NAG Nelly Nguyễn: Hãy cởi mở với công nghệ trong nhiếp ảnh, nhưng hoà nhập đừng hoà tan
Arts & CultureLifestyle

NAG Nelly Nguyễn: Hãy cởi mở với công nghệ trong nhiếp ảnh, nhưng hoà nhập đừng hoà tan

Khi nhắc đến việc áp dụng công nghệ trong nhiếp ảnh, tôi rất phấn khích khi được trò chuyện với NAG Nelly Nguyễn – người gây tiếng vang với nhiều dự án hấp dẫn mạnh về thị giác như “Vietnamese Bánh Mì” hay “Phá Lấu”. Tôi có lòng tin, rằng quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng của Nelly sẽ giúp chúng ta hình dung rõ nét về quá khứ – hiện tại – tương lai của những công cụ vừa gây kích thích vừa dấy lên tranh cãi này, trong workshop 1 về chủ đề “Yếu tố siêu thực – AI và 3D trong nhiếp ảnh” thuộc khuôn khổ series KPI (Key People’s Interest).

Cảm ơn Nelly vì đã đồng hành cùng Men’s Folio Vietnam trong buổi workshop dành cho cộng đồng nhiếp ảnh. Trước khi đào sâu hơn về chủ đề cần trao đổi, tôi muốn hỏi một chút, rằng bạn có phải là một tín đồ của công nghệ không? Những suy nghĩ/cảm nhận của bạn về công nghệ với vai trò là một nhiếp ảnh gia?

Khi nói đến công nghệ, Nelly tự nhận mình là người không có xu hướng chạy theo công nghệ. Mình không phải là kiểu người cập nhật và ứng dụng những công nghệ mới một cách thường xuyên. Nhưng không có nghĩa là mình cho phép bản thân “ra rìa” với những chuyển biến, thay đổi của thế giới công nghệ. Mình nghĩ rằng công nghệ là một phần không thể thiếu trong nhiếp ảnh hiện nay, đặc biệt là nhiếp ảnh thương mại. Nó giúp chúng ta rút ngắn quá trình làm việc nếu biết ứng dụng một cách hợp lý.

Hãy chia sẻ một chút về trải nghiệm ứng dụng yếu tố 3D trong dự án bạn từng thực hiện?

Dự án đầu tiên mà mình quyết định ứng dụng yếu tố 3D trong nhiếp ảnh là dự án thực hiện cho bộ ảnh đăng tải trên ấn phẩm in của Men’s Folio Vietnam với chủ để về nghệ thuật. Nhưng mình khá hoang mang vì không biết khi áp dụng 3D thì kết quả cuối cùng có như kỳ vọng ban đầu không? Câu hỏi đặt ra là làm sao để kết hợp các mẫu 3D và hình chụp, ánh sáng, góc chụp… một cách phù hợp.

Mình đã có nhiều buổi làm việc với nghệ sĩ chuyên về 3D để xử lý những vấn đề đó, từ khâu chuẩn bị cho ý tưởng, các góc chụp dự kiến, chất liệu tham khảo, bối cảnh, ánh sáng, bảng trình bày ý tưởng cho phần hình ảnh và 3D… đến thảo luận, chỉnh sửa, hậu kỳ để cho ra bộ ảnh hoàn thiện.

Ảnh sản phẩm 3D sẽ khiến sản phẩm của người chụp được chú ý nhiều hơn, nhất là khi tinh thần vị lại đang rất được lăng xê trong thời gian gần đây, một kết quả dễ hiểu từ việc làn sóng metaverse đang là xu hướng. Bạn đánh giá thế nào về những ứng dụng tinh thần vị lai thông qua hình ảnh 3D?

Con người luôn có xu hướng bị hấp dẫn bởi những cái mới. Cũng giống như khi chủ nghĩa vị lai lần đầu ra mắt ở Ý năm 1909 với sự phủ định quá khứ và đề cao tương lai, nền văn minh công nghiệp đã tạo nên một trào lưu. Nên việc chúng ta bị hấp dẫn bởi ảnh sản phẩm 3D là điều dễ hiểu. Vì nó mang tới một sự mới mẻ, giúp những ý niệm siêu tưởng được hiện thực hóa bằng phần nhìn, những điều mà trước đây là không tưởng.

