Là một trong hai diễn giả của buổi workshop về “Nét đẹp sắc độ – Về Leica và ảnh B&W” trong khuôn khổ series KPI (Key People’s Interest), nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc luôn có cảm xúc mãnh liệt với những bức ảnh phim đen trắng, vì nó luôn mang tính thẩm mỹ chân thật nhưng vẫn đủ cảm xúc.
Lý do nào đã thúc đẩy anh đến với nhiếp ảnh và chọn nhiếp ảnh làm con đường sự nghiệp chuyên nghiệp?
Tôi đến với nhiếp ảnh là một hành trình chứ không phải quyết định mang tính thời điểm. Nhìn lại, tôi đã bắt đầu như một sở thích, rồi như một công cụ để kết nối, sáng tạo và kiếm sống. Dần dần đam mê, sở thích, quyết tâm và lựa chọn cùng kết hợp lại dẫn tôi đến việc tập trung hoàn toàn cho Nhiếp ảnh nghệ thuật là một sự nghiệp. Khi chính thức dành thời gian trọn vẹn cho công việc này, tôi nhận ra là sự phù hợp với bản thân.
Điều gì tạo nên cảm hứng cho anh?
Lao động kiên trì và nỗ lực tìm kiếm cái mới cũng như hoàn thiện kỹ năng đem lại cho tôi cảm hứng và động lực để trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.
Theo quan điểm của anh, những yếu tố nào tạo nên một nhiếp ảnh gia giỏi?
Nhiếp ảnh vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, một nhiếp ảnh gia cần hội tụ tố chất phù hợp cho cả hai, vừa phải làm chủ kỹ thuật, thiết bị, vừa phải có đôi mắt thẩm mỹ và năng lực sáng tạo. Điều này chính là yếu tố để tạo nên một nhiếp ảnh gia giỏi.
Sự bắt đầu của anh đến với máy ảnh LEICA, vì sao anh có niềm yêu thích với máy ảnh LEICA?
Tôi có sử dụng một số máy Leica phim chứ chưa dùng máy số. Tôi thích những máy ảnh đó ở thiết kế bền bì, chắc chắn, đáng tin cậy và thao tác sử dụng thuận tiện. Đặc biệt chính là máy ảnh Leica còn rất đẹp nữa.
Trong bất cứ ngành nghề nào cũng có một cộng đồng chung niềm đam mê, với anh niềm đam mê và mối quan hệ trong cộng đồng nhiếp ảnh là như thế nào?
Nhiếp ảnh thực ra rất rộng và các cộng đồng nhiếp ảnh thường chia nhỏ thành chủ đề, chất liệu hay thiết bị, ví dụ chụp chân dung, phong cảnh hay máy Leica, Fuji… hoặc chụp phim, chụp ảnh kỹ thuật số. Tôi nghĩ rằng các cộng đồng là lành mạnh và cần thiết để trong đó mỗi cá nhân có thể chia sẻ và học hỏi từ những người có chung sở thích và quan tâm. Ngoài ra, một nhóm luôn tốt hơn một cá nhân nên các cộng đồng đó sẽ luôn là năng lượng thúc đẩy yếu tố mà cộng đồng đó chia sẻ.
Nhận lời tham gia vào dự án “KPI” (series “Key People’s Interest” của tạp chí Men’s Folio Vietnam) về cộng đồng nhiếp ảnh có niềm đam mê với máy ảnh LEICA, anh cảm nhận như thế nào?
Bản thân tôi cảm thấy rất vui. Cơ bản tôi thích các loại máy ảnh đẹp và đắt tiền. Tôi phân biệt công cụ làm việc và sở thích cá nhân. Với tôi, cộng đồng Leica là một cộng đồng của những người tài giỏi, thành đạt, có thẩm mỹ và lối sống đẹp và tôi mong có thể học hỏi từ họ.
Cảm ơn những chia sẻ thú vị của anh!
VỀ SERIES KPI (KEY PEOPLE ‘S INTEREST):
Series nhằm mục đích kết nối và tạo dựng những cộng đồng thật “chất” từ những cá nhân xuất sắc chia sẻ chung không chỉ là sở thích/đam mê/thú vui sưu tầm, mà còn bao gồm phong cách sống và tầm nhìn của mỗi người.