“Ngày xưa có một chuyện tình”: 3 góc nhìn, 3 hệ quy chiếu tình yêu
Music & FilmLifestyle

“Ngày xưa có một chuyện tình”: 3 góc nhìn, 3 hệ quy chiếu tình yêu

Vừa qua, phim điện ảnh “Ngày Xưa Có Một Chuyện Tình” đã tung bộ poster giới thiệu các thành viên trong gia đình của ba nhân vật chính Vinh, Miền, Phúc. Phim điện ảnh chuyển thể được mong chờ nhất của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chuẩn bị ra mắt công chúng.

Gia đình của nhân vật Vinh (Avin Lu) có bà Vọng (Ngân Quỳnh) và cậu Huân (Xuân Nghị). Gia đình của nhân vật Miền (Ngọc Xuân) có chú Sáu Thôi (Mai Thế Hiệp), cô Sáu Thôi (Kiều Trinh), chị Lụa (Rima Thanh Vy) và anh Hướng (Sỹ Hậu). Gia đình của nhân vật Phúc (Đỗ Nhật Hoàng) có ông Giáo Dưỡng (Tấn Thi) và chú Chước (Bá Cường). Bộ phim quy tụ những gương mặt quen thuộc với khán giả từ đủ các thế hệ diễn viên của màn ảnh Việt, hứa hẹn về thực lực diễn xuất để đem đến nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem. 

Thông qua dàn nhân vật phong phú ở các vai trò và độ tuổi, “Ngày Xưa Có Một Chuyện Tình” cho thấy đây không chỉ là một bộ phim về tình bạn và tình yêu, mà còn thể hiện câu chuyện của các gia đình – nơi đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tính cách, quan niệm về tình yêu và cuộc sống trong mỗi đứa trẻ. Vinh, Miền, Phúc lớn lên trong hoàn cảnh khác nhau, từ đó, ba nhân vật có những góc nhìn riêng về tình yêu và cách thể hiện tình yêu. Khi trưởng thành, Vinh, Miền, Phúc cũng lần lượt đưa ra lựa chọn cho riêng mình, nhưng lựa chọn ấy thực chất cũng chịu ảnh hưởng khá nhiều từ những ký ức, hay thói quen mà gia đình để lại. 

Chia sẻ với Men’s Folio Vietnam, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho hay: “Tôi luôn quan tâm nhiều đến những chi tiết nhỏ bị bỏ qua trong đời sống. Với “Ngày xưa có một chuyện tình”, câu chuyện được kể ở ba góc nhìn khác nhau, từ đó chúng ta có cơ hội được nhìn thấy và đồng cảm trước những cảm xúc vụn vỡ, những góc khuất, cảm giác chuộc lỗi của tâm hồn mà nhân vật đang gánh chịu. Với bộ phim này, tôi vẫn trân trọng và thương yêu những người phụ nữ, muốn họ được kể câu chuyện của mình, muốn họ thật sự sống với những cảm xúc riêng tư, những nỗi bận lòng, cả những toan tính và sự hy sinh”. 

Vốn nổi tiếng với các địa điểm du lịch biển, nhưng cảnh sắc Phú Yên trong “Ngày Xưa Có Một Chuyện Tình” hiện lên đầy hoài niệm, lãng mạn nhờ nỗ lực khai thác những bối cảnh chưa từng xuất hiện trên phim ảnh trước đây. Những cụm nhà đồng nhất về kiến trúc, với mái ngói đỏ và tường vàng ở xã Hoà Mỹ Tây, huyện Tây Hoà, nằm xen kẽ giữa các ruộng lúa xanh bát ngát tạo nên ngôi làng Phô Thị thanh bình – nơi các nhân vật trong phim sinh sống. Tại xã Hoà Tân Tây, huyện Tây Hoà, ê-kíp đã tận dụng đường bờ ruộng ngập nước cho những cảnh quay trên cao bằng flycam, để thấy được sự thay đổi về mùa màng, cũng chính là từng cột mốc của 3 nhân vật Vinh, Miền, Phúc: mùa gieo mạ – thuở thơ ấu, lúa lên xanh – thời cấp 3, gặt lúa chín – lúc trưởng thành. 

Một trong những bối cảnh quan trọng trong phim là con suối tại xã Hoà Xuân Nam, huyện Đông Hoà, nơi chứa đựng kỷ niệm quý giá về tình bạn thân thiết giữa Vinh và Phúc, cũng như tình yêu trong sáng giữa Phúc và Miền. Con suối có dòng nước chảy xiết, ẩn mình giữa rừng sâu thăm thẳm hiện lên thơ mộng qua các cảnh quay bằng flycam. Do địa hình hiểm trở, đường vào suối không thuận lợi, ê-kíp “Ngày Xưa Có Một Chuyện Tình” đã phải vận chuyển toàn bộ thiết bị bằng sức người, xuyên qua đường mòn, lội suối, để có được những khung hình vô giá.

Nói về cảm xúc khi thêm một tác phẩm của mình được chuyển thể thành phim điện ảnh, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết: Tôi nghĩ chắc nhà văn nào cũng vậy, khi ngồi vào bàn đều cố làm sao viết cho được một cuốn sách thật hay chứ không nghĩ đến chuyện cuốn sách của mình khi chuyển thể điện ảnh thì nó sẽ như thế nào. Những suy nghĩ ngoài lề như thế dễ khiến người viết bị phân tâm. Tất nhiên khi sách đã in ra rồi thì nhà văn có quyền để đầu óc bay bổng. Riêng tôi thì tôi không nghĩ ngợi nhiều lắm về chuyện này. Bởi tôi biết cũng nhân vật tiểu thuyết đó, một trăm người đọc sẽ có cho mình một trăm hình ảnh khác nhau – tùy theo tính cách và trải nghiệm của từng người. Đạo diễn cũng thế thôi. Trịnh Đình Lê Minh sẽ hình dung ra Vinh, Phúc, Miền theo sự cảm nhận, óc tưởng tượng, theo cá tính và thiên hướng sáng tạo của anh ấy. Với tư cách một nhà văn, tôi chỉ mong từ nguyên liệu văn học, đạo diễn sẽ sáng tạo nên một bộ phim thành công, đặc biệt là chạm vào cảm xúc của người xem, vậy là tốt rồi”. 

Phim dự kiến khởi chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc từ ngày 1/11/2024.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article