn anh có làm được một tour diễn nhỏ. Trong tour ấy, anh trình diễn một set 90 phút với 15 bài, như một mini concert. Khi đó, anh đảm nhận cùng lúc nhiều vai trò. Tất cả những gì anh trải qua đều góp phần giúp mình khác biệt với phần còn lại.

Đối với công chúng, anh muốn họ nhìn nhận mình là một nghệ sĩ sáng tạo có chiều sâu. Anh muốn mọi thứ mình làm đều đi được đến tận cùng.

(MF): Theo Hà Lê, điều gì là quan trọng nhất để công chúng nhìn nhận mình là một người nghệ sĩ sáng tạo có chiều sâu? Và là một người nghệ sĩ sáng tạo, có bao giờ anh cảm thấy bị áp lực về điều đó không?

Đối với anh, một người nghệ sĩ làm nghệ thuật là cuộc đi tìm chính mình.

Nghệ sĩ nào cũng cần có sự sáng tạo. Tuy nhiên, sự sáng tạo ấy phải hướng đến cộng đồng. Để đánh thức họ, để họ giật mình về vấn đề gì đấy. Chuyện khó nhất với anh là đồng thời đem chiều sâu đến điều giản đơn mà vẫn giữ nguyên bản chất của nó, để cộng đồng có thể cảm thấu.

Anh không muốn sáng tạo chỉ đơn thuần là sáng tạo, sau đó bung bét ra mà không có định lượng nào cho nó, sự sáng tạo khi đó sẽ trở thành mơ hồ.

Anh không muốn người ta chỉ chìm trong đấy mà không thoát được ra. Để cân bằng được dĩ nhiên rất khó, nhưng câu chuyện cuối cùng vẫn là con đường hai chiều, phải có act và react (hành động và sự phản ứng). Năm nay có thể bạn chưa hiểu tôi nhưng năm sau khi nhìn lại bạn sẽ hiểu.

Nhưng đó là áp lực nên có của người nghệ sĩ.

Cá nhân anh khi bắt đầu muộn cũng lo sợ, anh không có nhiều thời gian, làm cái gì cũng muốn làm cho tới. Anh không có thời gian để lan man, thử cái này cái kia, anh phải đặt câu hỏi để biết mình là ai, đến bây giờ cũng vậy. Câu chuyện về đột phá mình luôn phải đặt ra cho chính mình.

Anh cũng có nỗi ám ảnh về sự dừng lại, anh muốn làm nghề lâu, đó là ước mơ đầu tiên cũng là lớn nhất của anh, đến chừng nào còn tiếp tục vẫn sẽ làm. Anh có định hướng cho mình trong tương lai nhưng ở hiện tại vẫn dồn tâm huyết cho nghệ thuật, muốn đột phá hơn nữa. Giống như Trịnh Contemporary, anh đặt ra bài sau phải hay hơn bài trước. Không biết nó hay hơn, khác biệt hơn ở chỗ nào nhưng phải là như thế.

(MF): Hà Lê có nhắc về chuyện bắt đầu muộn. Không biết Hà Lê có bao giờ cảm thấy tự ti hay không?

Tự ti nhiều chứ. Nhất là khi đứng chung sân khấu với những người tên tuổi mà bản thân không được học hành bài bản như họ. Cái thứ hai là mình mới đi hát được 4 – 5 năm rồi nhưng mọi người biết đến mình mới chỉ 6 tháng. Ngay cả sự chuẩn bị sân khấu cũng chưa có nhiều kinh nghiệm từ ban nhạc, phục trang cho đến việc hát live.

Nhưng khi nó xảy ra với mình nếu không đương đầu thì chính là bỏ lỡ cơ hội. Lúc ấy có một thằng trong mình nói là “Mày đã đòi cho bằng được cơ mà, giờ mày ở đây thì không có quyền lùi bước”.

Khi vượt qua được sự tự ti cũng là lúc mình đột phá. Nghĩ lại anh thấy may mắn khi có cơ hội như thế, được va chạm ngay và luôn, tận dụng cơ hội cải thiện bản thân, luyện tập để không mắc lỗi. Đó là một cuộc chiến. Anh phải trải qua thử thách, phải mắc lỗi mới lớn được.

Nữa là khi mình ý thức được sự chuyên nghiệp mình sẽ tự tin hơn, cái tự ti chỉ còn ở vài lần đầu. Nếu sau một thời gian vẫn tự ti nghĩa là mình không ở đúng vai trò của mình.

(MF): Anh muốn làm những sản phẩm âm nhạc cho mình hay cho khán giả? Liệu có phải khó khăn để cân bằng được điều đó hay không?

Mọi thứ phải bắt đầu từ chính mình. Để vững vàng bước đi và kết nối được khán giả, bạn phải kể câu chuyện của chính mình. Cho khán giả tìm thấy sự tương đồng về sự trải nghiệm trong từng lời ca giai điệu. Đấy cũng là mục tiêu Hà Lê hướng đến trong dự án âm nhạc mới.

