Là một trong hai diễn gia của buổi workshop về “Yếu tố siêu thực – AI và 3D trong nhiếp ảnh” trong khuôn khổ series KPI (Key People’s Interest), NAG Tùng Chu (Chu Thanh Tùng) đã cho tôi những góc nhìn sát sườn thực tế với những câu hỏi xoay quanh vai trò của AI và 3D trong ngành công nghiệp sáng tạo hình ảnh. Từ nguồn cơn của “deepfake” tới tinh thần vị lai của 3D, bằng những trải nghiệm thực tế của mình, anh đã cho tôi thấy bức tranh lớn hơn và công bằng hơn, trong cách chúng ta nên nhìn và ứng dụng hai yếu tố siêu thực này.
Nhận được lời mời đồng hành cùng Men’s Folio Vietnam trong series KPI với chương đầu tiên về chủ đề nhiếp ảnh, cảm xúc của anh thế nào? Anh muốn thông qua chương trìng này gửi gắm điều gì đến độc giả?
Chào Men’s Folio Viet Nam, lời đầu tiên cho Tùng cảm ơn vì lời mời đồng hành lần này. Tôi rất vui mừng và tự hào khi được đồng hành cùng Men’s Folio Vietnam trong series KPI với chủ đề cũng là niềm đam mê của tôi – nhiếp ảnh. Đây là một cơ hội tuyệt vời để tôi có thể chia sẻ những trải nghiệm mình đã tích luỹ trong thời gian qua đến mọi người trong cộng đồng đam mê sáng tạo hình ảnh.
Thông qua chương trình này, tôi hy vọng có thể chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm của mình về nhiếp ảnh thuần tuý cho đến nhiếp ảnh kết hợp 3D, giúp độc giả hiểu rõ hơn về bộ môn này và quy trình để tạo ra những bức ảnh ấn tượng đậm tính sáng tạo cá nhân.
Tôi mong muốn rằng chương trình này sẽ mang lại nguồn cảm hứng mới cho độc giả và cộng đồng nhiếp ảnh, góp phần nâng cao tư duy trong hình ảnh và quan điểm sáng tạo của mọi người.
Cảm ơn anh đã tín nhiệm và chọn Men’s Folio Vietnam để chia sẻ kinh nghiệm và lan tỏa những giá trị của nhiếp ảnh thực thụ. Trước khi đào sâu hơn về chủ đề cần trao đổi, tôi muốn hỏi một chút, rằng anh có phải là một tín đồ của công nghệ không? Những suy nghĩ/cảm nhận của anh về công nghệ với vai trò là một nhiếp ảnh gia?
Để nói về công nghệ thì tôi sẽ nhận mình là một người đam mê tìm hiểu những kiến thức mới nhiều hơn là một tín đồ (cười). Với vai trò là một nhiếp ảnh gia, việc sở hữu chiếc máy ảnh đã là đang sử dụng công nghệ rồi, việc hiểu và sử dụng các công nghệ chỉnh sửa ảnh một cách hiệu quả có thể giúp tôi tạo ra những bức ảnh tuyệt vời hơn. Nhưng đồng thời, tôi cũng luôn giữ vững những giá trị cốt lõi của nghệ thuật nhiếp ảnh, như sự sáng tạo, cảm xúc, ý nghĩa của bức ảnh và đặc biệt là sự trải nghiệm trong những lần thực chiến.
Hãy chia sẻ một chút về trải nghiệm ứng dụng yếu tố 3D trong dự án anh từng thực hiện?
Nhiếp ảnh thuần tuý đã rất xuất sắc khi thể hiện quan điểm sáng tạo của nhiếp ảnh thông qua ánh sáng, bố cục, bối cảnh, nhân vật, thời trang, trang điểm… Vậy tại sao lại cần phải có thêm 3D?
