Nghe Những Tàn Phai và hai mặt đối lập của Nguyễn Công Hoài
LifestyleArts & Culture

Nghe Những Tàn Phai và hai mặt đối lập của Nguyễn Công Hoài

Triển lãm của Nguyễn Công Hoài diễn ra khi mùa xuân vẫn còn đây, nhưng ai nói xuân phải tươi thắm? Chúng ta vẫn đầy mỹ cảm khi thưởng thức Nghe Những Tàn Phai của người hoạ sĩ sinh năm 1984 này.

Hoạ sĩ Nguyễn Công Hoài đứng bên các tác phẩm trong không gian triển lãm cá nhân Nghe Những Tàn Phai

Hãy đừng vội liên tưởng đến ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ở đây chẳng có gì liên quan cả. Nếu có, phải chẳng là cùng một tiếng nói vang lên giữa hai người nghệ sĩ ở hai thế hệ trong lúc khơi gợi cảm hứng chung cho bộ tác phẩm mà thôi.

“Tại sao lại là Nghe Những Tàn Phai vậy anh Hoài” – người viết đặt một câu hỏi thông dụng và gần gũi nhất.

Nó như là hai vế đối lập tồn tại trong tất cả mọi sự trên đời này vậy: Có trẻ có già, có hạnh phúc có khổ đau, có sung mãn thì cũng đến lụi tàn. Và đó chính là quy luật bình thường của cuộc sống mà thôi.

Khi nghe anh Nguyễn Công Hoài chia sẻ như vậy, người viết nghĩ về hành trình của một người đi tới đỉnh đã lắng nghe được sự tàn phải của mình. Thưởng thức các tác phẩm trong triển lãm lần này, ta có thể cảm nhận được rằng, hành trình ấy rất cô đơn khi tất thảy là những hình hài người đang úa tàn, u sầu và đau thương. Bằng bút pháp mang đậm phong cách biểu hiện, cùng lối sử dụng màu sắc đa phần là màu nóng như đỏ, vàng, cam trên nền nâu, đen, xám…, khiến cho không gian Nguyễn Công Hoài trở nên trì và nặng nhưng sâu và tĩnh.

Có một đặc điểm nữa gây ấn tượng thị giác cho người chính là ở lối vẽ mờ nhoè, thoát ly phương thức tạo hình cụ để chuyển dần sang biểu hiện trừu tượng như chính cách người hoạ sĩ tái hiện tâm hồn mình. Mỗi thực thể trong các tác phẩm đều trở nên không rõ ràng, thậm chí có tác phẩm ta không nắm bắt được cả giới tính của nhân vật, điều đó mở tung nhưng biên giới định đoán để bất kỳ ai khi xem cũng có thể thấy mình trong khoảnh khắc nào đó. Lúc này, tác giả đã mở ra một cơ hội cho người xem quyền được tham gia quá trình sáng tác.

Trở lại với hai mặt đối lập của Nguyễn Công Hoài, ta trở lại với cái tên Nghe Những Tàn Phai. Anh thú nhận rằng, đây là một cái tên sến. Bạn bè anh đã gợi ý cho nhiều tên tác phẩm hay lắm, nhưng anh thích cái sự lãng đãng mà xơ xác ấy. Còn với người viết, tôi thấy tên triển lãm khiến cho tác phẩm càng rõ sự khổ đau, nhưng mềm mại.

“Đôi khi người ta ép mình phải hạnh phúc, phải tìm đến cái gì đó tích cực, nhưng mình lại không thấy niềm vui khi nghĩ về những điều đó. Có những điều, không cần phải đến lúc tàn phai bạn mới nghe thấy nó. Khi nghĩ về tàn phai, có thể đúng hoặc sai, chưa đủ chín muồi, nhưng nó là cảm nhận của mình và cái gì đến thì nó đến thôi” – hoạ sĩ trầm tư chia sẻ.

Khi đi sâu vào hố thẳm nỗi đau, ta lại tìm thấy niềm vui nhen nhóm. Khi chạm sâu nhất vào trái tim mình, ta lại chạm tới trái tim mọi người. Khi đối diện với những tàn phai, ta không còn sợ ngày mai sẽ đến. Cuối cùng, tình yêu thương và cảm thông giữa người với người còn ở lại trong các tác phẩm nghệ thuật.

 Triển lãm diễn ra từ ngày 26/2 đến 10/3/2022
May Artspace 36/70 Nguyễn Gia Trí, P25, Bình Thạnh, Tp.HCM 

Bài và Ảnh: Nam Thi
 

Related Article