Ngoài ra, có một yếu tố nữa là sự cân bằng về mặt câu chữ và tư tưởng. Tư tưởng ban đầu là vậy, nhưng khi biến thành câu chữ, sự điều tiết là cần thiết. Nói ít nhưng hiểu nhiều. Đó luôn là một bài toán khó với bản thân Hà Lê. Có những bài rap anh phải viết đi viết lại cả năm trời mà chỉ có vài câu. Nhưng mọi thứ luôn bắt đầu từ cảm xúc của mình.

(MF): Việc giữ hình ảnh của nghệ sĩ với anh có quan trọng không? Có những người nghệ sĩ trong mỗi trường hợp họ lại là một người khác. Tuy nhiên, có những người xuyên suốt hành trình thì vẫn như thế không thay đổi. Hà Lê thì sao?

Người nghệ sĩ chỉ giữ được xuyên suốt khi họ hiểu chính mình. Anh luôn nhất quán trong hầu hết trường hợp. Chỉ là mình biết cách điều chỉnh bản thân phù hợp hơn với từng hoàn cảnh, không bị cứng nhắc.

Nó cũng là một quá trình của người nghệ sĩ đó có hiểu họ là ai hay không. Có thể việc anh bắt đầu muộn đều có lí do của nó, để anh không bị trượt dài. Nói vui một chút thì ngay từ bản thân anh với cái tên Vĩnh Hà. Làm gì có con sông nào vĩnh cửu, đó là sự mâu thuẫn rồi. Anh vẫn đang học cách đối thoại và dung hoà. Giữa mình và sự mâu thuẫn phải tìm được tiếng nói chung, hướng đến mục đích chung.

Cách tốt nhất để vững vàng bước đi và kết nối được khán giả, với người đối diện thì phải kể câu chuyện của chính mình.

 

(MF): Dường như Hà Lê đã phải đi một con đường rất dài để đến với sự nghiệp ca hát. Hiện tại, Hà Lê là một trong những nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam tham gia vào Sony Music. Anh có thể chia sẻ về cơ duyên này ?

Thông qua một người bạn mà anh đã có được mối duyên này. Trước đây Sony chỉ phát hành các ca khúc tại Việt Nam, quản lý bản quyền và tác quyền. Sau này họ muốn mở rộng, tham gia vào đầu tư và quản lý nghệ sĩ, hai bên gặp nhau và bọn anh đã tìm được tiếng nói, định hướng chung rồi cuối cùng đi đến thống nhất hợp tác. Anh là nghệ sĩ độc quyền cho Sony Music đã được 4 năm.

Sony Music là một tập đoàn lớn về âm nhạc. Toàn bộ kinh phí sản xuất đều là Sony tài trợ cho anh, đấy là lý do vì sao các sản phẩm âm nhạc của anh thường không xin tài trợ và chưa hợp tác với các nhãn hàng. Cho đến bây giờ, ít nhất là với anh, đó là một hướng đi đúng. Câu chuyện của anh đơn thuần là làm nghệ thuật, nhà đầu tư họ nhìn thấy và muốn đầu tư. Nếu em muốn làm sản phẩm tốt thì bắt buộc phải có đầu tư.

Hơn nữa, khi làm việc cho một công ty lớn như thế, chính những áp lực tích cực họ đặt ra sẽ là cái thúc đẩy mình hoạt động không ngừng.

(MF): Hà Lê có thể chia sẻ thêm một chút về những dự định tương lai?

Thời gian tới anh cũng có một vài dự án, trước tiên là phải làm những sáng tác mới. Nghệ sĩ mà đã đi hát thì phải có bài của mình, một sản phẩm của mình. Khoảng 4 – 5 năm trước khi anh bắt đầu cầm mic thì anh có bài Đông Cuối, đấy là bài của mình. Sau đó anh ra một album với PB Nation là Ai bằng anh với bảy bài trong đó có bài cùng sáng tác cùng Phúc Bồ.

Tất nhiên là nó chưa hoàn thiện, chưa trưởng thành nhưng đến khi làm nhạc Trịnh thì đó lại là cảm hứng, hành trình để dùng thứ âm nhạc ấy khám phá mình hơn. Anh không muốn mọi người nghĩ Hà Lê chỉ làm được nhạc Trịnh.

Sắp tới, anh có thể ra thêm vài sản phẩm với mong muốn định hình rõ cá tính âm nhạc của mình hơn. Để mọi người nghe nhạc Trịnh hay nghe nhạc khác thì vẫn nhận ra đây là Hà Lê. Nó không khác đi mà chỉ có tiến hoá, thay đổi chứ còn nó vẫn là ông ý.

Rất cảm ơn Hà Lê vì những chia sẻ đầy chân thành và ấn tượng vừa rồi. Chúc anh một năm thật nhiều bùng nổ và thành công hơn nữa!

Bài: Thư Vũ
 

Related Article