Điều đầu tiên và hiệu quả của 3D là hiện thực hoá những ý tưởng mà trước đây tôi chưa thể thực hiện được. Tôi có thể tạo ra những hình ảnh mà nhân vật có thể xuất hiện ở nhiều bối cảnh khác nhau trong một concept. Các yếu tố khác như sự trải nghiệm trong môi trường, ánh sáng trong 3D… khiến tôi như đang được sống trong thế giới của mình, được tạo ra những thứ mình muốn, có thêm những góc nhìn khác lạ, giúp hình ảnh thêm phần ấn tượng và có nội dung thông qua kỹ thuật digital image (DI).
Ảnh sản phẩm 3D sẽ khiến sản phẩm của người chụp được chú ý nhiều hơn, nhất là khi tinh thần vị lại đang rất được lăng xê trong thời gian gần đây, một kết quả dễ hiểu từ việc làn sóng metaverse đang là xu hướng. Anh đánh giá thế nào về những ứng dụng tinh thần vị lai thông qua hình ảnh 3D?
Tinh thần vị lai thường xuất hiện trong các lĩnh vực như khoa học, công nghệ, nghệ thuật, thiết kế, kinh doanh và được sử dụng để khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới.
Nó không bị bó buộc vào phạm trù văn hoá hay trở thành thước đo nào trong sáng tạo, mà là một “công cụ” để ta bày tỏ khát khao thay đổi hiện thực, hướng đến những điều mới mẻ. Đúng như bạn nhận định, nhưng kỳ thực làn sóng metaverse đã có từ trước trong các bộ phim viễn tưởng như “The Matrix” (Ma trận), “Tron Legacy” (Trò chơi ảo giác), “Inception” (Kẻ đánh cắp giấc mơ)… Những điều đó đã giúp trí tưởng tượng của tôi bay xa mà không bị gò bó vào bất cứ quy luật gì, từ đó tôi nhận thấy 3D sẽ giúp cách xử lý vấn đề của tôi độc đáo hơn. Tóm lại, nếu đã ứng dụng 3D vào hình ảnh thì tinh thần vị lai là một điều kiện vô cùng hợp lý để tôi tự do sang tạo.
Tuy nhiên, nếu nói về quan điểm sáng tạo khi ứng dụng tinh thần vị lai vào hình ảnh sẽ có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng tinh thần vị lai quá xa vời với đời sống thật? Những điều mới lạ đó có cần thiết hay không? Có mang lại giá trị đổi mới gì không, hay chỉ là một hình thức cố gắng thể hiện hình ảnh khác đi? Đây có thể là mặt hạn chế hoặc không. Tôi sẽ tiếp tục trải nghiệm nó để tìm câu trả lời.
Giờ chúng ta chuyển hướng sang khía cạnh kỹ thuật một chút nhé. Khi chụp ảnh áp dụng yếu tố 3D thì những điều người chụp cần lưu ý là gì? Vì sao?
Khi chụp ảnh có áp dụng yếu tố 3D, người chụp cần lưu ý một số điều để đảm bảo chất lượng hình ảnh đúng tiêu chí mà ý tưởng ban đầu đề ra.
Ánh sáng môi trường. Dựa trên hướng sáng trong môi trường 3D và dùng ánh sáng nhân tạo như đèn flash để tạo lại cho chủ thể hướng ánh sáng tương đồng với môi trường 3D. Vì khi hậu kỳ cắt ghép hình ảnh thì hướng sáng sẽ là yếu tố giúp cho hình chụp có sự tương đồng với môi trường 3D, khiến hình ảnh chân thật hơn. Ví dụ, muốn ghép một cảnh 3D có đồi núi phía xa là cảnh hoàng hôn có ánh sáng vàng nhẹ, thì người chụp cũng phải đặt đèn flash ở góc 30 độ và dùng ánh sáng vàng nhẹ phủ lên chủ thể.
Prop & background: Có thể lấy ví dụ trong môi trường 3D. Nếu bạn đang muốn nhân vật đứng trong một căn phòng màu đỏ ngập tràn bóng bay, khi chụp thật cũng phải chụp nhân vật trên background đỏ để khi ghép vào 3D sẽ chân thật hơn.
Tóm lại, ánh sáng môi trường và sự tương tác của chủ thể rất quan trọng khi áp dụng hình ảnh với 3D, song song đó, nếu nhiếp ảnh có tìm hiểu về kỹ thuật digital image thì sẽ giúp ích rất nhiều cho hậu kỳ để có sản phẩm hình ảnh chân thật và ấn tượng.
