Nghệ nhân hoa Thai Thomas Mai Văn: Nghệ thuật Ikebana và những ký ức nở hoa trong từng tác phẩm
LifestyleArts & Culture

Nghệ nhân hoa Thai Thomas Mai Văn: Nghệ thuật Ikebana và những ký ức nở hoa trong từng tác phẩm

Ikebana là môn nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản với hơn 600 năm lịch sử. Ikebana còn được biết đến với tên gọi kadō (華道) – “hoa đạo”, bởi những triết lý nhân sinh quan sâu sắc. Trong những ngày đầu tháng 9/2024, sau 10 năm lan tỏa hoa đạo Nhật Bản, nghệ nhân Thai Thomas Mai Van – một người Pháp gốc Việt đã cùng các học trò tổ chức triển lãm “Một thoáng Kyoto”. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có cuộc hội ngộ của Ikebana với nghệ thuật hoa Nhật Bản đương đại (Manako flower academy), đặc biệt hơn nữa, hoa còn đứng cạnh các tác phẩm tranh của đại danh họa Hokusai (thế kỷ 17).

Hokusai nổi tiếng với loạt tranh 36 cảnh núi Phú Sỹ, các họa sĩ lớn như Van Gogh hay Monet cũng thừa nhận ảnh hưởng Hokusai. Còn Madam Manako đã mang bức tranh hoa biểu tượng của nước Nhật là Rikka ra toàn thế giới, bằng cách chuyển sang thể thức cắm hiện đại hơn là Rikka Cho Fresh, bà được nhà nước Pháp trao tặng danh hiệu Bắc đẩu bội tinh.

Men’s Folio Vietnam đã có cuộc trò chuyện với người học trò xuất sắc của bà Manako – nghệ nhân Thai Thomas Mai Văn ngay sau khi sự kiện kết thúc. Thai Thomas Mai Van là nghệ nhân cắm hoa được chính phủ Pháp cấp bằng. Anh đã có hơn 20 năm thực hành và sống, làm nghề với hoa. Hiện anh là giáo viên giảng dạy lớp học nghệ thuật hoa hiện đại (Manako flower academy) và giáo viên nghệ thuật hoa Ikebana Nhật Bản (Ikenobo House Kyoto- Busokai Tokyo) tại Havre và Rouen, Normandy (Pháp).

Trong tờ báo Paris Normandie viết rằng: “Không ai khi chiêm ngưỡng những tác phẩm của Thai Thomas Mai Van mà không rung động trước vẻ đẹp của hoa và hâm mộ tài năng của nghệ nhân”. Tôi đã rất ấn tượng khi được nghe dịch lại bài báo, tôi cũng hình dung ra con đường mà anh có được những thành quả này không dễ dàng, nhất là với một người Việt Nam trên đất Pháp, có phải vậy không?

Ồ đúng rồi, công việc cuối cùng ở Việt Nam của tôi không đến nỗi tệ, tôi là làm giám đốc nhân sự một công ty nước ngoài. Nhưng năm 2006, tôi sang Pháp bắt đầu lại từ đầu, học tiếng Pháp từ những chữ vỡ lòng.

Thời gian đầu, những lúc rảnh rỗi tôi thường cắm hoa thư giãn với chính hoa lá trong vườn, từ đó nhen nhóm ý định muốn học cắm hoa chuyên nghiệp. Trong lúc tìm thông tin tôi vô tình dừng lại ở tấm hình một tác phẩm hoa Nhật, tôi đã “đứng tim” khi nhìn thấy nó và về sau tôi mới được biết đó là Rikka – một thể loại cắm hoa mà ai học Ikebana ở trình độ cao mới được cắm. Vì tác phẩm Rikka đẹp sững sờ đó mà tôi liên hệ với trường dạy Ikebana ở Paris. Nhưng rất tiếc sau một thời gian theo học, đang trên đà tiến bộ thì vì một lý do rất trời ơi, người giáo viên đã từ chối không dạy cho tôi nữa. Khi đó tôi đã rất sốc và tụt hứng kinh khủng. Nhưng tôi không từ bỏ. Tôi tiếp tục đi “tầm sư học hoa” và bước ngoặt đáng nhớ là khi tôi tìm ra được học viện Manako do bà Manako sáng lập ở Paris và tôi được học trực tiếp với bà – một grand master cực kỳ tài hoa. Thời kỳ đó tôi đã dùng mạng xã hội nhiều, tôi không bỏ tiền quảng cáo mà tôi dùng chính những tác phẩm hoa của mình để thu hút những người quan tâm.