Bên cạnh đó, phải nói đến một thực trạng lạm dụng các yếu tố 3D đã dẫn đến sự vô cảm trong tác phẩm. Hay nói một cách khác, đó là sự hưởng ứng trào lưu một cách bị động và không thực sự đến từ những tìm hiểu nghiêm túc. Do đó, việc lệ thuộc và sử dụng nó không gì hơn là lấp đi sự cẩu thả trong tiền kỳ và yếu kém trong kỹ thuật.

Dù chụp ảnh 3D hoạt động theo cùng một cách nhưng ở mỗi đối tượng khác nhau, mà ở đây cụ thể là vật tĩnh và người thật hẳn là cũng có những mặt khó khăn riêng. Bạn có thể chia sẻ nhiều hơn không?

Thật ra nguyên lý cho việc ứng dụng 3D trên hình ảnh giữa tĩnh vật và người là tương đồng nhau, đó là thiết lập ánh sáng, góc chụp giữa hình và bối cảnh 3D/các mẫu 3D với nhau để tạo nên một tổng thể hoà hợp nhất. Nhưng đối với khía cạnh sản phẩm, đó sẽ là việc đối mặt nhiều hơn trong việc xử lý giữa những chất liệu khác nhau, ảnh hưởng tới ánh sáng, góc chụp và áp môi trường 3D lên (ví dụ như chất liệu thuỷ tinh, chất liệu da, chất liệu kim loại…)

Giờ chúng ta chuyển hướng sang khía cạnh kỹ thuật một chút nhé. Khi chụp ảnh áp dụng yếu tố 3D thì những điều người chụp cần lưu ý là gì? Vì sao?

Kỹ thuật nếu bàn đến thì có rất nhiều như quá trình làm việc nhóm, thảo luận với nghệ sĩ 3D… nhưng quan trọng hơn hết, đó là việc bạn biết mình cần gì và muốn gì, để có được những chất liệu cần thiết cho tác phẩm của mình. Rộng hay hẹp thì đó vẫn là câu chuyện của chiếc chìa khóa then chốt – góc chụp, ánh sáng, bố cục.

Chúng ta không cần đến một chiếc máy ảnh với các thông số kỹ thuật phức tạp để cho ra đời một bức ảnh 3D, hay cần photoshop để thao tác cầu kỳ. Ở cấp độ đơn giản nhất, Facebook, Snapchat và Instagram có thể giúp người dùng dễ dàng đăng ảnh 3D từ điện thoại thông minh của họ. Bạn nghĩ sao về sự tiếp cận công nghệ dễ dàng này?

Với sự phát triển từng giờ từng ngày của công nghệ, đó là một điều không thể tránh khỏi. Nó là một bước khởi đầu, một công cụ hữu hiệu cho những bạn trẻ mới chập chững bước vào lĩnh vực sáng tạo. Nhưng bên cạnh đó, nó cũng vô hình trung tạo ra những lầm tưởng trong việc thế nào là sáng tạo, hay thế nào là nhào nặn những thứ sẵn có là sáng tạo và so sánh nó với những sản phẩm được tạo ra từ sự rèn luyện, nghiên cứu và chất xám của những người làm nghệ thuật.

Ngoài ra, sự trợ giúp của những công cụ sẵn có trên nền tảng di động, cũng như sự phát triển chóng mặt của mạng xã hội, cũng khiến nhiều người lầm tưởng, rằng quá trình sáng tạo ra một sản phẩm là đơn giản và không cần mất nhiều nỗ lực. Nó dẫn đến việc chất xám và công sức làm ra một tác phẩm bị coi nhẹ.

Nhắc về AI là cả một cơn đau đầu song cũng đầy phấn khích. AI đang làm náo loạn ngành công nghiệp này, nhất là về khoản sáng tạo hình ảnh. Đối với sự trỗi dậy mạnh mẽ của AI, bạn đánh giá thế nào?

Bức ảnh đầu tiên được chụp bởi Joseph Nicéphore Niépce vào năm 1826 đã đánh dấu sự ra đời của nhiếp ảnh. Sự phát triển của nhiếp ảnh dấy lên những tranh cãi nảy lửa trong giới nghệ thuật lúc bấy giờ về mối lo ngại, rằng nhiếp ảnh sẽ chiếm ngôi của hội hoạ, nhất là khi ảnh màu được phát minh và ngày càng hoàn thiện. Nhưng tới nay, nhiếp ảnh và hội hoạ đều có một chỗ đứng riêng trong nghệ thuật. Hai lĩnh vực sáng tạo này phần nào đã bổ trợ cho nhau và cho chúng ta nhiều không gian, cảm hứng hơn trong thực hành sáng tạo.