Chúng ta không cần đến một chiếc máy ảnh với các thông số kỹ thuật phức tạp để cho ra đời một bức ảnh 3D, hay cần photoshop để thao tác cầu kỳ. Ở cấp độ đơn giản nhất, Facebook, Snapchat và Instagram có thể giúp người dùng dễ dàng đăng ảnh 3D từ điện thoại thông minh của họ. Anh nghĩ sao về sự tiếp cận công nghệ dễ dàng này?
Sự tiếp cận công nghệ dễ dàng này không chỉ giúp cho việc truyền tải thông điệp và tạo ra những trải nghiệm tương tác mới mẻ, mà còn giúp người dùng tăng khả năng sáng tạo, đồng thời tạo ra những nội dung mang tính cá nhân cao. Tôi thấy khá thú vị vì nó nâng cao tuy duy thẩm mỹ của chúng ta, từ đó giúp ta có cái nhìn khách quan, cũng như có khả năng tiếp cận với nghệ thuật dễ dàng hơn.
Ngoài những ứng dụng trên thì sự xuất hiện của AI mới là điều mà tôi cảm thấy vô cùng bất ngờ, hoang mang xen lẫn hào hứng. Nó sẽ trở thành bất cập với những người từ chối nó, nhưng sẽ là cơ hội cho những người đón nhận nó.
Nhắc về AI là cả một cơn đau đầu song cũng đầy phấn khích. AI đang làm náo loạn ngành công nghiệp này, nhất là về khoản sáng tạo hình ảnh. Đối với sự trỗi dậy mạnh mẽ của AI, anh đánh giá thế nào?
Có thể nói đây là thời kỳ cách mạng về hình ảnh toàn cầu. AI xuất hiện và ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghiệp sáng tạo hình ảnh. Nói AI làm náo loạn ngành này quả thật không ngoa, khi chỉ với vài dòng lệnh ngắn gọn, AI đã có thể tạo ra những bức ảnh vô cùng ấn tượng.
Đối với sự trỗi dậy mạnh mẽ của AI thì điều đầu tiên chúng ta nên làm là tận hưởng, tìm hiểu thêm về AI, để thấy những ưu và nhược điểm, từ đó rút ra được trải nghiệm cho bản thân. Có một điều mà tôi trăn trở hơn hết, đó là từ giờ trở về sau, chúng ta sẽ khó cảm giác ấn tượng với một tác phẩm hình ảnh nào nữa, vì công nghệ AI đã bình thường hoá việc đó rồi.
Sản phẩm của “deepfake” là một điều đáng báo động trong giới nhiếp ảnh vì những hệ quả mà nó gây ra trong thời gian qua. Nhưng tôi lại nghĩ chính sự tò mò và hào hứng với những hình ảnh/thông tin gây sốc của chúng ta mới là cơn gió thổi những đốm lửa “deepfake” thành một đám cháy lớn? Anh nghĩ sao về vấn đề này?
Đúng là deepfake đang được thúc đẩy và phát triển bằng chính sự tò mò của con người. Sản phẩm của deepfake đang có xu hướng vượt qua giới hạn, khi chạm đến những hình ảnh mang tính chất thiêng liêng, tôn giáo mà những người dùng AI tự cho đó là sáng tạo. Chúng ta không thể ngăn chặn hay thay đổi được điều đó, nhưng có thể nhìn nhận nó bằng góc nhìn và quan điểm thông qua sự trải nghiệm, chắt lọc những hình ảnh và thông tin đúng đắn.
Những mặt tích cực và hạn chế nào của việc ứng dụng AI trong nhiếp ảnh? Hay nói cách khác, những vấn đề nào vẫn gây tranh cãi về việc dùng công cụ hỗ trợ này?