Đến năm 2012 tôi mở công ty về hoa, các đặt hàng đầu tiên là từ Pháp, từ các sự kiện ở các làng quê và các nhà vườn Pháp. Một trong những workshop đầu tiên là tôi tổ chức với khoảng 50 người học Ikebana tại một sự kiện có khoảng 1500 người tham dự ở Normandie. Liên tiếp sau đó là một private gallery mời tham gia triển lãm, rồi một sự kiện lớn mỗi năm tổ chức một lần có chủ đề về Nhật Bản tổ chức trong hai ngày có tới khoảng 90.000 người tham dự ở thủ phủ Normandie… Báo đài phỏng vấn, lên trang bìa… từ từ tôi được nhiều người biết tới và dấu ấn tự hào là tôi được Hiệp hội thủ công Pháp cấp bằng Nghệ nhân.

Để được gọi là Nghệ nhân ở Pháp không đơn giản vì phải được xét duyệt kỹ và được công nhận suốt đời. Nghệ nhân thì rõ ràng là khác thợ cắm hoa hay người thiết kế hoa. Năm 2014, tôi là người đầu tiên giới thiệu nghệ thuật hoa Ikebana ở Việt Nam, với tôi điều này rất có ý nghĩa vì Việt Nam luôn là quê nhà.

CẢM HỨNG THUẦN VIỆT VÀ NHỮNG TÁC PHẨM BƯỚC RA TỪ KÝ ỨC 

Tôi cũng là một người rất yêu mến văn hóa Nhật Bản và cũng có học cắm hoa nhưng thú thật, tôi chưa từng gặp ai mà có tình yêu và đam mê nhiều về hoa như anh. Tôi thấy anh nói về hoa không hề mệt mỏi, anh có thể chia sẻ thêm tại sao?

Với tôi, học Ikebana là một quá trình rèn luyện bản thân. Đó là một ngôi trường trí tuệ gạn lọc ra nhiều giá trị to lớn. Trước đây tôi là người nóng tính, hay háo thắng, từ khi học Ikebana tôi trở nên điềm tĩnh hơn, nhạy cảm hơn. Từ việc biết tôn trọng hoa, tôn trọng thiên nhiên, tôi cũng hiểu về bản thân mình hơn.

Hoa cũng không chỉ để trang trí. Người học hoa cần có nhiều kiến thức tổng hợp và sự tinh tế. Tôi học được cách diễn đạt hoa bằng sự quan sát, trải nghiệm, bằng phong cách sống dung hòa nhiều nền văn hóa. Khi đối diện với hoa, tôi được là chính mình, có thời gian cho riêng mình, buông bỏ được nhiều buồn phiền và sống một cuộc sống sinh động, tươi vui hơn. Học cắm hoa Ikebana thật sự là một quá trình làm việc với chính mình.

Mỗi bình hoa Ikebana ở trình độ cao có thể gọi là tác phẩm cũng không quá lời vì đó là thành quả của học và thực hành trong tối thiểu 5 năm liền và có những tác phẩm hoa phải mất 4- 5 giờ, thậm chí cả ngày để hoàn thành. Điều này chứng tỏ người học phải có sự kiên nhẫn và chịu khó rất cao, cùng với sự kết hợp của rất nhiều kỹ thuật xử lý.

Anh đã biểu diễn cắm hoa ở những đâu và những gì còn đọng lại trong anh sau sự kiện “Một thoáng Kyoto” vừa rồi?