Và bây giờ, sự trỗi dậy của AI cũng đang lặp lại điều đó. Chúng ta không thể phủ nhận AI đang giúp đẩy nhanh tiến độ làm việc trong mọi lĩnh vực nói chung và trong sáng tạo nói riêng. Nhưng hoà nhập hay hoà tan đó là sự lựa chọn của mỗi cá nhân. Và mình luôn tin, rằng nghệ thuật được tạo nên từ cảm quan và sự chiêm nghiệm của mỗi người trong một thời gian dài trải nghiệm là những giá trị tạo nên một tác phẩm, chứ không xuất phát từ thiết bị hay bất kỳ công cụ nào.

Sản phẩm của “deepfake” là một điều đáng báo động trong giới nhiếp ảnh vì những hệ quả mà nó gây ra trong thời gian qua. Nhưng tôi lại nghĩ chính sự tò mò và hào hứng với những hình ảnh/thông tin gây sốc của chúng ta mới là cơn gió thổi những đốm lửa “deepfake” thành một đám cháy lớn? Bạn nghĩ sao về vấn đề này?

Không đúng hay sai một cách hoàn toàn. Không phủ nhận chính sự tò mò và những thông tin sốc, giật gân luôn thu hút tương tác, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận và người xem. Nhưng cốt lõi nằm ở đạo đức và trách nhiệm của mỗi người trong việc đăng tải thông tin và nội dung trên mạng xã hội. Và trong tương lại gần, mình nghĩ sẽ có những điều luật chặt chẽ hơn để kiểm soát phần nào những hình ảnh deepfake.

Những mặt tích cực và hạn chế nào của việc ứng dụng AI trong nhiếp ảnh? Hay nói cách khác, những vấn đề nào vẫn gây tranh cãi về việc dùng công cụ hỗ trợ này?

Đó là vấn đề bản quyền và cách thức ứng dụng AI trong công việc cũng như mục đích sử dụng. AI sẽ là một nguồn tài nguyên lớn, rộng mở cho việc tìm ý tưởng cũng như khiến chúng ta không ngừng nghiên cứu và học hỏi thêm để tạo thế chủ động. Chủ động ở đây là việc có thể điều khiển để kết hợp những cái riêng của mình kết hợp với AI để tạo ra sản phẩm.

Nhiều người trong và ngoài ngành đang sợ hãi về sức ảnh hưởng của AI. Nhiếp ảnh đã chết hay đang chết (một lần nữa) là câu hỏi nhận được rất nhiều sự quan tâm. Bạn đánh giá thế nào về mối lo này?

Cũng giống như việc chuyển giao giữa nhiếp ảnh film và nhiếp ảnh kỹ thuật số, cùng sự ra đời của photoshop. Có lẽ trong tương lai, nhất là trong nhiếp ảnh thương mại, sẽ đòi hỏi người nhiếp ảnh cần có kiến thức sâu rộng về nhiếp ảnh, có khả năng vận dụng AI và ứng dụng 3D, hơn là việc chỉ bấm máy thuần túy hay những kỹ thuật photoshop thường thức.

Nhưng với các lĩnh vực liên quan đến/có yếu tố nghệ thuật, nó sẽ vẫn cần những giá trị con người, quá trình hình thành của một tác phẩm. Như việc chúng ta hiện đang quay lại với analog photography (nhiếp ảnh phim), hay việc kết hợp giữa analog, kỹ thuật số và những phương tiện media khác, để tạo ra những thành phẩm nghệ thuật hoàn hảo và chân thật nhất.

Cảm ơn những chia sẻ thú vị của bạn.

VỀ SERIES KPI (KEY PEOPLE ‘S INTEREST):

Series nhằm mục đích kết nối và tạo dựng những cộng đồng thật “chất” từ những cá nhân xuất sắc chia sẻ chung không chỉ là sở thích/đam mê/thú vui sưu tầm, mà còn bao gồm phong cách sống và tầm nhìn của mỗi người.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article