Xét về mặt tích cực, AI đang giúp cho con người có cơ hội trải nghiệm nghệ thuật hình ảnh một cách dễ dàng thông qua ngôn từ. Những người trước đây chưa từng được học qua nghệ thuật như hội hoạ, nhiếp ảnh đều có thể sự dụng từ ngữ điều khiển AI tạo ra tác phẩm cho riêng họ. Ngoài ra, những hình ảnh mà AI tạo ra có thể dùng để tham khảo thêm cho các “idea concept” trong nhiếp ảnh. Tuy nhiên, dù đôi khi có thể dùng làm “stock background”, nhưng lại hạn chế vì chất lượng không cao, hoặc vi phạm bản quyền.
Tôi đang thấy vấn đề gây tranh cãi nhất là AI có thể tái tạo được những hình ảnh siêu thực như được chụp bằng máy ảnh thật, và thậm chí còn hấp dẫn hơn tác phẩm của nhiếp ảnh gia có nhiều năm kinh nghiệm. Chính điều này dẫn đến câu hỏi là nhiếp ảnh có thể bị thay thế không?
Quả thật là vậy. Nhiều người trong và ngoài ngành đang sợ hãi về sức ảnh hưởng của AI. Nhiếp ảnh đã chết hay đang chết (một lần nữa) là câu hỏi nhận được rất nhiều sự quan tâm.
Tôi là một người yêu nhiếp ảnh đã làm việc trong ngành hình ảnh nhiều năm, tôi cũng đã tìm hiểu và trải nghiệm những công nghệ và kỹ thuật liên quan đến hình ảnh như digital image, 3D, AI Midjourney, chatGPT… Và tôi có thể khẳng định rằng nhiếp ảnh sẽ không bao giờ chết, vì những trải nghiệm thực khi chiêm nghiệm từng khoảnh khắc sau ống kính, niềm hứng khởi khi giác quan ngưng đọng và bắt được một tấm ảnh đẹp là điều mà AI không bao giờ làm được. Điều tôi đang nói đến ở đây chính là trải nghiệm thực tế. Không riêng gì nhiếp ảnh, một số lĩnh vực liên quan đến ngành nghề sáng tạo khác cũng vậy, người nghệ sĩ chỉ đạt đến cảm giác thăng hoa, khi chính tay tạo nên tác phẩm.
Cũng như 3D và các phần mềm chỉnh sửa khác, AI là một công cụ hỗ trợ người dùng mà ai cũng có cơ hội nhận lấy, nhưng chỉ những người ưu tú có kiến thức và trải nghiệm sâu rộng, thì mới tạo ra những sản phẩm có giá trị ứng dụng trong thực tế và được xã hội công nhận.
Khi công nghệ AI ngày càng trở nên tinh vi hơn, chúng ta có thể mong đợi những bước phát triển thậm chí còn thú vị và đáng kinh ngạc hơn trong những năm tới. Nhưng làm sao để sáng tạo mà không mất đi bản sắc của người nhiếp ảnh?
Khi công nghệ AI ngày càng trở nên tinh vi và tiên tiến thì chắc chắn trong thời gian tới sẽ có nhiều bước tiến mới trong lĩnh vực sáng tạo, và chúng ta sẽ phải thích nghi với điều đó, tập sống chung với AI và không ngừng trau dồi những kỹ năng thực tế để có thể sống sót trong thời đại mới này.
Để giữ vững bản sắc của một nhiếp ảnh gia thì điều quan trọng hơn cả là kỹ năng giao tiếp và kỹ năng chuyên môn, làm việc nhóm trong những buổi chụp. Chỉ cần chúng ta đầu tư thời gian và học hỏi thêm nhiều kỹ thuật về hình ảnh mới, tạo ra những giá trị thật, thì dù có xuất hiện bao nhiêu phiên bản AI tiên tiến chăng nữa trong tương lai, nó vẫn sẽ là một loại công cụ hỗ trợ mà thôi.
Cảm ơn những chia sẻ thú vị của anh!
VỀ SERIES KPI (KEY PEOPLE ‘S INTEREST):
Series nhằm mục đích kết nối và tạo dựng những cộng đồng thật “chất” từ những cá nhân xuất sắc chia sẻ chung không chỉ là sở thích/đam mê/thú vui sưu tầm, mà còn bao gồm phong cách sống và tầm nhìn của mỗi người.