Ngoài Pháp, tôi đã được mời biểu diễn ở nhiều sự kiện hoa lớn tại Singapore, Dubai… nhưng là một người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, tôi luôn mong có dịp được chia sẻ với đồng bào mình những nét đẹp đời sống thông qua hoa lá. Thế nên nếu như thông thường để tham gia một sự kiện, tôi sẽ cần chuẩn bị từ 6 tháng đến 1 năm, nhưng ngay khi có cơ hội đến, tôi biết rằng mình không thể bỏ lỡ. Vì lịch trình làm việc khá dày đặc, tôi chỉ có 10 ngày để cùng các học trò của mình thực hiện một triển lãm khá quy mô với 30 tác phẩm Ikebana và Manako style. Ơn trời, nhân duyên đủ đầy, thầy trò chúng tôi đã có một kỷ niệm rất đẹp với hoa trong 3 ngày 7-8-9/9/2024. Cảm giác của tôi cho đến bây giờ khi đã về Pháp rồi mà vẫn là lâng lâng vui sướng, tôi biết ơn và trân trọng tất cả.

Wow quả là một sự “thần tốc” nhỉ, một triển lãm hoa mà chỉ có 10 ngày chuẩn bị. Anh đã làm những gì để hiện thực hóa ước muốn và tác phẩm nào khiến anh nhớ nhất ở triển lãm?

Tôi mất ăn mất ngủ nhiều ngày liền, vì ngoài 6 tác phẩm của tôi có kích cỡ lớn cần nhiều công sức thì tôi còn phải chỉ đạo nghệ thuật cho hơn 20 tác phẩm của các học trò nữa. Ikebana có nhiều nét đặc trưng của Nhật Bản nhưng tôi muốn kết hợp với nguyên liệu Việt Nam. Có đêm vừa ngủ chập chờn thì 2 giờ sáng tôi bật dậy vì tự dưng nảy ra ý tưởng như một tia chớp vậy, ngay lập tức tôi phải “sketch” ra để chuẩn bị những thứ liên quan tác phẩm được kỹ lưỡng.

Đêm trước triển lãm, tôi cắm hoa tới 3 giờ sáng mới xong được 3/6 tác phẩm, 6 giờ sáng hôm sau lại tiếp tục trực tiếp chăm sóc và điều chỉnh hơn 20 bình hoa của học trò để 10 giờ sáng đón những vị khách đầu tiên và trong khoảng 2 tiếng tiếp theo là cắm biểu diễn 3 tác phẩm lớn nữa. Khối lượng công việc khá dồn dập.

Tôi dùng lá cọ, cỏ nến, lá lan chi… những nguyên liệu rất Việt Nam rất dễ tìm, thậm chí còn bị coi là rác, nhưng với tôi chúng rất đẹp và tạo được cảm giác liên tưởng đến một cánh đồng cỏ đung đưa trong gió hè thu. Với tôi cỏ, lá không là lá, cỏ thông thường mà là “con mắt của tâm trí”, tất cả đều có thể khái quát thành hình ảnh có tính biểu tượng. Và trong không gian đó, những sợi mây tạo hình như những cánh hạc… Chim bay, bướm lượn, khoảng trời bao la… một bức tranh thiên nhiên sống động được tái hiện tất cả trong một bình hoa một cách duyên dáng, thanh nhã, gợi nhiều cảm xúc. Sự hưởng ứng và yêu thích của người xem thể hiện trong quá trình tôi cắm biểu diễn khiến tôi vô cùng hạnh phúc.

Xin lỗi có chút riêng tư, nhưng tôi tình cờ nhìn thấy anh… khóc khi giới thiệu một tác phẩm hoa với khách tham quan ở triển lãm. Điều gì khiến anh xúc động đến vậy? Và trong gia đình, ai là người ảnh hưởng đến anh nhiều nhất?

Mẹ tôi năm nay đã hơn 80, tôi thuyết phục mãi bà mới chịu lên thành phố xem tôi biểu diễn. Vì tôi nói với bà rằng “có thể đây là lần đầu mà cũng là lần cuối mẹ xem con cắm hoa trên sân khấu…”. Các chị gái và các cháu tôi cũng đi cùng với mẹ tôi, có người thân ngồi dưới ghế khán giả theo dõi từng cử chỉ của mình trên sân khấu… khoảnh khắc đó, cảm giác đó, chắc chắn không bao giờ tôi quên được.

Hồi còn nhỏ nhà tôi ở quê nghèo lắm. Mẹ tôi là một người phụ nữ rất khéo tay, bà dạy cho tôi đan lát những vật dụng sinh hoạt trong gia đình bằng lá dừa, mây tre, cỏ bàng… Tôi đã thuần thục những việc bằng tay như thế từ lâu lắm rồi.

Mẹ tôi hội đủ các giá trị cao quý của người phụ nữ Việt Nam, bà chỉ có hai bàn tay trắng nhưng luôn tràn ngập sự yêu thương, vô cùng chịu khó và hy sinh mọi thứ vì con. Có giai đoạn gia đình tôi ở trong tận cùng nghèo đói và đau khổ, không có người đàn ông trụ cột trong nhà, mẹ tôi không từ nan việc gì, làm thuê làm mướn mọi cách để có tiền nuôi con. Tôi lúc đó còn nhỏ, thương mẹ quá, chỉ biết ráng phụ mẹ, sau giờ đi học tôi nhận đương đệm đương chiếu bằng cỏ bàng, mỗi ngày làm tới tối khuya. Tôi học từ mẹ, tôi làm được những sản phẩm khổ to, từ đó quy ra gạo ra đồ ăn cho nhà mình.

Không ngờ những kỹ năng của ngày thơ bé đó bây giờ lại giúp ích cho tôi rất nhiều trong nghề hoa và có những lúc chính tôi cũng ngỡ ngàng nhận ra có những tác phẩm mình đã sáng tác từ tiềm thức, từ ký ức của mình. Vì thế mà tôi xúc động.

Tôi yêu thương và quý trọng mẹ tôi vô cùng. Ở triển lãm vừa rồi, người khách quý tôi mong chờ được gặp nhất, chính là mẹ. Cuối cùng thì cũng có dịp ngay tại Việt Nam, mẹ tôi được chứng kiến và hiểu được công việc tôi đang theo đuổi. Trước đây bà cứ lo lắng tại sao tôi học hành rồi đi làm ổn định thế mà lại nghỉ, “làm gì không làm lại đi cắm hoa!”. Nhìn ánh mắt của bà, tôi hiểu là mẹ rất vui, xúc động và tự hào về tôi.

TIN VÀO NHÂN DUYÊN TỐT ĐẸP VÀ ƯỚC MƠ LAN TỎA TINH THẦN HOA DUY MỸ

Ikeba là trường phái học cắm hoa với rất nhiều nguyên tắc và người học được cấp chứng chỉ theo từng cấp độ. Có những người chọn học Ikebana cả đời. Không chỉ là nghệ nhân, anh còn là một giảng viên, anh chia sẻ về bộ môn nghệ thuật này cho các học viên với tâm thế như thế nào?

Cắm hoa Ikebana không chỉ là công thức, kỹ thuật. Những điều này cần thiết nhưng hoàn toàn có thể giỏi các kỹ năng này thông qua sự rèn luyện. Hoặc bạn có thể học đủ giáo trình với các bài học theo yêu cầu là có thể được cấp bằng nhưng khi giảng dạy tôi thường quan tâm đến việc  giúp học viên có được sự quan sát, hiểu được thiên nhiên, hiểu được mỗi bông hoa mỗi cành lá là một đời sống; giống như trong các mối quan hệ nếu mình hiểu người, người tin mình thì sẽ có một sự đối thoại rất đồng điệu. Cảm xúc và cảm hứng, tình yêu và sự tôn trọng thiên nhiên mới chính là nền tảng để có thể đi đường dài với hoa đạo Nhật Bản.

Tôi có chút băn khoăn, liệu rằng những nghệ nhân hoa như anh, đã sống được với nghề chưa? Lựa chọn “hoa hồng” hay “bánh mì, nhiều lúc cũng nghiệt ngã lắm chứ!

Tôi đang sống ổn. Tôi có những lớp dạy cắm hoa định kỳ ở Pháp, và xen kẽ là các sự kiện hoa trong ngành, cùng những chuyến đi-về giữa Pháp và Việt Nam với các học viên ở TP.HCM và Hà Nội.

Mỗi lần về quê nhà là tôi lại thấy bất ngờ thú vị vì những phát triển nhanh chóng trong mọi lĩnh vực. Nếu 10 năm trước tôi lần đầu giảng dạy về Ikebana chưa mấy ai biết tới, nguyên liệu học thiếu thốn đủ thứ thì bây giờ lại rất dễ dàng, có những học viên có cả trăm chiếc bình gốm Ikebana và riêng bình thôi đã là một tài sản không nhỏ.

Hiện tại cuộc sống của tôi khá giản dị, có những ngày ở đỉnh cao của niềm vui tỏa sáng thì cũng có những ngày tôi vui với những bữa nấu ăn bình thường ở nhà. Con đường hoa đạo còn rất dài, tôi cứ thực hành mỗi ngày đều đặn mà không áp lực gì. Chưa chắc giàu có về vật chất đã là hạnh phúc. Tôi hạnh phúc và thích nghi với mọi nhân duyên đến với mình.

Anh nhắc nhiều đến nhân duyên. Đây là yếu tố có ý nghĩa thế nào đối với anh?

Khi còn trẻ tôi chỉ nghĩ rằng mình cứ nỗ lực thì sẽ được đền đáp. Nhưng thực tế tôi biết có nhiều người giỏi về bằng cấp hơn tôi, điều kiện phát triển cũng hơn tôi nhưng tôi may mắn hơn vì có những cơ hội được thể hiện qua những sự kiện lớn, ở những nơi chốn sang trọng đẳng cấp. Bây giờ tôi tin vào nhân duyên. Đam mê hay trình độ đôi khi chưa đủ. Tôi may mắn được nhiều quý nhân giúp đỡ. Tôi ghi nhớ và biết ơn tất cả. Tôi không bao giờ “có trăng quên đèn”.

Sẵn tiện bạn hỏi thì tôi sực nhớ. Ở một sự kiện hoa của tôi ở Pháp, tình cờ trong lúc tôi đang cắm hoa demo cho một tác phẩm thì có một khán giả đặc biệt đến nói với tôi rằng: “Khi anh cắm hoa tôi nhìn thấy một trường năng lượng đặc biệt bao quanh lấy anh và hoa!”. Khi đó tôi chưa hiểu lắm, sau mới biết rằng bà là một nhà ngoại cảm. Nhưng giờ đây, khi đã qua 20 năm học hoa, sống với hoa và qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, tôi lại nhớ lời nói của bà. Tôi cũng thích nghe kinh Phật và các bài giảng của các thiền sư. Có lẽ trong vô lượng kiếp tôi cũng đã từng gieo một cái “nhân” gì đó để kiếp làm người này tôi được trở lại với hoa.

Vì tin vào nhân duyên, bây giờ với tôi mọi thứ thật bình thường, tôi không còn đặt ra nhiều kỳ vọng như thời trẻ. Tôi không còn đi tìm tương lai nữa. Tôi sống trọn vẹn mỗi ngày và làm thật tốt điều mình có thể làm tốt nhất. Rồi cái gì tới thì nắm bắt và nỗ lực hết mình với tinh thần của một chiến binh samurai.

Tôi gạn lọc vẻ đẹp của những sự giản đơn trong đời sống hàng ngày và đưa vào các tác phẩm của mình, như một sự thực tập. Ước mơ duy nhất của tôi bây giờ là được phục vụ và lan tỏa cái đẹp của hoa đạo Nhật Bản đến cộng đồng. Tôi làm gì thì cái đẹp, sự duy mỹ vẫn luôn luôn là đích đến.

Cám ơn anh về những chia sẻ ấm áp và ý nghĩa, chúc anh đạt được những tâm nguyện của mình.

Ảnh: Rabhuu
Bài: LE MYNS
 

Related Article